20 -Lời khuyên song thân

Kính cha má,

Chuyến về thăm lần này con đã thấy khá nhiều sự việc mà trước nay con không thấy, những hiện thực chung quanh con rõ ràng hơn trước đây. Trong những ngày ngắn ngủi đó con đã cố gắng niệm Phật trợ lực cho cha. Cha tỉnh lại được từ cơn bệnh nặng. Thật là vi diệu! Trợ niệm cho cha đau nặng nhưng con không mở một lời cầu xin Phật, Bồ-tát gia trì cho cha khỏe lại, trái lại con cứ một lòng cầu nguyện vãng sanh cho cha. Kết quả thì, chỉ vỏn vẹn hai ngày cha bình phục trở lại. Cái lý này sâu lắm, vi diệu lắm. Thành tâm niệm Phật cầu về Tây-phương không phải là phải chết, mà niệm Phật cầu vãng sanh làm nghiệp chướng dễ tiêu tan, nếu báo thân đã mãn thì cha được vãng sanh Cực Lạc, nếu chưa mãn thì tự nhiên bình phục rất nhanh. Cái lý này vi diệu không thể nói một vài lời được đâu.

Đây cũng là dịp may, rõ ràng trên đời “đắc thất nan truy họa phước”. Cha không đau như vậy đâu có dịp thấy sự hiển linh của câu Phật hiệu. Bây giờ cha má đã quyết lòng niệm Phật ngày đêm, má cũng bắt đầu buông xả, làm con mừng không thể tả được. Nhưng nhìn kỹ thì nghiệp chướng vẫn còn, oan gia vẫn có, trái chủ chưa xa đâu. Những trở ngại này vẫn còn hiện diện tại chỗ… Những ngày gần cha má và gia đình, sáng, chiều con cố hết sức để nói, khai thị trong những buổi niệm Phật để tìm cách giải tỏa, nhưng chỉ được một phần, chưa được viên mãn.

Con muốn ở lại lâu hơn nữa để ngày ngày nói chuyện với cha má và mọi người về pháp Phật. Nhìn cha má, nhìn mọi người mà dễ tùy cơ ứng nói, tùy căn cơ khuyên nhủ thì mọi người dễ phát tín tâm, sớm thực hành pháp môn niệm Phật hơn. Nhưng vạn sự phải tùy theo duyên, không duyên khó hành sự. Bây giờ con đã nhập thất niệm Phật lại rồi, không còn ngày ngày cùng nhau bàn Phật pháp nữa, xin cha má hãy lấy những lời thư này để thay cho những lần thấy mặt con vậy. Nếu thấy rõ ràng pháp niệm Phật tối thắng vi diệu, thì tất cả hãy cố gắng tinh tấn niệm Phật. Ở An-Thái, con nói chuyện chỉ có một ngày thôi mà đã có rất nhiều người tự nguyện thành lập nhóm để tu hành, họ dự định mỗi tuần họp nhau bốn ngày để niệm Phật.

Khi vào Bình-Dương, cô Sáu và các em có hoạch định chương trình và thời giờ niệm Phật rất nghiêm chỉnh, 3:30 sáng đã thức dậy niệm Phật rồi. Theo những lời khuyên của con, cô và gia đình đều cố gắng thực hiện đầy đủ. Đó là do thiện căn, phúc đức, nhân duyên đã thành thục vậy. Xin cha má và anh chị em hãy lấy đó làm gương mà nỗ lực thêm lên. Vì pháp Phật quá cao diệu, quá sâu rộng cho nên nếu không tiếp tục nghe pháp không tài nào hiểu thấu. Chết sống quá gần, pháp thân huệ mạng đã quá nguy hiểm xin cha má hãy quyết tâm tự cứu lấy mình. Đừng nên giải đãi nữa, hãy vạch hẳn thời gian ngồi trước bàn Phật để niệm Phật, niệm xong một thời thì em Thứ đọc thư để cùng nhau nghe. Mỗi lá thư con đều nói thẳng đến những sự cố cụ thể quan trọng chung quanh liên quan đến việc tu tập. Khi đọc phải đọc rõ ràng, đọc lớn, đọc không ngập ngừng, không được dừng lại để suy nghĩ.

Đây là một phương tiện tu hành để có thể thâm nhập vào nghĩa đạo. Nếu không chịu làm như vậy gia đình mình khó có thể thâm hiểu đạo lý. Băng giảng pháp thì không có để nghe, thư thì đọc lấy lệ, khi về con đã thấy rõ ràng rằng cả nhà tu hành hầu hết bị lệch lạc, mặc dầu bao nhiêu thư rồi con viết khá rõ, hướng dẫn từng chút mà vẫn bị sơ ý. Pháp càng vi diệu, càng học hỏi cho kỹ! Cho nên xin mọi người đừng quá coi thường những lời thư này, mà nên nghe đi nghe lại vài ba lần mới được. Nếu chịu lắng nghe nghiêm chỉnh thì thêm một lần nghe hiểu thêm một điều quan trọng mới. Cũng là một thư mà nó cứ mới hoài trong đó.

(Riêng em Thứ, anh Năm thương em, nhiều lần khen em vì em có tâm tu hành nhiều nhứt, nhưng khi về thì anh đã phát hiện em không chịu nghe theo lời thư anh dặn. Ít ra, cũng hơn ba lần anh nhắc đến chuyện này mà em vẫn tỉnh bơ làm theo ý nghĩ của mình. Chuyện gì vậy? Thấy Phật! Bắt đầu từ hôm nay em phải đọc thư anh nhiều lần cho cha má, và riêng em phải đọc nhiều hơn nữa mới được. Pháp Phật thì quá cao, thư viết thì không thể quá dài, đọc thư thì cứ đọc lướt qua… Như vậy, làm sao em hiểu thấu, không hiểu thì rất dễ bị lạc, có nhiều khi bị nguy hiểm mà mình không hay.

Niệm Phật phải lấy tâm thanh-tịnh để niệm, không được tham đắc quả mau chóngï. Pháp niệm Phật tối ư vi diệu mà dễ thực hành, nhưng không thể bừa bãi nghĩ sao làm vậy mà được đâu. Niệm Phật là để cho nghiệp chướng tiêu trừ, tâm hồn thanh tịnh, có thanh tịnh thì mới được vãng sanh. Niệm Phật mà nghĩ này tham nọ lung tung làm sao thành tựu!

Hôm nay, anh nói về chữ THANH-TỊNH, muốn thanh tịnh thì phải diệt Tham, Sân, Si. Anh Năm chưa một lần khuyên niệm Phật mà mong thấy Phật, nhưng em vì quá cảm xúc cho nên bị rơi vào chuyện này. Khi tâm được thanh-tịnh thì tự nhiên có cảm ứng đạo giao với Phật. Còn tâm chưa thanh-tịnh mà thường thấy Phật thì có vấn đề, nói rõ hơn là Phật giả. Điều này không tốt, phải tránh. Ở An-Thái vừa rồi anh phát hiện ra một chị khoe rằng, đọc kinh Phổ-Môn hay kinh Địa-Tạng thấy được “Phật Bà Quán-Thế-Âm” thường xuyên. Trong Bình-Dương, một người bạn của chú Bảy hằng đêm đều thấy Phật, “Phật” còn lên cơ để xưng tên nữa là khác. Tất cả đều là giả. Những người này không mau mau quay đầu giữ tâm thanh tịnh và niệm Phật để được Phật lực gia trì, thì khó tránh khỏi trở ngại về sau. Người quyết tâm niệm Phật thì công phu nhiều, tiến nhanh, thấy vậy nên oan gia trái chủ, ma quái tới tìm cách phá đám, nó cố tìm cách làm cho mình tham luyến vào sự hão huyền mà mất chánh niệm. Chỉ cần mình nhận chân ra nó, không tham luyến nữa thì tự nhiên nó tan. Nhất định phải nghe lời anh Năm, anh có đủ sáng suốt, nhìn thấu vấn đề. Tuyệt đối em không được tự mãn, hoặc sơ ý nữa. Bắt đầu hôm nay, nếu có hiện tượng giống như vậy hiện ra nữa nhất thiết không được mừng, không sợ. Khi thấy, thì tâm phải vững vàng giữ chắc câu Phật hiệu là được. Tu hành đừng nên tham cầu thấy này thấy nọ thì tâm mới thanh tịnh. Nếu không giữ tâm bình thản thì sự vọng tâm sẽ dễ chiêu cảm đến những cảnh giới giả, không tốt đâu!

Trong nhiều đời, nhiều kiếp mình sát hại sanh mệnh quá nhiều, oan gia, trái chủ vừa vô hình và hữu hình nhiều lắm. Họ muốn trả thù, mình muốn thoát mà vô ý quên gởi công đức thì bị phá là vậy đó. Hơn nữa bị phá cũng tại vì mình tham thấy, cầu thấy mới bị chúng lợi dụng gạt mình. Bây giờ bỏ cái tham đó đi là xong. Nghe chưa? Bồ-tát Đại-Thế-Chí dạy, “Nghĩ Phật, niệm Phật thì hiện tại hoặc tương lai chắc chắn thấy Phật”, thấy Phật ở đây không phải là ngày ngày thấy Phật hiện ra vỗ đầu, mà chính là vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc, lúc đó thì tự nhiên thấy Phật. Không những thấy Phật A-di-đà mà hằng ngày mình đi thăm hàng vạn đức Phật để cúng dường. Đó gọi là thấy Phật.

