Trong đường tu ai cũng biết rằng, buông bỏ hết để vượt qua các dục mới dự phần vào Thánh quả. Thế nhưng, buông bỏ là một quá trình vốn không dễ dàng vì tập khí nắm giữ quá sâu dày. Đã bao lần chúng ta thất bại, trầy trật rồi lại cố gắng vươn lên. Những tưởng buông xả những chấp thủ vi tế sâu xa của tự ngã mới khó, ai dè các món dục thô phù như danh và lợi lại cứ đeo đẳng, khiến ta thật khó dứt trừ.
Thuở sơ cơ nhập đạo, tâm Bồ-đề dũng mãnh nên ta xem danh lợi thật phù du, hư huyễn. Rồi dần dà tháng lại ngày qua, không biết tự khi nào tâm ta thay đổi, ta bị chính mình đánh lừa. Tự huyễn danh lợi là phương tiện để hành đạo tốt hơn, phụng sự đạo pháp và chúng sinh đắc lực hơn rồi quyết nắm giữ, không hề có ý buông xả. Vướng vào căn bệnh trầm kha này, Thế Tôn nói là ‘chẳng thể chữa trị’. Hiện trạng này không phải thời mạt pháp mới có, mà ngay thời Chánh pháp của Thế Tôn cũng khá nhiều. Đề-bà-đạt-đa là một trong những trường hợp điển hình.
“Một thời Phật ở thành La-duyệt, tại vườn trúc Ca-lan-đà, cùng đại chúng năm trăm Tỳ-kheo. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy có thể thấy pháp của Đề-bà-đạt-đa thanh tịnh chăng? Ngược lại, Đề-bà-đạt-đa tạo ác sâu nặng, sẽ chịu tội nhiều kiếp không thể chữa trị. Đối với pháp của Ta, chẳng thấy được một ngày mảy may điều lành có thể kể ra được. Nay Ta nói đầu mối các tội của Đề-bà-đạt-đa chẳng thể chữa trị. Ví như có người rơi vào cầu tiêu sâu, thân hình chìm lỉm, không một chỗ sạch. Có người muốn đến cứu vớt vị ấy lên chỗ sạch, họ xem khắp bờ xí và thân người đó xem có chỗ nào sạch, liền nghĩ: ‘Ta muốn nắm vị ấy kéo lên’. Họ nhìn kỹ không một chỗ sạch để có thể nắm được, liền bỏ mà đi. Như vậy, này các Tỳ-kheo, Ta xem Đề-bà-đạt-đa là người ngu si, chẳng thấy chút gì đáng nhớ, sẽ chịu tội nhiều kiếp chẳng thể chữa trị. Sở dĩ như thế vì Đề-bà-đạt-đa một mực ngu si, thiên về lợi dưỡng, tạo tội ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ sanh trong đường ác. Như vậy, này các Tỳ-kheo, lợi dưỡng sâu nặng khiến người chẳng đến được chỗ an ổn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, đã sanh tâm lợi dưỡng hãy nên lìa bỏ. Nếu người chưa sanh, chớ khởi lòng nhiễm trước. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm11.Bất đãi,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.126)
Thì ra, cội nguồn của vấn đề là do vô minh, tâm không sạch sáng, ngôn ngữ của Thế Tôn là ‘một mực ngu si’. Liệu Thế Tôn quở trách có quá lời chăng? Chúng ta có thật si mê như Đề-bà-đạt-đa thiên về lợi dưỡng không? Bấy giờ hẳn Đề-bà-đạt-đa không chấp nhận. Hiện chúng ta cũng khó thừa nhận bởi mình học cao hiểu rộng, bằng cấp chức vụ đầy mình, có tài tổ chức lãnh đạo, chùa to Phật lớn, đệ tử và tín đồ đông… Sự thật là nếu tất cả chỉ dừng lại ở thức tri, tưởng tri, lấy trí thế gian để hành đạo thì công nghiệp của chúng ta dẫu có to lớn dường mấy cũng chỉ đem đến phước báo hữu lậu. Đó là chưa nói đến thành công càng nhiều thì tự mãn càng lớn, dính mắc danh lợi càng tăng, không khéo bỏ buông thì ‘thân hoại mạng chung sẽ sanh trong đường ác’.
Vấn đề then chốt là cần thành tựu tuệ tri và thắng tri, hằng sống với tuệ giác thiền quán để thấu rõ sự thật dukkha, ‘chiếu kiến ngũ uẩn giai không’ để vượt qua dục, xả buông danh lợi. Thế Tôn thường cảnh tỉnh người học đạo phải thấy rõ sự nguy hiểm ‘lợi dưỡng sâu nặng khiến người chẳng đến được chỗ an ổn’ đồng thời phát khởi tinh cần ‘đã sanh tâm lợi dưỡng hãy nên lìa bỏ, nếu người chưa sanh chớ khởi lòng nhiễm trước’. Trong bối cảnh vật dục danh lợi đoanh vây đời sống tu hành, để tiến đạo thì người con Phật cần nương theo kinh nghiệm của Thế Tôn: Phát huy tuệ giác để thấy rõ sự thật, phá tan vô minh si ám để thôi tự huyễn mình, thấy rõ sự nguy hiểm của lợi danh mà tinh cần buông bỏ. Buông thật sự mới bình an, đến bờ kia.
Quảng Tánh