Hôm đó là ngày rằm, tôi đang lúi húi lau bàn thờ thì chuông điện thoại reo. Vĩnh gọi cho tôi giọng run run “vợ anh vừa mới mất”. Tôi bàng hoàng như không thể tin vào tai mình, cũng không thể cất lên lời nào hỏi han hay an ủi Vĩnh. Tôi biết Vĩnh đang tột cùng đau đớn vì Mai là tất cả những gì tốt đẹp nhất mà anh có trên đời.
Tôi muốn đến đặt bông hoa sen trắng lên linh cữu Mai và để ôm Vĩnh một cái sẻ chia. Nhưng chúng tôi đang ở quá xa nhau nên chỉ có thể tiễn đưa Mai bằng ý nghĩ. Người đàn bà ấy đã cùng tôi yêu Vĩnh suốt năm tháng thanh xuân. Khi chúng tôi còn rất trẻ, rất nghèo và cũng có rất nhiều hoài bão. Tôi và Mai chiều nào cũng đèo nhau đi chợ cóc. Một cái chợ tự phát nằm mãi tít trong ngóc ngách ngoằn ngoèo râm ran tiếng cười nói bán mua. Mai sẽ chọn ít măng chua, vài quả trứng gà vỏ đỏ rẻ tiền, cá khô hoặc vài lạng thịt. Tôi chọn mua ít táo đá đã nhăn nheo vỏ ăn rất ngọt và thơm. Với khoản tiền ít ỏi cả xóm trọ góp chung, chúng tôi chi tiêu làm sao để mỗi bữa chỉ tốn năm chục ngàn tiền ăn. Có món mặn, món canh lại có cả tráng miệng thì còn gì bằng.
Lúc ấy thực phẩm ngâm tẩm đầy hóa chất còn chưa được truyền thông phanh phui. Chúng tôi hồn nhiên sống với túi tiền eo hẹp. Vui vẻ tận hưởng những bữa cơm đạm bạc sáu, bảy người ăn. Trong bữa cơm chúng tôi nói với nhau về những cuốn sách hay, về một vùng đất xa xôi nào đó chưa từng đặt chân đến, về ngọc trai, muối biển, cây thuốc ở rừng hay những sợi tóc bạc sớm trên đầu cũng thành chủ đề tranh luận. Mai sôi nổi và dịu dàng. Luôn biết cách khơi mào mọi cuộc tranh luận sôi nổi nhưng cũng biết cách dừng lại đúng lúc, khi quan sát cơ mặt của từng ấy con người. Mai ơi…
– Mai bị tai biến mạch máu não. Cô ấy đã làm việc căng thẳng trong nhiều năm, hay thức khuya lại ăn uống không điều độ. Anh luôn nghĩ nếu mình mang đến cho cô ấy cuộc sống tốt đẹp hơn thì Mai đã không ra đi sớm vậy.
– Anh đừng tự trách mình. Không phải chính anh từng nói con người có duyên có nghiệp cả rồi sao. Hãy cứ nghĩ Mai đã đến một thế giới tốt đẹp hơn.
– Anh cũng từng động viên nhiều người như thế. Nhưng cho đến khi Mai mất anh thấy mọi ngôn từ đều trở nên vô nghĩa. Một người chết đi cũng có nghĩa mình không còn cơ hội để nói với họ bất cứ điều gì. Nhìn không thấy. Gọi không thưa. Đột ngột và tàn nhẫn.
– Các con anh thì sao? Chúng ổn chứ?
– Chúng tỏ ra mình ổn nhưng anh nghĩ là không.
