Khởi nguyên thiền tập Trung Hoa

THIỀN TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA

Ở Trung Quốc, vị tổ sư đầu tiên dạy thiền là tổ Bồ Đề Đạt Ma. Đến thế kỷ thứ Sáu ngài mới đến Trung Hoa. Tổ Bồ Đề Đạt Ma không trực tiếp viết xuống những điều tổ dạy. Trong khi đó, ở Việt Nam vào thế kỷ thứ Ba thì tổ Tăng Hội đã trực tiếp viết xuống những điều thầy dạy. Thành ra chúng ta không thể nghi ngờ gì nữa đó có phải là những điều chính tổ đã dạy hay không. Sơ tổ Khương Tăng Hội đã dạy những điều đó ở tại Giao Châu, và khi sang nước Ngô thì Sơ tổ cũng dạy như vậy.

Có những bằng chứng cho chúng ta thấy rằng kinh Lục Độ Tập, trong đó có bài Phương Pháp Đạt Thiền, đã được tổ Tăng Hội sáng tác trước khi viết Bài Tựa kinh An Ban Thủ Ý. Tại vì trong Bài Tựa kinh An Ban Thủ Ý, tư tưởng Đại thừa của thầy thâm sâu hơn, rõ ràng hơn trong bài Phương Pháp Đạt Thiền.

Chúng ta cũng có những chứng cớ rất hùng hồn chứng tỏ Bài Tựa kinh An Ban Thủ Ý đã được viết tại Giao Châu chứ không phải tổ qua tới nước Ngô rồi mới viết. Khi tổ Tăng Hội đi sang kinh đô nước Ngô thì người địa phương rất lấy làm ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên họ thấy hình dáng của một vị xuất gia. Đó là lời ghi lại trong Cao Tăng Truyện. Tại đó ngài dựng nên một cái am rất nhỏ để cư trú và tu tập. Dân chúng đồn đãi, bàn tán, cuối cùng thì vua Ngô Tôn Quyền đã mời ngài tới và làm khó khăn cho ngài rất nhiều. Cả vua lẫn quần thần đều làm cho ngài khó khăn vì ngài đại diện cho một tôn giáo chưa có mặt ở bên đó. Hồi đó tại kinh đô nước Ngô chỉ có một người cư sĩ Ấn Độä đang dịch kinh, và không có một vị tăng sĩ nào cả. Vị cư sĩ đó có lẽ cũng từ kinh đô của Giao Chỉ mà đến.

Tuy bị làm khó khăn nhưng thầy Tăng Hội rất giỏi. Thầy đã thuyết phục được vua Ngô Tôn Quyền, và nhà vua đã cất cho thầy một ngôi chùa. Người ta gọi trung tâm hành đạo của thầy là Phật Đà Lý, tức là Buddha’s House. Ngôi chùa đó sau được đặt tên lại là Chùa Kiến Sơ. Sơ có nghĩa là đầu tiên, còn kiến là thành lập. Đó là ngôi chùa đầu tiên trên nước Ngô.

Khi vua Tôn Quyền băng hà thì con là Tôn Hạo lên ngôi và còn khó chịu hơn vua cha nữa. Tôn Hạo làm đủ cách để chống đối thiền sư Tăng Hội. Tôn Hạo còn sai những nhà trí thức nổi tiếng đến đàm luận với thầy để bác bỏ giáo lý mà thầy Tăng Hội đang xiển dương. Nhưng thầy Tăng Hội rất giỏi. Thầy không những giỏi về Phật học mà còn giỏi luôn cả Lão học và Nho học. Thầy đã dùng Tứ Thư và Ngũ Kinh để đối đáp. Cuối cùng thì vua Tôn Hạo cũng phải cảm phục. Quý hóa hơn nữa là nhà vua xin quy y và thọ năm giới cùng thầy Tăng Hội. Đó là những điều đã được ghi lại trong Cao Tăng Truyện.

