An-ban thiền được thành lập trên nền tảng là kinh An-ban Thủ Ý và kinh Ấm Trì Nhập.

 Ngài An Thế Cao dịch có kinh An-ban Thủ Ý, Ấm Trì Nhập chuyên nói về thiền định; thành phương pháp tu tập thiền định đầu tiên của thời Hán, Ngụy và Tấn. Kinh này nói về tu thiền sổ tức, ngoài ra cũng bao gồm các pháp thiền khác, nhưng quan trọng nhất là điều hòa hơi thở.

Sau khi ngài An Thế Cao truyền kinh này, ngài tự tu và cũng dạy cho người khác tu. Ngài An Thế Cao đã do tu thiền định mà hiện các thứ thần thông, trí huệ cũng lớn, khiến cho mọi người đối với ngài ngưỡng mộ tin tưởng và sùng kính, kinh này trở thành pháp căn bản tu thiền của thời đó. Vào thời Tam Quốc, ngài Khương Tăng Hội, từng làm chú giải và tu tập An-ban thiền; thời Đông Tấn ngài Chi Đạo Lâm được các vị trí thức suy tôn trọng vọng cũng để ý đến thiền, có chú giải An-ban Thủ Ý, Đạo An cũng từ nơi ngài Trúc Pháp Tế và ngài Chi Đàm thọ nhận pháp thiền Ấm Trì Nhập, chú giải các kinh Bát-nhã, Đạo Hành, Mật Tích, An-ban. Nhưng ở thời của Đạo An, kinh Di-lặc Thượng Sanh cũng đã truyền vào Trung Quốc, ngài khuyến khích đệ tử là Pháp Ngộ thệ nguyện sanh về Đâu-suất, đây là do Thiền mà hồi hướng về Tịnh Độ. Người bạn của ngài Đạo An, là ẩn sĩ Vương gia tu tiên luyện khí; do đó người đời sau cho rằng thiền của Phật giáo xuất phát từ đạo Tiên; thật sự thì thiền điều tức của Đạo An thời đó, tuy gần giống với pháp tu Tiên, nhưng nguyên là của Phật giáo truyền đến.

Trước ngài Đạo An còn có ngài Bạch Tăng Quang ở núi Thạch Thành tập định, mỗi lần trải qua bảy ngày mới xả định. Về sau, trải qua bảy ngày chưa xả định, đệ tử xem kỹ mới biết ngài nhập định mà tịch. Lại như ngài Trúc Đàm Du ở núi Thạch Thành, nhập thiền định trong thất đá. Ngài Tăng Hiển nhập thiền mấy ngày cũng không có vẻ gì đói khát, ở trong định lại còn thấy Phật A-di-đà, lúc mạng chung niệm Phật sanh về Tây Phương. Phong trào thiền này đều nhận các kinh An-ban Thủ Ý và Ấm Trì Nhập làm điểm xuất phát, do đó gọi là An-ban Thiền.

I. AN THẾ CAO với sự phiên dịch thiền kinh :

Vào thời Hoàn Đế đời Đông Hán, có An Thanh tự Thế Cao là thái tử của nước An Tức. Thuở bé Ngài đã từng được khen là hiếu hạnh, bẩm tánh thông mẫn, chuyên tâm hiếu học. Các sách vở nước ngoài từ thiên văn cho đến sách thuốc, Ngài thảy đều thông suốt. Sau khi vua cha băng hà, Ngài nhường ngôi lại cho người chú, xuất gia tu đạo. Niên hiệu Kiến Hoà thứ hai (148), Ngài đến Lạc Dương dịch Kinh An Ban Thủ Ý, được giới tu thiền chú trọng, có thể xem đây là bước mở đầu cho thiền học Trung Quốc. An Thế Cao vốn là người tinh thông kinh luận Tiểu thừa, cũng hành trì thiền kinh, đạt đến chỗ vi diệu của nó.

Theo Cao Tăng Truyện q.1 ghi: An Thế Cao hiểu rộng kinh tạng, nhất là tinh thông A-tỳ-đàm học, hành trì thiền kinh, đạt đến chỗ vi diệu. Sau đó du phương hoằng hoá, đi khắp các nước, vào thời Hoàn Đế đời Đông Hán mới đến Trung Quốc……., Ngài dịch kinh An Ban Thủ Ý, Kinh Ấm Trì Nhập, lớn nhỏ gồm hai mươi môn và một trăm sáu mươi phẩm. Ban đầu các vị Tam tạng nước ngoài giúp Ngài soạn thuật “kinh yếu” làm hai mươi bảy chương, vài dịch giả giỏi giúp phân tích biên tập thành bảy chương dịch ra Hán văn tức Đạo Địa Kinh.

