Trưa hắt từng tảng nắng xuống tán rừng dầu tà beng, rồi chảy tràn xuống trảng nước làm cho bầu không khí thiếu gió hanh hao càng thêm ngột ngạt.
Con đường đất đỏ đầy hang ổ chạy dọc từ phía Thạnh Đông xuống ngã ba Đồng Pal hai bên chỉ toàn bưng trấp và da beo mấy cụm rừng còn sót lại, phía dưới lưa thưa những ngôi nhà sàn be bé không khác gì một cái phum sóc quạnh hiu. Ấy vậy mà hôm nay không biết đâu ra vài chục người tụ tập, có cả người lớn và đám con nít mặt mày lem luốc kéo nhau đi xem ai đó hay cái gì ở phía bên kia bờ trảng mà có vẻ như hồ hởi, thú vị lắm.
Tôi cũng hiếu kỳ, bỏ cần câu và rọng cá rô bên lùm cỏ, chạy đến níu tay hỏi một đứa cùng trang lứa trong đám người đang đi.
– Mọi người đi đâu, xem gì mà vui quá vậy?
– Đi coi ông điên, mày muốn đi thì theo tụi tao, ông điên hay lắm!
Tôi quên cả cần câu và rọng cá, lập tức chạy theo bọn họ. Băng qua một đoạn trảng cỏ nước là tới một đám rừng thưa. Tôi nghe tiếng la thét và gầm gừ dữ dội. Mọi người ai nấy tìm cho mình một chỗ đứng thích hợp để xem cảnh tượng diễn ra trước mắt. Đó là một người đàn ông ngoài bốn mươi, thân hình cao lớn, râu tóc để mặc, cởi trần trùng trục, chỉ mặc duy nhất cái quần không ra ngắn không ra dài bằng vải đen, lưng cột dây y như một hiệp khách cái bang vậy. Trên tay phải của ông ta có đeo một chiếc vòng bằng kim loại sáng ánh. Nối với chiếc vòng trong tay là một sợi dây xích dài, đầu kia buộc vào cổ một con khỉ xám. Con khỉ ngồi trên vai người đàn ông, hai tay ôm chặt mái tóc rối bồng bềnh của chủ nhân như một kẻ làm xiếc…
Người đàn ông lạ lùng này hầu như không hề để ý đến bất cứ ai trong đám người. Trước hai con mắt long sòng sọc của ông như có một đối thủ vô hình nào đó mà ông phải chiến đấu để vượt qua. Ông nhào lộn trên mặt đất với những thế quyền công phu cực nhanh. Một tiếng thét dữ dội vừa phát ra là năm ngón tay như vuốt sắt của ông bóc tróc ngay một mảnh vỏ to tướng của thân cây dầu, nhìn rất dễ sợ. Con khỉ vẫn ôm chặt lấy chủ nhân của nó. Người đàn ông nhanh như một con sóc phóng lên ôm thân cây dầu cao khoảng bốn mét, rồi ông phóng chuyền liên tục từ thân cây này qua thân cây khác y như khỉ chuyền cành. Cả đám rừng như rung lên và xao động với màn công phu kỳ lạ của một cuồng nhân. Xong màn chuyền cây, ông nhảy gọn xuống mặt đất, đứng dạng hai chân, hai tay giơ thẳng, mặt nhìn lên trời cười khanh khách, rồi bất thần ông đảo người chạy chữ chi qua lại những gốc cây to và mất hút. Mọi người không nhìn thấy ông đâu nữa. Lúc này bọn họ mới rộ lên cười nói, bàn tán đủ thứ về người đàn ông quái lạ kia. Có người nói ông biết tàng hình, có người nói ông bị ma quỷ nhập… rồi họ kéo nhau về…
Đêm ấy tôi không sao ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là thấy hình ảnh người đàn ông và con khỉ xám. Những âm thanh gầm thét, màn công phu nhào lộn, bóc vỏ cây, chuyền, phóng chớp nhoáng cứ như những lằn điện xẹt qua xẹt lại trong đầu tôi. Tôi nằm lăn qua lộn lại, tới sáng hồi nào không biết…
Sáng ấy Chủ nhật, tôi không đi học và ba tôi cũng không đi ra tiệm hình làm như mọi khi. Nghe tiếng chó sủa dữ dội, ba kêu tôi ra mở cửa coi ai. Vừa mở cửa ra, tôi đã thấy người đàn ông quái dị hôm qua đứng ngay trước cửa nhà. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì ông ta cất giọng rền rền:
– Có Tám ở nhà không cháu?
Tôi hoảng quá, chỉ biết thụt lùi vô trong nhà, miệng lơ lớ kêu “ba…ba…”. Ba tôi bước ra, tay vịn lấy vai tôi: “Bác Kim mà con”, lúc ấy tôi mới bình tĩnh lại phần nào. Ba tôi đối diện với ông khách, và nói:
– Anh đi đâu sớm vậy?
– Tôi đến thăm chú chứ đi đâu…! Cũng bằng cái giọng rền rền như sấm của ông ta.