Cao Tăng Truyện cũng có ghi rằng thầy Tăng Hội đã tổ chức được giới đàn. Chính thầy là người đầu tiên thành công trong việc vận động cho người nước Ngô được xuất gia. Nghi lễ xuất gia của thầy áp dụng là phương pháp mà ngày nay chúng ta áp dụng, tức là có Hội đồng truyền giới gồm 10 vị. Đó là gồm ba vị Tam sư (Hòa Thượng, Yết Ma và Giáo thọ, tức là ba vị A-xà-lê) và bảy vị tôn chứng. Chính thầy Tăng Hội cũng đã được xuất gia theo phương thức đó. Trong Bài Tựa kinh An Ban Thủ Ý, thầy nói rằng: “Tôi ít phước, 10 tuổi thì cha mẹ lìa đời, đến khi xuất gia chẳng được bao lâu thì các bậc tam sư cũng tiếp nhau quy tịch”. Điều đó chứng tỏ rằng thầy Tăng Hội đã được xuất gia theo thể thức thập sư như là chúng ta thọ giới ngày nay.

Cố nhiên để có đủ thập sư thì thầy Tăng Hội đã phải gởi phái đoàn về Giao Châu để xin thỉnh một số quý thầy sang giúp. Chúng ta biết được những điều này là nhờ những chi tiết trong Bài Tựa kinh An Ban Thủ Ý. Vì vậy mà chúng ta có thể nói một cách rất tự tin rằng đạo Bụt ở Trung Hoa, nhất là ở miền Giang Tả tức là nước Ngô, sở dĩ được thành lập một cách có hệ thống, là nhờ Thiền sư Tăng Hội từ Việt Nam sang.

Nếu thấy được vai trò của Giao Châu ngày xưa thì chúng ta biết rằng Việt Nam ngày nay cũng nên tiếp tục đóng vai trò đó, nghĩa là phải đóng vai vùng đất giao lưu của nhiều nền văn hóa. Một phần nó giúp cho chúng ta tiếp tục được cơ nghiệp của tổ tiên, một phần nó đóng góp được cho nền văn hóa của cả nhiều miền.

Trong hoài bão đó, đưa đạo Bụt vào xã hội Tây phương là điều mà con cháu Sơ tổ Khương Tăng Hội tại Làng Mai đang thực tập.

NHỮNG THIỀN SƯ DANH TIẾNG TRƯỚC THẦY BỒ ĐỀ ĐẠT MA

Vào thế kỷ thứ Ba ở Trung Quốc có một thuyết gọi là thuyết Lão Tử Hóa Hồ, và có một kinh gọi là Lão Tử Hóa Hồ Kinh. Hóa ở đây tức là hóa độ. Theo truyền thuyết đó, Lão Tử sau khi đã giáo hóa tại Trung Quốc, ngài đi sang Ấn Độ, và khi sang đó thì Lão Tử thành Phật. Như vậy, theo truyền thuyết này thì đạo BuÏt mà Ấn Độ truyền qua cũng là do Lão Tử dạy, đó không phải là một đạo xa lạ của người ngoại quốc đưa vào! Vậy thì “dân Hán của mình” tại sao lại không học? Rõ ràng đây là một phương tiện truyền thông!

Khi đạo Bụt truyền qua Giao Châu, tức là Việt Nam hồi đó, thì không gặp những khó khăn như ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, quần chúng bình dân là những người tiếp nhận đạo Bụt trước tiên, và họ tiếp nhận một cách rất dễ dàng. Hồi đó, ở Giao Châu những nhà trí thức theo Lão học và Khổng học thì không có bao nhiêu, tại vì vào thế kỷ thứ Nhất trước Chúa Kitô và thế kỷ thứ Nhất sau Kitô thì Giao Châu vẫn còn nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Thành ra gần gũi với văn hóa Ấn Độ mà xa lạ với văn hóa Trung Hoa.

Sách Hậu Hán Thư là sách ghi chép về đời nhà Hán (206 B.C. – 220 A.D.), hầu như không nói gì về Giao Châu hết. Tại vì Giao Châu tuy nội thuộc nước Trung Hoa nhưng có nền văn hóa rất khác với người Hoa, lại nằm ở miền cực Nam, rất là xa xôi. Có một số tài liệu còn giữ lại, cho biết rằng Giao Châu hồi đó là một vùng đất rất phồn thịnh, có mặt rất nhiều thương gia ngoại quốc. Thương gia ngoại quốc đây, phần lớn là thương gia Ấn Độ. Chúng ta biết rằng các thương gia Ấn Độ đi tới Giao Châu rất đông và hải cảng ở Giao Châu là một hải cảng rất quan trọng. Cố nhiên sự có mặt của các nhà buôn và các tu sĩ người Ấn được tiếp nhận một cách rất nồng nhiệt tại Giao Châu thời bấy giờ. Sử sách cũng ghi chép rằng hồi Thái thú Sĩ Nhiếp còn ở Giao Châu, mỗi khi đi đâu đều có chuông trống theo kiểu Ấn Độ, rất là uy nghi. Đoàn tùy tùng lại còn có đến mấy mươi người Ấn Độ đốt hương đi chung quanh để bảo vệ cho Thái thú Sĩ Nhiếp, rất đúng nghi lễ và truyền thống Ấn Độ.

