Khi ngoài trời mưa lắc rắc, nắng loe hoe vàng nhạt, bầu trời như có hương vị gì thơm thoảng, ấy là bước nhỏ thu sang. Mùa thu như có hình dáng trẻ thơ ẩn hiện đâu đó trong tiếng trống ếch, trong sắc màu lung linh đèn cá chép, đèn ông sao. Ấy là mùa Trung thu đã về…
Mùa ư? Quả thật là mùa, thứ mùa thương nhớ, mùa gặt hái những nỗi niềm của người lớn. Mùa đong đầy kỷ niệm của tuổi thơ. Mùa trăng sáng tỏ tâm hồn, chợt thấy mình bâng khuâng trước bầu trời lồng lộng xanh vời. Mùa như thế hỏi ai mà quên được!
Miền quê nghèo quê tôi, từ xưa giờ không thể thiếu hương vị trung thu. Hình như miền quê nghèo nào Tết Trung thu cũng đầy ắp ánh trăng. Có phải vậy không, mà người ta khẳng định rằng Tết Trung thu có nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước của người Việt. Vầng trăng tròn đã được cổ tích hóa, đầy đặn tâm hồn tuổi thơ, trong khi đó, những nơi đầy đủ vật chất thường thiếu ánh trăng. Tôi ngập ngừng bước qua những phố xá quảng cáo bánh trung thu, mà e ngại sự dư thừa bánh trái sẽ làm thiếu thốn ánh trăng. Thiếu ánh trăng là thiếu đi niềm vui lớn nhất của trung thu. Vì chỉ có ánh trăng vàng óng, mềm mại, dịu mát và bao la mới gợi mở cho trẻ thơ ý thức đầu tiên về vũ trụ, điều mà các khu nhà cao tầng, những con phố tràn ngập ánh điện sẽ không bao giờ có được. Và bánh trung thu là tặng phẩm của mùa màng, ẩn chứa bao mồ hôi, nước mắt, nắng mưa cực khổ trăm bề của người làm ruộng. Nó thơm cái thơm của ruộng đồng chất phác, không phải cái thơm của bánh công nghiệp đầy chất hóa học. Vì vậy, ngày xưa làm gì có từ “an toàn thực phẩm”, làm gì có màu sắc đẹp quá sức như bánh bây giờ. Theo tôi, nói không ngoa, bánh trung thu và lồng đèn trung thu hôm nay đẹp một cách đáng ngại!
Thật vậy, xa hoa quá dễ trở thành vô hồn. Bánh ngọt quá hãy coi chừng chất độc. Nhưng làm sao bây giờ? Biết làm sao khi xã hội phát triển kéo theo những hệ lụy là lẽ đương nhiên. Chỉ có điều, hãy thông minh đem mùa thu về với con trẻ. Bởi vẫn còn đó, những giá trị tinh thần của mùa thu đậm đà bản sắc dân tộc. Cha ông chúng ta đã khôn ngoan để lại những bài đồng dao về ánh trăng, về các sinh hoạt làng xã, mùa màng v.v… vô cùng hay đẹp và nên thơ!
Không ai là không có một chú Cuội của mình. Không ai là không có ánh trăng trong hồn mình cả. Không ai là không ăn bánh trung thu một lần. Không ai là không thuộc một câu đồng dao. Và nữa, không ai là không có tuổi thơ đi rước đèn (trừ những trường hợp ngoại lệ) ông sao hay đèn cá chép v.v… Vậy hãy dành cho trẻ thơ bây giờ những hương vị đầy ý nghĩa tinh thần, hơn là cho chúng thừa hưởng một mùa thu vật chất xa hoa, lòe loẹt. Các em sẽ được trở về với sự náo nức vốn có của tuổi thơ, chực chờ để cha mẹ làm cho một chiếc lồng đèn bằng tre dán giấy kiếng, hoặc tự tay làm cho mình chiếc lồng đèn mà sau này sẽ chôn sâu vào ký ức. Rồi trẻ thơ sẽ được đợi chờ những chiếc bánh thơm ngon vớt ra từ chiếc nồi bếp củi. Mùi lá chuối, mùi nếp thơm ngon sẽ bốc lên lấp đầy khứu giác tuổi thơ. Cái mùi dân dã mà hiếm có ấy, làm con trẻ nhớ suốt đời. Tình yêu quê hương, đất nước nẩy nở từ trong ấy, những chuyện tưởng chừng như bình thường nhất, lại có sức sống lâu bền trong tâm hồn non nớt của trẻ thơ nhất. Cảnh sum họp gia đình dưới trăng thu lồng lộng, đom đóm bay từng đàn trên lùm cây, tiếng trống ếch, trống cơm từ xa vọng lại. Thật không có gì bằng. Đó là thiên đường mà chúng ta dành cho trẻ, cũng là việc làm đầy ý nghĩa, trong khi cuộc sống ngày càng mất đi không gian tuổi thơ lẽ ra phải có cho con em chúng ta.
Nghe đến đây có người sẽ bĩu môi, làm gì có được cái hoàn cảnh đẹp như thế chứ ? Thật ra, có hay không đều do chúng ta có tâm huyết hay không. Hoàn cảnh bây giờ đã cho phép các bậc cha mẹ lựa chọn cho con em mình một cách sống. Xa hoa, hay giản dị còn tùy cái phông văn hóa mà mẹ cha sở hữu.
Và tình yêu núi sông, yêu cuộc sống và con người, thứ vốn phát xuất từ trái tim lại cực kỳ nhạy cảm với môi trường. Không gian và thời gian tuổi thơ, sẽ mách bảo cho chúng biết nơi đâu là nguồn cội, tìm về với nguồn cội để được an ủi tinh thần. Có lẽ, đó là lẽ sống thiết thân mà một đứa trẻ phải có, để không phải làm một người trơ trụi giữa quê hương giàu đẹp của mình…
Tản văn Nguyễn Thánh Ngã (Giacngo)