Lương đứng dưới hiên khu nội trú của trường, bần thần, thả cái nhìn vào khoảng không trước mặt. Cánh đồng chỉ còn trơ lại màu vàng nhạt của gốc rạ; những gốc cà-phê đã được thu hoạch đến trái cuối cùng; những cung đường xuống bản, xuống buôn đã lác đác bung nở mai, đào, và đâu đó trong gió phả lại mùi hương thoang thoảng của hoa cải cuối đông. Thêm vào đó là những vòng khói lam chiều ôm lấy những nếp nhà bình dị,… Tất cả như đang rạo rực đón một mùa mới về trên phố núi đại ngàn.
Vùng đất đỏ bazan nơi Lương đang đứng thật đẹp. Lương đã mê, đã say, đã yêu mảnh đất và con người nơi đây ngay từ phút giây đầu tiên khi vừa đặt chân đến. Nó mang lại trong Lương cảm giác thoáng đãng, nhẹ nhàng, yên bình với những con người mộc mạc, gần gũi, tuy cuộc sống nơi đây hãy còn khó khổ trăm bề. Đôi mắt Lương gọi về đắm đuối trên dáng cây pơ-lang sừng sững với những bông hoa màu đỏ tươi trước cổng trường. Anh mỉm cười tự nhủ với lòng: xuân sắp sửa về rồi! Thời gian nghỉ Tết cũng cận kề. Về nhà với ba mẹ hay ở lại với những cô cậu học trò nghèo dễ thương dễ mến. Đã đôi ba lần, Lương tự đặt mình vào tình thế khó xử như thế. Nửa muốn về, nửa muốn ở. Tết đến xuân về, ai cũng mong sum vầy bên gia đình, nhưng từng ánh mắt của học trò cứ như sợi chỉ đỏ vô hình níu giữ bước chân Lương thật chặt. Lương đang lưỡng lự, đang phân vân thì bỗng đâu đám trẻ chừng 9, 10 tuổi dắt díu nhau chạy tới. Những đứa trẻ hồn nhiên, co ro trong manh áo mỏng tang, chân trần, mặt mũi luốc lem. Trông đứa nào đứa nấy chân tay tím tái, môi khô khốc, gót chân và tay nứt nẻ như mặt ruộng ngày hạn, thế nhưng nụ cười thì ngây thơ, trong sáng đến vô ngần. Trong đám trẻ ấy có cô bé Nhì lớn tuổi nhất. Năm nay Nhì lên 10. Nó đứng cao hơn cả bọn còn lại một cái đầu. Đại diện cho những cặp mắt đang lộ vẻ tò mò, nó hướng về Lương nói:
– Tết này, thầy ở lại với chúng em, với buôn làng nghe thầy!
Mấy đứa đứng xúm xít bên cạnh cũng nhao nhao:
– Thầy ở lại với chúng em nghe thầy! Nghe thầy!
Nghe chúng năn nỉ mà sống mũi Lương cay xè. Lương nhớ lại cũng những ngày này năm ngoái, năm kia, cũng bọn trẻ này, cũng câu nói ấy đã níu giữ đôi chân Lương ở lại. Lương thương bọn trẻ như tình thương của cha mẹ cho con cái, như người anh với những đứa em ruột. Hai năm rồi, Lương ăn Tết với người làng bản. Hai năm rồi, Lương xa nhà cũng đồng nghĩa với nỗi nhớ nhà đến quay quắt. Trong khi anh đang đắn đo giữa đi và ở thì bọn trẻ lại khiến anh chênh chao. Lương chưa trả lời chúng vội. Anh đáp lại chúng bằng cái cười tươi rói rồi bắt nhịp cho chúng hát vang những bài ca chào xuân mới. Nụ cười ngặt nghẽo của đám trẻ kéo anh về thực tại, về với tình yêu thương, vẻ lém lỉnh thường ngày của một “anh giáo trẻ” với thâm niên gần 3 năm trong nghề.
Những ngày cuối đông… nơi Lương đang cùng lũ trẻ ê a đánh vần, làm toán đang là mùa khô. Mấy bữa nay, học trò đến lớp thưa dần. Trong số những học trò Lương chủ nhiệm, ngoài Nhì còn có Pàng, cậu bé mới 9 tuổi vậy mà đã làm những công việc của người lớn. Cậu theo mẹ vào rừng hái rau, củ, quả đem xuống chợ bán để có tiền sắm Tết. Là Lầu, cô bé mới lên 8 tuổi nhưng đã rành rọt chuyện giặt giũ, nấu nướng, chăn bò, chăm em. Là Móng, cô bé lên 6 tuổi, gầy sọp, vì ba mẹ vốn nghèo lại bệnh tật, thành ra bữa ăn của em bữa được bữa mất. Và còn nhiều, nhiều nữa những hoàn cảnh tội nghiệp mà khi nhìn vào Lương lại thấy lòng mình buồn trĩu nặng. Lương mong chờ một phép màu cho những đứa trẻ nghèo nơi đây. Lương thương những em học trò của Lương. Bản thân chúng cũng rất quý Lương. Sau buổi học, chúng thường nán lại nghe Lương kể chuyện. Lương dễ gần, pha thêm khiếu hài hước, hay nói hay cười, hay động viên học trò bằng những câu chuyện thiết thực lấy ra từ cuộc sống, bởi vậy đám trẻ thích lắm. Nhớ dịp hè, Lương xa chúng có gần một tháng trời, vậy mà đứa nào cũng nơm nớp lo sợ thầy đi sẽ không trở lại nữa. Chúng trông Lương chẳng khác nào trông mưa ngày nắng hạn, chúng yêu quý Lương chẳng khác nào tình yêu thương của những đứa em trai em gái dành cho anh trai. Có lẽ vậy, hơn hai năm nay, Lương thấy các em thân thiết đến lạ. Lương nhớ đến những bữa cả thầy và trò cùng chụm lửa nấu cơm, cùng dọn ra ngồi ăn chung, chỉ cơm với măng lấy từ rừng, rau lấy từ núi, vậy mà ai nấy đều nhìn nhau ăn ngon lành. Hôm bữa, có người bạn thân công tác ở dưới phố viết thư cho Lương hỏi: Ở trên đấy chắc cậu buồn lắm? Lương đã trả lời: Lương không buồn, vì sống giữa tình yêu thương, đùm bọc của người dân làng bản và các em học trò, Lương thấy như sống trong gia đình mình vậy.