Giao Châu hồi đó không có giới trí thức theo Lão và theo Khổng đứng điều khiển, cho nên đạo Bụt đi vào trong nhân gian rất dễ dàng. Đó là lý do khiến cho Giao Châu trở thành một trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Á đông thời ấy. Chính nhờ bàn đạp đó mà đạo Bụt được truyền vào Giang Tả tức là Bành Thành, rồi từ Bành Thành mới truyền lên miền Bắc là Trường An, và Lạc Dương như đã nói trên đây.

Khi đạo Bụt đi lên miền Bắc thì gặp khó khăn. Đạo Bụt được coi là một tôn giáo của người ngoại quốc. Người Trung Hoa có một mặc cảm gọi là mặc cảm “Trung Quốc”, họ nghĩ rằng Trung Quốc là trung tâm của trời đất. Chỉ có vùng ở giữa là có văn hóa, còn những nước chung quanh đều gọi là di địch, tức là những nước thiếu văn minh!

Trong tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, chúng ta thấy có một chương nói về cái mặc cảm đó. Mâu Tử nói rằng Ấn Độ mới thật là trung tâm của trời đất, vì vậy cho nên Bụt mới chọn nơi đó để ra đời. Mục đích của chương này là để đả phá cái mặc cảm tự tôn của Trung Quốc.

Để cho đạo Bụt được giới trí thức Khổng, Lão chấp nhận, người Phật tử thời đó đã biết sử dụng kinh điển của Khổng giáo và Lão giáo để giảng giải về giáo lý đạo Bụt, như trong trường hợp của văn tập Lý Hoặc Luận. Mâu Tử là một người rất am tường Khổng giáo và Lão giáo, nên thường dùng những lý luận của đạo Lão và đạo Khổng để bênh vực cho đạo Bụt. Thầy Tăng Hội của chúng ta vào đầu thế kỷ thứ Ba, cũng theo phương pháp đó.

Như vậy có nghĩa là nếu không nắm vững nền văn hóa của người ta, và không nói được ngôn ngữ của người ta, thì mình không thể chia sẻ chất liệu tâm linh trong truyền thống của mình cho người ta được. Điều này rất đúng! Ngày nay cũng vậy. Nếu quý vị muốn chia sẻ tinh hoa của đạo Bụt cho người Tây phương, thì quý vị phải nắm cho vững văn hóa và tôn giáo của người Tây phương. Thầy Tăng Hội đã thành công ở nước Đông Ngô là nhờ thầy rất giỏi về văn hóa Trung Quốc, nhất là về hai tôn giáo có mặt tại Trung Quốc hồi đó, tức là Lão giáo và Khổng giáo.

Chúng ta biết rằng trong bước đầu của việc phiên dịch kinh điển, các thầy và các vị cư sĩ đã sử dụng rất nhiều danh từ của Lão giáo để dịch những từ của Phật giáo. Có nhiều lý do, trong đó có lý do chữ Hán chưa có những chữ tương đương để có thể dịch, vì vậy mà các dịch giả phải mượn những danh từ có sẵn trong Lão giáo. Ví dụ như chữ niết bàn đã được dịch là vô vi, một danh từ có sẵn của Lão giáo. Chữ bồ đề đã được dịch bằng chữ đạo. Vì vậy cho nên khi người ta sáng tạo ra thuyết Hóa hồ là cũng để cho đạo Bụt đi vào vùng đất của văn hóa Lão, Khổng một cách dễ dàng hơn. Họ nói rằng đạo Bụt chính cũng do Lão Tử của mình dạy ra đó! Hoặc nói rằng đạo Bụt truyền sang nhà Hán, chẳng qua cũng là giáo lý của đức Lão Tử! Nhờ vậy mà có nhiều người tin tưởng, không kỳ thị, cho nên đạo Bụt có thể đi vào trong nhân gian dễ dàng hơn.