Từ thời Hán Hoàn Đế, niên hiệu Kiến Hoà thứ hai (148) đến thời Hán Linh Đế niên hiệu Kiến Ninh (168-171), khoảng hơn hai mươi năm, Ngài dịch trên ba mươi bộ kinh luận. Hiện còn Phật Thuyết Đại An ban Thủ Ý Kinh 2q, Thiền Hành Pháp Tưởng Kinh 1q, Đạo Địa Kinh 1q. Trong ba kinh ấy, Phật Thuyết Đại An Ban Thủ Ý Kinh được giới tu thiền đặc biệt xem trọng. Khương Tăng Hội, Đạo An đều đem kinh này ra chú giải và sớ thích.

Phần đông chúng ta đều cho rằng đạo Phật có mặt ở Việt Nam là do du nhập từ Trung Quốc, nên thiền học Việt Nam cũng cùng chung số phận như thế. Mọi người đều không ngờ rằng trước khi Tổ Đạt Ma mang Thiền tông sang Trung Quốc (thế kỷ VI) thì ở Việt Nam (thế kỷ III) đã có thiền học gần ba thế kỷ rồi, thiền học đó lại được truyền ngược lại từ Việt Nam sang Trung Quốc. Và người phát huy nền thiền học đó cũng như hoằng truyền đạo Phật tại Việt Nam chính là thiền sư Khương Tăng Hội.

II. KHƯƠNG TĂNG HỘI

1. Thế nào là đạo Phật được truyền thẳng từ Ấn Độ sang Việt Nam và thiền sư Khương Tăng Hội là người hoằng truyền đạo Phật tại Việt Nam?

Đạo Phật vào Việt Nam bằng đường biển đã xảy ra từ thế kỷ I trước Thiên Chúa giáng sinh. Trong thế kỷ tiếp theo, tức thế kỷ I sau Thiên Chúa giáng sinh, đạo Phật đã tiếp tục đi vào Việt Nam bằng đường hàng hải do các nhà buôn đem tới. Thường thường khi đi buôn, các thương gia Ấn Độ đem theo những bảo tháp nhỏ đựng xá lợi Phật tượng trưng cho đức Phật và đã thực hành nghi thức đọc kinh, lễ bái trước những bảo tháp này. Vì thế trong thời gian họ lưu lại Giao Chỉ (Việt Nam), đã khiến cho người Việt biết tới Đạo Phật.

Từ Giao Chỉ có nghĩa là vùng giao lưu của hai nền văn hoá. Văn hoá Ấn Độ và văn hoá Trung Hoa. Có những nước nằm dưới ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, trong đó có nước ta. Sau này, khi nước ta bị nhà Hán xâm chiếm, dân ta mới bắt đầu thu thập những yếu tố văn hoá Trung Hoa. Nước ta trước đó có tên là Nam Việt. Rồi từ Nam Việt đổi thành Giao Chỉ, sau đó đổi thành Giao Châu khi bị nội thuộc nhà Hán. Và chính trong thời đại nhà Hán, đạo Phật từ Ấn Độ được truyền sang Việt Nam, truyền trực tiếp chứ không phải truyền sang ngõ Trung Quốc.

Thế kỷ III, Khương Tăng Hội  được sinh ra ở Giao Châu lớn lên đi tu, học tiếng Phạn, học Phật tại Giao Châu, rồi thiết lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển cũng tại Giao Châu. Trung tâm hành đạo của Ngài có thể đã dược thiết lập ở chùa Diên Ứng (chùa Dâu hay chùa Pháp Vân) ở thủ phủ Luy Lâu, tức phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Tăng sĩ người Giao Châu cư trú đông đảo tại đây và tu tập hành đạo dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tăng Hội. Tại trung tâm này cũng có hai vị cư sĩ từ kinh đô Lạc Dương tỵ nạn chạy về, đó là Trần Tuệ và Bì Nghiệp. Cả hai đều là đệ tử tại gia của thiền sư An Thế Cao ở Lạc Dương.