Thì ra vị cuồng nhân này là bác Kim, một người bạn của ba tôi mà tôi chưa hề biết. Ba tôi pha bình trà mời bác Kim uống, xong ba kêu tôi đi luộc khoai mì và làm muối ớt cho hai người ăn sáng. Bác Kim xích con khỉ vào gốc cây mai trước nhà. Con khỉ này khá khôn ngoan, nó nắm tay bác Kim kêu chéc chéc như sợ bị bỏ rơi vậy. Bác Kim hiểu ý nó và nói: “Ngồi ở đây chơi, ba nói chuyện, lát ba cõng về”. Nghe vậy nó im re ngồi chơi với mấy chiếc lá dưới gốc mai như không có chuyện gì xảy ra. Ba tôi hỏi bác Kim:
– Mấy nay anh sao rồi?
– Trời nắng nóng quá, mới bị lên cơn ngày hôm qua. Hôm nay còn mệt trong người.
Ba tôi lấy mật thú rừng pha vô ít rượu trắng cho bác Kim uống. Hai người nói chuyện rất vui vẻ. Họ bàn về đặc tính của từng loại thú rừng và cách làm bẫy. Vì xung quanh đây còn rừng khá nhiều, bẫy được heo mễn đem chợ bán cũng là kế sinh nhai. Đại khái hai người bàn với nhau nhiều chuyện về rừng rú và chim thú hoang dã. Nhưng sao hôm nay tôi thấy bác Kim có vẻ rất hiền hậu và vui chứ không quái dị điên cuồng như người đàn ông trong cụm rừng dầu tà beng hôm trước. Đôi mắt ông chứa đựng những gì xa xăm và khó hiểu lắm, không còn long sòng sọc như đứng trước kẻ thù… Ngọn gió sớm mát mẻ từ trong khu vườn mít của nhà tôi thổi qua mái tóc bồng bềnh cùng với những tia nắng vàng soi qua bộ dạng giang hồ của bác Kim thấy ngồ ngộ… Tôi thực sự có cảm tình và quen với bác Kim từ dạo ấy… Cứ vài tuần là bác Kim ghé thăm ba tôi một lần. Hai người tỏ ra rất thân thiết với nhau. Ba tôi nói và dặn gì bác Kim cũng nghe. Rồi dần dà những cơn điên cũng hạn chế viếng thăm ông… Cứ thế mà thành ra thói quen, tôi cứ mong bác Kim ghé nhà chơi vì mỗi lần gặp ông là tôi lại có thêm nhiều điều thú vị…
Bác Kim là một chiến binh siêu hạng trở về sau cuộc chiến. Trước đây quê ông ở xứ Bắc xa xôi, ông tình nguyện vào quân ngũ. Sẵn có khả năng trời phú và được đi học chuyên ngành đặc công nhiều năm ở Trung Quốc và Liên Xô nên võ nghệ của ông vô cùng giỏi. Có lần, ông kêu ba tôi đóng hết tất cả các cánh cửa nhà lại, còn ba tôi thì đứng canh ngay cửa trước, bác Kim đứng ngoài sân. Ba tôi chỉ cần kêu lên ba tiếng: “Anh Kim ơi”, thế là bác Kim đã ngồi trong nhà tôi rồi. Nhưng ông vô cách nào thì không thể biết và cũng không thể thấy được. Một lần khác, ông biểu diễn bò lên vách tường đất nhà tôi không khác gì một con thằn lằn bò trên vách tường vậy. Ông gọi công phu này là “bích hổ du tường”, có nghĩa là con thằn lằn đi trên vách…
Nói thật, qua những câu chuyện bác Kim kể và những màn biểu diễn của ông, tôi mê và thần tượng ông lắm. Trong đầu tôi, ông không khác gì một nhân vật trong truyện Kim Dung. Mỗi lần ghé thăm nhà tôi, bác hay kể về những ngày tháng khổ luyện đã qua và bác cũng hay nói về các vị thầy đặc biệt của mình. Có lần bác Kim nói, bác qua xứ Trung Hoa khổ luyện bốn năm trời. Bốn năm ấy bác thụ giáo một vị thầy mà bác chưa hề nhìn thấy mặt. Vì ông thầy luôn trùm kín bằng bộ đồ đen y như một Ninja, và không bao giờ bác Kim chạm được vào người ông thầy này. Ông thầy này là một cái bóng hơn là một con người thực thụ. Bác nói bằng giọng xúc động: “Lần cuối cùng tớ sắp về nước sau bốn năm học, tớ cố ý nhào vô ôm thân thể của thầy cho kỳ được một lần mà tớ chỉ ôm vào chiếc bóng của thế giới hư không…”.
Bác Kim không vợ không con, ông sống trong một cái chòi tranh ven con suối nhỏ, bên cạnh một cụm rừng da beo cỡ nửa công đất. Ông sống chủ yếu bằng nghề bẫy thú. Có khi ông vào những cánh rừng xa như Cây số 18, rừng Tà Ly, Tà Ôn ở hàng tháng mới đem thịt về bán một lần. Ông nuôi con khỉ xám làm bạn, coi nó như một đứa con, ông ăn gì thì nó ăn nấy. Điều đặc biệt là con khỉ này không quậy phá mà rất biết nghe lời chủ, họ nương tựa nhau mà sống. Bác Kim nói với ba tôi, trước kia ông cũng có vợ. Rồi ông nhập ngũ, đi nhiều nơi, trải qua nhiều chiến trường… Không hiểu sao tin ông mất tích lại về với làng. Vợ ông cứ ngỡ ông chết, để tang chồng mấy năm… rồi bà cũng tái giá.
