Buổi sáng, lúc cầm chổi quét hè, Xuyên phát hiện ra một chiếc lồng chim cửa mở toang hoang. Dĩ nhiên không còn con chim nào trong đó. Xuyên hét toáng lên, bấm máy gọi cho chồng liên tục nhưng Tiệp không bắt máy. Tại sao lồng lại mở? Nếu như Tiệp không mang con chim đi đâu thì chắc chắn có ai đó đã mở cửa lồng. Khu này không nhà nào nuôi mèo mà cửa lồng cũng không thể nào tự mở. 
 
Con chim cu gáy này Tiệp nuôi đã mấy năm, gáy rất hay và thuần chủ nên không có chuyện nó sổ lồng. Hay là có trộm chim? Một tên trộm nào đó đã rình rập rất lâu mới rõ sinh hoạt nhà này. Vì tính chất công việc nên Tiệp rời nhà từ lúc hai rưỡi sáng, hôm nào cũng vậy. Năm giờ sáng em dâu Xuyên dậy mở cửa đi tập thể dục. Những người còn lại thì vẫn đang say giấc. Kể cũng lạ thật, từ khi về làm dâu, Xuyên chưa bao giờ thấy khu này mất cắp. Cửa không khóa, xe máy vứt ngoài sân còn không ai lấy thì sao có thể mất trộm một con chim?
 
– Chó đâu? Con chó đâu mà người lạ đến lại không sủa nhặng lên? Vô lý thật, tại sao lại có thể mất con chim được chứ?- Tiệp gầm lên trong điện thoại.

– Có thể nó ngủ say. Hoặc người vào bắt chim là người quen mặt.

– Hừ. Sao nó không bắt luôn con chó đi cho rồi. Người quen à? Ai chứ?

Xuyên chỉ lỡ mồm nói vậy chứ thật tình cô không biết ai lại muốn bắt trộm một con chim. Vì hàng xóm xung quanh hay anh em gần kề chẳng ai có thú nuôi chim như Tiệp. Mà nhẽ ra mất chim Xuyên phải vui mới đúng. Vì trước giờ cô là người luôn phản đối việc nuôi chim. Chật chội và hôi hám, hay ho gì cái thú nhốt vào lồng một đôi cánh tự do. Để rồi tự cho mình cái quyền thao túng một giọng gáy, một tiếng gù. Lần nào thấy Tiệp mang chim về Xuyên cũng rít qua kẽ răng. Cô không nhớ chồng mình đã nuôi bao nhiêu con chim cả thảy. Chúng đều chết vì bệnh đau mắt đỏ hoặc cứ rạc người đi mà chết, thế thôi. Lần nào Xuyên cũng là người tự tay mang xác con chim vứt vào túi rác, cọ rửa lồng sạch sẽ treo lên, tiếng chì chiết ghim lại trong lồng ngực. Có đêm Xuyên còn mơ thấy chồng mình nằm trong lồng, đỉnh đầu be bét máu hệt con chim sục sạo sổ lồng. Tiệp ngước đôi mắt tội nghiệp nhìn Xuyên cất lời. Nhưng Xuyên không hiểu ngôn ngữ phát ra từ miệng chồng mình. Nghe như là tiếng một loài chim đang cố phát ra thứ âm thanh mắc kẹt trong cổ họng. Xuyên tỉnh giấc thấy chồng nằm bên cạnh ngáy đều. Tiếng ngáy hồng hộc nghe như tiếng lợn bị chọc tiết. Tiệp làm nghề mổ lợn. Anh tính trung bình mỗi ngày phải cầm dao chọc tiết ít  nhất mười con lợn. Làm nghề gì ăn danh nghề đấy. Cả cái xã này ai cũng gọi chồng Xuyên là “Tiệp đồ tể”. Mổ lợn mà vừa nhanh vừa sạch, pha thịt đâu ra đấy như Tiệp thật chẳng có người thứ hai đâu. Nên nhà ai có công việc cỗ bàn gì đều nhờ đến Tiệp. Không mổ nhà dân thì Tiệp làm trong lò mổ, nơi chuyên cung cấp thịt lợn cho cả chục chợ lớn nhỏ xung quanh thị xã.