Nhớ đến khoảng thời gian đầu mới về nhận nhiệm vụ, có lúc, Lương không tránh khỏi tâm trạng buồn và nản chí. Khi đó, trường mới chỉ là dãy nhà lợp tạm, xiêu vẹo, lụp xụp. Dạy học trên lớp, Lương cùng đồng nghiệp vừa phải học tiếng của đồng bào để tiện giao tiếp lại vừa phải lội suối trèo đèo đến từng nhà vận động các em đi học… Khó khăn là thế, nhưng chính mảnh đất nghĩa tình này đã trở nên thân thuộc gắn bó, đã kết nối Lương với những học trò “khát chữ”. Rồi Lương tự động viên mình: người khác làm được thì mình cũng làm được. Vả lại, dạy học ở một nơi xa trung tâm, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng thấy các em ham học, được các em quý mến thì còn gì bằng. Làm sao có thể đành lòng ra đi cho được. Phía mặt trời luôn có ánh sáng mà có ánh sáng ắt có tương lai. Lương nghĩ thế.
Mùa xuân đang gõ từng nhịp trên những cung đường rẽ lối đi đến bản, đến buôn. Giữa mênh mông đại ngàn, bản làng trở nên chộn rộn khi những người bạn thiên nhiên đang bắt đầu tô điểm cho ngày xuân. Bức tranh đa sắc màu giữa đại ngàn ngày một rực rỡ. Đâu đây nghe âm vang của tiếng cồng chiêng tấu lên, hương rượu cần thoảng hòa trong gió.
Sau buổi lên lớp, thầy hiệu trưởng gặp Lương. Lương cũng đoán biết ít nhiều. Thầy vòng vo:
– Lương này! Tết này… thầy cô nào cũng muốn về quê ăn Tết. Cô Tỉnh người ở bản này thì không nói làm gì. Còn thầy Phán thì có vợ và hai con ở quê. Cô Sang thì có con nhỏ và ba mẹ già. Cô Thích thì hơn 3 năm rồi chưa về ăn Tết cùng gia đình. Chỉ có cậu…
Giọng thầy đứt quãng khiến Lương nhận ra điều thầy muốn nói. Lương im lặng một hồi. Hai tay đan vào nhau, khuôn mặt anh chợt nhìn thầy hiệu trưởng với vẻ tươi rói:
– Dạ. Không sao đâu thầy! Năm nay, em sẽ ở lại trực trường và cùng đón Tết với các em học trò.
Thầy hiệu trưởng nhìn Lương, khuôn mặt giãn nở như trút đi được một sự âu lo nhưng vẫn có gì đó phân vân, áy náy lắm.
Chiều về trên mảnh đất đỏ thượng ngàn. Những tia nắng cuối ngày vẫn bịn rịn trên mấy tán cây rừng. Lương say sưa ngắm những bông hoa cà-phê trắng muốt bên đường đang khẽ đưa. Mấy cô cậu học trò trong bản từ xa chạy đến:
– Thầy… thầy ơi! Lương ngoái nhìn. Trên tay mỗi đứa cầm một cành hoa đỗ mai khẳng khiu, màu xám nhạt. Những cành hoa tưởng như khô khốc ấy lại đang nhú ra những búp non tròn trĩnh, xinh xinh. Chẳng bao lâu nữa, khi đất trời giao mùa sang xuân, màu hồng của hoa sẽ phủ kín từng cành cây. Đứa nào cũng tranh nhau trao tận tay cho Lương cành đỗ mai, lao xao nói:
– Chúng em gửi đến thầy mùa xuân của làng bản. Thầy ở lại với chúng em nghe thầy!
Lương hạnh phúc trong nụ cười tươi rói, rồi anh hòa mình vào niềm vui của những cô cậu học trò làng bản, hòa vào không khí rạo rực đón xuân về.
Ngày cuối năm, thấp thoáng trong những mái nhà sàn, nhà rông, bà con làng bản tạm gác công việc nương rẫy lại, tất bật dọn dẹp, trang hoàng cửa nhà. Lương chung vui với học trò khi các em nhận được những món quà hỗ trợ từ dưới xuôi gửi lên. Đứa nào cũng hớn hở khoe: Mình có áo mới mặc Tết rồi! Mình có dép đi! Mình có mũ len đội đầu,… Ngắm nhìn vẻ vui sướng lộ rõ trên nụ cười và gương mặt rạng rỡ của từng đứa, Lương cảm thấy thật ấm lòng.
Ngoài kia, mùa xuân đã về. Cây cối đâm chồi nảy lộc. Hoa rừng rủ nhau khoe sắc. Tiếng chim hót véo von hòa lẫn với tiếng thác rừng vang vọng, tiếng suối chảy róc rách khiến lòng ai cũng rộn ràng. Một cái Tết ấm áp, tươi vui bên bản làng, bên những cô cậu học trò nghèo khó mà nghĩa tình của Lương lại bắt đầu.
Lê Thị Xuyên