THIÊN THỨ TƯ
DUYÊN SINH QUAN CỦA PHẬT GIÁO
Bình đẳng quan của Phật giáo là chỉ Bản thể Chân như Phật tính, còn Duyên sinh quan của Phật giáo chỉ cho các hiện tượng Tâm, Vật y vào Bản thể đó mà giả hiện ra. Hai quan niệm đó là một, chỉ vì nói hết thảy các Pháp do Nhân duyên sinh, cho nên nói tự tính vốn không; vì tự tính vốn không, cho nên nói hết thảy các Pháp đều bình đẳng. Nếu nói các pháp là thực có, thì mỗi Pháp đều sai biệt, không thể biến thông, làm thế nào mà bình đẳng được? Bởi thế Duyên sinh quan của Phật giáo là một lý luận cơ bản giải thích sự biến hóa của vũ trụ vạn hữu, rất phù hợp với các lý luận khác. Khoa học hiện đại đang phát triễn, đặc biệt là cũng có thể chứng minh được Lý duyên sinh một cách không sai lầm. Trước khi khoa học chưa phát đạt, đối với vấn đề sinh khởi biến hóa của vũ trụ vạn hữu, đã có nhiều Học thuyết, trình bày khác nhau, nhưng nếu đem luật nhân quả mà Khoa học và Phật giáo cũng đã công nhận để phê phán thì những Học thuyết kia đều là tà thuyết hoang đường, không hợp lý. Ở đây tôi xin lựa chọn một vài thuyết phổ thông nhất để trình bày:
A.- TÀ THUYẾT TRÁI VỚI LUẬT NHÂN QUẢ.
Học thuyết này có thể chia ra bốn loại:
1.- Vô nhân luận.
2.- Bất bình đẳng nhân luận.
3.- Định mệnh luận.
4.- Cơ giới luận.
1. VÔ NHÂN LUẬN
Vô nhân luận là một học thuyết tấm thường, ngây ngô, đứng trên phương diện luận lý thì học thuyết đó không thể đứng vững. Giả sử hết thảy sự vật đều tự nhiên phát sinh, thì tại sao các thứ vàng, bạc, của báu không sinh sản tự nhiên, chúng ta cần gì phải nổ lực kinh doanh, phấn đấu? Có những người cứ ngồi không chờ đợi sự thành công, kết quả là đã thành một thói quen lười biến, phó mặc cho vận mệnh đưa đẩy, chẳng hạn những phường cờ bạc, lêu lỏng, đều do tâm lý đó mà sinh ra cả. Sở dĩ có người đặt ra thuyết ấy là vì cái nguyên nhân sinh thành của sự vật trong thế gian không thể dùng trí thức tầm thường, nông nổi mà tìm ra được. Họ thấy bề ngoài nhiều việc tựa hồ ngẫu nhiên phát sinh, nên họ có ý tưởng như vậy, chứ họ có biết đâu rằng sự biến hóa liên tiếp của sự vật đều tuân theo quy tắc Nhân quả nhất định.
Nhân quả vật chất tương đối còn đơn giản và dễ phân biệt, chứ đến như những nhân tố tâm lý nếu lại gồm cả Sắc, Tâm hỗn hợp, thì quan hệ nhân quả lại biến hóa một cách phi thường phức tạp và thời gian kéo dài cũng khá lâu. Có nhiều loại Nhân khi gieo xuống rồi không phải chỉ trong một đời mà thành quả, mà có khi đến khi hàng mấy kiếp sau gặp đủ duyên mới nẩy nở. Trong trường hợp ấy, nếu không phải người chứng được “Túc mệnh thông” (trí tuệ biết hết các việc kiếp trước), thì dĩ nhiên không thể tìm ra manh mối, do đó mới cho là sự kiện ấy là ngẫu nhiên phát sinh. Từ sự biến hóa vật chất mà chúng ta đã biết được quan hệ Nhân quả, thì một sự vật bao gồm cả sắc tâm hỗn hợp, tất cũng phải theo một quy tắc nhân quả nhất định, điều đó quyết không phải là một lệ ngoại vô lý, và cũng đừng tưởng vì ta không tìm được căn nguyên của nó trong thời gian ngắn mà cho đó là ngẫu nhiên, nếu thế thì ta sẽ sa vào những luận đoán sai lầm kể trên.
2.- BẤT BÌNH ĐẲNG NHÂN LUẬN
Bất bình đẳng nhân luận là cái thuyết cho rằng một Nhân có thể sinh ra vạn vật, và cái Nhân đó không do một Nhân khác sinh ra, mà cũng không giống với vạn vật, cho nên gọi là bất bình đẳng.
