Huế là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Văn hóa Huế hòa quyện trong triết lý của nhà Phật để tạo nên một nét riêng cho Huế, đó là lối sống an hòa, bình lặng và nhân hậu của người Huế.
Mùa Phật đản về với Huế là mỗi dịp nhắc nhở mỗi người phải sống vị tha, yêu thương hơn đúng như tinh thần an lạc của đạo Phật. Lớn lên ở một vùng quê xứ Huế và sau này sống ở gần những ngôi chùa Huế, mỗi mùa Phật đản về lòng tôi lại nao nao về những mùa Phật đản đã qua…
Rằm tháng Tư âm lịch năm mô cũng rứa. Ba đi chùa đến trăng lên cao, sau khi dọn dẹp xong sân chùa ba mới về nhà, mạ đã nấu chè xôi và đặt lên mâm cúng. Mệt lắm nhưng thấy ba vui và đó là ngày vui nhất nhì của ba cùng với những ngày Tết.
Lễ Phật đản ở quê tôi không có xe hoa hay thuyền hoa rực rỡ như ở thành phố Huế. Lễ đài được thiết kế đơn giản mà đẹp trước sân chùa. Mùi rơm rạ mới của mùa gặt quyện với hương sen và khói hương trầm từ lễ đài tượng Phật đản sanh cứ nhắc nhớ tâm trí tôi mỗi khi rằm tháng Tư đến.
Tiếng chuông trống Bát-nhã. Lời kinh cầu nguyện Đức Phật khoan nhặt gần gũi và những gương mặt thành tâm của những lương dân quê tôi. Mái chùa đã che chở hồn quê cũng là bóng mát từ tâm cho bao người…
Rằm tháng Tư trăng đã lên cao. Ngồi ăn chén chè đậu xanh và vắt xôi nếp mới dẻo thơm, nghe ba kể lại sự tích Đức Phật hay những câu chuyện về những vị cao tăng của Phật giáo Huế.
Nhớ nhất là chuyện vị cao tăng trụ trì chùa Châu Lâm – Huế cho câu đối hai ông bà lão là đệ tử của chùa về treo ở gian thờ Phật tại tư gia. Câu đối là : “Học trai – Tịnh cung”; tạm dịch nghĩa là học ăn chay một cách thanh tịnh, cung kính. Nghĩa Hán Việt là vậy nhưng nếu đọc lái lại là: Hai trọc – Tụng kinh. Một cách chơi chữ thật thâm thúy mà ý vị đúng chất Huế của vị cao tăng đã khiến tôi bật cười.
Thỉnh thoảng lên chùa vãn cảnh, hầu chuyện Hòa thượng trụ trì chùa Trúc Lâm; Ôn hay nói với mình: “Này răng báo chí hay dùng từ ‘của chùa’ với cái nghĩa tiêu cực rứa hè. Cái từ dân gian ni xưa rồi, chắc phải nói lại chớ!”. Tôi chỉ biết cười trừ. Lại có lần đi công tác Đà Lạt, ghé thăm chùa Linh Sơn – Đà Lạt, lúc chia tay,Thượng tọa trụ trì chùa hỏi cô bé hướng dẫn viên cho đoàn: “Con học tiếng Anh, con dịch câu ni giúp thầy: Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói láo”; nói xong ông cười sảng khoái từ tâm nhìn cô bé đang lắc đầu nguầy nguậy. Đôi khi đến chùa và có được những niềm vui nho nhỏ như rứa cũng đã ấm lòng…
Cách đây mấy năm, tôi đi tác nghiệp một phóng sự truyền hình về mùa Phật đản Huế và 50 năm sự kiện Pháp nạn 1963. Hòa thượng Quang Nhuận chỉ cho tôi bức ảnh mấy vị cao tăng của Huế xuống đường, tay chống gậy, tay lần tràng hạt, mắt nhìn thẳng… để đòi chính quyền họ Ngô phải cho treo cờ Phật giáo trong mùa Phật đản năm 1963.
Hòa thượng cho biết: “Đây là Ôn Từ Hiếu, đây là Ôn Châu Lâm, đây là Ôn Trúc Lâm, đây là Ôn Vạn Phước… mấy Ôn tuổi cao nhưng khi Đạo pháp nguy biến thì việc chi cũng không từ”. Ở Huế, các vị cao tăng thường được các Tăng Ni và Phật tử kính cẩn với danh xưng Ôn nghe vừa trang nghiêm, lại vừa gần gũi. Nhiều khi Phật tử quên luôn cả đạo hiệu của mấy Ôn mà chỉ gọi tên theo tên ngôi chùa mà mấy Ôn đang trụ trì…
Những ngày nghỉ tôi vẫn thường vãn cảnh chùa và ngôi chùa mà tôi hay lui tới là chùa Quảng Tế nơi Hòa thượng Chơn Hương trụ trì. Ôn Quảng Tế là đệ tử út của Ôn Tường Vân lại là em ruột bà ngoại tôi nên khi mô lên chùa cũng được Ôn cho hầu trà nói chuyện đạo chuyện đời, chuyện xưa chuyện nay. Mỗi lần được hầu chuyện Ôn xong thấy lòng khi mô cũng thanh thản.
Có những mùa Phật đản an hòa để Huế luôn là một xứ sở bình yên trong tiếng chuông chùa hôm sớm. Để 7 đóa sen hồng tỏa bóng trên dòng Hương mà ai ngắm nhìn đều như thấy được một chút bình yên…
Phi Tân