Sống ở trên đời này ai mà chẳng muốn mình có được một khuôn mặt khả ái và thân hình cân đối, khoẻ mạnh. Ước muốn này đã có từ khi chúng ta chưa ra đời. Như bao bà mẹ khác, người mẹ nào chẳng muốn con mình được đầy đủ đầu, mặt, chân, tay như mọi người. Mong muốn và lo lắng đến nỗi khi vượt cạn trên bàn đẻ, khi chưa kịp hưởng cái nhẹ nhõm lúc vừa thoát khỏi cơn đau và sợ hãi, người mẹ nào cũng phải nhanh chóng nhận các thông tin từ bác sỹ đỡ đẻ hoặc trực tiếp nhìn thấy đứa con mình vừa sinh ra có được bình thường như mọi người hay không; và chỉ khi nhận được các thông tin tốt lành, người sản phụ lúc ấy mới thật sự nhẹ nhõm và mỉm cười mãn nguyện.
Em bé được lớn lên trong tình yêu thương và hy vọng của cha mẹ và người thân; chẳng mấy chốc…. Trẻ bây giờ tinh khôn lắm, mới chỉ chập chững biết đi thôi, nó cũng đã lơ mơ nhận biết về đẹp, xấu. Nếu có ai đó đùa giỡn với nó mà chê nó xấu xí thì ít nhất cũng nhận được sự không hài lòng, đến xị mặt; hoặc có khi còn được nghe nó khóc nhè nữa.
Đến các cô cậu học trò trong các trường phổ thông; tuy không phải là những hiện tượng phổ biếnnhưng cũng nhiều khi thấy xuất hiện những tốp bạn bè chơi thân với nhau toàn những bạn đẹp trai hay xinh gái. Điều này dường như không cố ý nhưng những cảm nhận yêu thích về đẹp, xấu nó cứ tự nhiên điều chỉnh hành vi của các bạn trẻ khiến cho các bạn đó ngày càng gần gũi nhau hơn.
Tuổi thanh niên thì ngoài việc thường xuyên chăm chút cho khuôn mặt của mình như ngắm vuốt, chải chuốt, cắt, nhuộm các kiểu tóc, xăm mắt, xăm môi, tỉa, vẽ lông mày, cắm mi. Nhiều người còn đến các dịch vụ làm đẹp da, phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực, vv… Cũng nhờ có nhu cầu ngày càng tăng nên ngày nay các dịch vụ này đang nở như hoa và kiếm bộn tiền. Các tiệm làm đẹp, dù lớn dù nhỏ đều làm ăn phát đạt.
Các bạn trung niên, nhất là các bạn nữ; dường như chưa quen với những nếp nhăn xuất hiệntrên mặt, những số đo vòng 2 cứ ngày một tăng. Ngoài việc can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật đương thời, họ còn bảo nhau chăm lo chế độ ăn uống, kiêng khem, tập luyện,vv…Thời kỳ này cuộc sống của họ đã tạm thời an bài, nhưng việc chăm lo sắc đẹp vẫn nóng từng ngày do sự muối tiếc những nét đẹp vốn có ở tuổi thanh xuân. Người nhiều tiền thì khỏi phải nói; người có kinh tế khiêm tốn cũng không tiếc tiền, họ gần như phải chi ra một khoản bắt buộc để cố giữ lại vẻ đẹp của mình.
Đến cái tuổi hoàng hôn, gần đất xa trời; các cụ lúc này dường như bất lực trước sự tàn phá của thời gian; nhưng vẫn vớt vát lại bằng cách nhuộm cái tóc, làm cái đầu cho nó gọn gàng, dễ coi hơn. Thậm chí đến cái lúc các cụ đã nằm xuống, không còn thở được nữa, chẳng còn mong muốn đẹp, xấu gì nữa; thì lúc này, do nhu cầu của người còn sống; họ vẫn cố gắng nhờ người đến bôi son, phấn lên mặt các cụ cho nó đẹp hơn, dễ thương hơn.
Nói đến nhu cầu về vẻ đẹp hình thể; việc này cũng chẳng kém phần bức thiết và sôi động. Ngoài việc tham gia các môn thể thao từ chuyên nghiệp đến các bài tập cá nhân đơn giản như đi bộ, các bài tập giảm mỡ bụng, bài tập yoga, trường sinh ,vv… Các dịch vụ thể dục dụng cụ, các mẹo giảm béo, các chế độ dinh dưỡng giữ cho cơ thể trẻ, đẹp,vv…
Thế mới biết con người chi phí cho cái đẹp của thân thể với hàm lượng tiền bạc và thời gian đáng kể so với thu nhập của mình như thế nào.
