Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay đảnh lễ sáu phương.
Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm:
Này gia chủ tử, có sáu nguyên nhân phung phí tài sản: Dam mê rượu chè là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà hí viện đình đám là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du với bạn ác là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản…..
(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [trích],
VNCPHVN ấn hành 1991, tr.532)
LỜI BÀN:
Tài sản vốn là huyết mạch, mạng sống của hầu hết mọi người. Trải qua nhiều gian khó mới làm ra tài sản một cách chân chính nhưng để gìn giữ hoặc tiêu xài đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực thì chẳng dễ dàng. Mỗi người đều có một thú vui, sở thích tiêu xài riêng. Chính những sự tiêu xài phung phí, không chính đáng ấy đã khiến cho không ít người giàu lao đao và người nghèo càng thêm khốn đốn.
Theo tuệ giác Thế Tôn, có sáu nguyên nhân phung phí tài sản, bắt nguồn từ sự đam mê (theo khuynh hướng xấu) của con người. Đam mê rượu chè, cờ bạc, chơi đêm, là cà hí viện, giao du với bạn ác và lười biếng. Thực trạng xã hội cho thấy những nguyên nhân dẫn đến phung phí tài sản hiện đang tràn lan. Điều đáng nói là không chỉ giới nhiều tiền mới phung phí mà ngay cả những người lao động, thu nhập thấp cũng bị đam mê cuốn hút làm cho khánh kiệt.
Vì vậy, người con Phật luôn quán niệm về sự khó nhọc của bản thân, tài sản được đổi bằng mồ hôi và nước mắt mới có, vì thế phải ý thức về tiết kiệm, không phí phạm. Mặt khác, quán niệm về sự nghèo khó của những người xung quanh, nuôi dưỡng và phát khởi từ bi để sẻ chia, sử dụng tài sản một cách có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực nhất.
Ngày nay, công nghệ và dịch vụ giải trí rất phát triển, hoạt động hợp pháp, đáp ứng nhu cầu giải trí, thư giãn của con người. Ở một số nơi, giải trí là ngành công nghiệp mũi nhọn, đem lại doanh thu đáng kể. Đành rằng, giải trí và thư giãn vốn rất cần thiết cho đời sống nhưng người tham gia giải trí cần phải chánh niệm, tỉnh giác với đam mê, biết dừng lại đúng lúc…..để tránh phung phí tài sản.
Nguồn: Thư Viện Hoa Sen