Bất bình đẳng nhân luận, chủ trương một Nhân sinh mà cũng chủ trương bao nhiêu Nhân không tương thông mà sinh. Như hiện nay tôn giáo cho rằng có một đấng vạn năng tạo nên mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, núi rừng, sông ngòi và người vật, đấng Vạn năng đó là một trong những cái Nhân bất bình đẳng. Nếu hết thảy sự vật đều do một cái Nhân đó sinh ra mà không cần sự trợ lực của các Nhân khác, thì hết thảy sự vật trên thế gian này, lẽ ra phải đồng thời phát sinh, chứ không có thứ tự, trước sau, nhưng cứ theo sự nhận xét của chúng ta thì sự vật phát sinh có thứ lớp: Sau trước, những vật mà khoa học mới phát minh, càng ngày càng tối tân, đều là những vật xưa kia chưa có.
Nếu nói rằng đấng Vạn năng ấy tùy theo ý muốn của mình mỗi lúc tạo ra mỗi vật nên có trước sau, thì xin hỏi: Khi sinh ra cai ý muốn là phải theo điều kiện hay không theo điều kiện? Nếu có điều kiện thì đấng Vạn năng ấy đã mất tự chủ, không phải là Vạn năng nữa; mà nếu không có điều kiện thì sự vật phải đồng thời phát sinh. Lại nữa, nếu đấng Vạn năng ấy đã tự tạo nên ngài được thì vạn vật cũng có thể tự tạo lấy, hà tất phải nhờ ngài? Lại nữa, đấng Vạn năng tạo ra vạn vật mục đích để làm gì? Nếu nói rằng để thỏa mãn dục lạc của mình, thì sao lại còn tạo ra ma quỷ, địa ngục và muôn vàn thứ xấu xa khả ố nữa? Nếu nói rằng đấng Vạn năng muốn thế thì đấng Vạn năng ấy là một kẻ tội ác. Lại nữa, nếu đấng Vạn năng quả có sức Vạn năng thì sao không tạo ra những con người tốt đẹp, ngay thẳng, phúc đức và trí tuệ, lại đi tạo ra cái thế giới đầy tội ác này, để rồi phải xuống cứu họ và chết thay để chuộc tội cho họ? Nếu không tạo được như thế thì không phải là Vạn năng, nếu có thể tạo được mà lại cố ý tạo ác, thì cái tội đó không thể tha thứ. Cho nên trên căn bản lý trí, thuyết Nhất nhân luận không thể nào đứng vững.
Khi khoa học mới bắt đầu xương mình, người ta từng ngộ nhận rằng nguyên tử là một đơn vị nhỏ nhất không còn thể phân chia được nữa, nguyên chất của nó chia thành 92 loại, làm nhân cho hết thảy vật chất. Đó là thuyết Đa nhân luận trong học thuyết Bất bình đẳng nhân luận vậy. Nhưng không bao lâu thì học thuyết đó bị đánh đổ khi người ta đã tìm ra điện tử. Rồi họ cho rằng điện tử là đơn vị nhỏ nhất và nhận nó là cái thể chân thường bất biến, do đó mới lại từ Đa nhân luận trở lại Nhất nhân luận. Từ sau khi nguyên tử năng được phát minh, người ta mới biết rằng thuyết đó là lầm, nguyên lai trước kia cái mà người ta nhận là vật chất thường còn bất diệt, có thể biến thành phi vật chất, và trước kia người ta cho rằng năng lực và vật chất là hai cái khác nhau, nhưng đến nay mới biết nguyên lai nó chỉ là một. Từ đó các nhà khoa học đã tự thủ tiêu thuyết Bất bình đẳng nhân luận mà quay về thuyết Bình đẳng nhânquả luật của Phật giáo.
3.- ĐỊNH MỆNH LUẬN
Người lập ra Định mệnh luận chủ trương rằng hết thảy mọi sự việc đều đã định trước, hoặc do trời định thì sức con người không thể cưỡng lại được, kết quả đã khiến cho người ta xu hướng đến chỗ tiêu cực mà không dám đảm mhiệm trách vụ của mình. Phái theo thuyết Lạc Thiên ở Trung quốc thuộc về loại đó. Cái mệnh lý thông hành ở Trung quốc nếu thuộc về định lý tức đã thành định mệnh luận, nếu không phải là định lý thì căn cứ vào đâu mà suy đoán? Nên biết răng tuy gieo nhân ở kiếp trước, nhưng nhân duyên hòa hợp mà thành kết quả lại ở kiếp này, kiếp trước dẫu gieo Nhân xấu, nhưng kiếp này chăm chỉ cố gắng làm việc thiện, thì Nhân xấu ở kiếp trước không còn đủ duyên để sinh ra Quả xấu ở kiếp này; nếu chỉ sinh lòng ăn năn thôi, thì cũng đã tạo được cái Duyên tăng thượng làm trở ngại cho Nhân xấu khỏi kết thành Quả xấu.
