Thực ra, định luôn kết hợp với tuệ, không thể tách rời nhau trong sự giác ngộ. Giống như một tấm gương phải có hai điều kiện là tình trạng yên tĩnh và trong sáng. Thiếu một trong hai yếu tố đó, bạn không thể soi mặt được
Hỏi: Con nghi ngờ không biết có phải là hiện tại lạc trú thật không, vì nhiều người tự cho là đã đắc định rất cao, nhưng khi ở trong đời thường, họ có vẽ như trầm cảm, thụ động, sợ ồn ào, chỉ thích nơi yên tĩnh để dễ trú vào trạng thái định, nên cũng rất dễ sân khi gặp nghịch cảnh. Họ không quan tâm việc gì ngoài nhập định và truyền bá phương pháp thiền định của mình nên tỏ ra cố chấp và ngã mạn. Nói chung họ không thấy hiện tại lạc trú chút nào. Xin thầy vui lòng giải thích.
Trả lời: Nó là một nhược điểm của định an chỉ. Đức Phật dạy rằng định quá nhiều sẽ sinh ra trạng thái hôn trầm, vì hai thiền chi nhất tâm và xả có thể làm cho tâm trở nên thờ ơ và thụ động, như bạn đã thấy. Hơn nữa, phần lớn người thích định chỉ mong cầu đạt được an lạc hoặc muốn tránh khỏi phiền phức, nên có cơ hội là họ trú vào trạng thái hỷ lạc của định. Nhưng khi ra khỏi trạng thái đó họ khó thích nghi với môi trường sống ồn ào, phức tạp, khiến họ dễ dàng nóng giận. Họ dính mắc vào trạn thái định với tâm cố chấp và ngã mạn. Nếu bạn hành thiền định chỉ vì khao khát có được năng lực thần thông thì vô cùng nguy hiểm. Như Devadatta đã đắc định rất cao, và có cả thần thông nữa nhưng vì tham vọng quyền lực nên đã hãm hại Đức Phật, để rồi đọa vào địa ngục vô gián.
Khi nào nhập chánh định thì đúng là hiện tại lạc trú, thậm chí còn bất khả xâm phạm nữa. Nhưng thực ra hiện tại lạc trú đúng hơn là để nói đến các bậc Thánh khi an trú trong Thánh Quả Định hoặc Diệt Thọ Tưởng Định. Các bậc Thánh cũng là những người hoàn hảo trong tùy thời định. Vì họ không còn dao động trước mọi hoàn cảnh, ở đâu lúc nào cũng thong dong, tự tại, an lạc tự nhiên.
Hỏi: Làm thế nào để phân biệt được chánh định và tà định?
Trả lời: Về phương diện định luật tâm (citta niyāma), khó mà phân biệt được chánh định với tà định. Bởi vì, trong cùng một bậc định giống nhau, tất nhiên phải có cùng một trạng thái gồm những chi thiền giống nhau.
Về phương diện định luật nghiệp (kamma niyāma), thiền định được phân biệt chánh tà theo động cơ và mục đích. Nếu động cơ hành thiền định là tham, sân, si và mục đích là để thọ lạc hoặc quyền năng thì đó là tà định. Ngược lại, nếu động cơ là vô tham, vô sân, vô si và mục đích là giác ngộ giải thoát thì đó là chánh định.
Hỏi: Nhân tiện cho tôi hỏi chánh định và Thánh định có khác nhau không?
Trả lời: Yếu tố thiền chi thì cả hai đều giống nhau. Sự khác biệt duy nhất là chánh định thường ám chỉ định tốt đẹp của người thường, còn định của bậc Thánh được gọi là Thánh định, nhưng cả hai đều có thiền chi không khác nhau. Cần lưu ý rằng bạn không thể hành Thánh định mà chỉ có thể hành chánh định mà thôi. Chỉ hành thiền định bạn không thể giác ngộ được nếu không hành thiền tuệ. Khi đã giác ngộ Thánh quả, lập tức chánh định của bạn trở thành Thánh định chứ không cần phải thực hành để đắc.
Hỏi: Con có nghe một vị sư giảng phải hành thiền định trước rồi mới hành thiền tuệ sau, nhưng cũng có vị lại giảng không cần đắc định vẫn có thể đắc tuệ. Theo thầy, điều nào đúng hơn?
Trả lời: Nếu hiểu đúng, cả hai đều đúng, nếu hiểu sai cả hai đều sai. Vì hiểu lầm “định năng sinh tuệ” là phải có định trước mới có tuệ sau, nên một vài phái thiền mới chủ trương phải hành thiền định trước rồi sau đó mới chuyển qua thiền tuệ. Thực ra, định luôn kết hợp với tuệ, không thể tách rời nhau trong sự giác ngộ. Giống như một tấm gương phải có hai điều kiện là tình trạng yên tĩnh và trong sáng. Thiếu một trong hai yếu tố đó, bạn không thể soi mặt được. Dù tấm gương đứng yên nhưng không trong sáng, hoặc trong sáng mà không đứng yên thì không thể soi được vật gì. Cũng vậy, định, tuệ phải đồng thời mới có thể thấy được thực tánh.
