Tổ tiên ông Tuất buôn bán thuốc Bắc đã mấy mươi đời. Đến đời ông vẫn y nguyên.
Ông Tuất vẫn cứ cái nghề gia truyền và căn tiệm bán thuốc Bắc của tổ tiên để lại mà thong thả kiếm tiền.
Năm nay ông Tuất đã bảy mươi tuổi nhưng thân thể vẫn cường tráng như thanh niên. Mùa đông ông vẫn tắm nước lạnh. Mùa hè thì ông vẫn lên núi hái thuốc.
Nguyên do là vì ông Tuất được tập võ từ hồi nhỏ. Ông không dùng bất cứ loại thuốc Bắc nào ngoài các loại thuốc tráng dương bổ thận. Bởi ông rất ham việc trai gái.
Ông Tuất có ba đời vợ và có với các bà tổng cộng năm người con trai. Nhân, Lễ, Nghĩa là con trai của ông với vợ đầu. Trí là con trai của ông với vợ thứ hai. Tín là con trai của ông với người vợ sau cùng.
Cả ba bà vợ trên đều bỏ ông Tuất mà đi vì họ thấy ông có thói trăng hoa, luôn thích gái tơ, trắng trẻo, nõn nà.
Điều quan trọng là họ khinh bỉ ông Tuất hành nghề bốc thuốc cứu người nhưng chỉ biết đến tiền, tiền và tiền. Người nghèo khổ không có tiền thì ông không bao giờ bốc thuốc làm phước dù họ có quỳ lạy van xin.
Ái ân với ông Tuất hàng đêm họ thấy mùi tiền át cả mùi thuốc Bắc. Họ tởm lợm, phát ói, buồn nôn, muốn mửa nên phải dứt áo ra đi.
Hàng xóm láng giềng đều thắc mắc không hiểu vì sao ông Tuất là một con người khốn nạn, keo kiệt, bủn xỉn, xem đồng loại như rác cỏ như thế lại đặt tên các con là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Toàn những cái tên đẹp đẽ, cao thượng!
Nhưng ở đời là vậy, khốn nạn chừng nào thì người ta lại càng che đậy từng nấy bằng những điều hoa mỹ. Bởi thế, ông Tuất luôn dè bỉu mọi người:
– Người giàu còn muốn giàu hơn! Tự nhiên lại đem tiền của, công sức của mình đi cho kẻ khác à? Thật là hết sức vớ vẩn!
Nhân luôn khuyên ông Tuất nên làm điều tốt để an lạc trong lòng nhưng ông Tuất vẫn coi như không nghe thấy gì.
Ông Tuất còn quát thẳng mặt Nhân:
– Mày còn phải sống bám vào tau mà còn lên giọng với tau được à? Có ngày tau đuổi cổ ra khỏi nhà cho đi ăn mày cho biết thân!
2. Đến một ngày, ông Tuất bị một thứ bệnh nan y mà các bác sĩ Tây y gọi là ung thư vòm họng.
Ông Tuất mơ mình bị tử thần bắt đi, bị đày xuống mười tám tầng địa ngục, bị nấu chảo dầu, bị ăn cơm lửa, bị kiếm đâm thấu xương.
Tỉnh giấc, ông Tuất ớn lạnh xương sống. Ông rên rỉ. Ông run rẩy. Ông đắng họng. Ông khát nước. Ông cầu xin được sống.
Ngày nào cũng thế. Tháng nào cũng thế. Kéo dài đến bất tận.
Từ ngày biết tử thần sẽ đến bắt mình đi và lôi xuống địa ngục, ông Tuất bỗng đổi tính nết. Ông thường làm phước thiện. Ông mua gạo phát cho người đói. Ông chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Như một hôm có hai vợ chồng ăn mày từ đâu tới xin ông Tuất thuốc cho đứa con trai bị bệnh ghẻ lở đầy người. Hôm đó ông không những cho gia đình lão ăn mày thuốc mà còn cho họ một số tiền kha khá.
Ông Tuất lại nằm mơ.
Ông Tuất mơ thấy gặp được Bồ-tát.
Tỉnh giấc, ông lên ngay ngôi chùa ở trên đỉnh núi cao.
Nghe tiếng giảng kinh, ông Tuất chợt ngộ ra.
– “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Chân lý dân gian đã dạy rồi. Đâu có sai được! Chỉ là do mình không làm theo!
Người sống trên dương giới nếu làm việc thiện sẽ sanh cõi trời và làm việc xấu sẽ bị xuống địa ngục.
Nhưng nếu cả đời không làm việc tốt lẫn việc xấu cũng bị lơ lửng giữa hư không.