2. Thế nào là thiền học đại thừa được phát huy ở Việt Nam vào thế kỷ III?

Thiền học là một từ rất bao quát, chỉ chung cho Thiền nguyên thỉ, Thiền đại thừa và Thiền tông. Ở đây muốn xác định rõ nên mới ghi là Thiền học đại thừa. Ở trên chúng tôi có giới thiệu về An Thế Cao với việc phiên dịch thiền kinh. Những kinh được Thế Cao dịch tại Lạc Dương đã được mang tới và lưu hành tại Giao Châu  trong thời gian Khương Tăng Hội hành đạo tại đây. Trong đó gồm một số kinh thiền như kinh An Ban Thủ Ý và kinh Ấm Trì Nhập có tính cách nguyên thỉ. Chính Khương Tăng Hội đã giới thiệu kinh An Ban Thủ Ý theo tinh thần đại thừa và là người phát huy thiền học đại thừa đầu tiên ở Giao Châu (Việt Nam).

Truyền thống của thiền sư Khương Tăng Hội thành lập đã trở nên một thiền phái vững mạnh, tồn tại mãi đến đời Lý và sau đó đến nhà Trần mới hoà nhập cùng các thiền phái như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường v.v… vào thiền phái Trúc Lâm. Sách Thiền Uyển Tập Anh có ghi rằng người đại diện cho thiền phái Tăng Hội ở thế kỷ XII là thiền sư Lôi Hà Trạch.

Ta biết Tăng Hội đã dịch Tiểu Phẩm Bát Nhã (tức Đạo Hành hay Bát Thiên Tụng Bát Nhã), kinh căn bản và xuất hiện sớm nhất của đại thừa. Trong kinh này các quan niệm về Không và Chân như của đại thừa đã được diễn tả một cách đầy đủ và chu đáo. Thiền học tại Việt Nam do đó đã khởi nguyên bằng thiền đại thừa, không phải là thiền nguyên thỉ như ở trung tâm Lạc Dương. Mở đầu bài tựa kinh An Ban Thủ Ý, ngài viết: “An Ban tức là đại thừa của chư Phật nhằm cứu vớt chúng sanh đang trôi nổi”. Chính vì ảnh hưởng sâu đậm của giáo lý Không và Chân như của đại thừa mà Tăng Hội đã diễn tả về tâm như sau trong bài tựa Kinh An Ban Thủ Ý, “Tâm không hình sắc, không có âm thanh, không có trước sau; tâm thâm sâu vi tế không tóc tơ hình tướng, cho nên Phạm Thiên, Đế Thích và các tiên thánh khác cũng không thể thấy được; kẻ phàm tục không thể thấy được sự hoá sinh từ hình thức này sang hình thức khác của các chủng tử khi thì hiện rõ khi thì ẩn khuất trong tâm. Đó gọi là Ấm vậy”. Trong bài tựa của Kinh Pháp Cảnh, Tăng Hội cũng nói về Tâm như sau: “Tâm là kho tàng căn bản của các pháp” , như  vậy Tăng Hội không những đã chịu ảnh hưởng của Bát Nhã mà còn chịu ảnh hưởng của Duy Thức nữa.

Chính ngài cũng soạn Lục Độ Tập Kinh, một tác phẩm sưu khảo biên tập, trong đó có nhiều đoạn lược dịch từ nhiều kinh điển và có những đoạn hoàn toàn do Ngài viết, ví như đoạn nói về thiền. Ngài nói về 4 trình tự của thiền (tứ thiền) như phương pháp để chính tâm nhất ý, tập trung điều thiện duy trì trong tâm, ý thức những niệm dơ bẩn để mà khử diệt. Chính giáo lý lục độ là căn bản của giáo lý đại thừa.

Ta biết rằng thiền đại thừa khác với thiền nguyên thỉ ở chỗ thiền đại thừa xem diệu tâm chân như là bản thể của giác ngộ. Khương Tăng Hội đã thực sự khơi mở cho thiền học đại thừa tại Giao Chỉ (Việt Nam) bằng cách nói tới tâm như là nguồn gốc và bản thể chân thật của vạn pháp.

3. Thế nào là thiền học đại thừa được truyền ngược lại từ Việt Nam sang Trung Quốc?

Trong Cao Tăng Truyện ghi rằng khi thiền sư Tăng Hội đến Kiến Nghiệp, tức kinh đô của nước Ngô thì chưa có một vị Tăng sĩ nào tới đó. Ngài đã xuất gia, học Phật, học tiếng Phạn và dịch kinh đều ở tại Giao Châu, rồi sau đó đi sang nước Đông Ngô truyền đạo. Đạo Phật ở Trung Hoa, nhất là ở miền Giang Tả, sở dĩ được thành lập một cách có hệ thống đó là nhờ có thiền sư Tăng Hội từ Giao Châu đi qua. Chúng ta nên nhớ sách Lục Diệu Pháp Môn do Đại sư Trí Khải trứ tác là vào đời Tuỳ (581-618), trong khi  tư  tưởng thiền học này (Lục Diệu Pháp Môn) đã được thiền sư Tăng Hội trình bày tại Giao Châu (Việt Nam) trước đó vào đời Tam Quốc (220-280), nghĩa là đi trước Trung Quốc gần 300 năm.

