1. Thái Tử Siddhattha Buông Bỏ Đời Sống Thế Tục
Cách đây hơn 2550 năm, có một chàng trai trẻ, con vua Suddhodana Gotama và hoàng hậu Mahà Màyà (1), đã quyết định từ bỏ đời sống thế tục, sống đời xuất gia học đạo từ năm 29 tuổi, đó là thái tử Siddhattha. Chàng trai trẻ này có cơ hội trở thành vua và là chồng của nàng Yasodharà xinh đẹp. Nhưng chàng trai này có một lý tưởng rất lớn, một lý tưởng làm chấn động, đó là xuất gia học đạo vì chàng cho rằng, bất kỳ ai cũng mong cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ở thế gian thật mong manh, sinh ra rồi đến lúc cũng phải già, già thì phải bệnh và bệnh rồi lại chết, đau khổ triền miên, nên chàng muốn tìm đạo giải thoát, con đường mà ở đó chỉ có hạnh phúc chân thật vĩnh cửu.
Và chàng trai trẻ ấy một lòng cất bước ra đi, bỏ lại sau lưng danh vọng tột bực, tiền tài tột bực, sự hưởng thụ tột bực. Nói về quyền hành, có quyền hành nào lớn bằng quyền hành của một vì vua mà chàng chắc chắn nắm trong tay. Nói về tài sản, có tài sản nào lớn bằng tài sản của một vì vua mà chàng chắc chắn sở hữu. Nói về tình cảm, có sự hưởng thụ nào to lớn bằng sự hưởng thụ của một vì vua mà chàng chắc chắn trải qua. Ấy vậy mà chàng buông tất cả, dứt khoát ra đi, như một cái phẩy tay, không một sự nuối tiếc nào, không một sự ngoảnh mặt nào. Chàng lìa bỏ năm món dục lạc của thế gian, đi vào chốn sơn lâm, khoác áo ca sa, cắt bỏ râu tóc, thành người xuất gia, cầu đạo giải thoát. Một quyết định hết sức dũng cảm, không phải mấy ai có thể làm được, trong khi trong tay đã có sẵn đầy đủ các phương tiện để hưởng thụ.
Buông Bỏ
Mình thường có khuynh hướng bám víu, níu kéo vào những phương tiện được cho là đảm bảo đời sống trong hiện tại và tương lai. Chính những bám víu này tạo dính mắc, dính mắc lâu dài tạo nội kết. Nội kết to ra làm mình khổ và phiền lụy. Mình mong có việc làm tốt, lương cao, khi có được mình bám víu vào công việc đến trầy da tróc vẩy. Mình mong có người bạn đời xinh đẹp, có những đứa con ngoan học giỏi, khi có được mình phải lo cho những cái mình có đến thân tâm héo hon. Cho nên suốt đời mình chạy, chạy theo danh sách mục tiêu. Tôi hỏi một lớp học, Mục tiêu của các em là gì? Một sinh viên trả lời, Mục tiêu của em là một vợ, hai con, ba tấm và bốn bánh. Chắc hẳn phải làm việc rất nhiều để phục vụ mục tiêu này. Mình có quyền xác lập mục tiêu nhưng mục tiêu cao cả nhất là sống thật trong giây phút hiện tại. Muốn vậy phải buông bỏ cái chạy về tương lai trong giây phút hiện tại.
Chạy theo mục tiêu là minh chứng cho bản ngã nên buông bỏ mục tiêu là một trong phương cách ban đầu buông bỏ bản ngã. Nói đức Phật xuất gia với mục tiêu tìm đường giải thoát có phải phục vụ cho bản ngã hay không? Con người có những mong cầu đích thực và cũng có những mong cầu không đích thực. Những mong cầu không đích thực như leo lên nấc thang danh vọng, có của ăn của để, chiến thắng trên thương trường hay tranh luận về có, không, còn, mất. Các mục tiêu này dẫn đến phiền não và khổ đau. Những mong cầu đích thực như làm thế nào để sống sâu sắc trong hiện tại, làm thế nào sống an lạc và thảnh thơi, làm thế nào giữ giới, làm thế nào giữ được tấm lòng son trong bão giông. Mục tiêu tìm đường giải thoát là để thoát khỏi bản ngã, không phải phục vụ bản ngã, đây là mục tiêu đích thực. Mục tiêu này dẫn đến bình yên và tĩnh lặng. Lúc mình nấu một món ăn, món ăn ngon hay dở không quan trọng, vấn đề là món ăn có đủ chất dinh dưỡng, cung cấp đủ năng lượng để mình làm việc khoảng vài tiếng không biết mệt mỏi. Nếu món ăn ngon miệng nhưng thiếu chất dinh dưỡng, quá cầu kỳ làm mất thì giờ chế biến, hơn nữa để làm món ăn này, mình phải tàn hại chúng sinh, e rằng món ăn không còn dinh dưỡng nữa. Mục tiêu của việc ăn uống là để sống, bảo vệ sự an lành của thân tâm nên ăn uống lành mạnh là mục tiêu đích thực. Nếu ăn uống để thỏa mãn những nhu cầu không đáng có, không bảo vệ được hạt giống tổ tiên trong cơ thể, đây gọi là ăn uống không có mục tiêu đích thực, nói cách khác là ăn uống trác táng.
Buông bỏ các yếu tố gây ra phiền não, mình sẽ đạt được niềm an lạc. An lạc là thức ăn của sự sống. Không có an lạc, sự sống sẽ cằn cỗi và héo hon. Mình thường tưới tẩm những hạt giống của phiền não và cố chấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến phiền não lớn nhất. Chấp về có, không, xấu, đẹp, còn, mất, cao, thấp, thành, bại, tư tưởng quan điểm đúng, sai. Do bị kẹt vào chấp và không buông bỏ chấp được, mình cho rằng cái thân này là ta, tài sản này của ta, danh vọng này thuộc về ta nên mình bắt đầu xây dựng một hành trì của phiền não, phiền não càng sâu dày, đường địa ngục càng rộng mở vì ôm vào bao nhiêu, khổ đau chồng chất bấy nhiêu. Nếu thân này là mình sao mình không thể điều khiển sức khỏe cho lúc nào cũng khỏe mạnh. Nếu tài sản là của mình thì sao vẫn có tỉ phú phá sản. Nếu danh vọng này thuộc về mình thì sao có người lên đến bậc cao nhất vẫn chưa có hạnh phúc. Buông bỏ chấp vào cái mình cho là ta, cái mình cho là của ta và cái mình cho thuộc về ta, tức là biết cách buông bỏ cái lo. Có cái gì mình phải lo cho cái đó. Không có gì hết thì cần gì phải lo. Cho phép mình không lo lắng là người thực sự biết sống thật. Không lo không phải biểu hiện của người bàng quang hay thờ ơ với sự sống, mà không lo để có thì giờ sống sâu sắc và tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong hiện tại. Nếu tâm trí phải lo lắng, thì tâm đâu nữa để mà sống, nên nói lo lắng là đệ tử của cái chết, là chất liệu dẫn đến cái chết mau chóng. Đang ngồi xem ti vi, mẹ đến ngồi kế bên. Mình can đảm sẽ tắt cái ti vi đi để có thể đủ cơ hội tiếp xúc với mẹ. Nếu trôi lăn theo sự hồi hộp của bộ phim trên ti vi, mình đánh mất mẹ trong lúc mẹ đang còn sống. Mẹ chính là biểu hiện của sự sống và sự sống vốn dĩ rất bình yên. Không nhận diện mẹ đang có mặt cho mình, mình đã đánh mất sự bình yên rồi.