Niệm Phật quyết tâm cầu về Tây-phương thì một đời này thôi sẽ được vãng sanh, đó gọi là hiện tại. Nếu niệm Phật mà tín tâm không vững, nguyện không tha thiết, còn nhiều tạp niệm, vọng tưởng thì đời này không thể vãng sanh, nhưng đã niệm Phật thì tương lai trong một vài ngàn kiếp nào đó khi tâm cơ thành Phật thành thục ta mới có thể vãng sanh, lúc đó ta mới thấy Phật, đó gọi là tương lai.

Như vậy, người nào muốn vãng sanh trong một đời này thôi thì bắt buộc phải chí tâm thành kính niệm Phật. Khi thật sự chân thành thì tâm sẽ thanh tịnh, tâm không còn lao chao vọng động nữa, thì người đó đủ tiêu chuẩn chắc chắn vãng sanh, lúc đó mới thấy Hóa-Thân của Phật hiện ra trong quang minh để thọ ký, cho biết ngày giờ vãng sanh. Còn những hiện tượng mờ mờ ám ám hiện ra thường xuyên, lại còn giả hình này hình nọ, giả luôn cả Phật để dụ, đó là giả, nhứt định không được tham tới. Không những không tham mà còn vững tâm niệm Phật và cho họ biết rằng ta đã biết chân tướng, khuyên họ hãy niệm Phật để giải thoát đi là tốt nhứt, đừng tạo tội lỗi nữa. (Có dịp anh Năm trở lại chuyện này).

 Con xin trở lại với cha má. Thưa cha má, mỗi một lá thư con viết về đều có một mục đích quan trọng riêng, đó chính là sự điều chỉnh cấp kỳ những cách tu hành lạc đường. Vì không hiểu nên cứ tỉnh bơ, chứ khi đã hiểu thì thấy rất rõ. Ví dụ, như một loạt thư trước con nhắm đến chữ “SÂN-GIẬN”, vì vừa phát hiện điểm này, nó là điều tối nguy hại, tối kỵ, đại kỵ! Thành ra tất cả những cái khác dù đang dang dở con cũng bỏ hết để xoáy vào điểm này. Tham, sân, si, là ba chất độc hại chết chúng ta, trong đó sân giận được coi như nguy hại nhất. Chính vì thế mà cha má nên cố gắng gìn giữ, chứ lơ là thì cứ phạm hoài những lỗi lầm quá lớn, dễ dẫn tới hiểm họa, uổng công tu hành.

Sân giận giải quyết chưa xong thì lần về này con lại phát hiện thêm món độc dược khác nguy hại không thua kém với sân giận. Đó là không buông xả nổi Ngũ-Dục, Lục-Trần, phạm vi này liên quan đến sự tham đắm. Chữ “Tham” ai cũng có cả, rất khó bỏ, chính vì thế mà con người không thể giải thoát!

Đầu tiên, xin cha má luôn nhớ vì chuyện sanh tử sự đại, mà chăm lo niệm Phật. Cha má muốn thoát nạn thì phải ngày ngày, giờ giờ, phút phút niệm Phật vì nếu không như thế không trở tay kịp đâu. Tuổi già cái chết nó đến trong tích tắc. Tám mươi năm trước đây, cha má vừa mới được sinh ra chỉ là một đứa bé khóc oe oe, sau tám mươi năm bây giờ đã chuẩn bị chết. Nghĩ lại coi, đời có phải thực sự chỉ là giấc đại mộng không? Những ngày, tháng phiêu phỏng còn lại này nhanh chóng như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, thế thì phải liễu ngộ chân tướng cuộc đời chứ đừng đợi. Đã từng trải qua những cơ hội “chết hụt” rồi mà còn mơ màng đến danh vọng hão huyền, nhơn nghĩa thị phi nữa sao?

Thưa cha, thưa má, bị sanh thì phải bị tử, sống chết là lẽ tự nhiên cần chi mà sợ. Không biết được Pháp Phật thì thấy chết là chết, khi nghe được Phật pháp rồi mới hiểu rõ ràng đó không phải là “Ta” chết. Cái áo rách mình liệng, chiếc xe hư mình liệng, thân thể này già yếu hư hại mình cũng phải liệng. Thế thôi. Chết là cái thân nó chết chứ mình đâu có chết. Mình mất cái thân này mình sẽ có cái thân khác liền. Mỗi lần chết là mỗi lần đổi thân, đổi cảnh. Ví dụ, như con rời Việt Nam thì con sống bên nước Úc liền.

Cho nên, chết không sợ. Tuy nhiên, phải sợ là chết rồi mình sẽ ở đâu? Mang thân gì? Sẽ ra sao? Sướng hay khổ? Vui hay buồn? Cười hay khóc? No hay đói?… Vì thế, hãy suy nghĩ thật kỹ chứ đừng bừa bãi! Phải giải quyết rõ ràng. Hãy mau mau chọn chỗ sướng, vui, cười, no… đừng háo kỳ tìm vào chỗ khổ, buồn, khóc, đói… cha má ạ. Lỡ lạc vào đó rồi muốn sống sống cũng không được, muốn chết chết cũng không xong, muốn khóc khóc không ra tiếng, muốn cười cười chảy máu hồng, chứ không phải tầm thường đâu! Cô Bốn là người rất sợ chết, em Vân nói thầm với con: “Anh đừng bao giờ nhắc đến tiếng “Chết” với má em”, thế nhưng chỉ cần nói chuyện hai hôm cô Bốn đã tỉnh ngộ, cô đã coi cái chết trở thành thường. Chưa hiểu mới sợ, đã hiểu rồi thì có gì đâu mà sợ.

Thế nhưng, Sanh-Tử Đại sự! Một lần chết thì công phu tu hành bị xóa sạch. Cái chết đến quá bất ngờ nên phải mau mau niệm Phật, không chờ, không hẹn. Má thường nói để lúc nào yên tĩnh Má mới niệm. Không tốt, mà còn sai với phép niệm Phật nữa. Bước ra khỏi cửa coi chừng không còn trở vô, buông chén cơm xuống có thể không cầm lên được, cô Tám Tâm đi thăm ruộng mà không chờ được đến ngày cây lúa đơm bông… thì làm sao mà chờ đến lúc yên tĩnh được. Sự chết đến nó có chờ đâu mà mình chờ? Má không nghe câu chuyện bà bác thường tới niệm Phật kể lại sao, ở An-Thái có người con cứ nói: “Tôi chờ cho mẹ chết mới tu hành”, không ngờ anh ta chết trước.

Nghĩ đến cái chết thì phải sợ, sợ địa-ngục, sợ tam ác đồ. Vì vậy niệm Phật phải niệm liên tục, niệm ngay trong những lúc rối loạn nhứt, ồn ào nhứt, lộn xộn nhứt… vì có thể mình ra đi ngay trong những lúc đó. Hỏi thử Ông Hai Thuận, ông Mười Tịnh, ra đi như thế nào? Bác Năm S. cô Tám T. đã bị gì? Họa vô đơn chí, nó có báo trước cho mình không? Cho nên không thể đợi đến lúc yên tĩnh mới niệm Phật, mà lúc ồn ào, náo nhiệt phải niệm Phật để bao phủ nó lại, đè nó xuống. Có như vậy tâm mình mới yên tĩnh được, chứ người ta ồn ào mình cũng ồn ào, người ta lăng xăng mình nhào vô lăng xăng… thì bao giờ tâm mới yên tĩnh.

Niệm Phật là pháp diệt phiền não. Điều này khó lắm. Diệt không được thì chuyển, nghĩa là cứ một ý nghĩ nào nổi lên là niệm Phật liền, tốt cũng A-Di-Dà Phật, xấu cũng A-di-đà Phật thì tự nhiên tâm an lành, đó gọi là chuyển. Chuyển không được thì phủ lấp phiền não lại. Nghĩa là phiền não, ồn ào, lộn xộn nhiều quá thì cứ niệm Phật cho nhiều lên để câu Phật hiệu phủ lấp nó lại. Phật dạy chỉ cần phủ lấp phiền não là có thể vãng sanh rồi. Dễ dàng, dứt khoát!