Ông Viên Liễu Phàm đời nhà Minh đã từng thực nghiệm thuyết định mệnh, và lúc đầu cũng biết trước được mọi việc một cách xác đáng như các nhà Mệnh lý vậy. Nhưng từ khi được Vân cốc thiền sư giảng cho nghe thuyết Duyên sinh thì Ông lập chí cải biến số mệnh trước, chăm làm việc thiện và kết quả tốt đẹp hơn dự định. Cho nên cái gọi là Định mệnh luận, thật ra trong định vẫn có cái bất định, nếu thông suốt được Duyên sinh luận của Phật giáo thì ta không còn mê theo Mệnh lý đến nổi phải sa vào đường tiêu cực. Hơn nữa, họa hay phúc là do mình tự tạo lấy, cái đạo lánh dữ làm lành không phải tìm ở bên ngoài. Nhưng nếu hiểu được rằng tội, phúc vốn không có tự tính, tuy có chăm tu phước đức mà không sinh tư tưởng chấp trước vào phúc đức thì đó lại là cao hơn một bậc nữa.
4.- CƠ GIỚI LUẬN
Các nhà triết học Cơ giới Duy vật luận cho rằng sự biến hóa của hết thảy sự vật là do tính di truyền và ảnh hưởng hoàn cảnh qua các thời đại. Họ nhận rằng Tâm chỉ là hiện tượng do vật chất biểu hiện, cho nên tất cả nhân tố biến hóa chỉ là vật chất và thời gian mà thôi. Theo lý luận đó, nếu một người đồng thời với Lincoln, từ nhỏ sinh trưởng trong một gia đình như Lincoln, hoàn cảnh sinh hoạt và hưởng thụ vật chất cũng như Lincoln thì tương lai cũng sẽ thành vị Tổng thống của Hoa Kỳ và cũng tạo được những sự nghiệp vĩ đại như Lincoln. Ý nghĩa của thuyết đó cũng như một chiếc xe hơi khi đã được lắp tất cả các bộ máy móc như nhau là thành nhãn hiệu cũng như nhau và cũng có công dụng như nhau, cho nên gọi là Cơ giới luận. Lý thuyết đó coi sự biến hóa của vạn vật trong vũ trụ cũng như một bộ máy phải tuân theo những quy tắc khoa học.
Phật giáo nhận rằng vật chất quả là nhân tố nhưng không quan trọng bằng nhân tố Tâm. Vật chất cố nhiên đưa đến tác dụng của tâm, nhưng tâm cũng có thể dẫn khởi sự biến hóa của vật chất. Lý luận của Cơ giới luận vẫn còn dựa vào định luật của vật lý học cũ cho rằng vật chất là thường còn, nếu các nhà triết học ấy đọc qua vật lý học hiện đại họ sẽ phải kinh ngạc và lập tức đem những tài liệu trước tác của mình bỏ vào hỏa lò, rồi quay về với kinh điển nhà Phật. Vì các nhà khoa học hiện đại sẽ cho họ biết rằng vật chất có thể biến thành năng lực phi vật chất và năng lực lại lấy thời gian và không gian làm nhân tố trọng yếu, mà thời gian thì không thể thoát ly nhân tố Tâm. Như thế đủ biết không những năng lực và vật chất là một, mà vật chất với Tâm cũng là một. Thế là nền tảng của Cơ giới luận đã sụp đổ, ta không cần phải nhọc công bác luận nữa.
Bốn loại tà luận kể trên trong kinh Phật gọi là “Biến kế sở chấp” (chấp theo cái tâm thức vọng động biến hiện), cũng như lông rùa, sừng thỏ, quyết không thể có. Nếu ta tin vào những tà thuyết này, ta sẽ phải gặp những tệ hại:
1) Khiến người ta không quan tâm đến trách nhiệm và sự nghiệp của mình, đem sự thất bại đổ lỗi cho vận mệnh, thiên thần và hoàn cảnh xã hội; nếu nhất đán thành công thì lại nhận lấy công đó là của mình, vì thành công đó do cái Nhất nhân kia sinh ra, người khác không thể tranh công được.
2) Khiến người ta chỉ biết tích cực tăng cường tham dục, mà không chịu tích cực phục vụ xã hội.
3) Khiến người ta thiếu tình thương đối với đồng loại, tăng thêm tính tự kiêu, tự đại và lòng tranh giành, hiếu chiến.Muốn tránh những tệ hại đó, chỉ có cách là tin Vạn hữu nhân quả luật của Phật giáo.