2. Buông Bỏ Ý Niệm
Muốn trở nên tự tại, mình thực tập buông bỏ ý niệm. Tất cả ý niệm trên thế gian này dù ở nội dung nào hay hình thức nào đều dẫn đến điểm cuối cùng là khổ đau. Muốn không còn khổ đau, phải buông bỏ ý niệm. Ý niệm về đúng, sai tạo nên sự tranh cãi, không đồng thuận hay chiến tranh. Thực ra không có gì đúng cũng không có gì sai, chẳng qua nó hợp với tiêu chuẩn của mình nên cho đúng và không hợp với tiêu chuẩn nên cho sai. Tùy theo hoàn cảnh có nên áp dụng ý niệm đó hay không. Để nấu nước sôi, một em bé được hỏi là dùng gì để đun nước. Cách đây khoảng 40 năm, chắc chắn em sẽ trả lời là dùng củi hoặc em bé dưới quê sẽ nói dùng rơm rạ. Nhưng bây giờ, cũng câu hỏi đó, một em bé sẽ trả lời là dùng bếp ga hay bếp điện. Bạn thấy không, không có em bé nào sai cả. Kẹt vào ý niệm đúng, sai là chứng minh cho bản ngã tầm cầu cái đúng, thực ra đó là một tâm tham. Buông bỏ ý niệm này, người sẽ chấp nhận được ý niệm của người kia.
Ý niệm về xấu, đẹp dẫn đến khổ về mặc cảm hoặc kiêu ngạo. Mặc cảm là một thứ khổ và kiêu ngạo cũng là một thứ khổ. Mặc cảm vì không đẹp như người khác, không sang trọng như người khác hay không được chú ý như người khác. Đẹp nên thấy mình hơn người, thấy được sang trọng, thấy được yêu thích. Xấu hay đẹp do phước duyên của mỗi người nhưng đó chỉ là vẻ đẹp hình thức. Nếu người không đẹp về hình thức biết tu, biết làm phước, họ có cái đẹp từ bên trong, cái đẹp bên trong lúc nào cũng bền vững hơn cái đẹp bên ngoài. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Cái đẹp bên ngoài không bao giờ khỏa lấp được sự bệ rạc ở bên trong. Nhìn người đẹp, biết người này nhiều đời tu nên có dung nhan tươi mát, nhìn đó mà bản thân lo tu, không mặc cảm nữa. Nhìn người không đẹp, biết người này nhiều đời không lo tu nên dung nhan không được tươi mát, nhìn đó mà bản thân lo tu, không tự mãn nữa. Buông bỏ ý niệm về hình thức, người có thì giờ chăm lo cho nét đẹp tâm hồn của mình. Người có nét đẹp tâm hồn lúc nào cũng tỏa sáng, như ánh bình minh lúc ban mai.
Ý niệm về thành, bại dẫn mình đến cái khổ của con ma sĩ diện. Sĩ diện là một thứ ma dục, nhiều khi hại thân và hại rất nhiều người. Thành bại là chuyện thường tình của thế gian, có bại mới tìm ra phương kế để thành, nhiều khi thành mỹ mãn hơn. Dưới con mắt nhà Phật, thành bại là diễn tiến của nghiệp, người thành công nhiều do biết làm phước và tu tập nhiều, người không thành công do không biết làm phước hay tu tập kém cỏi. Thực tập tâm hỷ để vui với thành công của người, mình không kẹt vào ý niệm vào thành công. Thực tập khiêm cung để thấy những thành công mình đạt được do sự đóng góp của nhiều công sức, không phải một cá nhân nào. Thực tập tâm bi để thông cảm với sự thất bại của người, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Thực tập tâm xả để bình thản trước thất bại, xem đó là thử thách cần vượt qua. Buông bỏ ý niệm thành bại còn biểu hiện ở chỗ đặt ra tiêu chuẩn như thế này gọi là thành và như thế này gọi là bại. Đặt mục tiêu đạt điểm TOEIC 700 thì cho là thành công trong khi nguồn lực bản thân khó có thể với tới. Với người biết được năng lực, đặt mục tiêu vừa đủ, cái thành dễ đến với người đó. Mình không thành công do đặt mục tiêu quá xa vời.
Buông bỏ ý niệm về hình hài này là bài thực tập quan trọng. Hình hài này không bị giới hạn bởi hình thể mà mình nhìn thấy trong gương. Mình chính là sự tiếp nối của ba mẹ, của ông bà, của tổ tiên. Khi mình gây khổ đau cho mình, mình gây khổ đau cho tất cả hạt giống tổ tiên trong mình. Khi mình biết tu tập, tất cả yếu tố tổ tiên trong mình đều được hưởng bình an từ sự tu tập của mình. Tiếp theo, mình bắc cầu cho sự tiếp nối của con cháu. Mình rất thương con cháu nên chỉ muốn trao truyền cho con cháu những hạt giống tình thương, cho nên bản thân mình tu tập để giúp cho con cháu kế thừa. Việt Nam có câu, con gái nhờ đức ba con trai nhờ đức mẹ, phước đức của mình có ảnh hưởng đến con cháu, vì thương con cháu mình phải biết tu. Hình hài này còn đại diện cho cả vũ trụ, trong mình có đất, nước, lửa gió, không khí, chất khoáng, hoa cỏ, dòng sông, con suối, mây trắng, trời xanh, chim chóc, muôn loài. Tất cả vạn vật và mình đều biểu hiện trong nhau. Khi mình tu là tu cho cả vũ trụ, nên cả thế giới ai cũng biết tu, có thể chuyển hóa được cả vũ trụ trở nên ít đen tối hơn. Sự có mặt của mình là biểu hiện của muôn hình vạn trạng chúng sinh. Mình là biểu hiện của ba thân, Phật thân, Pháp thân và Tăng thân. Mình có hạt giống của tuệ giác và giác ngộ, đó là Phật thân. Mình có hạt giống của sự hành trì và giải thoát, đó là Pháp thân. Mình có hạt giống của nương tựa, của phước điền, đó là Tăng thân. Nói cách khác, mình là tiếp nối và biểu hiện của Phật, Pháp và Tăng. Giữ gìn bản thân là giữ gìn ba ngôi Tam Bảo. Thọ mạng của mình là vô lượng. Mình không từ đâu tới cũng không đi về đâu. Cái chết chỉ đánh dấu một sự kiện của tiến trình sự sống. Như chiếc lá lìa cành đánh dấu cái chết của chiếc lá, nhưng thực ra chiếc lá đâu có chết, nó chỉ làm cuộc hành trình trở về, về với đất và sống dưới dạng khác. Chiếc lá không sinh không diệt nên mình cũng không sinh không diệt. Buông bỏ ý niệm về hình hài để không sợ hãi về sự già nua và bệnh tật mà sử dụng hình hài như một chiếc bè bơi qua sông, như một đền thờ tâm linh, tức là sử dụng thân hành trì chánh pháp mà đi đến bờ giải thoát. Buông bỏ ý niệm về thọ mạng, như buông bỏ về đoạn kiến, cho rằng đời sống này là duy nhất nên không biết trân quý sự sống. Buông bỏ được sẽ không sợ hãi về cái chết, biết rằng sống chết chỉ là cách nói ví von về tiến trình sự sống vì tất cả đều đang sống và đang chết, sống và chết đều đang diễn ra trong từng sát na. Biết thế, mình trân quý sự sống, sống đích thực trong giây phút hiện tại.