4. Khương Tăng Hội giảng giải thiền học đại thừa ra sao? (Sự chuyển tiếp từ nguyên thủy sang Đại thừa)

Sa môn Khương Tăng Hội, tổ tiên người nước Khương Cư (nay là một dãy từ Bắc chí Trung của Tân Cương), nhiều đời ở Thiên Trúc. Cha Ngài nhân việc đi buôn nên dời sang Giao Chỉ. Năm Ngài 10 tuổi, song thân đều mất, liền đi xuất gía, hiểu rõ Tam Tạng, học rộng biết nhiều, thêm giỏi văn học. Đời Đông Ngô, niên hiệu Xích Ô thứ 10 (247) Ngài đến Kiến Nghiệp, dựng lập am tranh, bài trí tôn tượng để hành đạo. Do Ngài nguyện được xá-lợi để dâng lên Tôn Quyền nên Tôn Quyền xây dựng chùa tháp cho Ngài. Vì trước đã chưa có chùa Phật nên gọi là Kiến Sơ Tự. Bởi Phật pháp ở miền Giang Tả (phía Tây của sông Dương Tử) rất hưng thịnh nên Ngài ở chùa Kiến Sơ để dịch kinh. Ta không thể nào biết được hết những tác phẩm dịch thuật và sáng tác của Khương Tăng Hội. Trong bản mục lục kinh điển của Đạo An có một số dịch phẩm không mang tên dịch giả, nhưng trong những bản mục lục đời sau đó thì người ta lại gán những dịch phẩm kia cho An Thế Cao. Có thể trong số đó có những dịch phẩm của Tăng Hội. Những tác phẩm mà ta biết được có liên hệ đến Tăng Hội như sau:

–         Lục Độ Tập Kinh, Tăng Hội biên tập.

–         Pháp Cảnh Kinh, An Huyền dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa.

–         Đạo Thọ Kinh, Chi Khiêm dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa.

–         Nê Hoàn Phạm Bối , Tăng Hội biên tập (không còn)

–         Lục Độ Yếu Mục, Tăng Hội biên tập (không còn)

–         Ngô Phẩm (Đạo Hành Bát Nhã), Tăng Hội dịch (không còn)

–         An Ban Thủ Ý Kinh, An Thế Cao dịch, Tăng Hội và Trần Tuệ chú sớ, Tăng Hội đề tựa.

Những lời giảng giải về thiền giáo trong phần chú giải kinh An Ban Thủ Ý, được giới tu thiền đương thời xem là khuôn mẫu. Ở đây, xin chép lại một đoạn trong bài tựa kinh An Ban Thủ Ý của Khương Tăng Hội rút từ “Xuất Tam Tạng Ký Tập” quyển 6 để thấy rõ Khương Tăng Hội xem trọng phương pháp và lợi ích của việc tu thiền.

An-ban là đại thừa của chư Phật nhằm cứu vớt chúng sanh trôi nổi. Nó có sáu việc: Sổ, tuỳ, chỉ, quán, hoàn, tịnh để trị sáu tình. Tình có trong có ngoài. Bên trong gồm: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Bên ngoài gồm: sắc, tiếng, hương, vị, xúc, tà niệm. … Trong khoảng búng tay, có 960 lần chuyển niệm. Một ngày một đêm tâm có thể trải qua 13 ức niệm … Cho nên phải thực tập lắng lòng buộc ý vào hơi thở và đếm từ 1 đến 10 (SỔ TỨC). Trong thời gian 10 hơi thở ấy mà đếm chẳng lầm lộn là ý bắt đầu được định. Định nhỏ thì 3 ngày, định lớn thì 7 ngày. Trong thời gian ấy tâm vắng lặng không có niệm nào khác, lặng yên như chết gọi là Sơ thiền.

Thiền nghĩa là loại trừ. Loại trừ cái tâm có 13 ức uế niệm để đạt tới 8 pháp: Sổ, định, chuyển, niệm, trước, tuỳ, xúc và trừ (đếm, tập trung, đổi, nhớ, gắn vào, theo, chạm và loại trừ). Tám pháp này đại khái chia làm hai phần: Tâm ý sở dĩ định được là nhờ theo dõi hơi thở (TUỲ TỨC), mà muốn theo dõi được hơi thở được dễ dàng thì nên đếm hơi thở . Trừ hết bụi nhơ thì tâm ý dần dần trong sạch, đó gọi là Nhị thiền.