Lúc nằm gần chồng, Xuyên thường khó ngủ. Cô ngửi thấy mùi máu đâu đó tanh nồng đến lợm giọng. Cứ nhắm mắt vào là Xuyên lại tưởng tượng ra cảnh những con lợn bị chọc tiết máu chảy ồng ộc vào chiếc chậu nhôm trắng. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ ám ảnh Xuyên trằn trọc suốt đêm. Xuyên biết ngoài mình ra thì còn bố chồng chắc cũng đang mở mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà. Ông đã ngoài chín mươi, bị bệnh mất ngủ lâu năm. Ông thường chỉ chợp mắt ban ngày khi mọi người đều đã đi làm hết. Mà thật ra cũng không phải chỉ có hai con người đang thức. Ngoài sân hình như đêm nào con chim cũng dáo dác nhìn quanh. Chắc là nó đang nhớ bầu trời.

– Hay là cô thả con chim của tôi ra?

– Anh thích chơi chim. Nhưng em là người cho nó ăn, dọn phân nó, che nắng che mưa cho nó chứ không phải là anh. Nhẽ ra em nên thả nó đi từ lâu nhưng em đã không làm việc đó.

– Vậy không lẽ là em dâu sao? Mợ ấy cũng hay cằn nhằn phân chim hôi hám đúng không?

– Mợ sợ anh một phép, không dám làm mấy chuyện ấy đâu?

– Hay là đứa trẻ con nào nghịch? Em đã thử tra hỏi chúng chưa?

– Giờ đấy chúng còn đang ngủ mà. Sao anh nỡ nghi ngờ hết người lớn đến trẻ con.

– Hay là…

– Thôi đủ rồi. Cũng có thể là do tối hôm trước em cho ăn mà quên đóng cửa lồng. Sáng hôm sau nó mới phát hiện ra và bay đi mất.

– Đồ ăn hại.

Xuyên chắc chắn mình không bao giờ quên đóng cửa lồng. Suốt ba năm nay, ngày nào Xuyên cũng cho chim ăn bằng thóc và vừng đã được sàng sảy kỹ. Nước cho chim uống cũng là nước đã qua máy lọc. Mọi thứ đều tử tế chỉ vì Xuyên muốn an ủi cho một sự sống đang bị nhốt trong lồng. Xuyên nghĩ đến đời người rồi cũng sẽ có lúc như con chim bé bỏng tội nghiệp này. Như bố chồng Xuyên cả đời bỏ lại vợ con ở quê nhà để theo đuổi đam mê nhiếp ảnh. Nhưng cuối đời lại nhốt mình trong căn buồng tối, cả năm không thấy đi ra ngoài. Mọi sinh hoạt chỉ gói gọn trong nhà vệ sinh khép kín trong phòng, ăn uống, giặt giũ Xuyên lo. Ngày nào ông cũng ngồi nhìn qua cửa sổ, đôi mắt mờ đục xa xăm. Xuyên dám chắc ông đang ngồi gặm nhấm lại ký ức đời mình về những ngày khoác chiếc ba-lô lên vai cầm máy ảnh là đi khắp muôn nơi. Cả cuộc đời sống theo chủ nghĩa xê dịch, tôn thờ một niềm đam mê như ông hẳn là đáng sống lắm chứ. Những bức ảnh ông chụp chưa bao giờ công bố trên báo chí cũng chẳng cần một giải thưởng nào. Nhưng Xuyên biết nó từng truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên những vùng đất mà ông đã đặt chân. Xuyên cũng từng có lần thấy kho ảnh của ông trong lúc dọn dẹp phòng. Chúng nằm trong ngăn tủ, được cất vào từng túi giấy nhỏ, có vài bức đã bắt đầu ố màu. Chắc là rất lâu rồi ông không sờ đến chúng. Cũng phải thôi, ông lưu giữ chúng bằng con tim mình chứ không phải bằng những thước phim. Những bức ảnh ấy Xuyên đồ rằng ông đã lưu giữ chúng là cho người khác.

Xuyên mở từng bức ảnh ra và đắm chìm vào từng khoảng không gian trong đó. Một nụ cười rạng rỡ của cô bé vùng cao bên ánh lửa bập bùng, những túm ngô vàng ươm, con lợn đốm má đỏ hồng vì nằm gần bếp. Một làng chài hiện ra bằng những tấm lưới phơi, thấp thoáng hình ảnh bà mẹ trẻ đang ngồi cho con bú. Một đỉnh núi nào đó trong hàng trăm hàng ngàn đỉnh núi trên đất nước này đã hiện ra qua ống kính của bố chồng Xuyên rờ rỡ ánh bình minh dát trên vách núi vôi bạc trắng. Không có thứ ngôn từ nào có thể miêu tả được vẻ tươi đẹp hay khắc khoải trong từng bức ảnh. Xuyên bỗng thấy bố chồng mình từng sống một cuộc đời thật đáng để ước ao. Kể từ lần ngắm nhìn những bức ảnh ấy Xuyên bỗng ước ao được sống một cuộc đời khác hẳn.