Buông bỏ ý niệm trong ngoài để không còn thấy sự phân biệt. Nếu tôi cho rằng tôi và anh Tịnh Dũng là khác nhau, tức là tôi là tôi và Tịnh Dũng là Tịnh Dũng là tâm có sự phân biệt. Khi tâm phân biệt sẽ sinh ra tâm hơn thua, so sánh, kỳ thị. Tôi có những nỗi khổ niềm đau và Tịnh Dũng cũng có những nỗi khổ niềm đau. Nếu tôi ôm lấy được những nỗi khổ niềm đau của tôi thì tôi cũng ôm lấy được những nỗi khổ niềm đau của Tịnh Dũng và ngược lại. Muốn hiểu khổ đau của người, mình phải nằm trong vùng khổ đau, phải từng khổ đau. Thấy được khổ đau của người, mình hiểu người và thương được người, mình với người là một. Trong ngoài còn nói tới việc ý niệm cho rằng có thế giới bên trong và thế giới bên ngoài, so với thân tâm của mình. Ví dụ mình đi du lịch để biết cái thế giới bên ngoài ra sao. Mình đi Thái Lan, đi Pháp hay đi Canada để xem có gì khác biệt, cái mình cho là khác biệt với Việt Nam thì mình nói thế giới kia là bên ngoài so với Việt Nam. Vậy một người Pháp có thể cho Việt Nam là thế giới bên ngoài đối với họ. Ý niệm trong ngoài khiến mình tìm kiếm và phân biệt. Tìm kiếm vì thấy bên trong chưa đủ. Phân biệt vì so sánh các dục trần của sáu căn. Thực ra chẳng có gì trong cũng chẳng có gì ngoài. Cái này có thể là trong của cái kia và cái kia có thể là trong của cái này. Tất cả vạn vật đều đi vào nhau thể hiện dưới nhiều sắc thái và hình thức. Thực ra chẳng có cái nào đi vào cái nào mà chỉ có thực tại đang biểu hiện. Thực tại không bị kìm hãm bởi không gian và thời gian. Nhìn thực tại bằng con mắt vô tướng, hay vô không gian, vô thời gian, mình sẽ tiếp xúc được với sự thật của thực tại.
Buông bỏ tài sản là bài thực tập bất kỳ người tu nào cũng biết. Còn dính mắc vào tài sản thì không có thì giờ tu. Sinh ra đôi bàn tay trắng, chết đi cũng hai bàn tay trắng. Chất chứa tài sản không phải là mục đích của người tu. Lối sống thiểu dục giúp cho việc hành đạo của mình trở nên tri túc hơn. Cần hiểu buông bỏ tài sản là như thế nào. Nếu có một chiếc xe, buông bỏ tài sản không có nghĩa đem cho đi chiếc xe, mà buông bỏ ý niệm về chiếc xe. Mình cho rằng có chiếc xe đi lại dễ dàng, đỡ mệt nhọc đón xe buýt, đỡ tốn tiền đi taxi, như vậy mình sẽ có hạnh phúc. Buông bỏ ý niệm có chiếc xe mới có hạnh phúc có thể được cho là buông bỏ tài sản đích thực. Không có xe máy thì đi xe đạp, không có xe đạp thì đi bộ. Đi xe máy tập chánh niệm khi đi xe máy. Đi xe đạp tập chánh niệm khi đi xe đạp. Đi bộ tập chánh niệm khi đi bộ. Phẩm chất chánh niệm không phụ thuộc vào phương tiện vận chuyển. Đi xe máy mà thất niệm thì đi bộ cho rồi. Buông bỏ ý niệm về tài sản, biết tài sản không phải là nguồn cội của hạnh phúc.
Bài thực tập khác về buông bỏ là buông bỏ tình cảm. Người tu không chấm dứt tình cảm, nhưng thứ tình cảm mà người tu thực tập là tình thương chúng sinh, không phải tình thương dính mắc của thế gian. Tình thương chúng sinh không có tính chất kỳ thị, vượt thoát mọi dính mắc và nội kết. Buông bỏ tình cảm không có nghĩa đang thương mẹ thì thôi không thương mẹ nữa. Nếu mình có thứ tình cảm thế gian mình mới có hạnh phúc, phải sống giữa mái ấm gia đình, phải có vợ con, phải có ba mẹ chăm sóc hay phải có bạn bè nương tựa thì mới có hạnh phúc, hạnh phúc này không mang tới sự giải thoát. Muốn giải thoát phải tuyệt dục, muốn tuyệt dục cần chấm dứt tình cảm yêu thương, hờn giận, buồn vui. Người tu đi xuất gia, yêu thương tất cả chúng sinh, vì tất cả chúng sinh đều là ba mẹ của mình. Hòa thượng Hư Vân dứt tình gia đình, một lòng ra đi, một lòng hướng Phật. Tình cảm thế gian không phải là xấu, có thể nói là nền tảng của tình thương chúng sinh, nhưng tình cảm đó chỉ là tình yêu, vẫn còn nhỏ bé, còn nằm trong vòng của hệ lụy. Người tu có đạo nghiệp rất lớn, phải thoát vòng tục lụy, thay đổi tình yêu nhỏ bé kia thành tình thương bao la, đong đầy như cát sông Hằng, bao la như bầu trời xanh và vĩ đại như hư không.
Sống giản đơn nhằm buông bỏ ý niệm hưởng thụ và tiêu thụ. Thế giới ngày nay tiêu thụ quá mức vì nhu cầu hưởng thụ quá mức. Ý niệm về đoạn kiến hay thường kiến nên ra sức tiêu thụ. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến mức cạn kiện, sức lực con người làm việc đến cùng cực, nhằm phục vụ cho sự hưởng thụ. Các ý tưởng marketing cổ xúy cho việc phát triển thị trường, mở rộng thị phần, xúc tiến bán hàng và gia tăng doanh số bán. Lợi nhuận to lớn đồng nghĩa với tiêu thụ lớn. Sản xuất phục vụ tiêu thụ lớn đồng nghĩa với đất mẹ bị tận dụng đến mức tối đa. Có sản phẩm nào không lấy ra từ đất. Đất kiệt quệ đến lúc nào đó sự tiêu thụ phải dừng lại. Hạnh phúc không nằm ở tiêu thụ nhiều. Người ăn bát cơm đạm bạc vẫn có hạnh phúc nếu biết cách tiêu thụ, nên phẩm chất hạnh phúc không nằm ở số lượng tiêu thụ mà cách thức tiêu thụ. Bữa cơm đạm bạc có ba mẹ, có bạn bè, có những vị đồng tu xung quanh, bữa cơm này hạnh phúc. Khi ăn biết mình đang ăn, biết vạn vật đang có mặt trong bữa ăn, bữa cơm này có hạnh phúc. Ăn cơm đầy cao lương mỹ vị nhưng tâm đầy lo toan, ăn như tống khứ mọi thứ vào miệng, bữa ăn này không có hạnh phúc, mà còn hao tổn tài nguyên của đất mẹ. Thèm khát tiêu thụ đưa mình vào thế giới của khổ đau, cho việc tiêu thụ là mục tiêu tối thượng, nên muốn làm việc hết mình để thỏa mãn danh sách tiêu thụ. Tiêu thụ càng nhiêu, cái thỏa mãn không bao giờ dứt mà càng thêm chất chồng. Nhu cầu con người mà Maslow đưa ra, thứ nhất nhu cầu thiết yếu của con người như cái ăn cái mặc. Ăn no đủ rồi thì tìm kiếm thức ăn ngon, cái mặc đẹp. Nhu cầu này thỏa mãn, nhu cầu khác phát sinh, nhu cầu về an toàn, muốn sống ở nơi bình an, muốn được bảo vệ, muốn được bình yên. Nhu cầu này thỏa mãn, nhu cầu thứ ba xuất hiện, nhu cầu phụ thuộc, muốn nằm trong một nhóm, muốn có gia đình, muốn được yêu thương. Có gia đình rồi, mình chưa thỏa mãn, mình mong được tôn trọng, muốn người khác lắng nghe, muốn được vinh danh, muốn được công nhận. Nhu cầu thứ năm là nhu cầu về tự thể hiện, phô diễn tài năng, chứng minh bản thân và lưu lại tên tuổi. Năm thứ nhu cầu này chính là sự tiêu thụ nằm trong nhóm nhu cầu kim tự tháp của Maslow. Lòng tham con người không có đáy, không biết hài lòng với những gì mình có. Thời đại ngày nay nhu cầu này không nhỏ bé như kim tự tháp, mà lớn lên như núi Phú Sĩ, và phồng to ra như dãy Everest. Phục vụ tiêu thụ như thế, sức người không chịu nổi.