Cũng vì lý do đó mà người ta đã mô tả Bụt hơi giống Lão Tử, tức là có những phép thần thông, có thể bay trên không, có thể biến một ra nhiều và nhiều ra một v.v… Những điều này tuy trong kinh đạo Bụt cũng có, nhưng ở đây người ta đã sử dụng hơi nhiều, nhiều hơn cả thần thánh! Đó là vì trong Lão giáo có ý niệm về trường sinh bất tử, ý niệm về thần thông, về đằng vân giá võ v.v…

Đến đây thì chúng ta thấy hầu như là chắc chắn rằng trung tâm Luy Lâu là trung tâm được thành lập sớm nhất tại Đông Nam Á trong thời nhà Hán, và từ trung tâm này mà trung tâm Bành Thành được thành lập. Những dấu hiệu sớm nhất về sự có mặt của đạo Bụt tại trung tâm Bành Thành là năm 166, năm có Tương Giai làm tháp, lập chùa ở Bành Thành. Cố nhiên là từ trung tâm Bành Thành mà có trung tâm Lạc Dương, và chúng ta nghĩ rằng phần lớn những vị xuất gia, những vị pháp sư ngoại quốc lên tới Bành Thành và Lạc Dương, là đều đi ngang qua trung tâm Luy Lâu.

Chúng ta cũng đã biết rằng hồi thầy Tăng Hội sang tới Bành Thành thì lúc đó ở Đông Ngô chưa có vị xuất gia nào cả. “Đó là vị xuất gia đầu tiên xuất hiện” là câu viết trong Cao Tăng Truyện.

Sử sách còn ghi chép rằng hồi thầy Tăng Hội qua tới Kiến Nghiệp thì chỉ có một vị cư sĩ đang dịch kinh, đó là Chi Khiêm. Ngôi chùa của thầy Tăng Hội thành lập với sự yểm trợ của vua Ngô Tôn Quyền, là chùa Kiến Sơ. Chùa Kiến Sơ có thể coi là cơ sở hành đạo của đạo Bụt vào giữa thế kỷ thứ Ba tại Trung Quốc. Tới thế kỷ thứ Tư thì bên đó có một thầy rất giỏi tên là thầy Đạo An. Thầy sinh năm 317, và tịch năm 385. Thầy là tác giả cuốn Mục Lục gọi là Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục. Cuốn này bây giờ không còn nữa, nhưng sở dĩ chúng ta biết được là do những tài liệu khác.

Thầy Đạo An người miền Bắc. Thầy đi tu năm 12 tuổi và học với thầy Phật Độ Trình. Sau đó vì giặc giã cho nên thầy trò phải di cư lên miền Bắc, cư trú tại Hồ Bắc, và thầy Đạo An đã giáo hóa tại Hồ Bắc 15 năm. Sau đó thầy được một nhà chính trị lớn mời về Trường An, ở tại một chùa tên là Chùa Ngũ Trùng. Chính thầy đã vận động để mời thầy Cưu Ma La Thập về Trường An dịch kinh. Thầy cũng nghiên cứu nhiều về kinh Bát Nhã. Thầy rất giỏi về kinh A Hàm, và cũng rất giỏi về A-tì-Đạt-ma. Thầy dịch kinh và sáng tác được tới 22 bộ, trong đó có những Nghi thức Tụng niệm, Nghi thức Lễ Sám, và thầy cũng rất chú trọng về các kinh thiền. Thầy chú trọng đến những kinh của thiền Nguyên thủy do thầy An Thế Cao dịch. Vì vậy cho nên con đường của thầy đi cũng tương tự như con đường của thầy Tăng Hội.

Hồi đó có một vị tăng tài trẻ tuổi tên là Huệ Viễn, xuất gia từ năm 13 tuổi. Thầy sinh năm 334 và tịch năm 416. Thầy Huệ Viễn là một vị tăng rất quan trọng, vì thầy là vị tổ thứ nhất của Tịnh Độ tông. Năm thầy Huệ Viễn lên 21 tuổi thì thầy được nghe thầy Đạo An giảng kinh Bát Nhã. Trước đó thì thầy đã học về đạo Lão và đạo Khổng rất sâu sắc. Khi được nghe kinh Bát Nhã thì thầy bỏ hết, thầy nói rằng được nghe kinh Bát Nhã rồi thì Tứ Thư, Ngũ Kinh biến thành rơm rác! Nguyên văn câu chữ Hán là “Khang trí thân”, tức là sách rơm, sách rác. Tuy vậy thầy vẫn sử dụng Tứ Thư và Ngũ Kinh để diễn bày giáo lý của Bụt cho người dân Trung Hoa.