B.- VẠN HỮU NHÂN QUẢ LUẬT
Luật nhân quả của Phật giáo thích ứng với tất cả sự biến hóa của hết thảy vật chất, của tâm và vật hỗn hợp. Từ chúng sinh đến thành Phật, từ thế gian đến xuất thế gian đều phải chịu sự chi phối của định luật ấy, bởi thế tác giả gọi là Vạn hữu nhân quả luật. Nhân quả là nói tắt, nếu nói đủ phải là nhân duyên, quả báo. Nhân là cái nhân làm chủ, duyên là cái nhân giúp thêm vào, khi nhân duyên hòa hợp mà sản sinh ra vật gì thì gọi là quả, quả đó đối với người gieo nhân, gọi là báo. Trong kinh Phật có một bài kệ nêu rõ định luật nhân duyên quả báo đó như sau: “ Giả sử bách thiên kiếp, sở tạo nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thụ”, (giả sử trăm nghìn kiếp, chỗ tạo nghiệp không mất, khi nhân duyên hội ngộ, tự phải chịu quả báo)
Bài kệ trên nêu rõ ba điểm:
1.- Cái nghiệp ta tạo nên là Nhân, nhân ấy tuy có trải qua thời gian bao lâu chăng nữa cũng không thể tiêu tan được. Ý nghĩa ấy cũng như ý nghĩa trong định luật động lực cuả Newton: Vật thể tĩnh thì tĩnh mãi, mà động thì động mãi, nếu không có sức bên ngoài xung kích thì tự nó không biến đổi.
2.- Nhân đó bất luận lâu hay chóng, hễ gặp Duyên thì phát sinh Quả, ví như tĩnh vật gặp sức bên ngoài thì động, hoặc động vật gặp sức bên ngoài thì chuyển hướng hay đình chỉ, hay tăng thêm sức chuyển động.
3.- Tự mình gieo Nhân, tự mình phải chịu Quả, họa hay phúc là do mình thụ chuốc lấy, chứ không phải do một đấng Thiên thần thưởng phạt, cũng không phải mình gieo Nhân mà người khác chịu Quả, hoặc người khác gieo Nhân mà mình phải chịu Quả, như các nhà tôn giáo khác chủ trương.
Nhân quả luật của khoa học cũng nằm trong vạn hữu nhân quả luật, vì khoa học chẳng qua chỉ nói đến quy tắc nhân quả của vật với vật, chứ không chịu nghiên cứu vấn đề nhân sự và nhân tố của Tâm, cho nên quan hệ nhân quả của khoa học rất đơn giản. Ví dụ: Đặt một khúc đồng tuyến (sợi dây đồng ) cho di động trong từ trường để nó cắt đứt từ lực tuyến, thì trong đồng tuyến sẽ sinh ra điên áp (sức điện động). Nói theo sự biến hóa về vật chất ấy thì đồng tuyến là Nhân, động lực và từ lực tuyến là Duyên giúp thêm vào (trợ duyên), còn điện áp là Quả, vì đồng tuyến là vật vô tình, nên không tiện gọi là Báo. Nếu không có đồng tuyến thì không thể có được điện áp, cho nên đồng tuyến là chủ nhân; nhưng có đồng tuyến mà không nhờ động lực xung kích nó, và không có từ lực tuyến để nó cắt đứt, thì điện áp không thể phát sinh, cho nên động lực và từ trường là Duyên. Có Nhân, có Duyên thì nhất định phải sinh Quả, không sai một mảy, nên gọi là nhân quả luật.
Nhờ có định luật nhất định ấy, nên ta mới có thể dự trù kế hoạch để chế tạo ra máy phát điện, không thì phải đến khoanh tay mà phó mặc vận mệnh hoặc cầu cứu thiên thần. Cũng nhờ có định luật nhân quả ấy mà bao nhiêu dụng cụ nông nghiệp đã được chế tạo. Nhà nông trồng lúa thì được thóc, trồng đậu thì được đậu, xưởng dệt dùng bông làm nguyên liệu rồi nhờ máy móc và nhân công mà dệt thành vải; xưởng bánh thì dùng bột làm nguyên liệu, rồi nhờ máy móc và nhân công làm thành bánh, tất cả chúng ta đều thấy lịch trình nhân quả diễn tiến một cách phân minh, rõ ràng. Quan hệ giữa vật với vật đã như thế, thì quan hệ giữa tâm với vật và tâm với tâm tất cũng như thế. Vả lại tâm với vật vốn là nhất thể, suy rộng ra thì lý đó không sai.
Nhưng Phật giáo giải thích nhân quả quan hệ của sắc tâm còn phức tạp hơn những thí dụ kể trên rất nhiều, cho nên đối với ba thứ Nhân, Duyên, Quả, đã được Phật giáo phân tích rất tỷ mỉ. Ở đây, tôi chỉ xin nói sơ lược, nếu muốn hiểu cho tường tận, xin độc giả hãy nghiên cứu Kinh, Luận của Pháp tướng tôn. Trong kinh Phật dạy “Nhân” có hai thuyết: “Sáu nhân” và “Mười nhân”, trong Câu xá luận nói sáu nhân, Du già luận nói mười nhân đều là mở rộng phạm vi của Nhân mà bao gồm cái “Duyên” ở trong. Còn về “Duyên” thì trong kinh Trường A Hàm chia ra bốn loại: 1) Nhân duyên; 2) Đẳng vô gián duyên; 3) Sở duyên duyên; 4) Tăng thượng duyên; các loại Duyên trên cả Tiểu thừa và Đại thừa đều công nhận. Kinh điển Bali còn chia rộng ra thành hai mươi bốn duyên. Hai mươi bốn duyên này giải thích rất tường tận sự quan hệ giữa Sắc và Tâm, giữa Tâm với Tâm, giữa Tâm với Tâm Sắc, giữa Tâm với Thân, giữa Thân với Tâm, giữa Thể tâm sắc hỗn hợp với Thể tâm sắc hỗn hợp.