3. Buông Bỏ Tiêu Thụ – Tiêu Thụ Trong Chánh Niệm
Sống giản đơn nhằm buông bỏ ý niệm hưởng thụ và tiêu thụ. Thế giới ngày nay tiêu thụ quá mức vì nhu cầu hưởng thụ quá mức. Ý niệm về đoạn kiến hay thường kiến nên ra sức tiêu thụ. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến mức cạn kiện, sức lực con người làm việc đến cùng cực, nhằm phục vụ cho sự hưởng thụ. Các ý tưởng marketing cổ xúy cho việc phát triển thị trường, mở rộng thị phần, xúc tiến bán hàng và gia tăng doanh số bán. Lợi nhuận to lớn đồng nghĩa với tiêu thụ lớn. Sản xuất phục vụ tiêu thụ lớn đồng nghĩa với đất mẹ bị tận dụng đến mức tối đa. Có sản phẩm nào không lấy ra từ đất. Đất kiệt quệ đến lúc nào đó sự tiêu thụ phải dừng lại. Hạnh phúc không nằm ở tiêu thụ nhiều. Người ăn bát cơm đạm bạc vẫn có hạnh phúc nếu biết cách tiêu thụ, nên phẩm chất hạnh phúc không nằm ở số lượng tiêu thụ mà cách thức tiêu thụ. Bữa cơm đạm bạc có ba mẹ, có bạn bè, có những vị đồng tu xung quanh, bữa cơm này hạnh phúc. Khi ăn biết mình đang ăn, biết vạn vật đang có mặt trong bữa ăn, bữa cơm này có hạnh phúc. Ăn cơm đầy cao lương mỹ vị nhưng tâm đầy lo toan, ăn như tống khứ mọi thứ vào miệng, bữa ăn này không có hạnh phúc, mà còn hao tổn tài nguyên của đất mẹ. Thèm khát tiêu thụ đưa mình vào thế giới của khổ đau, cho việc tiêu thụ là mục tiêu tối thượng, nên muốn làm việc hết mình để thỏa mãn danh sách tiêu thụ. Tiêu thụ càng nhiêu, cái thỏa mãn không bao giờ dứt mà càng thêm chất chồng. Nhu cầu con người mà Maslow đưa ra, thứ nhất nhu cầu thiết yếu của con người như cái ăn cái mặc. Ăn no đủ rồi thì tìm kiếm thức ăn ngon, cái mặc đẹp. Nhu cầu này thỏa mãn, nhu cầu khác phát sinh, nhu cầu về an toàn, muốn sống ở nơi bình an, muốn được bảo vệ, muốn được bình yên. Nhu cầu này thỏa mãn, nhu cầu thứ ba xuất hiện, nhu cầu phụ thuộc, muốn nằm trong một nhóm, muốn có gia đình, muốn được yêu thương. Có gia đình rồi, mình chưa thỏa mãn, mình mong được tôn trọng, muốn người khác lắng nghe, muốn được vinh danh, muốn được công nhận. Nhu cầu thứ năm là nhu cầu về tự thể hiện, phô diễn tài năng, chứng minh bản thân và lưu lại tên tuổi. Năm thứ nhu cầu này chính là sự tiêu thụ nằm trong nhóm nhu cầu kim tự tháp của Maslow. Lòng tham con người không có đáy, không biết hài lòng với những gì mình có. Thời đại ngày nay nhu cầu này không nhỏ bé như kim tự tháp, mà lớn lên như núi Phú Sĩ, và phồng to ra như dãy Everest. Phục vụ tiêu thụ như thế, sức người không chịu nổi.
Buông bỏ tiêu thụ là buông bỏ ý niệm về tiêu thụ, tức là cho rằng tiêu thụ càng nhiều, đời sống mới có hạnh phúc. Mình có quyền tiêu thụ nhưng tiêu thụ thế nào mà giữ được giới, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ sự sống và không làm tàn hại thân tâm. Ăn có chánh niệm, uống có chánh niệm, giải trí có chánh niệm và làm việc có chánh niệm. Ăn có chánh niệm là ăn những thức ăn lành mạnh, nuôi dưỡng lòng từ bi và đóng góp vào tiến trình làm giảm sự nóng ấm toàn cầu. Uống có chánh niệm là biết cơ thể cần gì, không đưa vào cơ thể những độc tố, sự thèm khát hay gây ra bệnh tật. Giải trí có chánh niệm là không đi vào thế giới ảo, bảo vệ các hạt giống tổ tiên trong cơ thể, thu thúc sáu căn và mang lại sự an toàn trong mọi hoàn cảnh. Làm việc có chánh niệm là làm việc trong an lạc và thảnh thơi, biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết vừa đủ để có thì giờ tu tập, thì giờ phụng sự và thì giờ có mặt cho người mình thương. Đây gọi là nhu cầu đích thực, chấm dứt những tìm kiếm. Càng tìm kiếm lại càng không thấy. Ngừng tìm kiếm thì lại thấy, hay vậy đó. Bởi vì mọi thứ đã có sẵn. An lạc đã có sẵn, bình yên đã có sẵn. Ngừng tìm kiếm, tâm không chạy nữa, mình thấy mọi thứ đang có mặt cho mình. Sinh viên đi học thường châm mẫm vào điểm số mà quên rằng số điểm kia không tác động đến bình an của mình. Đi học để học cách suy nghĩ hơn là chất chứa kiến thức. Kiến thức không áp dụng được vào thực tiễn thì kiến thức kia chỉ là mớ bòng bong. Giảng viên không phải là người cung cấp kiến thức, mà là người chia sẻ cách suy nghĩ, cách làm việc có phẩm chất. Nếu làm việc để chết, phục vụ tìm kiếm tiêu thụ hẹp hòi, mình sẽ trở thành một cỗ máy trong công nghệ giáo dục. Có phải mình trở nên xa lạ với chính mình hay không. Mình không còn là người nữa. Mình trở thành linh kiện điện tử. Năm 2011 hãng Sony ra máy Sony Internet TV. Mình mua cái máy này về, dán mắt vào nó. Mục đích của cái máy ra đời thì phải có người tiêu thụ. Mình chính là một linh kiện tiêu thụ trong chu trình sản xuất ra cái máy. Nếu cho có cái máy này mới có hạnh phúc thì mình nghèo nàn hạnh phúc quá. Mình bị kẹt bởi hạnh phúc bên ngoài, hạnh phúc của tiện nghi. Khoảng chừng vài tháng sau, mình sẽ chán cái máy này ngay thôi. Những cực nhọc trong sinh tử đều do ham muốn mà ra, chấm dứt ham muốn thì khổ đau đâu nữa. Buông bỏ tiêu thụ là buông bỏ ham muốn hay giải thoát khỏi ham muốn. Với người tu, giữ giới là thức ăn hàng ngày, thiền tuệ là thức uống hàng ngày, thiểu dục và tri túc là công việc hàng ngày, làm việc trong chánh niệm là giải trí hàng ngày.