Thành ra con đường sử dụng Trang Lão để thuyết giảng kinh Bụt là con đường đã được các thầy ngày xưa đi rất là liên tục. Nền văn hóa bắt buộc người ta phải làm như vậy. Cho nên chúng ta nên ghi nhớ rằng các thầy ở thế kỷ thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm đều giỏi về Tứ Thư, Ngũ Kinh, và nhất là giỏi về Trang Lão. Lý thuyết của Lão và Trang đã giúp rất nhiều cho việc truyền dương chánh pháp.

Đây là một bài học rất quý giá. Nếu quí vị muốn làm cho đạo Bụt cắm rễ ở Tây phương thì quý vị cũng phải làm tương tự. Tức là quý vị phải học văn hóa Tây phương và quý vị phải nắm văn hóa Tây phương cho vững. Quý vị còn phải biết rất rõ về các tôn giáo Tây phương, như đạo Cơ-đốc, đạo Do thái, đạo Hồi, cùng với các tông phái của họ. Phải học và phải thấy được những cái hay, cái đẹp, và châu báu trong các truyền thống đó. Khi nói đến cái hay, cái đẹp, cái quí của các truyền thống đó, thì những người thuộc các truyền thống đó mới bắt đầu hiểu được những tinh ba của đạo Bụt. Đó là một loại phiên dịch, không phải phiên dịch bằng chữ nghĩa, mà phiên dịch bằng nội dung. Cũng như năm giới mà chúng ta đang trì tụng đây, đích thực là năm giới, nhưng năm giới này được trình bày để cho các thế hệ trẻ ở Tây phương có thể chấp nhận được, có thể hiểu được. Nếu mình không tiếp xúc với văn hóa Tây phương, với tâm lý của người Tây phương thì mình không thể trình bày năm giới theo lối đó được.

Thầy Huệ Viễn đã hoằng pháp rất thành công là nhờ thầy có căn bản về Lão học và Trang học. Năm 381 thầy đi về núi Lô Sơn, chùa Đông Lâm và thầy rất muốn các kinh A Hàm được dịch ra tiếng Hán, cho nên thầy phái hai vị đệ tử lớn là Pháp Lịnh và Pháp Tịnh đi thỉnh thầy Samghadeva về. Thầy Samghadeva đã dịch được A-Tì-Đàm Tâm Luận, và thầy bắt đầu tiếp nhận giáo lý của thầy Long Thọ. Thầy cho các đệ tử học về Đại Trí Độ Luận và các bộ luận khác của thầy Long Thọ. Chính thầy đã đích thân đi thỉnh thầy Phật-Đà Bạt-Đà-La về Trường An để dịch kinh thiền gọi là Đạt-Ma Đa-La Thiền Kinh, một kinh rất quan trọng trong Thiền tông. Năm 402 thầy thành lập một hội gọi là Bạch Liên Xã, tức là hội Hoa Sen Trắng, và đó là cơ sở, là nền tảng của Tịnh Độ tông ở Trung Quốc.

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ Năm, ở Việt Nam có một thầy tên là Đạt-Ma Đề-Bà từ Ấn Độ sang. Chúng ta không biết chắc năm tháng đến Việt Nam của thầy. Chúng ta chỉ có thể nói vào khoảng giữa thế kỷ đầu của niên lịch, tức là năm 450. Thầy Đạt-Ma Đề-Bà là một thiền sư người Ấn, qua Giao Châu bằng đường biển. Sử sách có ghi rõ rằng thầy sang là cũng để dạy về thiền học. Trong số những đệ tử của thầy Đạt-Ma Đề-Bà có một thầy tên là Huệ Thắng.