Tuy nhiên, định được kết hợp với tuệ quán phải là sát na định, tùy thời định hay chánh niệm chứ không phải là an chỉ định. Giống như tấm gương cố định một hướng không thể phản ánh đối tượng di chuyển qua một hướng khác. Cũng vậy, người đắc định bất động chỉ có thể thấy đối tượng tĩnh chứ không thể thấy đối tượng động. Hơn nữa, giống như tấm gương bị đặt vào trong một hộp kín, tâm định sâu cách ly ngoại duyên, bị khuôn định trong khái niệm, làm sao soi được thực tánh của vạn pháp?
Chúng ta cần lưu ý một điểm vô cùng quan trọng là khi Đức Phật dạy thiền tuệ cho những người trước kia đã đắc định, không phải theo nghĩa thiền định chuyển qua thiền tuệ, vì hai loại thiền này không thể hoán chuyển được. Đức Phật chỉ muốn giúp họ biết dùng tuệ soi chiếu để phá chỗ vướng mắc của họ trong thiền định mà thôi. Nếu họ không khai thông được thì sẽ bị vướng kẹt mãi trong những thành tựu tự tâm mình tạo.
Hỏi: Có những phương pháp rèn luyện như yoga, khí công, thôi miên, ấn chú v.v… có phải là thiền định không?
Trả lời: Những phương pháp rèn luyện này đều dựa trên một mức độ nào đó của thiền định để phát huy. Nếu động lực và mục đích đúng tốt thì những phương pháp này đều đem lại lợi ích cho đời sống con người trên nhiều lãnh vực. Tuy nhiên, nếu động cơ là tham vọng và mục đích là để phát triển năng lực cho bản ngã,không phải giác ngộ giải thoát thì không thể xem là chánh định trong Phật giáo.
Hỏi: Con có nghe người nào chỉ hành thiền tuệ Vipassanā thì không thể đắc an chỉ định được, cho nên nhiều người tranh thủ hành để đắc an chỉ định trước, như vậy có đúng không?
Trả lời: Một người đã đạt được sát na định và tùy thời định trong khi hành thiền tuệ Vipassanā, thì nếu cần vị ấy có thể vào an chỉ định một cách dễ dàng. Hơn nữa, pháp hành thiền tuệ Vipassanā đúng giúp chúng ta thoát khỏi tham ái và tà kiến. Điều này phù hợp với nguyên tắc “ly dục ly bất thiện pháp” trong định an chỉ, vì vậy người ít tham ái và tà kiến không những sẽ dễ đắc định, mà không còn sợ rơi vào tà định.
Hỏi: Con nghe có một loại thiền gọi là kim cang định. Đó là loại định gì?
Trả lời: Kim cang là ý nói định kiên cố bất khả xâm phạm. Định an chỉ tồn tại có điều kiện nên không thể là kim cang định được, trừ phi đó là Thánh định.
Tuy nhiên, tùy thời định có thể là kim cang định vì nó có khả năng định vô điều kiện, bất cứ ở đâu và lúc nào. Với một bậc Thánh, định này chính là tịch tịch (santī) được gọi là an lạc tối thượng (paramaṃ sukkham).
Hỏi: Con đã thực hành thiền định được một thời gian và theo thiền sư hướng dẫn thì con đã chứng được thiền sắc giới thứ tư. Con thấy rất an lạc và thiền an chỉ giúp con cải thiện được bản thân rất nhiều. Con định sẽ luyện thần thông, nhưng bây giờ nghe thầy giảng thì con mới nhận ra rằng mình thực sự có vướng mắc trong sở đắc nên đã không tiến bộ trong thiền tuệ được. Vậy con nên tiếp tục hay nên bỏ thiền định?
Trả lời: An chỉ định tự nó không đúng hay sai. Nếu tâm bạn ít tham dục hay vọng động mà định đến một cách tự nhiên, không cần cố gắng sở hữu, cũng không cần chấp giữ nó thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu sở đắc đến do tham vọng sở hữu hỷ lạc hay năng lực siêu nhiên thì nó trở thành chướng ngại cho tuệ giác. Hơn nữa, an chỉ định dựa trên những khái niệm để phát triển, trong khi tuệ giác phải vượt qua mọi khái niệm để trực nhận thực tánh. Đó không phải là tự đánh lừa sao? Vậy nếu bạn thấy đó là vướng mắc, chỉ cải thiện cho bản ngã và mất thời gian cho sở đắc không thôi,thì sao không thoát ra càng sớm càng tốt?
Theo: Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy số 5