Một ham muốn khác của con người là hiềm hận và ôm ấp sự hiềm hận. Đây là sợi dây oan kết siết chặt con người lại với nhau, oan oan tương báo cứ thế kéo dài mãi không thôi. Có những dân tộc hận thù nhau từ kiếp này sang kiếp khác. Cha ông hận thù nhau, bắt con cháu hận thù theo. Kết quả của hận thù là gì, là sự khó chịu, tức giận, mệt mỏi, chán chường, đánh nhau, chiến tranh. Theo Kinh Diệt Trừ Phiền Giận, có năm phương pháp để đối trị với cơn giận của mình. Thứ nhất, nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương nhưng lời nói lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Thứ hai, nếu có một ai đó mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Thứ ba, nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Thứ tư, n ếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi. Thứ năm, nếu có một ai đó mà hành động dễ thương, lời nói cũng dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà lại sinh tâm phiền giận hoặc ganh ghét với kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ phiền giận ấy đi.
Trong sự hiềm giận, mình lúc nào cũng có lỗi dù ít hay nhiều. Vấn đề là làm sao điều tiết cơn giận của mình và buông bỏ nó. Người có nhiều khổ đau, nhiều tri giác sai lầm, nhiều xung đột ở trong tâm nên người nói lời nói không dễ thương, hành động không dễ thương và suy nghĩ không dễ thương. Người đang khổ đau như vậy tại sao lại giận người. Người đáng thương hơn đáng giận. Phát khởi tình thương với người làm mình giận bằng cách quán chiếu nỗi khổ niềm đau của họ là phương pháp thực tập buông bỏ ôm ấp hiềm hận. Điều này trước hết giúp ích cho mình vì bản thân không bị cơn giận chi phối và điềm tĩnh torng việc ứng xử với hoàn cảnh. Thực tập tâm từ, thương lấy cơn giận vì cơn giận đang thiếu thốn tình thương. Thực tập tâm bi, thông cảm với cơn giận vì cơn giận là biểu hiện của khổ đau. Thực tập tâm xả, điềm tĩnh với cơn giận vì cơn giận chỉ là thăng trầm trong đòi hỏi về quyền lợi của tâm. Kham nhẫn liên tục giúp cơn giận không phát khởi, nếu có sẽ biết cách chuyển hóa nó thành tươi mát như hồ sen. Thương người làm mình giận là thương lấy mình, mình chưa lắng nghe được, chưa hiểu được người nên mình giận. Thương cái đối tượng làm mình giận, chẳng qua mình còn đòi hỏi, còn đặt tiêu chuẩn, còn nguyên tắc, mình phải mềm mỏng hơn, uyển chuyển hơn, linh hoạt hơn. Buông bỏ hiềm giận thì từ ái hiện tiền, trước hết giúp cho thân tâm bình an, không bị mất ngủ, không bị giày xéo.
Buông Tất Cả Được Tất Cả
08THÁNG 6
Buông Tất Cả Được Tất Cả
Khi ngồi thiền, tâm còn bám víu cái gì, mình phải niệm phóng tâm, tức là dù đối tượng phóng tới là thiện hay bất thiện, tịnh hay bất tịnh, chánh hay tà đều phải buông. Đã buông thì chánh hay tà không còn kẹt vào. Buông tất cả chánh tà, mình không còn thấy cái gì gọi là chánh cái gì gọi là tà, chỉ có thực tại hiện tiền. Buông tất cả sẽ được tất cả. Buông tất cả không tĩnh lặng, mình sẽ được tất cả tĩnh lặng. Mọi thứ vốn tĩnh lặng thì có gì gọi là không tĩnh lặng. Chẳng qua mình buông những thứ màu mè làm cho tĩnh lặng bị biến chất. Tất cả ý niệm được buông, đâu là hạnh phúc, đâu là khổ đau. Sự cầu thị hạnh phúc khiến mình chạy đi tìm, tìm hoài không thấy, chỉ thấy khổ đau. Không chạy tìm hạnh phúc thì sẽ không thấy khổ đau, mà không có khổ đau tức là đang có hạnh phúc. Khổ đau tự nhiên tới cũng tự nhiên đi. Hạnh phúc tự nhiên tới cũng tự nhiên đi. Hạnh phúc và khổ đau vô thường nên không cầu không níu kéo. Điều được cho là hạnh phúc vì phù hợp với tiêu chuẩn của mình. Điều được cho là khổ đau vì không phù hợp với tiêu chuẩn của mình. Người thích ăn sầu riêng nên có người mời thì thích lắm, hạnh phúc lắm. Người không thích ăn sầu riêng nên có người mời thì không thích lắm, thậm chí bực bội, thấy khổ lắm. Vậy cái gì gọi là thích hay không thích? Trái sầu riêng kia đâu có bắt mình thích hay không thích, tất cả đều do ý niệm mình ban bố ra. Buông bỏ tất cả ý niệm, ham muốn, phân biệt, chấp trước, mình không còn kẹt gì nữa, mình sẽ trở nên ung dung tự tại trước thăng trầm của thế cuộc, của hoàn cảnh, của ứng xử thế gian.
Vậy mình được cái gì khi buông tất cả như thế? Không phải mình có an lạc, có thảnh thơi, có tình thương lớn, có hạnh phúc vững bền hay không. Hạnh phúc vững bền chính là sự tầm cầu tất cả chư Phật đều mong mỏi chúng sinh thực tập. Buông tất cả nhưng có thấy gì được buông đâu, chẳng qua chỉ dừng lại cái suy nghĩ lung tung, dừng lại lời nói lung tung và dừng lại hành động lung tung. Được tất cả nhưng có gì được đâu, chẳng qua phát khởi suy nghĩ yêu thương, lời nói yêu thương và hành động yêu thương. Người được yêu thương có thể vẫn còn cô đơn nhưng người biết yêu thương không bao giờ cô đơn vì có nhiều bạn bè, có nhiều gia đình và có nhiều hạnh phúc. Cái tất cả ở đây không phải thứ cầm nắm được. Không có gì vì đã có tất cả rồi. Đâu còn gì nằm ngoài cái mình đang có. Mình là mây, là bầu trời, là chim, là chiếc lá, là tu sĩ, là ba mẹ, là con cái, là bạn bè, là đồng nghiệp. Mình là tất cả nên còn gì phải cầu mong. Mình là hạnh phúc, là khổ đau, là buồn vui, là an lạc, thảnh thơi, là giác ngộ. Vậy mình còn tìm kiếm cái gì nữa. Mình đã có tất cả đấy thôi.
