Hồi nhỏ hè về chỉ muốn đi chơi đâu đó thật xaLớn rồi lúc rảnh rỗi chỉ muốn về lại gốc me ở quê nhà thuở bé…
Anh nhi hạnh hay tu hạnh con nít không dễ
Rời Việt Nam sang xứ đảo được hai tuần. Dẫu cố gắng làm ngập lòng bằng bao cái mới lạ, hay ho của miền đất mới, cùng tâm trạng hồ hởi học hành. Thế nhưng, không thể nào dối lòng mình được, và từ sâu trong tâm hồn, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương cứ thế trồi lên và đôi lần ngự trị.
Hôm mới sang, đi xe tuk tuk, anh chàng lái xe có hỏi: “Trời nóng không, sư?”. Gật đầu bảo: “Quá nóng”. Nhân tiện hỏi ảnh luôn: “Tháng mấy thì mưa?”. Ảnh bảo: “Phải sau Vesak”. Ấy thế mà hơn tuần nay, cứ chiều tối, thi thoảng Colombo lại mưa lác đác. Tối nay, mưa nhiều hơn, còn có cả sấm. Vậy là năm nay Sri Lanka mưa sớm.
Mưa thì sao chứ? Mưa thì buồn, buồn như hồi mới đi tu ở Đà Lạt. Hễ trời mưa là lòng lại buồn và nhớ nhà da diết. Đi tu được hơn 7 năm, cho tới nay, hễ trời mưa, chiều mưa, tối mưa lòng vẫn còn buồn. Buồn thì biết, thì ghi nhận, chả trốn chạy nỗi buồn hay dối lòng làm gì. Nhưng nhìn vào nỗi buồn mỗi lần mưa về, thấy rằng qua năm tháng, thái độ của mình đối với nỗi buồn cũng khác. Không khác nhiều là mấy, sự khác biệt không thay đổi quá nhanh đâu. Nhưng… chừng đó là được.
Nỗi nhớ thì biết tả làm sao nhỉ? Làm gì có một trình tự cố định, cái gì đầu tiên, thứ gì cuối cùng. Cơ bản là nhân và duyên mà thôi. Cũng mưa khơi nguồn cảm xúc. Nhưng mưa chiều lại gợi lại trong lòng kỷ niệm những chiều đi học về mắc mưa, xắn quần lên quá gối, lội mưa bì bõm; nhớ những chiều mưa hè chơi năm mười đá banh suốt cả cơn mưa. Mưa tối, lại gợi nhớ tới cái thuở bé tí cùng bà, những tối trời mưa, hai bà cháu ngồi ăn cái bánh đa mè nướng rồi đi ngủ sớm. Mưa tối có sấm chớp, lại nhớ những lúc Thiên lôi dùng lưỡi tầm sét vạch ngang dọc bầu trời cùng tiếng sấm nổ ầm ầm, giật mình hoảng sợ thì có vòng tay ấm áp của bà ôm vào lòng che chở. Cứ như thế, bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ cứ ùa về, ùa về. Để rồi, cứ mỗi lần như thế lại nhoẻn miệng cười và thả hồn êm trôi theo những tháng ngày xưa cũ ấy.
Vì sao ư? Vì tuổi thơ thì làm gì có biết buồn, biết sầu, hay khổ đau chi chi đó?. “… Sớm bắt bướm hái hoa vui ca nô đùa. Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa. Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn. Bảy giờ đêm nằm mơ thấy tiên…”. Là vậy đó, lời ca khúc “Tuổi thơ” của nhạc sĩ Lê Thương, chả sai tí nào. Thế bảo sao ai lại không ráng níu kéo thêm chút, để những hồi ức về tuổi thơ ở lâu trong tâm tưởng. Và, dù đó là một tuổi thơ có khó nghèo đi chăng nữa thì tuổi thần tiên vẫn có đủ những điều kiện để người ta hạnh phúc. Nghèo khó, thiếu thốn như quê tôi vẫn có cái tuổi thơ tuyệt vời bên cánh đồng và con diều no gió, là trưa hè dối bà tắm suối, là những vòng xe thuở mới tập đi xe đạp với thằng bạn thân mà không ít lần hai thằng té đau đến chảy nước mắt mà miệng vẫn cười giòn giã.
Vậy đó, tuổi thơ của tôi là thế. Vậy là đủ và tuyệt vời với tôi rồi.
Tối qua, lang thang Facebook, thấy hình thằng bạn thân cùng gia đình. Xa lạ gì đâu, ba mẹ và cô dượng nó. Nhìn cô nó sau hơn 15 năm chưa gặp, giờ thấy già đi nhiều. Nhìn lại những người thân đó, bất chợt lại nhớ về cái tuổi thơ cùng nó.
Hai thằng cùng xóm, học cùng lớp. Đủ điều kiện cần và đủ để chơi chung rồi. Tôi thích đọc, nó có truyện tranh, thế là lân la qua nhà nó nhiều. Chuyện hai đứa thì kể bao giờ mới hết. Nó giống tôi. Xa ba mẹ, ở với bà. Chỉ khác nó ở với nội, tôi ở với ngoại. Cũng vui lắm. Tuổi nhỏ ham ăn. Nội nó gói bánh, bán bánh đủ loại như: bánh ú, bánh bò, bánh bò nướng mỗi sáng, bánh tét… Ngoại tôi trồng một vườn, nào là: me, xoài, ổi… Thế là có cái để hai đứa trao đổi thông qua đường bao tử. Hồi đó, phim chưởng Hồng Kông thịnh hành. Vậy là tôi với nó sáng đi học, chiều cáp lại chơi chung thì lại luyện nội công, kiếm pháp. Chơi rất thân nhưng vẫn có vài lần tôi với nó cãi nhau rồi đánh lộn. Cũng cạch mặt nhau. Nhưng vài hôm lại làm hòa rồi chơi tiếp.
