Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo.
Tại thành Xá-vệ, có một người Bà-la-môn mang nặng tà kiến, một hôm vì sợ tấm vải choàng ngoài của mình có mùi mồ hôi, bèn cởi ra để ở ngoài, rồi ngồi quay mặt vào nhà mình. Lúc ấy, có một vị Sa-môn đã đắc A-la-hán, sau khi thọ trai đang đi về tinh xá , thấy tấm vải và nhìn quanh không có ai, thầy nghĩ nó vô chủ liền lượm nó như thầy từng lượm vải rách bị liệng bỏ, và cầm đi. Ông Bà-la-môn trông thấy liền đi đến mắng chửi Tôn giả:
– Này lão Tỳ-kheo đầu trọc kia, ngươi lấy tấm vải của ta đấy.
– Này Bà-la-môn, tấm vải này của ông ư?
– Ðúng.
– Tôi nhìn quanh không thấy ai, tưởng nó là đồ bỏ đi liền nhặt lấy. Ðây, trả ông.
Nói rồi Tôn giả đưa tấm vải cho ông Bà-la-môn. Khi về tinh xá, thầy kể chuyện cho các thầy Tỳ-kheo nghe. Các thầy bèn trêu Tôn giả:
– Này huynh, tấm vải huynh nhặt dài hay ngắn, thô hay mịn?
– Thưa chư huynh, tôi chẳng cần biết nó dài hay ngắn, thô hay mịn. Tôi không tham đắm nó. Tôi nhặt chỉ vì nghĩ nó là đồ người ta bỏ, thế thôi.
Các thầy nghe nói vậy bèn bạch Phật câu chuyện, và thưa:
– Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối.
Ðức Phật dạy:
– Này các Tỳ-kheo, không phải đâu. Tỳ-kheo này đã nói rất thật. Kẻ nào trừ được lậu hoặc không lấy vật người khác.
Ngài nói kệ:
(409) Ở đời, vật dài, ngắn,
Nhỏ, lớn, đẹp hay xấu,
Phàm không cho không lấy,
Ta gọi Bà-la-môn..
Theo Thường Chiếu