Dưới đây là đoạn văn trích từ Cao Tăng Truyện nói về thầy Huệ Thắng: “Thích Huệ Thắng là người Giao Chỉ, ở chùa Tiên Châu Sơn, đã từng vân du khắp các miền sông núi, thong dong, giải phóng, tụng kinh Pháp Hoa mỗi ngày một lần. Đã từng theo vị thiền sư ngoại quốc là Đạt-Ma Đề-Bà để học phương pháp quán hạnh về thiền. Mỗi khi nhập định thì tới ngày mai mới xuất định. Lưu Tích ở Bành Thành khi làm Thái thú ở Nam Hải có nghe đến đạo phong của ngài. Lúc về nước đã đến thỉnh ngài cùng đi. Huệ Thắng thiền sư nhận lời. Khi về tới Bành Thành thì cư trú tại chùa U Thê để chỉ bày chân thể mầu nhiệm. Ngài thường làm ra vẻ như người ngu ngốc, nhưng những kẻ ở lâu với ngài thì rất kính trọng, nhất là những học giả về thiền thì rất là khâm phục”.

Như vậy thầy Huệ Thắng đã được thọ giáo với thầy Đạt-Ma Đề-Bà, một vị cao tăng từ Ấn Độ qua Giao Châu vào giữa thế kỷ thứ Năm để dịch kinh ra tiếng Hán. Đạt-Ma Đề-Bà dịch ra tiếng Hán là Pháp Thiên, Đạt-Ma là Pháp, Đề-Bà là Deva, có nghĩa là Thiên. Trước đó tại Giao Châu có thầy Tăng Hội ở thế kỷ thứ Ba, và truyền thống Tăng Hội truyền xuống thế kỷ thứ Tư và thứ Năm, tức là vào thời thầy Đạt-Ma Đề-Bà từ Ấn Độ sang Giao Châu.

Chúng ta biết rằng thiền sư Đạt-Ma Đề-Bà đến Việt Nam sớm hơn thầy Bồ-Đề Đạt-Ma đến Trung Hoa. Đầu thế kỷ thứ Sáu thầy Bồ-Đề Đạt-Ma mới đến Trung Hoa, trong khi đó thì khoảng năm 450 là thiền sư Đạt-Ma Đề-Bà đã đến Việt Nam. Tuy vậy sách sử không nói nhiều đến thầy Đạt-Ma Đề-Bà, mà lại ghi chép rất nhiều về thầy Bồ-Đề Đạt-Ma. Những điều người ta nói về thầy Bồ-Đề Đạt-Ma phần nhiều được thổi phồng lên, được thêm thắt vào. Chúng ta rất tiếc là có rất ít tài liệu nói về thiền sư Đạt-Ma Đề-Bà, nhưng điều chắc chắn không thể chối cãi được là khi thầy Đạt-Ma Đề-Bà tới Giao Châu thì thầy đã dạy thiền, và trong số những người học với thầy thì có thầy Huệ Thắng.

Thầy Huệ Thắng rất giỏi. Khi nhìn vào chúng ta biết phương pháp thiền tập của thầy Huệ Thắng là thiền Đại thừa, tại vì thầy sử dụng kinh Pháp Hoa mỗi ngày. Và chúng ta có một pháp môn gọi là Pháp Hoa Tam Muội, Saddharmapu arika-sam(dhi.Chúng ta biết rằng sau khi thầy Tăng Hội đi qua nước Đông Ngô thì có một thầy người ngoại quốc cũng đang cư trú ở Giao Châu tên là thầy Cương Lương Lâu Chi, tiếng Phạn là Kalaruci. Cương Lương Lâu Chi tức là thầy Chi Cương Lương Tiếp tại Giao Châu. Thầy đã dịch một kinh gọi là Pháp Hoa Tam Muội. Vì vậy cho nên Pháp Hoa Tam Muội, tức thiền Pháp Hoa đã có từ thế kỷ thứ Ba, và thầy Tăng Hội cũng rất quen thuộc với giáo lý Pháp Hoa.