Nhưng ở đây tôi chỉ xin nói về bốn loại Duyên phổ thông nhất đã kể ở trên.
1.- Nhân duyên tức là cái chủ nhân, đứng về phương diện vật chất mà nói thì bông là chủ nhân của vải, bột mì là chủ nhân của bánh, đồng tuyến là chủ nhân của điện. Đứng về phương diện “tâm” hay “tâm sắc hỗn hợp” mà nói thì phàm những hành vi do Thân, Miệng, Ý tạo nên mà trong kinh Phật gọi là “nghiệp” đều có thể “Nhân”.
2.- Đẳng vô gián duyên là nói cái tâm vương, tâm sở của tâm thức sinh diệt từng giây từng phút, cứ một ý nghĩ trước vừa diệt đi thì lại mở đường cho một ý nghĩ sau tiếp đến, cứ như thế nối tiếp không ngừng, cho nên cái tác dụng được gọi là Đẳng vô gián duyên. Duyên này chỉ có trong phạm vi “tâm pháp” chứ không có trong sự biến hóa của vật chất.
3.- Sở duyên duyên là chỉ cái Tâm hay phân biệt và cái Vật bị phân biệt đối nhau, cái trước lấy cái sau làm Sở duyên; cái vật bị phân biệt làm Trợ duyên cho cái tâm hay phân biệt, cho nên gọi là Sở duyên duyên.
4.- Tăng thượng duyên là chỉ hết thảy tâm pháp hay sắc pháp khởi lên tác dụng thuận, nghịch đối với chủ nhân, rồi chủ nhân nhờ ảnh hưởng ấy mà trưởng thành, dều gọi là Tăng thượng duyên.
Trong Nhân quả luật thuần vật chất thì chỉ cần có “nhân duyên” và “tăng thượng duyên” là có thể phát sinh ra Quả, nhưng trong Nhân quả luật thuộc tâm pháp và sắc tâm hỗn hợp, thì cần phải đủ bốn Duyên mới phát sinh Quả được. Những Quả do những Nhân duyên ấy hòa hợp phát sinh được chia thành năm loại:
a) Di thục quả.
b) Đẳng lưu quả.
c) Ly hệ quả.
d) Sĩ dụng quả.
e) Tắng thượng quả.
đều có nói rõ trong Câu xá luận và Thành duy thức luận.
Theo kinh Phật thì đất đai, sông núi, mặt trăng, mặt trời, các vì tinh tú, cây cỏ, chim muông cho đến hết thảy hoàn cảnh hiện hữu, đều là kết quả của nghiệp lực chung của toàn thể nhân loại trên thế giới gây nên, chứ không phải một đấng Vạn năng nào sáng tạo cả. Những nghiệp nhân ấy cũng có cái gì ở kiếp trước, có cái ở kiếp này, thí dụ: Thương cảng ở Thượng Hải lúc đầu đời nhà Thanh chưa có, đến khi các cửa thông thương, thì người Trung Hoa mới hợp lực cùng các nước trên thế giới mà kiến thiết nên. Những sự kiến thiết về vật chất ấy không phải chỉ có nhân dân Thượng Hải chung sức hoàn thành mà cả nhân dân toàn thế giới cũng góp phần một cách gián tiếp. Những loại nhân quả đó đều thuộc hiện tại, duy cái nhân tạo thành mặt trăng, mặt trời thì thuộc về quá khứ.
