Thời gian cứ trôi đi. Những chuyện trong quá khứ về một cô bạn tưởng đã vùi sâu vào quên lãng thì bỗng nhiên lại hiện về rõ rệt. Hôm nay vô tình gặp lại Thùy Trang, tôi đã giật mình khi nghe nhắc về nhỏ. Kí ức chợt sống dậy nguyên vẹn và tinh khôi quá. Nhỏ, người bạn đã dạy cho tôi bài học về nghị lực.
Hồi lớp 9 tôi chuyển chỗ ở từ Bình Dương lên Sài Gòn tiếp tục việc học. Vừa chuyển vào lớp mới tôi chân ướt chân ráo chưa quen biết ai hết, ấy vậy mà chưa đầy một tháng tôi được cả lớp tín nhiệm giao cho chức vụ lớp phó học tập. Tuy vậy sức học của tôi không được xếp vào hạng nhất, trên hạng tôi có cô bạn lớp trưởng năng động. Và đứng thứ hai là nhỏ – Nguyễn Thị Thúy Hiền.
Lúc đầu năm phải nói thật là tôi và nhỏ không ưa gì nhau lắm. Tôi thấy nhỏ trầm lặng hay suy tư, nhất là với tôi nhỏ chẳng bao giờ cười. Cũng dễ hiểu thôi dù sao hai đứa cũng là đối thủ của nhau trong việc học tập. Tôi thức khuya ôn luyện, “cày” liên tục để …hạ gục nhỏ. Nhỏ cũng chẳng vừa quyết trả đũa tôi bằng cách làm hầu hết tất cả các bài tập từ SGK đến nâng cao.
Tôi cao điểm văn nhất lớp, nhỏ thì làm một cú nổi tiếng khắp trường bằng một bài văn trên báo tường của lớp nhân dịp 20/11 viết về một cô giáo đã không còn dạy nữa. Hồi biết kết quả cuối năm cả tôi và nhỏ đều khóc. Tôi khóc vì thua nhỏ một bậc, còn nhỏ khóc vì … không được xếp hạng nhất.
Nhưng rồi một ngày kia tôi không còn ganh ghét với nhỏ nữa. Ấy là khi tôi phát hiện ra cuộc sống mà nhỏ đang trải qua mỗi ngày. Nếu là tôi, có lẽ, như rất nhiều người vấp phải hoàn cảnh đó, tôi sẽ bỏ cuộc.
Hiền sống chung một nhà với Thùy Trang. Lúc đầu tôi nghĩ chắc bởi do nhà nhỏ xa không tiện đi lại nên vào ở chung với nhà Trang đi học cho gần. Tôi đã đúng một phần. Đúng là nhà Hiền ở xa thật, nhưng thật chất là ở đâu thì tôi chưa bao giờ biết. Còn việc vào ở nhà Trang thì đó là một cơ hội để có thể tiếp tục ước mơ được đi học. Ba Hiền ở đâu? Còn sống hay đã mất? Tôi không biết.
Và bởi nhỏ chẳng bao giờ nhắc đến, chỉ biết ở Sài Gòn này nhỏ còn có một người mẹ và một cô em gái còn bé. Người mẹ ấy đã mỏi mòn nuôi cả hai đứa con , lại bôn ba ở đất Sài Gòn. Việc làm thì bấp bênh, vẫn còn đó nỗi lo tiền ở trọ. Gánh nặng cuộc sống cứ nhọc nhằn mỗi ngày trên vai người phụ nữ. Khổ một nỗi đi làm thì cũng chẳng yên vì đứa con út còn bé quá, gửi nhà trẻ thì lại tốn thêm một khoảng tiền biết làm sao xoay sở.
Vậy là mỗi ngày bà vừa trông con vừa buôn bán. Một người bạn đã kể với tôi rằng mẹ Hiền bảo Hiền nghỉ học phụ giúp mẹ. Tôi nghĩ có lẽ khi nói ra lời ấy người mẹ nào cũng đau lòng nhưng cũng vì cuộc sống nhiều lo toan khiến bà không thể nào lo cho con ăn học tiếp, sau Hiền lại còn có em nhỏ.