Tôi không hỏi gì thêm vì nghĩ im lặng sẽ tốt hơn. Bởi tôi biết Vĩnh tìm đến tôi không phải để nghe vài lời an ủi. Đơn giản vì chúng tôi hiểu nhau. Hiểu người còn sống và cả người đang nằm yên dưới mộ. Cuối cùng chúng tôi cũng có thể ngồi lại với nhau sau mười ba năm xa cách. Kể từ ngày tôi cầm tay Mai trao cho Vĩnh trong đám cưới ngọt ngào và nghe trái tim mình vỡ vụn. Mai nói “tụi chị sẽ đi, để lại thành phố này cho em giữ”. Chúng tôi thống nhất sẽ không liên lạc với nhau trong mười năm. Chờ cho đến khi cả ba có thể nhẹ nhõm khi nghĩ về nhau. Vì tình yêu mà tôi dành cho Vĩnh cần thời gian để nguội. Ngày cưới của tôi họ không có mặt. Tôi sinh đứa thứ nhất, đứa thứ hai bạn bè khắp nơi hỏi thăm dĩ nhiên vẫn không có lời nào của họ.
Năm tôi ba mốt tuổi, gặp đại hạn trong đời. Làm ăn thua lỗ phải bán nhà cửa về quê trốn nợ, chồng nộp đơn ly hôn, gia đình chồng ngoảnh mặt làm ngơ. Tôi chạy vạy khắp nơi, vay mượn bạn bè không sót một ai thì vẫn dặn lòng không được gọi cho Mai hay Vĩnh. Tôi quăng quật đời mình trong cuộc mưu sinh, chẳng còn thời gian để nuối tiếc tuổi thanh xuân hoặc nhớ nhung ký ức. Gây dựng lại cửa hàng, mua lại nhà cho các con không phải sống cuộc đời ở trọ. Rồi các con mỗi tuổi tâm tính mỗi khác, tôi bận rộn cùng con vui buồn đến chật ních cả ngày. Tôi quên bẵng đi lời hứa mười năm, một hôm chợt nhớ ra thì đã mười ba năm có lẻ. Mười năm đã không gọi thì thêm vài lần mười năm nữa chắc cũng không sao. Tôi từng nghĩ sẽ chẳng có cớ gì để gọi cho nhau nữa.
Thỉnh thoảng tôi có nhớ đến Mai. Ấy là vào một buổi sáng mùa hạ mát mẻ, trong lành. Tôi đi chợ mua được bó sen thơm, nghĩ có khi sáng nay Mai cũng đang mua sen ở một nơi nào đó. Căn phòng trọ chật chội trong ký ức từng thơm ngát hương sen, át đi mùi ẩm mốc, mối mọt và kiến gián. Mai cắm sen rất đẹp. Có khi cả một chiếc bình to chỉ cắm một bông sen mà đẹp lạ. Có phải vì vẻ đẹp thanh thoát của Mai mà mọi thứ liên quan đến chị đều trở nên thiện cảm. Mai có thể không mua quần áo đẹp, nhịn ăn sáng cả tuần nhưng trong phòng nhất định sẽ thấy hoa, sách hay và trà ngon. Mỗi lần có buổi hòa nhạc ở nhà hát lớn Mai đều tha thiết đi xem. Ngay cả thứ âm nhạc mà Mai nghe hàng ngày cũng khác với chúng tôi nhiều lắm. Không ồn ã, sáo rỗng, cũng chẳng theo bất cứ trào lưu nào. Những buổi trưa nắng nóng nghe vọng từ phòng Mai tiếng gọi mời “khi thấy buồn em cứ ghé chơi/ Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi/ Chỉ có trong tôi ngày đã sang đêm lâu rồi…” (*) Tự nhiên thấy lòng mình được dẫn dụ đến một khu vườn xanh ngắt và trong vắt tiếng chim. Vụt thoát khỏi sự chật chội, nóng bức nhớp nháp mồ hôi của một buổi trưa hè. Mai khiến chúng tôi cảm thấy mình bớt nghèo nàn. Chúng tôi nâng niu tâm hồn mong manh và đẹp đẽ của Mai.