Luật Nhân quả của Phật giáo không bị thời gian hạn chế, có khi đời trước gieo nhân, đến đời nay gặp đủ duyên thì kết thành quả; có khi kiếp trước gieo nhân, đến kiếp sau này mới thành quả; có khi đời này trồng nhân, có thể đời này thành quả ngay; nhưng cũng có khi đời này gieo nhân, phải đến mấy kiếp sau mới kết thành quả. Tất cả đều căn cứ vào cái “Duyên” đầy đủ hay không đầy đủ mà có trước, có sau, có mau, có chậm vậy. Người đời thường không hiểu cái lý nhân quả sâu xa ấy, nên khi thấy có người kiếp này làm việc thiện mà phải chịu ác báo, hoặc có người đời này làm việc ác mà lại được hưởng phước báo, liền cho là sai lầm mà không tin luật Nhân quả. Nhưng họ không biết rằng người kiếp này làm việc thiện mà lại chịu ác báo, là vì kiếp trước họ đã gieo nhân ác, đến nay đã đủ duyên kết thành quả, nghĩa là quả chín đã đến ngáy rụng, cho nên họ phải chịu ác báo, Còn kiếp này họ làm việc thiện, tức là đang gieo nhân thiện , nhưng cái nhân thiện đó còn quá yếu ớt, chưa đủ sức lấn áp cái quả ác kia và cũng chưa đủ duyên để kết thành quả thiện ngay, nhưng đến kiếp sau, hay mấy kiếp sau nữa chắc chắn sẽ thành thiện quả. Còn người kiếp này làm ác mà lại được phúc báo thì cũng thế, nghĩa là phúc báo ở kiếp này là kết quả của nhân thiện họ đã gieo ở kiếp trước; còn kiếp này họ làm ác, họ sẽ phải chịu ác báo ở kiếp sau, hay mấy kiếp sau nữa.
Luật nhân quả đó cho rằng tự mình làm, tự mình chịu, dẫu đến cha con thân thích cũng không ai chịu thay cho ai được. Người đời thường cho rằng vì Tổ tiên tích đức nên con cháu được hưởng phúc báo, thật ra thì không phải thế. Nên biết rằng cái phúc báo mà con cháu thụ hưởng đó chính là con cháu tự tạo lấy chứ không liên quan gì đến tổ đức cả; tổ tiên tích đức chỉ có thể tạo được nghiệp đồng cảm khiến cho người có phúc sinh vào làm quyến thuộc mà thôi. Lý do rất rõ ràng là vậy. Lại nữa, Nhân quả có tính chất bình đẳng, cái nhân năng sinh tức là cái quả sở sinh, quả sở sinh tức là nhân năng sinh, nhân quả không cố định, chỉ do đối đãi mà có. Nếu lấy nhân quả vật chất làm thí dụ thì, sợi vải là quả của bông, cũng lại là nhân của vải; vải là quả của sợi vải, lại trở thành nhân của quần áo. Nếu thì dụ về nhân sự thì, cha là con của ông, lại cũng là cha của con, rồi lại trở thành ông, cứ như thế suy ra thì vô cùng. Cho nên biết cái nhân bất bình đẳng ấy không những đã không phù hợp với tỷ lượng mà còn trái cả với hiện lượng nữa.
Căn cứ luật nhân quả mà suy ra thì nhân sinh phải trải qua ba giai đoạn: Quá khứ, Hiện tại, và Tương lai. Vì nhân quả nối tiếp không dứt, trong luật nhân quả không có cái nhân đầu tiên mà cũng không có cái quả cuối cùng; trước cái nhân này có cái nhân khác nữa, cứ thế mà suy mãi lên thì thấy nó vô thủy; sau quả này lại có quả khác, sau quả khác lại có cái quả khác nữa, cứ thế suy mãi xuống thì thấy nó vô chung. Căn cứ vào đó nên Phật nói vòng vo quanh sáu ngã, vì ta chưa chứng được Thần thông nên không thấy rõ, nhưng xét theo lý ấy, thì ta vẫn có thể tin lời Đức Phật nói là đúng.
Nếu có người hỏi: Quan hệ nhân quả giữa vật với vật phân minh rõ ràng, ai ai cũng biết, quan hệ nhân quả giữa vật với vật phân minh rõ ràng, ai ai cũng biết, quan hệ nhân quả giữa vật với tâm cũng còn dễ hiểu, như hết hảy vật chất đều có thể làm cho người ta cảm thấy khổ, vui, lo, mừng; chứ như đến tác dụng của Tâm thì không thế, vậy làm thế nào khiến cho vật chất biến hóa được? Xin trả lời: Đúng thế, lấy cái tâm làm nhân để tạo ra vật quả, gọi là Dị thục quả, cái quả đó phải nhiều kiếp mới chín chứ không phải chỉ một kiếp mà thành, nên không thể thấy được một cách dễ dàng. Nhưng nếu lấy tâm làm nhân để khiến vật chất sinh ra biến hóa, thì có rất nhiều; thí dụ như khi ta nghe thấy người nào nói đến mơ chua thì tự nhiên trong miệng chảy nước miếng. Lại như khi trèo lên một mỏm đá cheo leo dốc thẳng , trong lòng thấy sợ hãi thì thấy bàn chân gây gây. Lại nữa, khi nằm mộng thấy cùng đàn bà giao hợp thì xuất tinh, vậy người đàn bà trong mộng ấy có thật không? Ngày xưa Lý Quảng vào núi gặp hổ, liền giương cung bắn, khi đến gần mới biết là đá chứ không phải là hổ, nhưng mũi tên đã xuyên qua đá, khi đã biết là đá rồi thì bắn mấy tên cũng không vào. Ngài Cưu-ma-la-thập khi còn nhỏ theo mẹ lên chùa, thấy chiếc bát của chư Tăng, liền nghịch cầm chụp lên đầu, khi để xuống nhìn kỹ mới biết là bát sắt, thì lúc đó không thể nào nhắc lên nổi nữa. Căn cứ vào những thí dụ kể trên thì ta thấy rằng tác dụng của cái Tâm cũng có thể biến đổi được vật chất. Là vì trọng lượng và mức độ cứng, mềm của vật chất vốn không thực có,chỉ cần tăng thượng duyên của thân căn là có thể khiến cho thân thức cảm giác được trọng lượng và mức độ cứng, mềm. Khi tăng thượng duyên phát ra biến hóa thì trọng lượng và mức độ cứng, mềm đó cũng biến đổi theo, cho nên đá mới biến thành mềm như thịt, và sắt mới trở nên nhẹ như ngói. Những trường hợp đó tuy hiếm có, nhưng trong Duy thức học cũng đã phân tích một cách hết sức rõ ràng và hợp lý.