Và rồi tôi biết được Hiền bỏ nhà ra đi. Nhỏ bạn của tôi đã vào ờ nhà Thùy Trang như vậy đấy. Biết hoàn cảnh, ba má Trang thương nhỏ như con ruột trong nhà. Vậy là cuộc sống trôi đi, một cô bạn không muốn đời đạp đổ, biết được không có gì có thể tiến lên trong thời đại này nếu không có kiến thức. Vậy là quyết tâm phải đi học. Tôi nhìn nhỏ lạnh băng. Tôi trách nhỏ sao có thể bỏ mẹ mà đi được. Nhỏ nghĩ gì tôi không biết.
Khi tôi không còn ganh ghét với nhỏ nữa thì nhỏ cũng trở nên dễ thương với tôi hơn. Sau một năm học tôi và nhỏ từ kẻ thù lại trở nên thân thiết. Dạo cuối năm học ấy nhỏ hay qua nhà tôi chơi, hai đứa hay ngồi ở ghế đá trước cửa nhà tâm sự. Nhỏ bảo sau này muốn thi vào trường luật, rồi trờ thành luật sư.
Tôi cười bảo nhỏ học tốt toán, lí, hóa như vậy sao không thi vào ngành khoa học tự nhiên. Nhỏ mơ màng không đáp. Lắm lúc tôi nghĩ nhỏ bạn của tôi là một người khó hiểu. Nhỏ bảo căm ghét tuổi thơ vì nó không đẹp, không thích mẹ và em gái vì mẹ chỉ dành tình thương cho em. Nhưng nhiều khi tôi thấy nhỏ kể về em gái mình, đôi mắt nhỏ long lanh lắm. Sau mấy lần ở nhà tôi về , ba hỏi tôi nhỏ là bạn thế nào. Tôi đem chuyện gia đình nhỏ ra tâm sự với ba. Ba trầm ngâm: “Con nhỏ coi vậy mà nghị lực”.
Vào cấp ba, tôi và nhỏ thi hai trường khác nhau. Nhỏ cũng không còn ở nhà Thùy Trang nữa. Lớp 10 còn thấy nhỏ ghé qua nhà tôi mừng rỡ khoe xin được việc làm thêm ở nhà sách. Rồi năm lớp 11, lớp 12 không thấy nhỏ ghé qua. Ba tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc “Dạo này con có gặp Hiền không?”.
Rồi tôi thi đậu vào đại học, ba tôi vẫn hỏi “Hiền thi vào trường nào vậy con, có đậu không?”. Tôi lắc đầu không biết, nhỏ biệt tăm không còn liên lạc với tôi nữa. Nhỏ bạn của tôi luôn là là một cô bạn bí ẩn. Với cuộc sống tự lập như vậy nhỏ có thể vượt qua không? Tồn tại trên đời để sống tốt mà không có người che chở và bảo bọc thật khó. Tôi vẫn luôn hỏi giờ này nhỏ ở đâu? Có vào được trường luật như mơ ước?
Rồi hôm nay vô tình gặp lại Thùy Trang tôi biết rằng nhỏ đã làm được- trở thành sinh viên Đại học Luật TPHCM. Nhưng cũng giống như tôi, Trang không biết thêm gì về nhỏ nữa. Tôi mừng cho cô bạn ngày nào, và tôi khâm phục ý chí của một cô bé có dáng người gầy nhưng phong ba cuộc sống không làm sao quật ngã được.
Tuần vừa qua tôi gặp một vài rắc rối trong cuộc sống và tôi đã khóc rất nhiều. Nhưng giờ đây khi nghĩ về nhỏ- người bạn của tôi với gương mặt lạnh lùng nhưng mang một trái tim đầy nghị lực, tôi đã thôi không còn khóc nữa. Thay vì ngồi đó chờ ai đó cứu vớt đời mình hoặc để cho số phận tự phán xử, sao mình không tự quyết định cuộc sống cho chính mình?
Hôm nay ra sau nhà nhìn lên bầu trời ngắm mây trôi lơ đãng, vô tình lướt mắt lên bậu cửa sổ. Chậu hoa xương rồng mấy tháng nay tôi bỏ quên không tưới nước, nhưng sao hoa vẫn nở đẹp lạ kì.
Mỹ Tiên
Theo Phật Pháp Ứng Dụng