Bởi vậy, càng phải làm việc thiện, càng tích đức cho mình và cho con cái của mình.
Ông Tuất nghĩ thầm trong bụng:
– Quay đầu vẫn là bờ. Phóng hạ đồ đao vẫn có thể lập địa thành Phật!
Hàng ngày sau đó ông Tuất ăn chay niệm Phật.
Ông Tuất không đụng đến đàn bà nữa. Nghĩa là ông bỏ hẳn việc giày vò thân xác những người đàn bà lầm lỡ bằng tiền.
Những người đàn bà đó ngày xưa ông Tuất vẫn hay tìm đến khi các bà vợ ông bỏ đi mất. Vài ba trăm ngàn đồng là ông có ngay một bữa lạc thú. Đôi khi có cả những cô gái đáng tuổi cháu gái ông. Chúng gọi ông bằng “anh” và sẵn sàng giúp ông sống lại thời trai trẻ bằng cơ thể tràn đầy nhựa sống.
Nhớ lại, ông Tuất cảm thấy mình là đồ chó má.
Chao ôi! Tiền bạc có là gì khi chúng chỉ đem lại niềm vui thể xác và những điều nhơ bẩn?
Ông Tuất chỉ dám nghĩ lại những điều đó trong một lần.
Sau đó, ông mong mình sẽ buông bỏ như lời kinh Phật dạy.
Ông Tuất suy nghĩ. Ông thành tâm hướng Phật.
“Thế nào là buông bỏ?”.
“Buông bỏ cái gì?”.
Để có thể đón nhận ánh mặt trời trở lại, ông Tuất mở toang những cánh cửa của đầu óc, thả hết những điều u tối tạp niệm, nghĩa là giữ cho tâm hồn rỗng rang.
Cuộc đời như cơn mộng, như ảo ảnh, như hạt nước, như bóng, như sương mai, như ánh chớp.
Ông Tuất cuối cùng cũng đã thấu hiểu được.
Ngày hôm sau, ông Tuất gọi các con lại và thông báo sẽ chia tài sản cho các người con. Ông nói:
– Ta đã chia gia tài cho năm anh em chúng bây cai quản! Nhưng chúng bây phải nghe lời ta dặn: anh em phải biết yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau. Nếu dòng tộc bị suy đồi thì ta sẽ không tha thứ với chúng bây! Tột cùng của thiện, không gì hơn hiếu; tột cùng của ác, không gì hơn bất hiếu! Lời nói của ta phải nhớ lấy mà sống cho tốt!
Các đứa con ông nghe ông Tuất nói vậy liền ôm nhau khóc.
Sau đó ông Tuất lên chùa xin xuất gia.
Ông căn dặn con cái không ai được đến thăm để ông quyết chí tu hành.
Ông muốn dùng thời gian ít ỏi còn lại của đời mình để chuộc lại những lỗi lầm đã qua.
3. Công việc của những người con ông Tuất lúc đầu rất khó khăn.
Nhân và Nghĩa thấy người nghèo khổ không có tiền mua thuốc chữa bệnh thường không lấy tiền hoặc luôn bán rẻ thuốc thang cho họ.
Lễ và Tín thì tuy “thuận mua vừa bán” nhưng không có đầu óc kinh doanh, chỉ biết buôn bán nhỏ.
Trí thì lại giống nguyên mẫu của ông Tuất thời gian đầu. Nhưng vì Trí trẻ nên Trí càng ăn chơi bạo hơn. Những cuộc vui của Trí với những đám người xấu kéo dài thâu đêm suốt sáng, từ ngày này sang tháng khác.
Khi Trí bị mắc nợ hàng trăm triệu đồng vì bài bạc, cá độ, gái gú, vũ trường và được các anh em cứu khỏi đòn roi của bọn đòi nợ thuê thì Trí tỉnh ngộ.
Sau đó, khi Trí học xong thạc sĩ quản trị kinh doanh thì năm anh em đã kết hợp lại và lập được công ty dược phẩm chuyên buôn bán thuốc Bắc lớn. Đơn hàng của công ty đủ khắp năm châu bốn biển.
Một phần lợi nhuận của công ty luôn được các anh em Nhân dùng để làm từ thiện như cứu giúp đồng bào bị lũ lụt, cứu giúp bệnh nhân nghèo…
4. Người đọc được truyện:
– Qua câu chuyện cho thấy làm người, nhất là làm người kinh doanh buôn bán thì nhân, lễ, nghĩa, trí, tín không thể thiếu đức tính nào. Không biết điều đó có đúng không?
Nguyễn Văn Toàn