Như vậy, con người có quá lãng phí tâm, trí, thời gian, tiền bạc và sức lực chỉ để phục vụ cho cái vẻ đẹp thân thể của mình không ? Theo nhịp sống thế gian, điều đó cũng không đến nỗi vô ích. Một xã hội có nhiều người đẹp là một xã hội văn minh; bởi nhờ có văn minh nên tạo ra vẻ đẹp. Văn minhvà vẻ đẹp thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Mặt khác, một người có thân hình đẹp, khuôn mặt dễ mến sẽ được mọi người yêu thích, dễ tìm việc làm, dễ có khả năng sau này sinh con cũng xinh đẹp. Ngày nay, chúng ta thấy rất nhiều những trai tài, gái sắc xuất hiện trên những cương vị, việc làm mà nhiều người mơ ước như: ca sĩ, diễn viên, người dẫn chương trình, các nhân viên ngân hàng, nhân viên hàng không, vv…Ngoài ra, người đẹp cũng làm cho bộ mặt của cơ quan, công ty thêm phần trang trọng, mến khách. Các cô gái chỉ cần lọt vào vòng chung kết thi hoa hậu thôi cũng có được cơ hội chọn việc làm theo ý muốn và có khi nhanh chóng trở nên giàu có và sang trọng.
Khát vọng về một hình thể đẹp là khát vọng chính đáng của con người; nó đã xuất hiện từ thuở hoang sơ. Hình ảnh cô tiên đẹp tuyệt trần,hay ông tiên với dáng vẻ vừa thanh cao vừa hiền triết và có lòng thương người được xuất hiện trong các truyện cổ tích chính là hình ảnh trong trí tưởng tượng của ông cha chúng ta. Khát vọng đó đã và đang được hiện thực hoá. Khát vọng cùng với sự cần cù và sáng tạo không ngừng trong lao động đã dần chuyển hoá con người được xinh đẹp như ngày nay. Như ta đã biết, thuở hoang sơ, con người có khuôn mặt luôn ngửa lên phía trên, hàm và miệng nhô ra phía trước có thể là do thói quen ngửa mặt tìm kiếm thức ăn ở trên cao. Gần nữa, ta thấy đôi chân người dân vùng cao to, khoẻ, bàn chân to bè có thể là do phải leo núi, đi rừng nhiều để kiếm ăn. Gần hơn nữa là hình ảnh đôi vai người nông dân với những vết chai, cứng do phải gánh, vác nhiều. Ngày nay, hình ảnh cô thợ cấy với đôi chân thon, dài, trắng nõn, đẹp chẳng kém mấy so với chân hoa hậu đã cho ta thấy sự tiến hoá của con người dần tới cái đẹp chính là kết quả của ước mơ tự ngàn xưa và cho đến tận bây giờ của loài người vậy.
Hình ảnh cô tiên hay ông tiên là hình ảnh đẹp hoàn hảo cả hình dáng bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong; và chính vẻ đẹp tâm hồn bên trong ảnh hưởng quyết định đến vẻ đẹp bên ngoài khi ấy mới được mọi người công nhận . Tâm hồn hiền thiện thì đôi mắt đã đẹp lại ánh lên sự vị tha, yêu thươngvà trìu mến làm mọi người yêu thích và gần gũi. Tâm ác độc thì đôi mắt lá liễu kia lại nhuốm màu tham đắm, muốn chiếm đoạt và nham hiểm. Vẻ đẹp kia không có lợi ích gì cho bản thân và xã hộimà nó còn dẫn dắt đến sai lầm và tội ác.
Đúng như vậy, điều đáng buồn cho xã hội loài người là bên cạnh cái đẹp thì cái xấu vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ; làm đau đầu nhà chức trách, bất an cho xã hội,gây đau thương cho chính con người. Các tệ nạn xã hội ngày càng phát triển và lan rộng; các vụ lừa đảo, trộm, cướp, giết xảy ra như cơm bữa với tính chất ngày càng nghiêm trọng và tàn bạo. Các vụ tham nhũng ngày càng lớn và nghiêm trọng ; gây tổn thất lớn cho nhà nước và nhân dân.
Những tên tội phạm này, họ là ai ? Họ đều là những người do có phúc báo từ kiếp trước làm nhân và các điều kiện như đã nói ở trên làm duyên mà đều có thân hình đầy đủ và đẹp đẽ.Nhưng tiếc thay họ đã không biết phát huy cái phúc báo đó để tạo phúc báo đời này và đời sau. Thật đáng buồn khi nhìn thấy họ đã vào tù rồi mà vẫn còn tâm trí để chăm lo sắc đẹp. Đẹp và xấu cùng tồn tạitrên một con người.
Tại sao họ phạm tội? Có phải chỉ vì muốn chiếm đoạt một cái gì đó ? Một cơn giận ? hay một sự si mê ?
Câu trả lời tất nhiên là đúng cả. Mặc dù vậy, ta vẫn phải truy nguyên tận nguồn cơn của sự việc.