Nhất định phải niệm Phật để cứu đời mình cha má ơi! Những kẻ tự cao ngã mạn, chắc chắn phải bị đọa lạc. Trong hiện đời mạt pháp này, mang thân đàn ông gây tội nghiệp nhứt, vì họ thích tham lam, sân giận, ngu si, ngã mạn, tà kiến, ác thú… họ không chịu tu hành, thành ra họ bị đọa nhiều nhất. Cái cuồng ngạo đến tột cùng rồi, cho nên Phật, Bồ-tát thì không lạy lại đi lạy danh vọng ô trọc trần tục mà tự hại đời! Trí-Huệ, Giải-Thoát không lạy lại đi lạy nghiệp chướng đọa lạc để cam chịu khổ nạn! Tội nghiệp thật! Chết có nghĩa lý gì mà sợ, nhưng có sợ là sợ nghiệp báo. Kinh Phật thường nói “Bồ-tát sợ Nhân, chúng-sanh sợ Quả” là vậy. Bồ-tát thấy nhân duyên quả báo sợ quá không dám tạo nhân xấu. Chúng sanh không biết nhân-quả cứ lăn xả vào làm việc ác xấu, để chờ quả ác. Nếu hiểu rõ nhân quả báo ứng, không ai dại khờ đâm đầu tranh giành những thứ tài sắc danh vọng hão huyền để sau cùng thọ nạn. Con nghe thím Bảy H… ra đi, trước những ngày tháng ra đi thím quằn quại đau thương, lăn lộn than khóc. Khi cô Sáu đến thăm, thím ôm chân cô van xin, “…Em chết mất chị ơi, làm ơn cứu em với…”. Nghe nói vậy mà con đau nhói trong tim! Làm sao cứu đây?

Phật dạy “Độc sanh độc tử, độc khứ độc lai, khổ lạc tự đương, vô khả đại giả”, rõ ràng sinh ra chết đi chỉ có một mình, có đi, có lại cũng một thân trơ trọi, khổ sướng tự chịu lấy, có ai thay thế cho mình được đâu. Địa vị, danh vọng, thị phi, nhơn nghĩa, có cứu mình được không? Người liễu ngộ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, dại gì mê mờ chạy theo cái tham dục trần tục để tạo thêm nghiệp chướng, đến khi quả báo hiện tiền thì kêu than sao được! Phật dạy “Tùng thiện nhập thiện, tùng ác nhập ác, tùng lạc nhập lạc, tùng minh nhập minh… thùy năng tri giả”? “Thiện ác báo ứng, phước họa tương thừa, mạc năng tri giả?…”, sao không hiểu thấu đạo lý này mà mau mau niệm Phật để cứu lấy huệ mạng của mình đây chứ?

Niệm Phật, cốt để thoát khỏi sinh-tử luân-hồi, để siêu sanh Tịnh-độ. Niệm Phật thành Phật. Muốn vãng sanh bất thối thành Phật thì tâm phải thanh-tịnh. Muốn tâm thanh tịnh thì những thứ ngũ dục, lục trần phải buông xuống. Người không chịu buông những thứ trần lao này không thể nào thoát nạn được.

Buông là tâm mình buông, bỏ là tâm mình bỏ. Buông bỏ không có nghĩa là phải đem tiền bạc liệng ra cửa sổ, mà chính là trong tâm phải biết đủ, danh vọng phải biết ngừng, thị phi phải biết tránh, phải nhìn thấy rõ rằng những thứ đó là hoàn toàn giả tạm. Nhứt thiết đừng mong cầu những thứ đó nữa thì tự nhiên tâm được thanh-tịnh. Ngũ-dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Lục-trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Ngũ-dục là năm cái gốc của địa ngục; lục-trần là sáu cái rễ của lục-đạo luân-hồi. Người muốn thoát nạn mà cứ bám chặt cái gốc rễ của tam đồ lục đạo thì làm sao có thể siêu sanh!

Trước tiên, con xin nói đến ngũ dục trước. Tài, sắc, danh, thực, thùy là cái rễ của địa-ngục. Người nào cứ tham đắm những thứ đó, sau khi chết khó có thể tái sanh làm người.

Tài là tiền tài, thuộc về phước báu hữu lậu. Không có tiền thì khó sống, nhưng có tiền vừa đủ thì phải lo biết tu để tiếp tục hưởng cái phước đó, đừng để lòng tham lam thành vô đáy, rốt cuộc cũng hoàn trắng tay mà thôi. Phật dạy, tiền tài có được là quả báo của sự bố-thí-tài trong đời trước, không phải do cái thông minh lanh lợi, bon chen, lương lận mà có đâu. Ai không tin thì chờ mà coi. Ví dụ, trên đời rất nhiều người không làm mà tự nhiên trở thành tỉ phú. Ngược lại, nhiều người thông minh học giỏi mà vẫn nghèo, làm đâu thất bại đó. Tại sao? Vì kiếp trước keo kiết, bỏn xẻn, không chịu bố thí tài, đời này tiếp tục tham lận để làm giàu… thì hậu quả chắc chắn sẽ đói khát cùng túng. Phật dạy bố thí tài thì giàu có, bố thí pháp thì thông minh trí tuệ, bố thí vô úy thì kiên khang, mạnh khỏe. Chân lý này không thể thay đổi được. Tham lam là nhân địa của ngạ-quỷ. Người tham tiền hằng ngày chỉ lo kiếm tiền sẽ tái sanh vào hàng ngạ quỷ, đói khát triền miên. Có hay ho gì đâu! Cho nên phải biết đủ để lo tu. Cha má già rồi phải mau mau buông xuống những thứ bất tịnh nàyï. Người già tính từng ngày từng giờ để ra đi mà còn cố tình giữ tiền bạc làm chi nữa, chẳng lẽ để coi chơi cho thỏa mắt vài tháng, vài năm, rồi chịu chui vào làm loài quỷ đói hàng vạn kiếp mới đành sao! Tuổi già hãy để con cái lo liệu, cứ một mực niệm Phật có hơn không, thưa cha má?

Lần về này, đầu tiên con thương em An nhứt. Người thứ hai con thương là anh Bốn. Con thương An vì em nó có hiếu, có nghĩa và lại biết tu hành, có tu thì tự nhiên có hậu báo tốt. Con thương anh Bốn vì anh có hiếu nhưng chưa biết tu, người chưa biết tu thường vô tình tạo nhiều nghiệp chướng, quả báo không được tốt! Tình ruột thịt, con thấy anh lạc đường muốn cứu nhưng cứu không được. Tội nghiệp biết chừng nào!

Em An đề nghị không nên để cha má giữ tiền bạc nữa, đừng nên cho cha má nhiều mà chỉ nên cung cấp tất cả nhu cầu hằng ngày. Đây là đề nghị có trí tuệ! Cơm, áo, nhu cầu sống hằng ngày các con đều lo chu toàn cho cha má. Mỗi tháng nhu cầu cha má cần thiết bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu. Mỗi tháng tiêu còn dư, nhứt định cha má phải đem bố thí hết. Đây là ý nghĩ của một người hiểu đạo, đại hiếu, đại nghĩa. Có lẽ nhiều đời, nhiều kiếp về trước cha má có tu, nay mới có những đứa con hiếu thảo và đạo nghĩa như vậy.

An nó không những lo cho cha má từ cuộc sống hiện tiền mà còn lo đến cả huệ mạng của cha má về sau nữa. Đâu dễ gì có người hiểu đạo như vậy! Em nó có nhiều sự phát nguyện âm thầm để hồi hướng công đức cho cha má không cần một ai hay, không xin anh chị em một đồng, không màng đến tiếng khen. Nó đâu cần chờ tới phải làm buổi lễ linh đình, có nhiều người chứng kiến mới khệ nệ đưa ra. “Cha mẹ nuôi con sánh bằng trời biển, con nuôi cha mẹ tính tháng, tính ngày”. Bố thí cho cha mẹ cũng phải chờ có người chứng kiến mới dám cho sao? Hiếu thảo hay không tự lòng mình biết chứ đâu phải chờ cho có người làm chứng mới là hiếu sao?

Tại sao An không muốn cha má giữ tiền? Vì hễ giữ tiền thì tâm sẽ dính chặt vào tiền tài, không thể nào thoát khỏi đại họa lúc lâm chung. Con nói khá nhiều chuyện này, chắc cha má còn nhớ. Người niệm Phật cầu sanh về với Phật mà lúc lâm chung tâm không niệm Phật lại cứ nghĩ tiền đang cất ở đâu, chia cho ai, có an toàn không… thì chắc chắn không thể vãng sanh. Một niệm khi lâm chung là tất cả. Gởi tiền cho người ta vay khi ngã xuống làm sao đòi? Cất tiền cho kỹ khi nằm xuống làm sao moi lên? Khi đã cứng mồm làm sao trăn trối với con cái?… Chính vì thế, mà tâm cứ dính vào đó, chắc chắn phải vào hàng ngạ quỷ hoặc súc sanh. Rõ ràng tiền bạc là cái gốc của tam đồ ác đạo.

Người già cả mà tham giữ tiền thực sự là một đại hiểm họa cho pháp thân huệ mạng chính mình. Cho nên cha má không nên giữ tiền. Cô Bốn giữ tiền, con khuyên một lời cô buông ra, cô Sáu đeo vàng trên tay con khuyên một lời cô tháo ra giao cho mấy em liền. Thế thì má còn tiếc gì mà còn cố gắng nuôi heo, còn lo trồng đám lúa, còn giữ đôi bông tai, còn cất sợi dây chuyền? Phải buông ra đi má. Nếu không có thì đây là phước. Nếu có nhín nhút chút đỉnh nào thì hãy mạnh dạn kêu mấy đứa con tới, đem ra, đổ xuống đó, nói rằng: “Tụi con làm gì làm đi, cha má cần an lành…”. Sau đó tuyệt đối không thèm hỏi tới, không thèm biết ai giữ, không thèm đếm xỉa tới nữa. Nếu làm được vậy, niệm Phật chắc chắn cha má được tự tại vãng sanh.