Buông Bỏ Quá Khứ Và Tương Lai, Kể Cả Hiện Tại
29THÁNG 6
Buông Bỏ Quá Khứ Và Tương Lai, Kể Cả Hiện Tại
Đức Phật dạy, Quá khứ đã đi qua – Tương lai thì chưa tới – Chỉ phút giây hiện tại – Là giây phút nhiệm mầu. Quá khứ là lịch sử và mình không thể thay đổi được lịch sử. Sống tiếc nuối quá khứ sẽ làm hiện tại bị buông lơi và giây phút mầu nhiệm của hiện tại không được nhận biết. Tương lai chưa bao giờ tới nên không biết trước chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Sống lo lắng vì tương lai sẽ đánh mất hiện tại, phút giây thực sự mình đang sống. Buông bỏ quá khứ không có nghĩa chối bỏ quá khứ mà học những kinh nghiệm quí báu trong quá khứ nhằm xây dựng hiện tại. Quá khứ có thể vẻ vang hay khổ đau nhưng đó đều là những bài học. Điều gì vẻ vang thì phát huy trong hiện tại. Điều gì khổ đau thì không chìm đắm, tìm cách chuyển hóa trong hiện tại. Quá khứ có thể mình là ngôi sao trên đại lộ danh vọng, là anh hùng được đề tên bảng vàng, là thần tượng trong cuộc thi American Idol. Sự vẻ vang này trôi qua rất mau. Mười năm sau vẫn có thể còn nhắc lại như kỷ niệm, nhưng nếu kỷ niệm này được nêu ra để khỏa lấp những thất bại hay chán chường trong hiện tại, đây gọi là tiếc nuối qua khứ. Buông bỏ tương lai không có nghĩa chối bỏ tương lai, không lên kế hoạch, không đặt mục tiêu. Mình có quyền hoạch định cho tương lai, nhưng các hoạch định này được thực hiện trong hiện tại, còn lo lắng hay ngồi rầu rĩ về tương lai, mình đánh mất công việc đáng lẽ phải làm trong hiện tại. Người trẻ thích mơ mộng về tương lai, mơ về danh vọng, mơ về giàu sang, mơ về mái ấm gia đình. Nếu không đạt được sẽ thất vọng, thất vọng lớn quá sẽ tuyệt vọng, là khổ đau.
Buông bỏ quá khứ, tương lai và buông bỏ cả hiện tại. Hiện tại cũng là biểu hiện của nhân duyên nên không trụ hiện tại, không trụ vào dục lạc của thế gian. Các pháp như huyễn, dù là quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Buông bỏ thời gian sẽ vượt thắng thời gian. Thực tập như vậy là thực tập tâm vô trụ, không trụ vào bất cứ pháp nào. Chỉ cần tiếp xúc với thực tại hiện tiền một cách đơn thuần. Điều gì là quá khứ thì cho quá khứ. Điều gì hiện tại thì cho hiện tại. Điều gì tương lai thì cho tương lai. Không kẹt vào bất cứ pháp nào về mặt thời gian, mình vượt thắng cả sự an trú vì không có gì gọi là an trú cả. Lúc này người thực sự an tâm vì không còn pháp nào níu kéo, kể cả cái được gọi là pháp hiện tại. Lúc bước đi hay thiền hành biết mình đang đi. Bước chân trái lên biết bước chân trái lên. Bước chân phải lên biết bước chân phải lên. Sát na hiện tại trôi qua rất nhanh. Vừa bước chân trái thì chân phải nối tiếp. Hiện tại cũng khó mà nhận biết. Còn phân biệt hiện tại là còn phân biệt với quá khứ và tương lai. Buông luôn hiện tại thì ranh giới thời gian không còn. Phá bỏ tâm quá khứ, phá bỏ tâm tương lai, và phá bỏ tâm hiện tại, mình còn tâm nào nữa. Tâm quá khứ như huyễn, tâm tương lai như huyễn, tâm hiện tại như huyễn, vậy cái gì gọi là tâm đang hiện tiền. Tâm trôi đi như dòng chảy, nhận diện tâm đơn thuần là biết tâm, tâm không trụ thì tâm vô trụ. Đã không trụ thì tâm sẽ an lạc và thảnh thơi. Xa lìa các buộc ràng của năm uẩn, năm triền cái, xả ly các pháp thế gian, dù đó là quá khứ, hiện tại hay tương lai, mình làm cho tâm giải thoát. Buông bỏ quá khứ là hay đấy, buông bỏ tương lai là hay đấy, nhưng hiện tại cũng buông luôn. Một ông thầy dạy học trong lớp, biết rằng đang dạy trong hiện tại, nhưng vẫn có sự tầm cầu, như tầm cầu đầy đủ phương tiện như máy chiếu, micro, tầm cầu trò ngoan học giỏi, tầm cầu công việc suôn sẻ. Ông thầy vẫn đang trôi lăn trong hiện tại và kẹt vào sự ham muốn của hiện tại. Buông bỏ hiện tại là sự thực tập buông bỏ vi tế hơn cả, hơn cả quá khứ và tương lai. Bỏ được thì nhẫn được, nhẫn về chuyện đang diễn ra trước mắt và đang diễn ra trong lòng. Nói cách khác, buông bỏ là thực tập nhẫn với chính mình.
Buông Bỏ Tri Giác Sai Lầm
23THÁNG 7
Buông Bỏ Những Tri Giác Sai Lầm
Buông bỏ những tri giác sai lầm về ngã, tướng và thường giúp mình tiếp xúc với vô ngã, vô tướng và vô thường. Ý niệm về ngã có từ vô thỉ, chỉ khi nào giác ngộ mới thấy được vô ngã. Như vậy, vô ngã là một sự thật và ngã là một ý niệm. Quán vô ngã để diệt trừ ý niệm về ngã. Ngã được xem như tính cách duy nhất, bất biến và có chủ thể. Thân thể này là ta, đôi mắt này là ta, suy nghĩ này là ta, tài năng này là ta. Vậy mình có tránh được sự già của thân này, tránh được sự lu mờ của đôi mắt, tránh được sự biến chuyển của suy nghĩ hay tránh được sức ỳ mai một của tài năng? Nếu tất cả là ta, ta phải có quyền phán xét chính ta, phán cho ta sống thì ta sẽ sống, phán cho ta đẹp thì ta sẽ đẹp, phán cho ta cao lớn thì ta sẽ cao lớn? Làm vậy được không? Chẳng thể làm được. Chiếc xe máy mình đang chạy cho là của mình, nhưng tại sao phải thường xuyên đổ xăng, thay nhớt, thay vỏ, bảo trì hay đi rửa. Xe có sự biến chuyển, là sự đóng góp của hằng hà sa số yếu tố, trong đó có xăng, nhớt, sắt, bánh xe, căm xe, máy, yên, kỹ sư, công nhân, sức lao động… Các nhân duyên gom lại hình thành chiếc xe. Người chế ra chiếc xe thực ra chỉ làm động tác kết hợp nhân duyên, chẳng có gì gọi là sáng tạo cả. Buông bỏ ngã đi vào tiếp xúc với vô ngã, mình trở thành cái to lớn và thênh thang hơn, không bị trói gọn trong khuôn khổ của hình thể. Buông bỏ ý niệm ngã về chiếc xe là tiếp xúc với tính đa dạng và tổng hợp của chiếc xe.