Trong suốt mười ba năm ấy, tôi tình cờ biết được Mai không thể có con, Vĩnh bị tai nạn giao thông tưởng không qua nổi. Lần khác lại nghe nói hai người họ mới nhận con nuôi, trai gái đủ cả. Tôi thầm mừng cho họ, vì Mai là người đàn bà xứng đáng được hưởng hạnh phúc và Vĩnh sẽ khiến nó trở nên trọn vẹn. Cho đến tận khi pha sẵn trà ngồi đợi Vĩnh bằng ca khúc “Một mình” của Thanh Tùng tôi vẫn không nghĩ Mai đã rời bỏ thế giới này. Không nghĩ rằng kết cục của chúng tôi lại buồn đến thế. “Nhớ em vội vàng trong nắng trưa/ Áo phơi trời đổ cơn mưa/ Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ/ Tan ca bố có đón đưa”. Mai cũng từng nhiều lần nghe bài hát này khi chị còn rất trẻ. Phải chăng nỗi buồn trong những bài hát Mai từng nghe chính là một phần cuộc đời của chị. Mà đâu phải mình Mai, tôi giờ cũng một mình đấy thôi, Vĩnh cũng đâu có khác.
– Mai là người hay có những dự cảm buồn. Thỉnh thoảng có nói về cái chết khi đang ngắm một cánh sen tàn.
– Vậy là Mai đã chuẩn bị mọi thứ cho một cuộc tiễn đưa?
– Không em à. Sáng đấy anh đi làm, Mai dặn tối về sớm để cùng đi nghe nhạc trên đường phố. Trên bàn máy may còn dở dang quần áo của chồng con. Sách đọc dở để trên giường. Bột bánh mua về chưa kịp nặn. Chiều ấy Mai còn chưa kịp tưới nước cho mấy chậu hoa trên sân thượng. Hứa cùng anh đi một chuyến xuyên Việt vào đầu tháng mười khi mùa thu chạm ngõ miền Bắc, những cánh đồng lúa đã kịp chín vàng và thơm ngát. Mai còn muốn ra thăm em mà chưa kịp…
– Mai có nói sẽ ra thăm em ư?
– Ừm… Mai hay nhắc tới em. Có những hôm đi chợ về nhìn túi rau củ tươi xanh Mai thấy thương chợ cóc ngày xưa và những bữa cơm đạm bạc chúng mình đã từng ăn. Nhớ xóm trọ nghèo nàn chật chội mưa dột và nắng hắt. Nhớ tóc em từng rất dài, tay em rất mềm, da em rất mát. Hôm nghe tin em ly hôn, Mai đã khóc. Cô ấy tìm cách gọi cho em nhưng không được. Nên cô ấy cứ chờ em gọi. Hơn mười năm qua, số điện thoại Mai cũng không dám đổi.
Tôi thấy mắt mình nhòa đi, trà trên môi đắng ngắt. Tôi đã nhiều lần trách Mai và cũng tự trách mình, tại sao lại không thể cầm máy gọi cho nhau một cuộc hỏi thăm. Tôi cứ nghĩ Mai muốn quên mình cùng những tháng năm tuổi trẻ sống trong xóm trọ nghèo. Quên đi rằng chúng tôi đã cùng âm thầm yêu chung một người suốt sáu năm trời. Tôi không gọi cho Mai cũng một phần vì những biến cố thăng trầm làm tôi mặc cảm. Tôi đã sai nhưng cuộc đời không cho tôi cơ hội để sửa sai. Làm sao có thể gọi sang thế giới bên kia để nói với Mai một lời xin lỗi. Để ôn lại cùng nhau một quãng thanh xuân. Vĩnh nhìn quanh nhà, dừng ánh mắt nơi bình sen vừa rụng xuống một một cánh thuyền thơm ngát.
– Anh giúp Mai thực hiện lời hứa đến uống trà cùng em.
– Em nghĩ Mai cũng đang ở đây ngụ trong một cánh sen nào đó. Hoặc là trong bài hát đi ra. Trong đáy chén trà mình đang uống.
– Cũng có thể là Mai đang khóc. Những buổi chiều quá đẹp cũng thường khiến Mai khóc. Vì nhớ nhung, vì hạnh phúc vì cả những điều còn chưa kịp vẹn tròn.
Tôi ngẩng lên nhìn Vĩnh, người đàn ông mà tôi đã từng yêu. Tóc trên đầu anh đã có vài sợi bạc. Ngọc Hạ vẫn da diết bên tai lời ca của Thanh Tùng: “Vắng em đời còn ai với ai/ Ngất ngây men rượu say/ Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ/ Cô đơn, cùng với tôi về…”.
Vũ Thị Huyền Trang