Những ngày cuối năm se sắt lạnh, nỗi nhớ của những người con xa quê chưa bao giờ lại trỗi dậy mạnh mẽ như lúc này.
 
Trong nỗi nhớ có quê hương yên bình với lũy tre làng thân thuộc, có đàn cò trắng chấp chới giữa cánh đồng rộng mênh mông, có bóng hình mẹ cha và đàn em nhỏ thân thương… Nỗi nhớ ấy đã men theo đưa tôi về với những ngày cuối năm dấu yêu, cha tôi cặm cụi bên đống củi Tết.

Chị em tôi được sinh ra bởi cha mẹ, mà thật lạ, tính nết chẳng giống cha mẹ một chút nào. Cha tôi lo xa, kỹ tính, chu toàn bấy nhiêu thì ngược lại hai chị em xuề xòa lúc nào cũng đợi “nước đến chân rồi mới nhảy”. Tết hãy đương còn rất xa, ấy vậy mà cha đã chuẩn bị củi từ trước đó rất lâu. Trước vụ mùa đông xuân, cha ra phía sau khu đồi bạch đàn đốn tỉa những cây chậm lớn, khẳng khiu rồi về nhà đẵn từng khúc, chẻ nhỏ thành từng thanh vừa vặn. Tôi nói với cha, củi đun cái gì cũng được, có là bao đâu mà cha chuẩn bị cực quá, liền bị cha mắng. Cha tôi bảo, Tết bao nhiêu chuyện phải lo, nấu nướng trong bếp cực rồi còn đau đầu kiếm củi trong lúc đó thì coi sao được? Ngẫm lại tôi mới hay, Tết thật ra lại là thời gian dùng nhiều củi nhất. Củi để nấu bánh chưng, bánh tét, nấu rượu, làm mứt, rồi nấu cỗ cúng cuối năm, đầu năm, chưa kể nấu đãi khách và những bữa ăn hàng ngày của gia đình.

Tôi hoan hỷ phân loại từng chồng củi với cha. Những nhành bé, với lá thì để dành nấu cám cho lợn, thân củi chẻ nhỏ thì dành nấu nướng, những gộc gạc thì nấu bánh chưng, bánh tét. Nhớ có năm gần cuối năm rồi nhưng trời vẫn đổ mưa rét, lúc ấy mới thấy sự chuẩn bị củi trước của cha tuyệt vời đến chừng nào. Mẹ nấu nướng thuận lợi, bữa cơm hàng ngày vì thế mà cũng trọn vẹn hơn. Gần Tết mẹ nấu bánh ít, sên mứt. Thấp thoáng qua ánh lửa, tôi thấy mắt mẹ reo vui trong sự chu toàn của cha. Lửa củi của cha cháy đượm, giòn khô. Chao ôi, cái mùi của khói quyện mùi nắng cuối năm, mùi củi bạch đàn sao mà thân thương thế. Tất cả đã hòa quyện lại với nhau tạo nên mùi gây thương nhớ đặc biệt, lúc xa thì nhớ lúc về lại thương. Hàng xóm nhà tôi, chú Kha, chú Biên chẳng lo xa như cha, mưa xuống chẳng biết lấy đâu củi để đun, cha thơm thảo biết vậy gọi sang đưa mỗi nhà một bó lớn. Và ngọn lửa đã truyền yêu thương lan tỏa trong tình làng nghĩa xóm. Lúc ngồi bên nồi bánh chưng, đưa từng thanh củi vào bếp mới hay sự chu toàn của cha sao mà tuyệt vời.

Bây giờ thời đại 4.0, ngay cả ở nông thôn cũng hiếm thấy nhà nào dùng bếp củi mà toàn dùng bếp ga, bếp điện. Tết đến cũng chẳng thấy ai sửa soạn gói bánh chưng, bánh tét nữa. Họ bảo ăn được bao nhiêu đâu mà gói cho mất công, cái gì cũng ra chợ mua. Cho nên những người như cha tôi, cặm cụi chẻ củi cũng không còn nữa. Nhưng với những người như tôi đã trải qua thời nghèo khó lại hay hoài niệm về quá khứ. Bao hình ảnh cứ hiện rõ mồn một, như mới hôm qua thôi. Bây giờ cha tôi đã trở thành người thiên cổ. Mỗi lần về quê nhìn chái bếp quạnh hiu, đôi mắt tôi không khỏi ngăn hai dòng lệ tuôn, lòng bùi ngùi, không thể nguôi ngoai. Chẳng còn ai sắm củi Tết cho chị em tôi nấu bánh nữa rồi. Những quãng ký ức xưa bên cha, bên những mùa củi Tết mãi là kỷ niệm đẹp, suốt đời tôi không thể nào quên.

Mai Hoàng