Tháng Chạp, khi ai cũng đang tất bật sắm sửa để đón Tết, người tỉ mẩn chăm chút cho cành mai, cành đào, người mong mỏi được về đoàn tụ với gia đình… thì ở nơi này con lại ngồi bùi ngùi nhớ những chiều cuối năm mẹ dịu dàng gội đầu cho con, trong làn hương nồng đượm phảng phất.

Con tự hỏi, phía cuối vườn có còn cái giếng gạch rong rêu cũ mốc, nơi lưu giữ bao ký ức tuổi thơ trong veo mà con hằng trân quý? Đàn chim xưa có lại về đậu trên cành cây bạch đàn cao vút trước hiên nhà mà đón chờ mùa xuân sang? Mảnh vườn nhỏ ngày xưa một tay mẹ vun vén chắc giờ cỏ đã lên ngút ngàn, con chạnh lòng xa xót khi nghĩ đến những dấu tích tuổi thơ rồi một ngày sẽ ngủ vùi dưới cỏ, chẳng thể nào đi ngược lại với quy luật thời gian… 

Con lại nhớ cái giếng cũ sau nhà. Đó là nơi tắm rửa, giặt giũ của gia đình, nơi mẹ vất vả xách nước tưới mảnh vườn, ngón chân đóng phèn khum khum bấm chặt xuống nền gạch ẩm ướt. Thành giếng được xây từ những thẻ đất nung loang lổ màu thời gian, có nhiều mảng rêu xanh và cây dương xỉ mọc len giữa những kẽ hở. Ngày nhỏ mỗi khi đi chơi ngoài đồng về, anh em con lại chạy lon ton ra giếng, múc gầu nước mát xối lên người để rửa sạch hết bùn đất. Những đêm trăng sáng vằng vặc, con cúi đầu nhìn xuống mà ngỡ rằng có một vầng trăng nơi đáy giếng. Bao gợn nước lấp lánh như cổ tích nhiệm mầu, con chợt nhớ đến truyện Tấm Cám mà ngây ngô bắt chước lời của Tấm gọi bống lên ăn cơm. Gọi mãi vẫn không thấy gì, con thất vọng chạy vào nhà ôm chầm lấy mẹ mà ấm ức hỏi sao bống chẳng ngoi lên… 

Tháng Chạp, múc ca nước ấm đổ lên người ngày cuối năm se lạnh, mà sao lòng con lại da diết nhớ những chiều 30 Tết khi xưa, được mẹ tắm Tất niên để rửa trôi hết cái rủi ro, bụi bặm năm cũ. Nồi nước tắm được mẹ chăm chút chuẩn bị từ lá bưởi, lá chanh, lá sả ngoài vườn, thêm một ít cánh hoa lài mẹ xin từ nhà hàng xóm, hòa trong vị nước giếng ngọt lành. Quyện với làn khói ấm nồng bay lên là mùi hương hoa lá tỏa ra thơm nức lòng, mùi của hương đồng cỏ nội chân chất, dung dị, nhẹ nhàng thoảng vào gió dịu êm. Bên thành giếng mốc rêu, mẹ ngồi tỉ mẩn kỳ cọ cho con mà khẽ mắng yêu rằng con lười tắm nên người bẩn quá. Con cự nự nói mẹ kỳ mạnh đỏ hết cả người, mẹ thủ thỉ bảo rằng tắm cho sạch để sang năm mới được may mắn, bình an… 

Cứ thế theo ngày tháng trôi xa, tóc mẹ bạc dần theo tuổi con khôn lớn. 

Vào một chiều tháng Chạp nắng dịu, con trở về nhà ngồi gội đầu cho mẹ. Cũng là nồi nước tắm như ngày xưa, bên cái giếng cũ đã gắn bó suốt miền tuổi thơ con. Nhưng vì mùi khói bay lên cay nồng hay tại lòng con đang dâng lên nỗi nghẹn đắng trước sự tàn nhẫn của thời gian, mà sao con cứ rưng rưng nơi khóe mắt? Lòng con bỗng chùng xuống xót xa khi thấy những sợi tóc trắng đang chen chúc lấn chỗ trên mái đầu của mẹ, và khóe mắt người chằng chịt những vết rạn chân chim. Lần tay qua tóc mẹ, con chạnh lòng nghĩ về những nhọc nhằn mẹ đã gánh gồng vì đàn con thơ dại, những lam lũ, chịu đựng, những đắng cay, mất mát mà cuộc đời mẹ, cũng như cuộc đời thầm lặng của bao người mẹ khác đã trải qua. Và xa xót làm sao khi con đâu biết rằng, đó cũng là lần cuối cùng con được gội đầu cho mẹ… 

Chiều nay, có một người quay quắt nhớ về khoảng trời ấu thơ, muốn ngược dòng thời gian mà quay lại những tháng ngày bình yên thuở ấy… 

Chiều nay, có một người ngồi giữa thênh thang quạnh vắng mà lòng rưng rức nghèn nghẹn, vô thức gọi hai tiếng: “Mẹ ơi…”
 

Trần Văn Thiên