Cho nên biết rằng luật nhân quả bao hàm tất cả sự biến hóa của sắc tâm, tâm sắc ở trong, nghĩa là không một sự biến hóa nào của các pháp tránh khỏi sự chi phối của luật đó được. Bởi thế gọi là Vạn hữu nhân quả luật cũng không phải quá đáng vậy.
C.- VỌNG CHẤP SINH, DIỆT, ĐOẠN, THƯỜNG
Người đời vì không thấu suốt lý: Hết thảy sự vật đều do nhân duyên sinh, nên mới cố chấp cho rằng vạn vật là thật có, là thường còn, do đó đối với thân mệnh, tài sản, người ta yêu quý vô cùng, nếu một ngày kia thấy người chết, hay tài sản bị tiêu hủy, thì lại cho là đoạn diệt, không thể sống lại, khiên người ta đau buồn, chán nản. Nếu biết rằng hết thảy sự vật do nhân duyên sinh, thì hiểu ngay là sự vật vốn không có tự tính, sinh đó chẳng qua là giả hiện, mà diệt đi cũng chỉ là huyễn diệt. Vì sự vật theo nhân duyên mà sinh, diệt, nên nói rằng nó không phải thường còn, cũng không phải thực có. Vì sự sinh, diêt, đều là giả dối, nên diệt không phải là dứt hẳn, nếu là dứt hẳn, thì sau khi diệt sao lại có thể sinh ra nữa? Nếu là thực có thì tất không thể diệt được.
Các nhà vật lý học xưa cũng đã từng ngộ nhận rằng vật chất là thực có, cho nên nói vật chất thường còn, bất diệt. Nếu vật chất thực có thì quyết không thể diệt được; nếu vật chất thực có diệt, thì diệt rồi không thể lại sinh; thế thì núi, sông, người vật, tất phải diệt hết, mà đã diệt rồi, vĩnh viễn không còn sinh nữa.
Các nhà khoa học hiện đại mới chứng minh rằng vật chất không phải thường còn, có thể biến diệt, nhưng cái diệt đó không phải thật diệt, mà chỉ là giả diệt. Hễ vật chất diệt, năng lực sinh, mà năng lực diệt thì vật chất sinh, hai cái đó thay nhau biến hóa, nên sự sinh, diệt chỉ là cái giả tướng biến hóa, chứ bản thể của nó thì không hề sinh diệt, không hề biến động, vì thế Phật nói: Hết thảy Pháp không sinh, không diệt. Thế mà người ta không hiểu thấu cái chân lý ấy, lại ngộ nhận hết thảy giả tướng không sinh diệt, chấp là thực có, rồi sinh ra thành kiến “chấp thường”. Khi nghe Phật nói giả tướng có sinh diệt, thì lại ngộ nhận bản thể có sinh diệt, rồi sinh ra thành kiến “chấp đoạn”. Chấp thường và chấp đoạn đều thuộc về “tà kiến”, cái tệ hại cuả nó không biết thế nào mà kể. Người đời thường nói: Kiếp người là “không”, rồi khuyên mọi người hễ được ăn thì cứ ăn, có mặc thì cứ mặc, việc gì phải ép xác cho khổ thân? Thấy người ta nói không cũng nói không, và tự cho mình là người đã đạt lý. Dưới tầm mắt của Phật giáo thì những người nói thế không đạt được điểm nào cả, hòan toàn là ngu si, không hiểu câu nói đó, một nửa thì e chấp thường, một nửa thì chấp đoạn. Họ nói “không” tức là cái “không” đoạn diệt, rỗng không, chứ không phải cái “chân không diệu hữu” như trong Phậ giáo nói. Vì họ chưa quên được cái thị hiếu “ăn”, họ nhận “sự ăn” là thật, còn chính cái họ họ là “không”, họ cho rằng đoạn diệt là sẽ đoạn diệt hẳn, vậy chưa đoạn diêt thì hãy mau mau ăn uống cho sướng miệng, như thế có phải ngoài cái chấp đoạn ra còn chấp thường đó không?