Trên cơ thể của con người có các cơ quan cảm giác để nhận biết thế giới bên ngoài. Nhà Phật gọi là các căn và phân loại có tất cả là 6 căn : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Khi mắt nhìn sự vật và con người xung quanh, mắt phân biệt, đẹp, xấu, yêu, ghét, lợi, hại,lấy, bỏ. Mắt tham đắm, muốn chiếm đoạt. Tai nghe lời ngọt ngào, tai yêu thích dẫn đến mê muội, nghe theo kẻ xấu xúi giục làm hại người. Mũi ngửi hương thơm, mũi thèm muốn ngửi mãi không bỏ dẫn đến lâm vào cảnh nghiện ngập. Lưỡi nếm vị lưỡi tham đắm hưởng thụ, khi không có vị ngon lưỡi không chịu được; lưỡi còn nói lời độc ác, xúc xiểm, chia rẽ, vu khống hại người. Thân hưởng thụ xúc, chạm khoái lạc thân muốn hưởng mãi. Ý tham, sân, si ,ý tìm mọi cách để thực hiện lòng tham, ý nhẫn tâm hại người để chiếm đoạt của người. Tham và sân đưa ý đến si mê không phân biệt phải, trái , hành động mù quáng dẫn đến phạm tội.
Như vậy, tội là do 6 căn mà ra cả. Tuy nhiên, để công bằng mà nói thì 5 căn ở trên bản chất như như bình đẳng như một tấm gương. Sắc đến thì mắt hiện sắc, thanh đến thì tai hiện thanh….
Chứ có biết phân biệt gì đâu. Sở dĩ có phân biệt đẹp,xấu, hay,dở, yêu, ghét, lấy, bỏ là do ý căn điều khiển cả.
Bài kệ thứ nhất của kinh Pháp cú nói rằng:
Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo.
Ý căn, hay ý thức, hay tâm. Một trong 8 món tâm vương chính là kẻ tạo nên tội lỗi. Nó nhiễm ô và làm cho 5 căn còn lại nhiễm ô. Dẫn đến lời nói và hành động gây nên tội lỗi tạo khổ cho người và tự chuốc lấy khổ đau cho mình.
Đối lập với tội ác là hiền thiện; đối lập với nhiễm ô là thanh tịnh. Vậy nếu ta muốn là một con ngườihiền thiện:Đẹp cả bên ngoài và đẹp cả tâm hồn bên trong thì ta phải làm sao cho 6 căn của ta được thanh tịnh.
Mắt nhìn đời và nhìn người luôn bao dung, bình đẳng,từ bi và hiền thiện. Mắt không mất ăn mất ngủvì sắc đẹp.Mắt không liếc ngang liếc dọc; mắt nhìn thẳng, an nhiên và tự tại. Mắt tạo sự bình an và tin tưởng của mọi người.
Tai nghe âm thanh hay không mê đắm, dở không chê bai, sân hận.Tai biết nghe lời hay lẽ phải, tránh xa lời ngọt ngào mà nham hiểm,chia ly.
Mũi ngửi hương mũi không ham thích cũng không chê bai,sân hận, si mê
Lưỡi hưởng vị ngon lưỡi không đòi hỏi hưởng mãi. Lưỡi chỉ nói lời hay,lẽ phải; lời hoà hợp, đoàn kết; lời nói có lợi cho mình và cho cả mọi người.
Thân cảm thọ sự xúc, chạm khoái lạc thân không bị mê hoặc.Cảm thọ bức xúc, khó chịu thân không giận hờn, oán trách. Thân biết tại sao thân chịu vui- khổ, thân an nhiên tự tại trước khổ – vui trong đời.
Ý không tham- sân-si. Ý luôn từ bi, bao dung và bình đẳng , ý an vui tự tại với những suy nghĩ hiền thiện của mình ; ý không phân biệt thiệt, hơn luôn suy nghĩ làm đẹp cho đời.
Trong phạm vi bài viết chỉ gợi mở những điều tốt đẹp của 6 căn . Nếu có ai đó tâm đắc với 6 căn thanh tịnh; xin hãy năng đến nghe các bậc chân sư thuyết giảng, năng đọc, tụng kinh điển nhà Phật hay quan tâm nghiên cứu kinh sách của Đạo Phật; bạn sẽ được thấy đầy đủ hơn; và hy vọng bạn sẽ hân hoan thực hành theo lời Phật dạy.
Do phúc báo đời trước mà kiếp này ta mới được làm người để có đầy đủ 6 căn. Để cảm nhận cuộc sống. Thế nhưng cuộc sống đó có một gianh giới giữa đẹp và xấu . Giữa 6 căn thanh tịnh và 6 căn nhiễm ô. Sự lựa chọn hoàn toàn phụ thuộc chính chúng ta. Sự lựa chọn đó sẽ đưa chúng ta hoặc tiến lên an lạc và hạnh phúc hoặc đi xuống nhục nhã và đau khổ trầm luân ngay tại kiếp này và nhiều kiếp khác
Bài kệ thứ 2 của kinh Pháp cú lại chỉ rõ:
Tâm dẫn đầu mọi Pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình.
Lời dạy này đã cứu vớt biết bao con người thoát khổ để đạt tới an vui hạnh phúc.Thiết nghĩ, chúng ta khi nghĩ về cái đẹp hãy gắn kết nó với sự trường tồn và đáng được tôn thờ của vẻ đẹp 6 căn thanh tịnh. Vẻ đẹp của chân lý nhân sinh.
Quách Văn Thái
(Bài viết tham dự Ananda Viet Awards)