Tại sao nên đem tiền dư cho đi? Đây là người có trí huệ đó! Không những cho tiền dư mà nên nhín chút phần ăn để cho nữa là khác. Vì ai cũng biết tham là xấu, nhưng ai ai cũng thích “tham” cả. Tham, Sân, Si là ba độc tố giết chết huệ mạng nhưng ít ai có thể xả bỏ được. Phật dạy “Bố-Thí” thì phá được “Tham”; “Nhẫn-Nhục” thì phá được “Sân”; “Trí-Huệ” thì phá được “Si”. An muốn hàng tháng hễ còn dư tiền thì cha má đem cho hết: con cái, cháu chít, người nghèo, cho hai Phú, cho thím Bốn H… là muốn cho cha má bố thí đó, muốn cha má dọn đường vãng sanh đó. Cứ việc cho người ta đi thì tự nhiên tâm hồn mình sung sướng, tự nhiên mình thấy từ bi, an lạc, tự tại, giải thoát. Chuyến này về con ghé Bình-Dương, Huy-Hồng chỉ thoáng nghe qua điện thoại là con nhờ người ta may áo tu không được, là nó tự động mua hai, ba cây vải về, chỉ trong hai ngày chót mà em nó ngày đêm may tới hai mươi bộ gởi cho con đem bố thí, cúng dường. Các em nó còn gởi thêm năm trăm đô-la Mỹ để mua máy niệm Phật về biếu cho người ta. Bửu, Chương nó mở tâm giúp đỡ cùng khắp… Trên đời này tìm đâu ra những tâm hồn như vậy.

Có người bào chữa rằng, tại giàu có nó mới cho, chứ nghèo thì tiền đâu mà cho? Nói như vậy là vì không hiểu đạo lý. Phật dạy, “Vì có bố-thí tiền mới được giàu”, giàu rồi mà tiếp tục giúp đỡ người khác thì giàu mãi, tiền thu không kịp. Giàu mà không biết bố-thí thì bị tàn lụn, phá sản nhanh lắm. Sau khi tàn lụn rồi, hậu quả còn vô cùng thảm thương hơn lúc chưa có tiền. Có tâm bố-thí hay không, không phải là giàu hay nghèo, mà bố thí là cái hạnh của người biết tu. Chịu nhìn một chút thì ta thấy liền, rất nhiều người càng giàu càng keo kiệt. Người giàu mà biết bố-thí họ càng giàu thêm, người nghèo biết bố-thí thì nghèo mà họ vẫn sướng, cũng an lạc tâm hồn. Nếu thành tâm cố gắng giúp người họ tự cải tạo được vận mệnh của họ ngay trong đời này, hoặc giả nếu phước báu đời này chưa tới kịp thì đời sau họ không làm mà tiền của vẫn cứ rót vào chứa không hết. “Bố-thí Tài được tài phú”, nhất định đúng, đây là lời Phật dạy. Mình hồi giờ sống vì tự tư ích kỷ cá nhân, cho nên phước không có.

Phước mới không bù thì phước cũ phải tiêu, phước tiêu thì dù cho giàu có đến đâu cũng có một ngày tàn lụi. Đó là nhân-quả vậy!

Hiểu vậy, anh chị em, con cái trong nhà nếu thật sự có thương cha mẹ trong tuổi xế chiều, thì hãy lo làm chuyện thực tế cho song thân hưởng được những ngày thoải mái để rồi ông bà ra đi, hay hơn là cho những thứ bắt ông bà phải cất giữ. Hãy xuống bếp nấu giùm cho má bữa cơm, sửa giùm nhà tắm, lo xây cái nhà vệ sinh, căn phòng nóng lạnh hãy mau mau điều chỉnh gấp, chứ sao lại tặng sợi dây chuyền? Khi cha má chết anh chị em gỡ ra hay chôn theo? Nếu gỡ ra thì bây giờ gỡ trước đi, chứ sao lại cam tâm trói cổ cha má đọa vào ác đạo trước rồi mới gỡ?!… Tôi không dám trách anh chị em đâu, nhưng xin anh chị em nhớ rằng “tình thương” mà thiếu suy nghĩ có thể gây nguy hiểm cho người mình thương”.

Cho nên, “Hiếu-Thảo” phải kèm theo “Hiểu-Đạo”, nếu không sẽ thành “Đại-nghịch Bất-Hiếu” mà không hay, oan uổng lắm! Tội nghiệp lắm! Sao bằng tính thử coi dây chuyền bao nhiêu, đôi bông tai bao nhiêu, dùng tiền đó mua thuốc thang, lo cơm nước tươm tất cho ông bà hưởng thụ mà an tâm niệm Phật có hay hơn nhiều không? Cha mẹ gần lâm chung, con cái có hiếu, mà hiểu đạo, thì thành tâm niệm Phật hộ-niệm cho người vãng sanh Tây-phương để về với Phật, đừng nên “hiếu-thảo” mà lại đem tiền bạc của cải ra tính toán, khoe khoang để trói cái tâm cha mẹ vào đó, để hậu quả phải xuống địa-ngục, làm quỷ đói hàng vạn kiếp khổ đau. Có phải vì vô tình trở thành thứ con oan-gia, trái-chủ, đại nghịch, đại ác không? Xin anh chị em nghĩ cho thấu vấn đề.

Cha má ơi! Hãy suy nghĩ cho kỹ, cho thấu đáo nhân sinh pháp giới hầu tránh đại họa cho mình trong tương lai. Con hiểu được chút ít đạo lý giải thoát thì cha má đã già, ngày đi sắp tới rồi. Con không còn biết cách nào để đả thông tư tưởng cho kịp thời hạn đây. Ngày về thăm cha bệnh, con tranh thủ sáng chiều để khai thị, không dám lơ là một buổi là để cầu mong cho cha má bừng tỉnh được vấn đề. Con nói bằng cái lòng tha thiết đến nỗi có người thấm thía phải khóc. Ngày cuối cùng ra đi, con nói thẳng đến mục đích của con về làm cho em An phải khóc nức nở đành rời chỗ ngồi ra ngoài rồi mới vô lại được. Tại sao nó khóc vậy? Nó đã hiểu được lý, đã thấu được đạo, đã thấy rõ nguồn cơn. Vì quá thương cha má mà nó nghẹn ngào không cầm được giọt lệ hiếu. Vì chỉ hai chữ “Buông-Xả” mà cha không chịu buông, má không chịu xả cho trót, thì làm sao vượt được ách nạn trong đời. Cha má nghĩ coi, tuổi trẻ mà nó còn thấu rõ lẽ đạo như vậy thì cha má nào nỡ làm ngơ!

Con biết nhiều lúc chính con cũng không ngăn được sự kích xúc, nhưng con không còn cách nào khác hơn. Đạo lý thì quá thâm sâu, tâm người quá cố chấp, thời hạn quá ngắn ngủi, làm sao con khai thông cho kịp đây. Cứu huệ mạng cha má như cứu lửa cháy đầu, vòi nước như sương có ích gì đâu. Tuổi dương đang so sánh như giọt sương mai, không cứu kịp thời thì đành uổng công lo liệu. Cho nên, có khi con nói mạnh mẽ, để may ra đánh thức được cha má, còn hơn là ru ngủ nhẹ nhàng để chờ ngày nhìn cha má lâm nạn, có ích gì đâu! Vì chữ hiếu, con sẽ làm hết sức mình, con đang làm hết khả năng của con vì con thấy còn có cơ hội cứu độ. Cha má chấp nhận lời con thì mừng cho cha má thoát nạn. Cha má không chịu nghe theo thì tùy duyên phần của mỗi người. Con đã tận lực rồi, lòng con không ân hận nữa.

Còn đối với anh chị em trong gia đình, những lá thư này ai đọc cứ đọc. Cần thì đọc, không cần cứ liệng. Ai hỏi con trả lời, ai gọi tới con giảng cho nghe, ai chê thì con buông thõng hai tay ra đi an nhiên tự tại. “Tùy duyên tiêu túc nghiệp, thiết mạc tạo tân ương”, tùy duyên của mỗi người mà giúp cho tiêu nghiệp chướng, con đâu cần chi tạo thêm nợ mới nữa, phải không thưa cha má!…

Cho nên phải “nhìn cho thấu và buông cho trót” cha má ạ! Nhìn thấu cái gì đây? Nhìn cho thấu cuộc đời vô thường, nhìn cho thấu rằng thân mạng sẽ tan vỡ như bọt bóng nước dưới cơn mưa, nhìn thấu tất cả vạn vật đều trở thành không cả… Thế thì còn gì nữa mà tham với tiếc, còn gì nữa mà giữ với gìn, còn gì nữa mà luyến với lưu.