Cái năm ông về, cứ ngỡ là sẽ được đoàn tụ sau bao nhiêu năm xa cách. Ai ngờ vừa đến đầu làng hỏi thăm và biết chuyện vợ mình đã êm ấm bên một gia đình mới và với một người chồng khác. Thế là ông lẳng lặng bỏ làng quê tiếp tục ra đi, vì ông không muốn mình làm khổ vợ, thà ông đau chứ không muốn vợ thêm một lần khổ. Ông lang thang vào Nam, rồi trời xui đất khiến ông chọn ẩn cư lại xứ Đồng Pal này. Một điều mà chính ông cũng không hiểu là vì sao ông hay lên cơn “tẩu hỏa nhập ma”. Mỗi lần như thế ông luôn thấy mình chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, chiến đấu với cả một tấm lòng nồng nàn yêu Tổ quốc… và ông luôn luôn chiến thắng trước kẻ thù vô hình đó. Chính vì vậy mà dân xứ này gọi ông là “ông điên”. Nhưng bác Kim chưa bao giờ làm tổn hại ai bao giờ, ngoài lúc điên, khi tỉnh táo ông rất hiền và thân thiện với bất cứ ai, dù quen, dù lạ.
Tôi đi học xa và rồi đi làm ăn xa. Mỗi lần về tôi hay hỏi ba bác Kim có ghé chơi không. Ba tôi nói bác Kim không biết bỏ đi đâu lâu rồi. Ngôi nhà cũ của tôi bị mưa gió làm dột nát và xiêu vẹo. Ngày ba tôi cho người dỡ ra làm lại, tôi như có cảm giác tiếc tiếc làm sao ấy. Tôi nhớ trên tấm vách này bác Kim đã từng bò lên như một con thằn lằn bám tường. Cánh cửa này bác Kim đã đi qua như một kẻ siêu hình… Nói chung ngôi nhà cũ của tôi gắn nhiều kỷ niệm, và mỗi khi bác Kim ghé chơi là để lại một dấu ấn khó phai. Ba tôi kể, lần cuối bác Kim đến, ông đem theo một hồ lô rượu và nói như một kẻ mộng du.
– Tôi đi… Tám ở lại mạnh khỏe.
Ông nốc hết bầu rượu, xong tung cước đá cái bầu rượu văng lên trời, cái bầu nát từng mảnh nhỏ. Ông cười có vẻ cay đắng, đọc hai câu trong Lương Châu từ: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” rồi ông biệt tích từ đó.
***
Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua. Thanh minh năm nay tôi về lại quê xưa tảo mộ. Cái nghĩa địa u uẩn trầm buồn nghi ngút khói nhang bên những ngôi mộ mới có cũ có. Tôi lang thang như sống lại với những người quen biết đã nằm nghỉ nơi đây qua bao lưng chừng năm tháng. Tôi đến cuối đường nghĩa địa, thắp cho bác Kim một nén nhang. Ngôi mộ đất sè sè mọc đầy những bụi cỏ úa, trông như một vết kỷ niệm xa xưa.
Nghe nói đâu bác Kim bỏ đi từ dạo ấy là ông qua Campuchia sinh sống. Được mười mấy năm thì chạnh lòng cố quốc mà hồi hương… Những năm tháng của tuổi xế chiều bác Kim nghe nói vẫn còn khỏe lắm. Và những cơn điên hiếm lắm mới viếng một lần. Ông không còn dính líu tới nghề rừng nữa mà chuyển qua nghề canh rẫy cho người ta.
Một lần đang đi trên đường, không biết từ đâu một chiếc xe tải mất thắng đùng đùng lao tới, phía trước là một đứa trẻ đang băng qua đường… Bác Kim liền nhào ra ôm đứa trẻ lộn qua bên kia đường. Đứa trẻ thoát khỏi nanh vuốt của tử thần. Nhưng đó là thế võ cuối cùng mà bác Kim thi triển. Thân thủ là vậy nhưng đầu của ông lại bị va vào một tảng đá xanh, chấn thương khá nặng và bác Kim ra đi vào một ngày nắng nỏ không một bóng người thân.
Gia đình của đứa bé lo đám tang cho bác Kim xong rồi họ cũng dọn nhà đi đâu mất. Ngôi mộ bác Kim âm thầm vô chủ hằng bao nhiêu năm nay, nắm xương tàn của ông gửi vào lòng đất mẹ chắc ít ai còn nhớ. Nhưng hình ảnh của vị cuồng nhân trong cõi sinh tử vô thường thuở nào vẫn theo khói hương mà vẽ nẻo trong tôi.
Đào Thái Sơn