Buông bỏ tri giác sai lầm về tướng bằng cách quán vô tướng. Cây lúa có mặt không chỉ đơn thuần mang tướng của cây lúa. Trong cây lúa có tướng nước, tướng đất, tướng sức nóng mặt trời, tướng không khí, tướng phân bón, tướng chăm sóc của bác nông dân, tướng của con trâu kéo cày,… Tướng cây lúa là biểu hiện của nhiều tướng hợp lại. Mình gọi đó là cây lúa vì có ý niệm về cây lúa. Nếu quán chiếu và nhìn sâu, cây lúa có mặt khắp nơi trong vũ trụ và các yếu tố vũ trụ có mặt trong cây lúa. Nhìn một người học trò mặc áo trắng, đeo khăn quàng, mang cái cặp, mình cho đó là học trò vì mình có ý niệm về hình ảnh của học trò. Nhìn đứa trẻ đi học, mình thấy tướng ba mẹ, tướng ông bà, tướng tổ tiên của đứa trẻ, bên cạnh đó, còn có tướng thức ăn đứa trẻ dùng, tướng sữa Vinamilk đứa trẻ uống, tướng kiến thức mà thầy cô trao truyền, tướng truyện tranh Doremon mà đứa trẻ đọc… Đứa trẻ là hiện thân của nhiều tướng, nói đứa trẻ không phải là đứa trẻ mà chính là đứa trẻ vậy. Bên trong đứa trẻ có những ước mơ, có những giận hờn và có những kỳ vọng. Nhiều tướng vậy thì tướng nào là tướng của đứa trẻ. Thật ra đứa trẻ không có tướng, đứa trẻ mình nhìn thấy là biểu hiện của nhiều tướng, do nhân duyên kết hợp mà thành hay hoại. Khi đứa trẻ trưởng thành, chàng thanh niên này có còn mang tướng của đứa trẻ ngày xưa? Và khi đã trung niên, lão niên, tướng nào trẻ, tướng nào trung niên, tướng nào lão niên? Sự thay đổi của hình tướng mang tính vô thường. Ngay trong một sát na, mình đã không còn là mình, thế cái gì gọi là mình? Một tên cướp bị bắt vì tội cướp của giết người. Thử quán chiếu xem bản thân anh ta có đủ khả năng trở thành cướp không. Anh ta không được may mắn, sinh ra trong môi trường phức tạp, chưa bao giờ được dạy dỗ, chưa bao giờ được yêu thương, chưa bao giờ được no đủ. Vì bức bách mà phải lâm vào đường phạm pháp. Tội của anh ta không chỉ đơn thuần anh ta có, mà còn có sự đóng góp của môi trường, hoàn cảnh, giáo dục, xã hội, kinh tế, chính trị. Muốn kết tội anh ta phạm pháp, không thể không nói đến trách nhiệm của các yếu tố kia. Không kẹt vào tướng sẽ thấy sự thật của tướng. Không có gì gọi là tướng thật, các tướng đều đang trá hình. Thân xác này như một đại gia hôi thúi, được rào cột bằng xương và tô điểm bới da thịt với máu hồng. Thân này đã trá hình, là giả thì có còn cái gì gọi là thật nữa đâu. Thấy được vô tướng là thấy điều không giả tức là thấy sự thật. Thấy sự thật thì còn gì phiền não nữa.
Vô thường là một sự thật hiển nhiên nhưng mình cứ kẹt vào tri giác sai lầm về thường. Nhiều người cho rằng vô thường là khổ, trong khi thấy được sự thật về vô thường sẽ giúp diệt trừ phiền não, nhất là phiền não tham ái. Phật giáo Nam tông thường gọi vô thường là quỉ vô thường. Thật ra đó không phải quỉ, chỉ là định luật tự nhiên. Mọi thứ đều thay đổi, từ dạng này sang dạng khác, từ sắc thái này sang sắc thái khác. Không có gì đứng yên một chỗ, không có gì thường còn. Cái bàn đang đứng yên đó nhưng bên trong nó, hằng hà sa số yếu tố đang chuyển động. Cái bàn mới toanh nhưng đang trong tiến trình trở nên cũ kỹ và tan rã. Cô gái xinh đẹp cách mấy cũng phải già nua, da nhăn nheo, thân hình co rúm lại và bệnh rồi chết. Nhưng vô thường cũng là niềm hạnh phúc. Nhờ vô thường nụ hoa nở thành hoa, em bé lớn lên trở thành tu sĩ, người chưa giác ngộ nhờ tu tập mà đạt giải thoát. Không có vô thường sức mấy đức Phật thành Phật, sức mấy giáo pháp được trao truyền, sức mấy có những thành tựu. Buông bỏ thường và chấp nhận vô thường. Mọi thứ đều vô thường là tính chất thường của mọi thứ, nên nói thường trong vô thường là vậy. Thân vô thường, tâm vô thường, hoàn cảnh vô thường. Thân sinh ra thì phải hoại. Tâm sinh rồi tâm biến chuyển. Hoàn cảnh đến rồi đi. An nhiên cái sinh hoại, cái biến chuyển, cái đến rồi đi thì còn gì băn khoăn nữa, mình sẽ thong dong giữa muôn trùng thay đổi, bước chân sẽ thanh thản giữa tất bật cuộc đời, như trăng khuyết rồi trăng sẽ tròn.
Buông Bỏ Nội Kết
Buông Bỏ Những Nội Kết
Năm dục bao gồm sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục và xúc dục là những nguyên nhân gây ra nội kết. Nội kết là những tham đắm và dính mắc vào các đối tượng của năm dục do không có chánh niệm và làm chủ bản thân. Buông bỏ những nội kết để nắm bắt được các giá trị chân thật của đối tượng hơn là sự hấp dẫn của nó. Người đời cho sắc dục rất hấp dẫn như một người đẹp, một bộ đồ đẹp, một bức tranh đẹp hay một hình ảnh đẹp. Người đời cho thanh dục rất hấp dẫn như lời nói ngon ngọt, bài hát hay, âm thanh quyến rũ. Người đời cho hương dục rất hấp dẫn như hương hoa, dầu thơm, mùi thức ăn, mùi thức uống. Người đời cho vị dục rất hấp dẫn như vị ngọt, vị mặn, vị chua, vị cay. Người đời cho xúc dục rất hấp dẫn như sự xúc chạm nhẹ nhàng, sự mơn trớn, sự khoái cảm. Bốn đối tượng của dục bao gồm tài, sắc, danh, thực. Tài là tiền bạc hay tài sản, sắc là sắc đẹp hay đam mê dục tình, danh là danh vọng hay địa vị, thực là thức ăn ngon. Người đời cho bốn đối tượng này là mục đích của hạnh phúc. Mình có khuynh hướng đam mê và khi đam mê quá mức, chúng trở thành nội kết, khi không thỏa mãn, các nội kết này gây khổ đau. Tập khí hay thói quen có thể tạo nội kết. Thói quen kiếm tiền và sử dụng tiền không đúng chỗ tạo nội kết. Thói quen ngắm nhìn và hưởng thụ sắc đẹp trác táng tạo nội kết. Thói quen chạy lên đỉnh cao bất chấp thủ đoạn tạo nội kết. Thói quen ăn uống vô độ tạo nội kết. Người uống rượu bia lúc còn nhỏ chắc không biết, lớn lên tập tành theo bạn bè, dần dần nghiện rượu bia, không có rượu bia sẽ không chịu nổi, rượu bia trở thành nội kết đối với họ. Xã hội ngày nay dạy con người tạo nội kết nhiều hơn hóa giải nội kết. Trường học dạy làm thế nào kiếm tiền nhiều. Vào công ty, nhà quản lý gây áp lực cho nhân viên hoàn thành mục tiêu để vươn lên chiếc ghế cao hơn. Quảng cáo đánh vào các hình ảnh của sắc dục nhằm lôi kéo người tiêu dùng thông qua sáu căn. Mình ngày càng sống bằng sáu căn, thậm chí sử dụng sáu căn để nuôi dưỡng tâm hồn, tâm hồn vì thế bị bóp nghẹt trong muôn ngàn các phương tiện truyền thông giao tiếp.