Nhìn thấu cái gì? Nhìn cho thấu rằng khi thân này chết đi chứ chính ta đâu có chết. Thân chết đi ta có thể trở thành loài ngạ quỷ đói, ngày ngày lang thang những nơi dơ bẩn để kiếm ăn. Vì tham-lam, ăn xong là bức cổ chết. Ta thích được vậy không? Chắc chắn không! Thế thì phải buông bỏ tiền bạc xuống mà ngày đêm niệm A-di-đà Phật. Tiền bạc chỉ cần đủ sống qua ngày. Con cái cho ít thì cảm ơn, cho nhiều không thèm nhận nữa, hãy trả lại, đừng nên nhận tiền rồi đem cất giữ. Hễ đứa con nào đã hiếu thảo, biết phụng dưỡng, thì dù có trả lại thì tự chúng nó cũng sẽ tìm cách làm sao dùng trọn số tiền đó cho cha má. Không những bấy nhiêu đó mà con cháu còn tăng thêm niềm thương kính, lo lắng chu toàn hơn. Cho nên trả ít nhận ít, trả nhiều nhận nhiều, không trả lại không tạo thêm được lòng hiếu thảo của con cháu là vậy.

Còn con cái, nếu có thương cha má nên thực tế, đừng nên bày vẽ đủ kiểu cách ơn nghĩa, bắt cha má già cả sắp chết phải ngồi chóc ngóc chờ đợi tiếng vỗ tay, phải ngày đêm u ủ cất giữ đôi bông tai, sợi dây chuyền… mà tâm của người bị tham nhiễm vào, bị đánh lạc hướng đi, quên mất câu Nam-mô A-di-đà Phật mà tội nghiệp cho cha má về sau!

Tóm lại, ngũ-dục là cái rễ của địa-ngục. Ở đây mới nói đến tiền tài thôi mà đã sợ rồi huống chi kể cho đủ năm món. Nhưng dù sao, con cũng cố gắng nói hết trong những thư tới, cả ngũ-dục và lục-trần đều lần lượt mổ xẻ hết cho cha má nghe. Cầu xin đức A-di-đà Phật gia trì cha má, gia trì tất cả những bà con cô bác đã có thành tâm niệm Phật với con trong những ngày về quê. Khuyên tất cả mọi người hãy dũng mãnh tinh tấn niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nguyện cho tất cả đều được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc quốc.

Nam-mô A-di-đà Phật. 
Kính thư. 
(Viết xong, Úc châu 20/7/02). 

Tâm hiếu kính đạt đến mức cùng cực thì viên mãn thành Phật đạo.(Pháp Sư Tịnh Không).

21 -Lời khuyên song thân

Kính cha má,

Người niệm Phật hưởng được mười đại lợi ích sau đây:

1) Ngày đêm thường được tất cả chư thiên, đại lực thần tướng ẩn thân gia hộ.

2) Thường được đức Quán-Âm và hai mươi lăm vị đại Bồ-tát hộ trì mãi mãi.

3) Thường được chư Phật ngày đêm hộ niệm, Phật A-di-đà phóng quang nhiếp thọ.

4) Tất cả ác quỷ dạ-xoa, la-sát đều không thể hại mình được; không bị trúng độc xà, độc dược.

5) Không thể bị hại bởi lửa, nước, oán tặc, đao binh, gươm giáo, gông cùm, lao ngục, hoạnh tử.

6) Nếu có tội chướng, ác nghiệp, niệm Phật sẽ dần dần tiêu diệt; tăng trưởng phước nghiệp.

7) Ban đêm có chiêm bao thì tốt lành, hoặc thấy thân kỳ diệu sắc vàng của Phật A-di-đà.

8) Tâm thường hoan hỷ, nhan sắc tươi nhuận, khí lực đầy đủ; làm việc gì đều được kết quả tốt đẹp.

9) Thường được tất cả nhơn dân ở thế gian cung kính, bái lễ như kính Phật vậy.

10) Đến khi gần mệnh chung, tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện tiền, Tây-phương tam Thánh kim đài tiếp dẫn vãng sanh Tịnh-độ, hoa sen hóa sanh, thọ diệu lạc thù thắng.

Thanh tịnh niệm Phật thì tự nhiên được mười điểm lợi trên. Tuy nhiên phải nhớ kỹ hai chữ “TỰ-NHIÊN” và “THANH-TỊNH”. Tự nhiên là không phải mong cầu, người mong cầu thì không phải là tự nhiên, vì mong cầu thì tâm không thanh tịnh. Một khi tâm không thanh tịnh thì mở ngõ cho tà khí xâm nhập, vô tình pháp tu thì Chánh mà ý niệm sai lệch thành ra là tà. Điều thứ tư nói, tất cả ác quỷ dạ-xoa, la-sát, không thể hại người niệm Phật, oan gia trái chủ đâu thể đòi nợ được, chính thế mà chúng mới sợ hành giả niệm Phật, lo sợ chúng ta có công phu đắc lực.

Cho nên, người mới khởi tu niệm Phật, công phu đắc lực, ban đầu thường bị chúng tới phá đám. Phá bằng cách nào? Chúng giả người thân yêu, giả Bồ-tát tới dụ khị mình, đôi khi chúng có thể giả dạng luôn cả Phật để làm cho mình đắm say vào đó. Một khi đã thích vào đó rồi thì nó sẽ hướng dẫn mình đi tới chỗ sai đường lạc lối, mất phần vãng sanh. Điều thứ bảy nói chiêm bao thì thấy điềm tốt, thấy thần kỳ diệu sắc thân Phật A-di-đà. Đây là quả báo tự nhiên của tâm đã được thanh-tịnh, chứ không phải đêm đêm cầu nguyện thấy được Phật, thấy được điềm lành.

Người niệm Phật không nên cầu xin những thứ lợi lạc tầm thường mà đành bị mất phần giải thoát, vì đây là lòng tham luyến trần tục. Niệm Phật chỉ để cầu nguyện vãng sanh Tây­phương Tịnh-độ. Nguyện vãng sanh Tịnh-độ không phải là lòng tham mà là cái tâm nguyện Bồ-đề, cái nguyện Vô-Thượng Bồ-đề để thành Phật cứu độ chúng sanh. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, ở phẩm “Tam-Bối-Vãng-Sanh”, Thượng, Trung, Hạ phẩm Phật dạy đều phải giữ một nguyên tắc là “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, và nguyện sanh bỉ quốc”. Phật đưa ra ba vấn đề rõ rệt:

1) Là phát Bồ-đề tâm;

2) Là một lòng trì danh niệm A-di-đà Phật;

3) Nguyện vãng sanh Tịnh-độ.

Phật không bao giờ dạy cầu thấy Phật, cầu thấy điềm tốt, cầu Bồ-tát ứng hiện… nếu thường xuyên thấy Phật, Bồ-tát xuất hiện, thấy Tiên, Thánh hạ cơ chỉ điểm, xưng tên lung tung, đó là do vọng tưởng sinh ra, chắc chắn là giả…… Cho nên, bà con, cô bác, anh chị em ai thường có những hiện tượng này phải chấm dứt đi.

Người chân thành niệm Phật tự nhiên hưởng được mười điều đại lợi trên. Cầu mong là tham-lam! Phật dạy tham, sân, si, là ba chất độc phải bỏ, mình vô ý lại cố gắng phát triển lòng tham thì sai lệch cách tu hành. Cho nên, niệm Phật không được cầu cho mình khỏe mạnh, sống dai, tai qua, nạn khỏi, vì nó tự nhiên đã có rồi. Nếu nguyện như vậy, vô tình thay vì được cả mười điều thì nay chỉ còn lại có một điều, nhưng sau cùng cũng bị mất hết vì không có được cảm ứng đạo giao. Không được sử dụng câu Phật hiệu để luyện khí, luyện thần, người nào ham thích thần thông, lợi dụng câu Phật hiệu để cho thần khí được khai thông, chứng đắc thần thông biến hóa, chắc chắn sẽ bị điên loạn hoặc tàn hại cuộc đời. Những người ham mê năng lượng siêu hình, muốn tiếp nhận nhiều từ trường vũ trụ… dùng câu Phật hiệu để khai mở luân xa, tăng cường điển lực, phát triển “nhân-điện”… nếu không chấm dứt không thể có kết quả tốt, nếu không nói là tự hại mình.

Phát Bồ-đề tâm nghĩa là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Muốn độ tận chúng sanh thì tự mình phải thành Phật trước đã, chưa thành Phật chưa thể độ tận được chúng sanh. Muốn thành Phật cần phải vãng sanh Tây-phương. Cho nên chỉ cần chí tâm phát nguyện vãng sanh Tịnh-độ, là đã bao hàm ý nghĩa cao cả phát tâm Vô-Thượng Bồ-đề, y giáo phụng hành theo lời Phật dạy rồi vậy.

Còn điều thứ hai là “chân thành niệm Phật”. Niệm Phật không được hồ nghi, không được xen tạp những niệm khác, đừng để gián đoạn câu niệm Phật trong tâm. Người niệm Phật thì cứ niệm Phật, tâm-tâm niệm Phật, ý-ý tưởng Phật, trong lòng cứ nghĩ tới Phật là được. Niệm Phật thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đừng chạy ra ngoài. Miệng niệm Phật, niệm rất rõ ràng, dù niệm thầm cũng phải rõ ràng, tai lắng nghe từng tiếng mình niệm. Miệng niệm ra, tai nghe vào, cứ thế tâm sẽ nhiếp vào đó thì tự nhiên thành tựu tất cả.