Tiệp mang về một con chim cu gáy khác thế vào chỗ con chim đã mất. Nó hoảng loạn sổ lồng đến bung cả lông đầu. Xuyên chưa kịp cằn nhằn cái thú nuôi chim như mọi khi thì Tiệp đã lừ mắt bảo:

– Trông nom cho cẩn thận. Để sổng nữa thì đừng có trách.

– Bao năm qua em vẫn không tài nào hiểu được anh nuôi chim để làm gì?

– Để ngắm nghía nó. Để nghe nó gáy.

– Ngắm nghía một con vật bị nhốt trong lồng thì có gì vui? Mà có bao giờ em thấy anh dành thời gian nghe chim gáy. Anh đi khỏi nhà từ lúc mờ sáng, về lúc nào là nằm vật ra giường. Tiếng ngáy của anh còn to hơn cả tiếng gáy của chim.

– Thôi im đi. Đúng là đàn bà…

Xuyên quay đi thì bắt gặp ánh mắt bố chồng nhìn đăm đăm vào chiếc lồng chim. Cửa sổ phòng ông nằm đối diện với mấy chiếc lồng. Đã có lúc Xuyên nghĩ chỉ cần có chiếc máy ảnh ở đây cô sẽ lưu lại khoảnh khắc thường nhật ấy. Một ông già nhìn con chim bị nhốt trong lồng qua những song sắt gỉ. Sự tù túng này xót thương một sự tù túng khác.

– Để con đưa bố ra ngoài ngồi. Ở mãi trong buồng trông bố xanh xao lắm.

– Bố không cần phải đi đâu hết. Bố có cả bầu trời trong tâm trí của mình.

– Còn con chim trong lồng thì sao ạ? Nó cũng có cả bầu trời trong ký ức đúng không bố?

– Điều đó thì bố không chắc. Nhưng nếu nghĩ thế mà con thấy nhẹ nhõm thì cứ nghĩ.

Đó là lần nói chuyện hiếm hoi của bố chồng. Ông thường không nói gì với bất cứ ai kể từ khi vợ mất. Xuyên còn nhớ hôm mẹ chồng mất, không ai liên lạc được với ông. Có thể ông tắt máy để những cuộc gọi của vợ con không còn làm phiền ông được. Hoặc ông đang ở một nơi nào đó không có sóng điện thoại. Trong hang động, trên đỉnh núi, dưới thung lũng mờ sương chẳng hạn. Ông đắm chìm mình trong cảnh sắc kỳ diệu của thiên nhiên mà chẳng hề bận tâm đến bất cứ điều gì. Mẹ chồng Xuyên đã tự kết thúc đời mình trong một buổi sáng mùa hè tươi đẹp. Vì không chịu nổi sự cô đơn suốt từng ấy năm chờ đợi chồng về trong mòn mỏi. Xuyên tự hỏi, khi chụp hòn Vọng Phu, bố có thấy mảy may thương xót vợ mình? Buổi sáng hôm ấy, khi bố đang xót xa một xác ve rơi dưới cỏ, một cánh bướm tan tác về trời, liệu có linh cảm thấy mẹ đang xa rời trần thế hay không? Ông trở về khi việc hậu sự của mẹ đã được lo xong. Chồng Xuyên nói cả đời bà đã ở xó nhà thì tro cốt sẽ rải ra sông để bà theo dòng nước mà đi khắp muôn nơi “biết đâu có ngày tình cờ gặp bố”.

Sáng nay lúc Tiệp dậy mang theo đồ nghề đi mổ lợn, Xuyên định nằm ngủ lại nhưng chợt nghe thấy tiếng động từ ngoài hiên. Hình như là có tiếng bước chân. Hình như là con chim sổ lồng. Ai vậy nhỉ? Hay là một tên trộm chim nào đó? Xuyên bật dậy nhẹ nhàng tiến về phía cửa sổ ngó ra. Qua ánh đèn đỏ quạch, Xuyên lặng người khi thấy bố chồng mình đang run run mở cửa lồng chim. Trong những bức ảnh mà ông từng chụp, hình như có những cánh chim tự do đang chao liệng trên trời…

Vũ Thị Huyền Trang