Mọi sự dính mắc không được tháo gỡ sẽ tạo nội kết và hậu quả là thất vọng ghê gớm. Cái nghèo khiến người ta thất vọng và cái giàu thì không biết đủ. Cái xấu khiến người ta mặc cảm và cái đẹp khiến người ta kiêu ngạo. Cái thất bại khiến người ta tự ti và cái thành công khiến nâng cao bản ngã. Cái dở khiến người ta chê bai và cái ngon khiến người đam mê. Vô hình chung xã hội bị chia ra làm hai thái cực, thấp và cao, nhưng hai thái cực này không giúp con người hạnh phúc đích thực. Nội kết sâu dày đến nỗi nghiệp chất cao như núi, khổ đau như biển cả và hạnh phúc hết sức ảo. Buông bỏ nội kết là chấm dứt các thói quen tiêu thụ và hưởng thụ, chấm dứt tạo thói quen gây đau khổ cho bản thân. Suốt ngày đắm chìm vào dục lạc, sáu căn sẽ tan nát. Sở dĩ mình trở nên thảnh thơi vì mình có khả năng buông bỏ. Khi va chạm quá mức và khổ đau quá mức, mình có khuynh hướng giảm khổ đau và muốn nghỉ ngơi. Nếu mệt mỏi với cái cho là ngã, người sẽ buông bỏ sự chất chứa để cái ngã trở nên trống rỗng. Mình không muốn thu gom mà bung ra, chia sẻ ra và hồi hướng ra. Vì thương mình nên mình buông dục lạc, xả ly dục lạc và an nhiên trước dục lạc. Thực tập giữ giới rất hay, giúp mình buông bỏ dục lạc, mình có thì giờ để tu tập thảnh thơi.
Cái ngã không chỉ nằm trong phạm vi cá nhân mà còn phạm vi cộng đồng, phạm vi dân tộc hay phạm vi tôn giáo. Người chất chứa khổ đau vì quá yêu quí cái ngã, tách mình ra khỏi phần còn lại của thế giới. Cộng đồng khổ đau vì quá yêu quí cái ngã của nhóm cộng đồng, như cái ngã của một công ty, một nhóm làm việc hay một tăng thân. Dân tộc khổ đau vì quá yêu quí cái ngã, cái gọi là bản sắc dân tộc hay tự hào dân tộc cũng là ngã đấy, hay cái ngã của quốc gia này phân biệt với quốc gia kia. Ngay cả tôn giáo cũng có cái ngã, do sự phân biệt và chấp trước. Vì ngã nên sự hưởng thụ lớn, vì cung phụng ngã mà dính vào dục lạc, vì muốn thỏa mãn dục lạc nên tạo nội kết. Vậy phương pháp duy nhất để buông bỏ nội kết vẫn là ý chí đập tan cái ngã hay đập tan ý niệm về ngã.
Thiền Buông Bỏ
Thở vào, con biết kiếp sống này ngắn ngủi
Thở ra, con sử dụng kiếp sống này để tu tập.
Thở vào, đời sống này vô thường.
Thở ra, đời sống này không có gì để vấn vương.
Thở vào, sáu căn này không phải là con
Thở ra, con không bị kẹt vào trong sáu căn này.
Thở vào, năm dục không đáng dính mắc và không đáng tham cầu
Thở ra, con nguyện buông bỏ dính mắc và tham cầu năm dục.
Thở vào, ngã này không phải là con
Thở ra, con nguyện buông bỏ ngã.
Thở vào, tham ái tạo ra nội kết
Thở ra, con nguyện buông bỏ tham ái.
Thở vào, con biết đang thở vào và buông bỏ tài, sắc, danh, thực
Thở ra, con biết đang thở ra và buông bỏ tài, sắc, danh, thực.
Thở vào, con biết đang thở vào và buông bỏ thương, ghét, giận, buồn, lo
Thở ra, con biết đang thở ra và buông bỏ thương, ghét, giận, buồn, lo.
Thở vào, con như đóa sen
Thở ra, tâm con trong sáng như đóa sen.
Kinh Buông Bỏ Ân Ái
13THÁNG 8
Kinh Buông Bỏ Ân Ái
1. Kiếp người rất ngắn ngủi
-
Chưa tới một trăm năm
Dù có hơn trăm năm
Cũng không sao khỏi chết. -
2. Lạc thú sinh lo lắng
-
Ân ái sợ vô thường
Yêu nhau hay ghét nhau, rốt cuộc rồi cũng phải xa nhau
Thấy vậy cho nên có người không còn ưa thích sống đời lứa đôi. -
3. Không có gì mà cơn lũ của cái chết không cuốn theo nó. Những gì ta ham muốn ngày xưa, những gì mà ta trân quý như một cái ta, nếu lấy trí tuệ mà quán chiếu để tìm ra sự thật ta sẽ thấy rằng cái này không phải là ta, và ta không phải là cái này.
-
4. Những lạc thú của cuộc đời cũng giống như những gì ta thấy trong một giấc mơ. Thức dậy rồi thì không còn thấy gì nữa. Những gì mà người đời đang tham cầu cũng thế. Một khi tâm thức hết biểu hiện rồi thì còn có gì nữa đâu?
-
5. Tên tuổi người ấy ta còn nghe, nhưng người ấy đã đi rồi. Người ấy dễ thương hay không dễ thương, bây giờ ta cũng không trông thấy nữa. Người ấy đã rời bỏ cuộc đời, người ấy đã đi về đâu? Thần thức đã đi, chỉ có cái tên còn ở lại.
-
6. Buồn giận nhau, yêu thương nhau, rồi ghen ghét nhau. Người ta không buông bỏ được cái vướng mắc vào tham ái. Bậc trí giả biết vậy cho nên buông bỏ ân ái. Lìa xa được sự sợ hãi và đạt tới cõi an lành.
-
7. Vị khất sĩ phải sống với sự thực, đừng đánh mất chánh niệm. Phải xa lìa ái dục, biết rằng hình hài này thế nào cũng có ngày hủy diệt. Phải thực tập đừng đuổi theo những đối tượng sắc dục. Phải quán chiếu tâm ý trong tâm ý. Trên con đường tìm cầu chân lý, đừng dừng lại bất cứ ở đâu.
-
8. Không dừng lại cũng là pháp môn hành trì của các bậc tôn đức. Cái thương, cái ghét, cái tỵ hiềm, cái buồn và cái lo không động được tới mình. Như những giọt nước rơi xuống không giọt nào dính vào được đóa sen.
-
9. Không vướng mắc, cũng không trông cầu. Những gì thấy và nghe có tính cách bất chính ta không ái trước. Cả đến cái giải thoát mà ta cũng không tìm cầu thì ta còn tìm cầu gì những cái ô nhiễm?
-
10. Không vướng vào tham ái, (trong sáng) như một đóa sen. Tuy mọc lên từ bùn nhưng bùn không động tới được. Bậc tôn quý trên đời cũng hành xử như thế. Những gì nghe và thấy cũng giống như những gì chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ nghe. (2)
-
Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
-
TG.Minh Thạnh
Theo Phật Pháp Ứng Dụng