Vì thế, niệm Phật muốn cho “nhất tâm bất loạn” thì không cần cầu nhứt tâm bất loạn thì mới được nhứt tâm, còn cầu xin cho nhất tâm bất loạn thì tâm bị loạn liền. Tương tự, không cần cầu giải nạn, không cần cầu chứng đắc, không cần cầu người ta kính trọng, không được cầu thấy Phật… vì tất cả những thứ này tự nhiên sẽ có khi công phu tốt, tâm thanh-tịnh. Cứ một lòng tin tưởng vững chắc như vậy là được. Chỉ cần nên nhớ một điều là trong nhiều đời, nhiều kiếp mình gây nợ máu quá nhiều, bất cứ người nào cũng có oán thân trái chủ bám sát theo bên. Oán thân trái chủ này có thể là hữu hình hoặc vô hình, là người thân, con cái, là bạn bổn đạo tu hành… mà chúng ta không hay biết. Người Niệm Phật cần phải hồi hướng công đức cho “oán thân, trái chủ”, có như vậy đường tu hành sẽ được êm xuôi.

Thưa cha má, đúng ra thư này con viết tiếp thư trước còn đang dang dở, nhưng con đành phải trở lại vấn đề thực hành pháp niệm Phật để cho cha má, bà con, anh chị em chỉnh đốn lại cách hành trì thì mười điều thiện lợi của sự niệm Phật sẽ chắc chắn được. Biết bao nhiêu người tâm hồn thanh tịnh niệm Phật một thời gian ngắn được an nhiên vãng sanh. Xưa nay có rất nhiều chuyện vãng sanh như vậy, nhưng con ít khi kể những chuyện xảy ra xa xưa, mà thường kể những chuyện mới đây, những chuyện có thể làm chứng được. Ví dụ như tháng Sáu vừa rồi khi con về thăm cha má thì căn nhà của con mở cửa cho một anh mà cha của ảnh mới vãng sanh vừa xong thất tuần. Bác đó là người Việt-Nam. Nhưng chuyện này ở Úc, còn xa. Con xin kể hai mẫu chuyện ở ngay quê nhà mình, mới đây thôi cho cha má nghe.

Chuyện thứ nhứt do anh Hai Nhung kể lại. Ở xã Nhơn-Thọ, vừa rồi có một người không đau bệnh gì cả, ông ta nói với nhiều người rằng: “Vài ngày nữa tôi chết đó”, thế là vài ngày hôm sau ông tự nhiên ra đi. Anh Hai hỏi: “Ông ta không niệm Phật mà biết ngày ra đi, cũng vãng sanh, như vậy đâu cần gì phải niệm Phật?”…

Chuyện thứ hai do vợ chồng em Lộc và Sáu Luân kể lại, cũng trong năm này, một ông bác ở Long-Khánh đau rất lâu, vợ chồng Sáu Luân khuyên bác niệm Phật nhưng bác không nghe theo. Sáu Luân nói: “Tôi đem một xấp cỡ mười lá thư của anh cho bác đó coi. Coi xong bác phát tâm tin tưởng và niệm Phật và cho người hộ niệm”. Kết quả bác được vãng sanh. Lộc nói: “Em chắc chắn ổng vãng sanh, ổng tỉnh táo đến phút cuối cùng, ổng biết được lúc chết và cho mọi người biết “bây giờ ta bắt đầu đi đây…”. Tắt thở xong gia đình vẫn tiếp tục hộ niệm. Ba bốn giờ sau khi tắt thở đầu bác vẫn còn nóng hổi…”. Đây là lời thuật lại của vợ chồng Lộc-Luân.

Như vậy, rõ ràng là có chuyện “Vãng-sanh” thường xảy ra khắp nơi mà mình không hay. Tuy nhiên, chữ “vãng-sanh” này phải kèm theo chữ “Tịnh-độ” hay là “Tây-phương Cực-lạc” mới được, chứ còn chết rồi đi về các nơi uế độ khác thì gọi là tái sanh, thọ sanh, đầu sanh, đọa lạc… chứ không phải là vãng sanh. Hôm nay sẵn dịp có chuyện này con cố gắng phân tích rõ thêm về sự vãng sanh cho cha má nghe.

Chuyện thứ nhứt của anh Hai kể, đây không thể nói là vãng sanh Tịnh-độ được. Trước tiên con xin nói rằng, lời bàn dưới đây là chính con suy luận ra bằng cách dùng phương pháp loại suy, nghĩa là bỏ lần những cảnh giới không hợp lý, để tìm ra chỗ hợp lý mà thôi, chứ con không thể tự ý xác quyết đây là đúng. Trong thập pháp giới, gồm có Phật, Bồ-tát, Duyên-Giác, Thanh-Văn, Trời, Người, A-tu-la, Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Bốn giới cao nhứt gọi chung là Thánh: Phật, Bồ-tát, Duyên-Giác, Thinh-Văn, thì không thể nào tới được, vì muốn vãng sanh về Tây-phương với Phật thì bắt buộc phải niệm A-di-đà Phật và phải nguyện vãng sanh, còn những cảnh giới Thánh kia muốn tự tu thành đạt phải mất cả ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Như vậy chắc chắn bác đó phải lọt lại trong sáu đạo luân-hồi.

Về hai cảnh ác đạo là địa-ngục, súc-sanh, thì khi một người bị sanh về đó tức là bị đọa-lạc, lúc chết không thể nào tự tại an nhiên ra đi. Bị đọa địa-ngục thì trước lúc chết thường tướng địa-ngục đã hiện ra, làm cho người đó bị khủng-bố, kinh-hoàng… nên thường la hét, giãy giụa, trợn mắt, v.v… Còn về đường súc-sanh thì do sự ngu-si mà lạc vào đó, thường tâm trạng rối bời, lo âu, sầu bi, hôn ám, mê muội, v.v… không thể nào tỉnh táo được.

Sáu đường, còn lại bốn đường: Trời, A-tu-la, Người, Ngã-quỷ cứ từng bước mà xét tiếp và loại ra nữa thì ta thấy ngay. Nếu muốn sanh về những cảnh giới Trời, thì bắt buộc trong đời phải làm lành tu thiện, tránh ác. Mười điều thiện là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói láo, không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không hỗn hào, không tham, không sân, không si, phải đạt đến tiêu chuẩn chín mươi phần trăm trở lên, nghĩa là thượng phẩm thập thiện. Ngoài việc này ra phải tu phúc, nghĩa là bố-thí, giúp người thật nhiều mới có phước báu sinh về những cảnh trời dục-giới (trời thấp nhứt). Còn muốn lên những cõi cao hơn, sắc giới và vô sắc giới, phải tu Thiền-định… Anh Hai nói, trong đời ông bác đó không tu gì cả thì vô phương tới được những cảnh giới Trời.

Còn lại ba đường A-tu-la (quỷ-thần), Người, Ngạ-quỷ. Nếu tái sanh làm người thì tạm coi như huề vốn! Chết tái sanh làm người thì đâu có ai hộ vệ, trong kinh gọi là “Độc sanh độc tử, độc khứ độc lai, khổ lạc tự đương, vô hữu đại giả”, họ theo nghiệp lực mà đi, không có thần hộ vệ. Hơn nữa thần thức phải qua thân trung ấm, sẽ mê mờ, khó có thể tỉnh táo và biết trước ngày ra đi.

Như vậy, tới đây chỉ còn lại có hai đường là Quỷ-Thần và Ngạ-quỷ. Cảnh giới của Quỷ và Thần chung với nhau, Quỷ-Thần có hiền, có dữ, có nhiều phước báu hơn người. Người bình thường ít ra cũng phải có chút ít phước báu, có tu hành thì cũng dễ sinh về đó. Ngạ-quỷ là loài quỷ không có phước báu, chịu cảnh đói khát suốt đời, chiêu cảm bởi lòng tham-lam khi còn sống ở dương gian. Chết bị lạc vào cảnh giới này thì khó được tự tại ra đi. Một ngày trong Quỷ-Thần đạo dài bằng một tháng trên dương gian, âm u mù mịt, không có mặt trời, (cho nên gọi là U-Minh). Loài quỷ thường xuất hiện ban đêm khoảng từ chín mười giờ tối cho tới hai ba giờ sáng, họ sống chung đụng với loài người. Quỷ-Thần thường là cảnh giới khá hung hiểm, tâm háo sát rất lớn, luôn sống trong cảnh chiến tranh chém giết, tàn sát, dữ tợn.

Thổ-địa, Thần-đình, Thần-miễu… thì hiền không dữ, nhưng La-sát, Dạ-Xoa là những loài quỷ rất ác. Chư Cổ-đức khuyên rằng đối với quỷ thần ta “kính-nhi-viễn-chi”, kính trọng họ nhưng không nên theo họ là vậy. Ông bác ở Nhơn-Thọ này biết trước ngày đi và ra đi tự nhiên thì chắc là theo vào con đường này. Ngài Tịnh-Không dạy rằng, con người ngày nay chết thường đi về cảnh giới quỷ nhiều nhất, lý do chính là vì lòng tham quá lớn, càng ngày càng tham-lam, tâm địa càng ngày càng hiểm-ác!