Lại bỏ phép theo dõi hơi thở đi, chú tâm nơi chóp mũi, đó gọi là CHỈ. Được hạnh chỉ rồi, các thứ cấu uế của ba độc, bốn đường (sanh, lão, bệnh, tử), năm ấm, sáu mờ (tức lục trần) đều bị tiêu diệt. Lúc bấy giờ, tâm sáng rực rỡ, hơn cả hạt châu minh nguyệt. Những niệm dâm tà làm nhơ tâm như gương dưới bùn, cáu bẩn bám dơ nên soi trời chiếu đất đều chẳng thấy. Đạt đến địa vị Thánh thì thông suốt, chiếu soi muôn cõi, dù lớn như đất trời cũng không hề thấy lớn. Sở dĩ như vậy là do cáu bẩn. Các thứ cáu bẩn làm nhơ tâm còn hơn bụi phủ che gương. Nếu có thầy hay chùi mài gột rửa bụi che khiến mỏng dần, gột đến mức không còn bụi; lúc đó đưa gương lên để soi, không tơ hào nào là không hiện rõ trên mặt kính. Cáu bẩn hết thì ánh sáng hiện ra, đó là chuyện tất nhiên. Trái lại, tình tràn đầy, ý tán loạn, thì trong số  muôn niệm khởi lên  mà ta không nhận biết được một niệm, giống như ở chợ mà nghe lao xao một lần bao nhiêu tiếng ồn ào rồi trở về ngồi yên mà cố nhớ lại thì không thể nhớ được một lời nào.  Ấy cũng bởi tâm nhơ đục che lấp tánh thông sáng. Nếu từ chỗ vắng, tâm tư lặng lẽ không còn ham muốn tà vạy. Khi ấy nghiêng tai lắng nghe, muôn câu không mất, nửa lời nhớ rõ là do tâm lặng ý trong. Phép quán niệm hơi thở để dừng tâm trụ ở chóp mũi. Đó là Tam thiền.

Xoay trở lại quán chiếu thân mình (QUÁN), từ đầu đến chân, xem kỹ tới lui các chất dơ trong người và thấy được rõ ràng các lỗ chân lông dày đặc trong toàn thân và các chất lỏng rỉ ra từ các lỗ chân lông ấy. Nhờ quán như thế, biết rõ từ trời đât con người, thịnh cũng như suy, và ta sẽ thấy tính cách không còn không mất của chúng. Lúc ấy niềm tin nơi Tam bảo trở nên vững chải, các thứ mê mờ đều trở nên trong sáng. Đó là Tứ thiền.

Nhiếp tâm trở về chánh niệm, các thứ ngăn che đều tiêu diệt, đó gọi là HOÀN.

Những thứ ham muốn nhơ bẩn thảy đều vắng bặt thì tâm không còn vọng tưởng, gọi đó là TỊNH.

Hành giả đạt được phép An-ban, tâm họ liền sáng. Đem cái sáng ấy mà quán chiếu thì không có chỗ tối tăm nào mà không soi tới. Việc vô số kiếp đã qua và sắp tới, người vật đổi thay, hiện tại các cõi trong đó có đức Thế tôn giáo hoá, đệ tử tụng tập, dù xa tới đâu cũng thấy. Tất cả tiếng đều nghe. Người ấy đạt đến cái tự do lớn, không còn bị trói buộc bởi ý niệm còn mất. Thấy được cái vô cùng lớn như núi Tu-di trong cái vô cùng nhỏ như lỗ chân lông, chế ngự được trời đất, làm chủ được thọ mạng. Thần lực bây giờ trở nên dũng mãnh, có thể đánh bại cả thiên binh, chuyển động được thế giới tam thiên, xê dịch được muôn ngàn cõi nước, được tám thứ chẳng thể nghĩ bàn, trời chẳng thể lường, thần thông đức tướng vô hạn. Đó là nhờ sáu hạnh (Sổ tức, Tuỳ tức, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh).

Thuở xưa Đức Thế Tôn muốn nói kinh này, vũ trụ chấn động, cõi trời người đổi sắc. Suốt trong ba ngày Phật trú trong An-ban, không ai tiếp xúc với Ngài. Khi ấy Đức Thế tôn hoá làm hai thân, một là Báo thân, một là Ứng thân để diễn bày chân nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

–  Trung Quốc Thiền Tông Đại Toàn.

–  Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (Nguyễn Lang).

–  Phật Quang Đại Từ Điển

Thích Thông Thiền

Nguồn:  thuvienhoasen.org