Sáng nay, chim chóc ca mừng vầng ô lên rạng rỡ. Tia nắng ban mai xuyên qua lớp vỏ sương mù và đang nô đùa trên hoa lá. Dưới tia hồng muôn màu muôn sắc, đóa sen trong hồ đang vội mở mắt để ngắm nhìn thế giới…
Tôi đã gọi tên hoa sen trong từng hơi thở, dù đợt sóng bạc đầu vẫn còn đang muốn vươn mình đi về phương lạ. Đi về đâu? Khi bao đời trong quá khứ, hiện tại và kể cả tương lai, không ai có thể nắm bắt con sóng ấy sẽ đi về đâu! Mà, chỉ có con người giác ngộ mới có thể biết được con sóng ấy đi về nơi nào. Bao con sóng đã về với bản thể lắng im, bao con sóng tiếp nối còn đang vồ dập, loài hoa sen cũng từ vô thỉ đến vô chung hiển hiện giữa cuộc đời nhiều ưu phiền và tục lụy, với vẻ đẹp thanh cao và thuần khiết.
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Lại còn tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Hương sắc của hoa sen, ấy chính là hương sắc giải thoát, không nhiễm ô của các bậc đại nhân. Tính chất này biểu trưng cho con đường “nhập thế sinh động, “Phật Pháp bất ly thế gian pháp”.
Hoa sen mọc không đồng đều, có hoa mọc trước hoa mọc sau, hoa này tàn thì lại có hoa khác nối tiếp. Nhưng chúng đều có một điểm chung là không có cành nhánh như bao loài hoa khác, chúng mọc thẳng từ dưới bùn nhơ lên trên qua khỏi mặt nước để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, tất cả đều sẽ mở tung cánh hoa, tỏa mùi thơm ngát như nhau. Các loài hoa khác khi mọc lên, một thời gian sau hoa rụng mới có quả, còn đối với hoa sen vừa búp đã có quả, quả bọc trong gương sen. Hoa sen to chừng nào thì quả và gương sen to chừng ấy. Hoa quả đồng thời. Tính chất này của hoa sen cũng chính là hình ảnh biểu trưng sống động cho triết lý nhân quả đồng thời trong Phật giáo. Nhân quả đồng thời có nghĩa là nhân quả như hình với bóng, hình thế nào thì bóng như thế đó. Nhân có cùng một bản tánh với quả, vốn tròn đầy , sẵn đủ và trực tiếp tức thời. “Nói một cách vắn tắt và đơn giản , nhân quả đồng thời là quả giác ngộ , quả Phật vốn đã nằm nơi nhân tu hành để đạt đến giác ngộ, để thành Phật”. Đây là một sự thật do tâm tu chứng, không phải là một mớ lý thuyết suông để ta thấy và chạm vào được.
Cơn mưa to kèm theo gió lớn đêm qua, tưởng đâu những cánh mỏng manh của hoa sen sẽ rơi rụng, nào ngờ đâu, sáng nay đóa hoa sen vẫn an nhiên tự tại dưới ánh mặt trời. Không bị quấy nhiễu bởi một loài ong, bướm nào đến hút lấy hương nhụy. Người Ấn Độ, nhất là đối với phụ nữ, họ có thói quen tập quán thường dùng hoa để kết thành tràng, vắt lên đầu hay dùng để trang điểm, nhưng đối với hoa sen, từ lúc khởi thủy khai thiên lập địa đến nay, họ vẫn chưa bao giờ dùng hoa sen để trang điểm hay vắt lên đầu. Hoa sen có những đặc tính đặc biệt cao quý mà bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào cũng trân quý, bởi lẽ không gì có thể thuần khiết bằng sen? Nơi nào có sen mọc thì nới đó nước sẽ được lóng trong, không bao giờ đục. Cũng vậy, nơi nào có sự xuất hiện của bậc giác ngộ thì nơi đó sẽ tràn đầy năng lượng an lạc, giống như đất nước Ấn Độ hơn 2600 năm về trước, với sự hiện diện của Phật. Gương sen tròn trịa được bao bọc bởi những cánh hoa, đây là tiêu biểu cho tính viên giác của mỗi chúng sinh sẵn có. Hoa Sen tuy thân ngay thẳng nhưng trong ruột thì trống rỗng, điểm đặc biệt này để nói lên một thâm ý là người tu hành thì cần phải có tâm hỷ xả. Giữa mùa Hạ nhưng hoa Sen vẫn bất chấp sự nóng bức mà vẫn vươn mình mọc lên, để nói lên rằng: dù chúng ta đang sống trong nhà lửa tam giới đang bị thiêu đốt bởi những thứ lửa dục vọng tham, sân, si. Đức Phật đã từng nói: chúng sinh mội loài đều có Phật tánh, “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”. Bằng sự tu tập, từng bước chúng ta cũng có thể vượt ra khỏi nhà lửa tam giới để đạt được sự gíac ngộ viên mãn, như Phật.