Tại sao người đó lại biết trước ngày chết và ra đi tự nhiên? Có thể là, trong lúc đang sống có phát lời thề nguyện làm quỷ thần, hoặc một lời hứa nhận chịu về với họ(?)… đã hứa thì phải giữ lời, cho nên đôi lúc được họ cho biết ngày đi và tới ngày giờ họ tới bắt hồn. Như trong lời pháp giảng kinh Lăng-Nghiêm, Ngài Tịnh-Không có kể hai câu chuyện có thực bị quỷ bắt chết.

Một người bị nhận nước chết, họ gạt ông ta ra sông nhận nước hai lần, nhưng may mắn gặp được người ta đi ngang cứu sống lại. Lần thứ ba bị nhận giữa đêm về sáng không ai hay biết, thành ra phải chết và thần-thức ông ta bị bắt đi làm Thổ-Thần giữ miếu thổ địa mới xây. Chuyện này là do ân oán trong đời.

Còn một người nữa, ông ta biết được ngày ra đi tới ba tháng chỉ vì trong giấc chiêm­bao lỡ buông lời hứa chịu làm việc trong quỷ đạo, họ cho thời gian ba tháng để sắp xếp việc nhà, rồi đúng ngày giờ họ tới bắt đi, không thể trễ hẹn.

Thưa cha má, bình thời vì không hiểu thấu cảnh giới của Quỷ-Thần, cho nên nhiều người móng tâm hâm mộ. Phật dạy, đây là một ách nạn trong luân-hồi lục-đạo. Vào đó rồi muốn ra, ra không được. Thọ mạng của Quỷ đạo rất lâu, ít nhất cũng một ngàn tuổi, một ngày ở đó bằng một tháng trên thế gian. Đặc biệt là ở đó tâm sát hại chúng sanh rất nặng. Nếu có chút phước báu hưởng một cấp bậc nào đó thì còn tạm ổn, nếu trở thành ma dân, ma nữ, quỷ đói thì khổ sở vô cùng. Ở những nơi họ có lập miễu, lập đình, thì còn có chỗ trú thân, nếu không lập hoặc bị phá sập thì số mệnh khá thương tâm! Quỷ, Thần, Tiên, Ma… có chung cảnh giới, sướng có, khổ có, tùy theo phước đức và sự tu tập, so ra thì cảnh giới dương gian ổn định hơn.

Ấy thế nhiều người không biết lại đi thờ họ, rồi nguyện xin về với họ. Chính vì lời hứa này mà lúc chết đôi khi được biết trước và tự nhiên ra đi. Nhưng sau đó thì sao? Ai biết được! Cho nên, đừng vì giận hờn mà buông lời thề bừa bãi, mà có thể bị họa về sau không tốt!

Người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì cảnh giới tương lai của họ là Nhứt-chân-Pháp-giới, là cảnh giới của Phật, Bồ-tát, đã vượt khỏi tam-giới, là vị trí cao nhứt trong tứ pháp giới của Thánh. Cho nên người niệm Phật, khi đã thành tâm phát nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc thì được chư Thiên kính nể đảnh lễ. Hòa-Thượng Tịnh-Không còn nói, nếu chí thành phát nguyện, thì Thánh A-La-Hán cũng phải đảnh lễ, thì chư Thần-Tiên làm sao sơ ý được. Cho nên đối với Thần, Tiên, Đình, Miễu, người niệm Phật chỉ nên bái chứ không nên lạy. Ai muốn lạy thì lạy, nhưng lạy họ chỉ làm cho họ khổ sở mà thôi, đang ngồi ăn uống đành phải bỏ chạy vì cái lạy của ta. Nhiều người không thông hiểu pháp giới, không hiểu Phật pháp, tự bỏ ngôi thứ giải thoát thành Phật của mình, đi xuống thờ lạy chư Thần-Tiên trong tam-giới để sau cùng bị lọt lại trong luân hồi khổ nạn! Những ngày về quê tổ chức niệm Phật cho cha, con chỉ quỳ lạy bàn thờ Phật, còn bàn thờ Thần-Tiên con chỉ thắp nhang rồi khấn như vầy:

 “Nam-mô A-di-đà Phật. Phật dạy rằng, tất cả chúng sanh trong cửu Pháp giới, ai nghe được danh hiệu của A-di-đà Phật mà tin tưởng trì niệm danh hiệu Ngài, nguyện sanh về Tây-phương Tịnh-độ, thì được vãng sanh về đó, một đời bất thối thành Phật. Kính xin chư vị phát lòng tin tưởng cùng niệm Phật để sớm ngày thành Phật. Nam-mô A-di-đà Phật”.

Đây là sự thành tâm cứu độ chúng sanh. Phật cứu độ tất cả chúng sanh trong cửu pháp giới, nghĩa là tới hàng Thánh ngoài tam giới vẫn còn phải niệm Phật để được cứu cánh giải thoát, thì các vị trong tam giới không niệm Phật làm sao mong có ngày giải thoát. Con khấn như vậy không đụng chạm ai hết, một lòng vẫn kính trọng và còn kèm theo tâm cứu độ…

Chuyện thứ hai ở Long-Khánh, nếu đúng như lời của Lộc và Sáu Luân kể, thì đây thực sự là được vãng-sanh. Thật quá may mắn, hy hữu, hiếm có! Một triệu người may ra mới có một chứ không phải thường. Mấy năm trước đây, ở Mỹ có ông Châu-Quảng-Đại cũng được cái may mắn này, ông ta niệm Phật ba ngày được vãng sanh. Ông Bác Long-Khánh này một đời không tu hành gì nhiều, đến cuối đời được người điềm chỉ, ông phát lòng tin chịu niệm Phật chỉ một thời gian rất ngắn đã thành tựu đạo quả, được vĩnh viễn thoát khỏi sinh-tử luân-hồi, thọ hưởng phước báu vô cùng vô tận ở Tây-phương Cực-lạc Thế-giới của Phật A-di-đà. Giờ đây Ngài đã là một vị Bồ-tát rồi chứ không phải thường nữa đâu. Con xin phân tích rõ ràng thêm chuyện này.

Trong Kinh Vô-Lượng-Thọ, lời nguyện thứ 18, Phật dạy, “Khi Ta thành Phật, chúng sanh trong mười phương nghe đến danh hiệu của Ta, mà chí tâm tin kính, ai có căn lành tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh về nước Ta, cho đến mười niệm nếu không được sanh Ta thề không thành Phật. Duy trừ có tội ngũ nghịch và phỉ báng Chánh pháp”. Đây là lời thề của Phật A-Đi-Đà trước khi Ngài thành Phật, lời thề mười niệm vãng sanh. Trong kinh A-di-đà, đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy, người nào nghe Ta thuyết về A-di-đà Phật mà phát lòng tin, chấp trì danh hiệu Ngài mà niệm từ một ngày đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, thì được vãng sanh.

Bác này dù hồi giờ không tin, không niệm Phật, nhưng khi đã già, bị bệnh hoạn, không còn cách lựa chọn nào khác là nằm chờ chết. Sự chết đối với bác đã là đương nhiên rồi nên không thèm sợ nữa, bác bình tĩnh chờ ngày đó. Chính vì thế mà bác đã biết buông xả tất cả thế sự nhân tình, vì có lo lắng cũng không được gì. Trong trạng thái an tịnh như vậy, gặp được duyên lành, như người đang chết đuối vớ được cái phao. Bác chấp nhận dễ dàng, thoải mái, tin tưởng, quyết chí đi. Bác thành công đến nỗi khi nghe con cũng lấy làm ngạc nhiên. Chính con còn chưa vững tin, mới đem chuyện này hỏi thầy Thiện-Huệ. Thầy nói, nếu đúng như lời kể, thì bác đó đã vãng-sanh. Thành thực con rất mừng về chuyện này, trong đời tu hành ta cứu được một người mừng cho một người. Mình biết được con đường giải thoát phải nên chân thành hướng dẫn người khác cùng giải thoát vậy.

Sau đây là tóm tắt những điểm xác minh:

1) Là sự buông xả thấy rõ. Trong những ngày trước khi ra đi bác an nhiên, cười vui, niệm Phật, không lo lắng gì cả, coi cái chết nhẹ hơn lông hồng. Đây là điểm rất hay!

2) Là bác tỉnh táo đến giây phút cuối cùng, trước phút ra đi còn báo cho mọi người biết là: “Ta bắt đầu đi đây”. Người thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-độ, nếu đã biết buông xả trọn vẹn, họ dễ đạt được trạng thái tươi vui, bình tĩnh và sáng suốt này, gọi là “tâm bất điên đảo”;

3) Thần thức rời khỏi nhục thân từ chân đi lên, điểm cuối cùng là đỉnh đầu, tắt thở ba bốn giờ mà đỉnh đầu vẫn còn nóng. Đây là dấu hiệu then chốt xác định sự vãng sanh. Trước đây con có phân tích chuyện này rồi chắc cha má còn nhớ. Chính điểm nóng sau mấy tiếng đồng hồ trên thân thể là vị trí thần thức xuất ly sau cùng. Ông bác nóng tại đảnh đầu đây là điều rất tốt, cho phép ta tin tưởng sự vãng sanh. Xin chân thành chúc mừng cho Ngài. Xin nhắc lại bài thiệu để dễ nhớ.

Đảnh Thánh, Nhãn sanh Thiên.