Cũng do cái vọng chấp đoạn, thường ấy, mà ta một mặt gia công hưởng lạc, tham đắm ngũ dục, một mặt dứt lòng từ bi, không chịu tu thiện. Thái độ đó hiện nay vẫn còn là cái nhân sinh quan của một số người an phận lợi kỷ. Vì họ đã chấp sâu vào tà kiến đoạn, thường, nên cho rằng nhân quả báo ứng chẳng qua chỉ là chính sách ngu dân do Thần đạo đặt ra, mà họ lại không phải là hạng dân ngu, họ chỉ sợ không vơ được cái lợi của thiên hạ về mình, không giật được cái quyền của thiên hạ về tay không thương tiếc gì đến tính mệnh của chúng sinh; những người như thế ngày ngày tạo nghiệp địa ngục, khi chết đi, làm sao tránh khỏi sa đọa địa ngục chịu mọi tội khổ.
Để phá trừ vọng chấp, ta hãy xét qua lý Sinh, Diệt, Đoạn, Thường lập thành theo đồ biểu dưới đây:
Tôi xin đơn cử ra đây một sự thực khoa học làm thí dụ để thuyết minh cho lý do trên: Hiện nay trong nhà mọi người đều dùng đèn điện, khi nhà đèn phát điện, ta chỉ cần vặn đèn lên là phát ra ánh sáng. Dưới con mắt của những người không hiểu gì về điện học thì mức độ ánh sáng đó không biến đổi, và cho dòng điện cũng không biến đổi, chớ không biết rằng số lượng và phương hướng của dòng điện biến đổi từng giây, từng phút và vì thế ánh đèn cũng biến đổi , nhưng nó biến đổi quá nhanh, cho nên mắt người ta không trông thấy được, do đó mới sinh ra ảo giác “thường”. Rồi lại cho rằng dòng điện ấy là tứ nhà đèn truyền đến, cũng như nước là từ ống nước dẫn đến, do đó lại sinh ra ảo giác “đến’.Nhưng nếu nói theo điện học thì dòng điện đó gọi là giao lưu, số lượng biến đổi là do sức mạnh, yếu của điện lực. Lúc đầu từ con số 0 (Zéro) tăng theo một chiều hướng nào đó, cho đến khi đạt tới một điểm cao nhất, rồi dần dần giảm bớt đi để lại trở về 0; rồi lại từ 0 tăng theo một chiều hướng tương phản, khi đến được điểm cao nhất, lại giảm dần đi mà trở về 0, cứ như thế mà tuần hoàn biến hóa. Suy đó thì ta biết rằng dòng điện không dừng nghĩ một giây, một phút nào, mà trái lại sinh trưởng, biến diệt từng giờ, từng khắc, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, sinh sinh, diệt diệt, kế tiếp không ngừng.
Ta lại có thể suy ra rằng dòng điện trong điện tuyến luôn luôn rung động, nhưng khi vặn đèn lên, trong điện tuyến không thêm chất lượng của dòng điện, mà khi tắt đèn đi, trong điện tuyến cũng không vì thế mà giảm bớt chất lượng, là vì các nguyên tử đồng trong điện tuyến vẫn duy trì số lượng điện tử sẳn có của nó, không phải vì sự mở hay tắt đèn mà có thêm bớt. Đã không thêm thì điện tử không “sinh”, đã không bớt thì điện tử không “diệt”. Dòng điện đã kế tiếp nhau mà sinh, diệt thì biết không phải “thường”. Điện tử của nguyên tử đồng đã không bớt, không diệt, thì biết không phải “diệt”. Khi mờ đèn thì điện tử có thể sinh ra ánh sáng, nhưng khi tắt đèn thì công dụng của điện tử lại khác, cho nên biết không phải “một”. Nhưng cái điện tử lúc động tức là cái điện tử lúc tĩnh, cho nên biết không phải “khác”. Khi dòng điện đến thì chỉ làm cho điện tử trong điện tuyến rung rinh, chứ không phải thật có điện tử từ nhà đền truyền đến, cho nên biết rằng không phải “đến”. Khi dòng điện ngừng, điện tử trong nguyên tử đồng cũng chưa đi, cho nên biết không phải “đi”. Do một thí dụ đó mà có thể thấy được rằng những câu trong kinh Phật nói: “Không sinh, không diệt, không thêm, không bớt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không đến, không đi” là đúng vô cùng./.
Tác giả: Uông Trí Biểu
Dịch giả: Thích Tuệ Đăng
(Còn tiếp)