Như vậy khi thầy Đạt-Ma Đề-Bà đến Giao Châu thì trong truyền thống thiền học của Việt Nam đã có Pháp Hoa Tam Muội rồi, và thầy Huệ Thắng tiếp tục hành trì thiền Pháp Hoa Tam Muội đó. Nếu thầy Huệ Thắng không qua Trung Hoa để dạy thiền thì chắc là không có tài liệu nói về thầy. Chúng ta không có sách sử nào ghi chép ngoài Cao Tăng truyện, và Cao Tăng Truyện có ghi rằng vào giữa thế kỷ thứ Năm, ở Việt Nam có thầy Huệ Thắng đi sang Trung Hoa dạy thiền. Không phải tự ý thầy đi mà như đã nói ở trên, do một vị thái thú ở quận Nam Hải là Lưu Tích, người Bành Thành, sau khi hết nhiệm kỳ thái thú thì Lưu Tích không về lại Bành Thành một mình mà đến thỉnh thầy Huệ Thắng cùng đi. Vì vậy thầy Huệ Thắng mới đi theo Lưu Tích để sang dạy thiền ở bên đó. Trong Cao Tăng Truyện có nói rằng những người được ở lâu với thầy Huệ Thắng thì rất kính phục thầy, nhất là những người học thiền. “Thiền học giả kính mỹ”, đó là câu nguyên văn trong Cao Tăng Truyện, có nghĩa là những người học giả về thiền thì rất thích thầy, rất kính thầy.

THIỀN HỌC VIỆT NAM DU NHẬP TRUNG QUỐC

Như đã nói ở trên, trước đây chúng ta cứ nghĩ rằng thiền là từ Trung Hoa truyền sang Việt Nam. Mình không biết rằng lúc ban đầu, thiền là từ Việt Nam truyền sang Trung Quốc, và truyền bằng nhiều đợt liên tiếp.

Trước hết, thế kỷ thứ Ba chúng ta có thầy Tăng Hội, sinh ở Việt Nam, học tiếng Phạn và tiếng Hán ở Việt Nam, xiển dương thiền học Việt Nam, làm Tổ sư thiền ở Giao Châu và đi sang Trung Hoa làm Tổ sư thiền ở chùa Kiến Sơ.

Đợt thứ hai là thầy Huệ Thắng cũng sang Trung Hoa dạy thiền. Đồng thời với thầy Huệ Thắng có một thầy người Việt khác tên là thầy Đạo Thiền. Đây là đoạn viết về thầy Đạo Thiền trong Cao Tăng Truyện: “Thiền sư Đạo Thiền là người Giao Chỉ,xuất gia từ nhỏ, giữ giới rất tinh nghiêm. Ông là một người rất thành thục, được cả hai giới xuất gia và tại gia quý mến. Thầy Đạo Thiền đã trú trì chùa Tiên Châu Sơn trên miền rừng núi, một miền có nhiều cọp dữ. Từ khi thiền sư tới hành đạo ở đây, nạn cọp bắt người được chấm dứt. Thiền sư đã được mời về Kim Lăng (Trung Quốc) để dự đại hội về thiền và về giới luật, một đại hội do các lăng vương nhà Tề tổ chức, có không biết bao nhiêu các vị cao đức từ bốn phương về dự. Về tới Kim Lăng thiền sư Đạo Thiền đã chinh phục được tứ chúng bằng đạo đức và bằng cách giảng dạy của mình. Vào những năm đầu của niên hiệu Vĩnh Minh, thiền sư về trú trì chùa Vân Cứ Hạ núi Chung Sơn để giáo hóa. Thiền sư dạy rất đông người xuất gia và đã sử dụng bộ luật Thập Tụng của học phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ để dạy”.

Khi thầy Huệ Thắng, thầy Đạo Thiền qua giảng dạy về thiền học và Luật học tại Trung Quốc thì gặp rất đông đệ tử của các thầy Đạo An và Huệ Viễn, cho nên sự giảng dạy rất là dễ dàng.

Sách Cao Tăng Truyện còn viết thêm rằng: “Thầy có nghệ thuật tóm tắt đại ý các kinh điển danh tiếng làm cho các giới xuất gia, nam và nữ phát khởi niềm tin và làm theo, và vì vậy mà uy danh của thầy càng ngày càng chấn phát”. Điều đó có nghĩa là khi đọc kinh, thầy có thể lấy ra được những tinh túy của kinh để giảng bày rất rõ. “Người tới nghe giảng có tới hàng trăm; người xin quy y thọ giới có trên cả ngàn”.

Chúng ta biết rằng sự đóng góp của thiền Việt Nam cho Trung Quốc rất lớn ngay từ những thế kỷ đầu.

Sách Cao Tăng Truyện còn cho biết rằng thầy Đạo Thiền tịch năm 70 tuổi. Như vậy, thầy sinh ra vào khoảng năm 457.

(Còn tiếp)

Thích Nhất Hạnh

Langmai.org