Tâm Nhơn, Phúc Ngạ-Quỷ.

Bàng sanh Túc hạ hành.

Địa-ngục, Cước để xuất.

(Nghĩa là nóng tại đảnh đầu sanh về cảnh giới Thánh, tại mắt về trời, tại ngực trở lại người, tại bụng làm ngạ-quỷ, từ đầu gối xuống làm súc-sanh, tại bàn chân bị đọa địa-ngục). Cảnh Thánh là những cảnh Phật, Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác, ở ngoài tam giới. Ở đây Bác đã có niệm Phật, có nguyện vãng sanh Tịnh-độ và cho con cháu niệm Phật hộ niệm, như vậy bác được siêu sanh thẳng về Tây-phương Cực-lạc. Đây là một thiện căn, phúc báu, nhân duyên lớn vô cùng vô tận! Có người tu hành nhiều đời nhiều kiếp chưa chắc đã sánh bằng! Quá may mắn! Nhiều thiện căn! Đại phúc đức! Đại thiện duyên!

Có một điều là, nghe Lộc kể lại lúc vãng sanh bác đó có phần chú tâm vào sự diễn tiến của thần thức đang xuất ra, bác chỉ cho mọi người từng phần thân thể đang chết. Thật may mắn cho bác là không có chuyện gì trở ngại xảy ra. Có lẽ hồi giờ bác đó và gia đình ít nghe pháp Phật, không hiểu nhiều về quy luật vãng sanh, chỉ đọc qua mấy lá thư rồi tin tưởng làm theo mà được tương ưng với điều kiện vãng sanh, thật quá may mắn! Chứ người hiểu đạo, hiểu pháp, thì phải hết sức cẩn thận trong giây phút tối quan trọng này.

Nghĩa là, tất cả mọi người, ngay cả người lâm chung, phải thành tâm chí thiết niệm Phật. Khi biết mình được Phật tới tiếp dẫn hoặc biết mình đang ra đi thì đừng nên lơ là. Nếu muốn từ tạ thì một lời là đủ rồi. Hoặc giả không cần lễ mễ chuyện này, mà phải chú tâm niệm Phật để vãng sanh theo Phật trước đã, rồi chuyện khác tính sau. Còn người hộ niệm dù có thấy hiện tượng lạ như quang minh của Phật xuất hiện, hoặc mùi hương thoảng bay, người ra đi hiện ra tướng lành như mặt hồng hào, tươi trẻ, nét mặt cười vui, trái tai dài ra, ở ngoài cửa chim bay tới đậu, hoa trong bình tự nhiên nở ra, v.v… nhất thiết đừng có vọng động, đừng lên tiếng, đừng chỉ chỏ gì cả, mà phải thành tâm cùng niệm Phật, chí kính niệm Phật cho đều để cho cảnh giới được tăng cao, giữ vững an toàn cho người đi. Tuyệt đối không được tháy máy, hiếu kỳ hay sơ suất mà nhiều khi bị trở ngại bất ngờ, ngàn đời ân hận.

Quan trọng nhứt là tuyệt đối không được khóc, không được kêu réo người đang ra đi, không được gây tiếng động ngay giây phút đó. Con cái trong nhà thương cha mẹ phải quyết tâm bảo vệ cha mẹ mình, dù phải trả giá gì cũng chấp nhận, vì đây là phút cuối cùng cứu độ được người thân, là cơ hội cuối cùng để báo đáp chữ hiếu, không thể nhân nhượng được. Khi ra đi rồi người hộ niệm phải tiếp tục niệm Phật chung quanh nhục thân ít ra phải tám tiếng sau mới được rời khỏi. Tuyệt đối không được đụng tới thân thể, ngay cả cái giường nằm cũng không được đụng mới bảo đảm sự an toàn.

Niệm Phật thành Phật. Cha má đang nắm trong tay một pháp môn thành Phật, đừng để vụt mất cơ hội. Người có lòng thành, có tâm tu đạo, có lòng tin, biết buông xả để về với Phật thì tự nhiên được cảm ứng, chắc chắn được vãng sanh. Người vận may đã đến trong tay mà không chịu nắm lấy thì bị đọa lạc, đành tự chịu lấy hàng vô lượng kiếp khổ đau. Thật oan uổng, đáng tiếc!

Phải biết rằng, bình thường một người muốn thoát khỏi tam giới thôi, nghĩa là mới nhập vào hàng Thánh, gọi là hàng nhập lưu thôi, thì công tu ít ra cũng phải một đại A-tăng-kỳ kiếp mới được. Muốn lên đến phẩm Địa hạ của Bồ-tát phải mất một A-tăng-kỳ kiếp nữa, rồi thêm một A-tăng-kỳ kiếp nữa mới chứng được hàng Địa thượng Bồ-tát, nghĩa là cảnh giới cận kề Phật. Còn bác đó đã được sự gia trì của A-di-đà Phật, hiện giờ đương nhiên trở thành vị bất-thối Bồ-tát ở cõi Tây-phương, tất cả năng lực của tự tánh đã được khôi phục, thần thông tự tại như kinh Phật nói: thiên-nhãn-thông, thiên-nhĩ-thông, tha-tâm-thông, thần-túc-thông, lậu-tận-thông, túc-mạng-thông với vô-lượng-thọ thân… không cần phải tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp thời gian nữa. Thật bất khả tư nghì! Trí óc phàm phu không bao giờ hiểu tới được!

Một A-tăng-kỳ dài bao nhiêu? Con ghi thử ra đây con số của A-tăng-kỳ cho cha má tưởng tượng:

Một A-tăng-kỳ = 100.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000 (số 1 với 47 con số 0). Con số vô cùng lớn, nhưng không phải bấy nhiêu đó ngày mà bấy nhiêu đó kiếp. Ví thế, tu muốn thành một vị Bồ-tát đâu phải dễ, muốn thành Phật đâu phải đơn giản! Người nào muốn tự tu chứng hãy xét thử coi liệu mình có đủ khả năng không!

Thưa cha má, muốn tu cho được giải thoát, thành Phật, hãy tu tại cảnh giới nhân gian này. Cảnh giới người dễ tu, dễ thành Chánh-quả. Đừng lầm mà tưởng rằng phải lên tới cõi Trời, cõi Tiên rồi mới tu. Không phải vậy đâu! Thứ nhứt là lên Trời, lên Tiên không phải dễ. Lên Trời phải có phước báu, phải tu thập thiện, phải có thiền-định, rất khó! Lên được đó rồi thì sống xa hoa sung sướng, tận hưởng khoái lạc khó có ai nghĩ đến chuyện tu hành, đến khi phước cạn phải bị rơi xuống và thường rơi rất nặng.

Cảnh Tiên cũng không hơn gì, nếu khá thì thì sống an nhàn ngao du sơn thủy, hưởng lạc nhiều năm, ngày đêm say sưa tu luyện một số phép thần thông biến hóa mà quên mất con đường giải thoát cho tương lai, một ngày nào đó cũng đành chịu chung số phận vô-thường! Vấn đề huệ-mệnh vẫn còn nguyên vẹn, vẫn còn lăn lộn trong tam-giới, sanh-tử luân-hồi.

Cảnh giới người là dễ quay đầu tu hành nhất. Phật nói vì ở đây khổ nhiều, sướng ít dễ thức tỉnh đường đạo. Tất cả chư Phật thị hiện hầu hết đều trong nhân đạo để cứu độ chúng sanh. Chính vì thế, tại đây, ai tin tưởng, ai quyết tâm, ai y-giáo phụng-hành, một lòng theo Phật thì được vãng sanh bất thối thành Phật.

Cũng cần nhắc lại điều này, xin đừng hiểu lầm mà cứ nguyện sanh lại làm người để tu. Nếu nguyện như vậy thì mãi mãi trầm-luân đọa-lạc, vì còn làm người thì còn sanh tử khổ nạn, còn bị đọa tam đồ. Nên nhớ dễ tu là đối với người biết tu, còn người không tu thì đâu có phần. Hơn nữa, ở đây dễ tu, dễ tiến nhưng cũng dễ thối đọa. Tiến một bước nhưng dễ thối hai bước. Bao giờ mới thành chánh-quả?

Thưa cha má, đời là vô-thường, thân này vô-thường, nhà cửa vô-thường, danh vọng, ân nghĩa, con cái, gia đình… chỉ là sự vô-thường. Đó gọi là “Chúng-Sanh”. Chúng là nhiều thứ kết hợp lại mà “Sanh” ra nên gọi là “Chúng-Sanh”. Hợp đó rồi tan đó, gọi là “Vô-Thường”. Hãy liễu giải chơn tướng của sự Vô-Thường mà vững tâm quyết định niệm Phật cầu về Tây-phương. Vô-Thường tấn-tốc! Quyết định không thể chần chờ, không hẹn giờ hẹn ngày nữa…

Thành tâm ngưỡng nguyện đức A-di-đà Phật gia trì cho cha má cùng tất cả chúng sanh đều phát lòng niệm Phật, hết một báo thân này đồng sanh Tây-phương Cực-lạc quốc.

Nam-mô A-di-đà-Phật. 
Con kính thư. 
(Viết xong, Úc Châu, ngày 9/8/02). 

(Còn tiếp)