Hoa sen còn là danh hiệu của kinh Pháp Hoa. Vì hoa sen có những đặc tính đặc biệt phù hợp dùng làm phương tiện thuyết pháp nên đã lấy hoa sen làm danh hiệu kinh. Hoa sen khi bắt gặp được ánh mặt trời sẽ mở tung cánh hoa, khoe đài gương. Chúng sinh luân hồi trong ba cõi sáu đường cũng giống như hoa sen, bắt gặp được ánh sáng diệu pháp của Như Lai cũng sẽ sạch trong và thanh tịnh. Mật giáo có một tâm chú của ngài Quán Tự Tại, đó là Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn: “Om Mani Padme Hum”. Hán dịch là Án Ma Ni Bát Di Hồng. Trong đó, chữ Padme tiếng Phạn có nghĩa là hoa sen – là biểu tượng cho trí tuệ siêu việt, chứng ngộ tự nhiên đập vỡ thuyết nhị nguyên luận bằng bất nhị luận. “Hoa sen trong kinh Phật nói, sẽ được hiểu tùy theo những hoàn cảnh khác nhau. Có lúc, hoa sen chỉ thuần túy là hoa sen, có lúc hoa sen là một chân lý tuyệt đối, (Niêm hoa vi tiếu)”.
Nhớ hồi mấy tháng trước, khi tôi đọc xong quyển Tri Kỷ Của Bụt của Sư Ông Nhất Hạnh, sáng hôm sau, khi tôi ra ngoài sân, vô tình nhìn vào mặt hồ nơi đài Quan Âm, tôi đã thấy một đóa hoa sen đã nở. Đóa hoa sen to bằng cả bàn tay tôi xòe tròn ra. Nhìn đóa hoa sen, tôi đã viết trong đầu được đại ý của một bài thơ. Và đây là một bài thơ hoàn chỉnh sau khi tôi về phòng:
“Không sinh không diệt
Không có không không
Em có vì vũ trụ có
Vũ trụ có vì em có
Vũ trụ và em
Tuy hai mà là một
Em nào phải là em.
Với cái nhìn bất nhị
Tương nhập và tương tức
Ý niệm về thực tại
Đập vỡ thuyết nhị nguyên
Hữu sinh hữu diệt
Hữu hữu hữu vô.
Khoảng cách không gian
Số lượng thời gian
Em đều vượt thoát
Dù là giọt nước
Dù là tảng mây
Ở bất cứ nơi nào
Em đều có mặt
Luôn giữ một nụ cười
Tỏa ngát thế gian
Lưu truyền hậu thế
Chánh pháp vô thượng
Trao về kẻ đã cười với em…”
Tức nhiên đây chỉ là một mớ lý thuyết suôn tôi thu lượm được từ trong sách, nào phải là sự thực chứng của tôi. Năm câu cuối ý nói: đức Phật ở hội Linh Sơn, trong buổi thuyết pháp cho chư vị Tỳ Khoe, Ngài đã cầm một bông sen đưa lên, cả pháp hội điều im lặng không hiểu ý Phật là gì, nhưng riêng Tôn giả Ca Diếp đã mỉm cười. Hán dịch là “niêm hoa vi tiếu”. Và đức Phật đã nói: “Ngô hữu Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, phó chúc Ma Ha Ca Diếp” (Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập văn tự, đặc biệt truyền ngoài giáo lý, giao phó cho Ma Ha Ca Diếp). Đây chính là chân lý tuyệt đối. Tâm truyền tâm.
Dưới ánh mặt trời, đóa sen trong hồ đã mở tung. Cánh sen màu hồng, mặt nước trong xanh. Trãi qua biết bao con sóng bạc đầu thì hoa sen vẫn mãi mãi mang giá trị tinh thần lẫn đạo đức thanh cao và thuần khiết. Là hình tượng mang sự giải thoát, thong dong giữa cuộc đời ngũ trược. Hoa sen vượt lên trên mọi ràng buộc, dù là bùn nhơ bẩn thỉu.
“Giữa đống rác bẩn thỉu,
Vất bỏ bên đường hoang,
Hoa sen thơm ngào ngạt,
Đẹp lòng khách qua đàng”
Tâm Thiền