Tôi đã nói rồi, cái tuổi thơ đẹp. “Bao” đẹp. Bởi cãi lộn, đánh nhau cỡ nào đi nữa thì tôi với nó vẫn là bạn thân, xa nhau nhưng luôn nhớ về nhau.Vậy thì không đẹp, không lành là gì. Chứ như thời này, nhan nhản trước mắt, bao nhiêu người đối mặt nhau thì đon đả nói cười, ca tụng tâng bốc nhưng sau lưng rắp tâm hại nhau không từ thủ đoạn. Hay chỉ vì một câu nói mà người ta có thể thề thốt cả đời này “bất cộng đái thiên”; hay sống để bụng, chết mang theo vĩnh kiếp…
Đó, khoảng thời gian tuổi thơ của tôi đó, là bà, là con đường đi học, dòng suối, vườn cây, là thằng bạn thân, rất thân mà không còn biết dùng từ gì diễn tả.
Tôi xem hình nó đăng Facebook và comment: “Mới đó mà ai cũng già, tớ và cậu cũng già”. Nó trả lời gọn lỏn: “Mới có 20 năm chứ mấy”. Tôi chợt giật mình, chỉ mới có 20 năm…?
Có những đêm như vậy, để hồn mình trôi ngược về quá khứ. Quá khứ… Quá khứ cách hiện tại bao lâu? Chỉ một ý nghĩ là quá khứ hiện rõ trong đầu. Như câu chuyện với thằng bạn tôi. Chỉ một suy nghĩ là ngược 20 năm trong vòng tích tắc. Tôi nghĩ vậy.
Tu theo Phật. Tôi vẫn nằm lòng câu: Quá khứ không truy tầm/ Tương lai không ước vọng… Lời Phật dạy nhắc ta sống sâu sắc với giây phút hiện tại để thấy được cái hiện tiền nhiệm mầu.
Tôi lén Phật, lâu lâu vẫn tìm về quá khứ. Có đôi lần tôi đã tìm cách biện minh. Nhưng dần dà tôi cũng ráng tập mình theo cách biện minh ấy. Tôi nhớ kinh Đại Bát Niết-bàn (Hán tạng) có nói đến một hạnh tu, đó là anh nhi hạnh. Hay đơn giản là hạnh tu con nít. Nghe đơn giản nhỉ. Nhưng không dễ đâu. Đố ai tập mình giữa cuộc bon chen, trăm thứ buộc ràng này mà cứ thoải mái, vô tư, buồn khóc vui cười, đói ăn khát uống. Hay lại cố tỏ ra thế này, bắt mình phải như thế kia; đến nỗi cả khi khổ đau vẫn gắng kéo miệng cho cười, đầu óc tính toan đến cả trán nhăn, tóc bạc.
Tôi thì chưa tu được gì với cái anh nhi hạnh ấy. Nhưng, tôi so tuổi thơ tôi với hiện tại để làm một phép so sánh. Để thấy mình đã thay đổi như thế nào. Để thấu rõ hơn những nguyên nhân gì, những điều kiện nào đã làm bản thân đánh mất cái sự hồn nhiên trẻ thơ đó.
Lúc đầu là biện minh nhưng dần dà tôi tập mình theo suy nghĩ đó. Dù không hợp lời Phật dạy nhưng tôi ngẫm ý nghĩ mình và ý Phật chắc không sai. Vì tu hành cốt để trở về với bản tâm thanh tịnh, an nhiên. Tuy tâm thuở trẻ thơ của tôi không thanh tịnh, an nhiên tuyệt đối. Nhưng tu tập là một quá trình, mà cứ thu hẹp một quãng đường thì ta lại càng gần đích đến.
Và ai đó đang đánh mất mình, mất luôn sự hồn nhiên, tự nhiên, trong sáng thì nếu được một ngày như trẻ thơ thì không phải giá trị lắm sao? Chứ chưa muốn nói đến tâm tư thường hằng được như vậy.
Với riêng tôi, ngoài những điều kể trên, nghĩ về tuổi thơ còn nhắc tôi về trách nhiệm đối với vùng quê nghèo tôi sinh ra và lớn lên nhiều lắm. Như một giọt nước từ nguồn du hành về đại dương, sau đó bốc hơi thành mây, ngưng tụ, rồi lại thành giọt mưa tưới mát đầu nguồn. Tôi mong mình cũng thế, sau bao ngày ngược xuôi, bao lần rong ruổi, sẽ có một ngày trở về làm điều gì đó cho mảnh đất quê hương.
Còn với chính bản thân, trong dặm trường luân hồi sinh tử, tự tôi quy định với mình thôi, lấy tuổi thơ, nơi sinh ra và lớn lên là một công án để quán sát xem lý do nào mình tái sinh nơi đó, thọ nghiệp quả như vậy. Để rồi, tự mình tìm ra lối đi trên lộ trình tìm về giải thoát của chính mình.
Giác Minh Tường