1. “Bà biết không, xóm cũ bây giờ mọc lên mấy căn nhà mới, khang trang lắm! Hôm bữa tui mới về ngang qua nè, con Sang nói tui mới biết, chứ không khéo tui lại nhận không ra”.  
 
Nghe dì Hạnh kể, mắt mẹ sáng lên lạ thường. Mẹ cặm cụi bắc nồi cơm lên cái cà-ràng trên bếp, phù phù thổi khói rồi quẹo xuống cầu ao ngồi nói chuyện với dì Hạnh. Mắt mẹ đục ngầu màu khói, mẹ kéo vạt áo chậm chậm lên đôi mắt ứa nước rồi tặc lưỡi: “Ủa, mà bà về đó làm gì? Đi mà không rủ tui một tiếng, để tui còn về đó thăm bà con chòm xóm năm xưa, mấy chục năm rồi còn gì!”. 

Dì Hạnh vỗ vai mẹ cái bụp, thanh minh: “Con Sang với chồng nó chở tui đi mua lúa, duyên nợ thế nào mà lại trở về đúng ngay quê mình ngày xưa. Nói thiệt chứ lòng tui cũng ngùi ngùi lắm”. Mẹ cười xuề xuề. Một đợt gió thổi qua rụng mấy chiếc lá mận xuống mặt ao, động nước. Cây mận này ba trồng từ khi cả gia đình mới dọn về đây sinh sống. Cây mận lớn dần cùng mưa nắng thời gian. Tôi lớn lên, đôi chân bước đi trên giông gió cuộc đời để rồi bình yên, an trú. Đến mùa thì mận ra trái, hết mùa mận lại nằm im trút lá đầy khoảng sân sau nhà, lá khô bay xuống ao tụ lại thành một lớp dưới đáy. 

Chiều chiều, ba tôi lội xuống ao vét hết lớp lá lên bờ. Xác lá trong nước thoảng mùi tanh tanh ngai ngái, ba dùng xác lá đắp ngược trở vào gốc cây để mùa sau mận lại đơm hoa, kết trái ngọt lành. 

Mẹ tôi thường hát một mình trong những chiều buồn, nghe đứt từng khúc ruột:

Bến cũ đò xưa, sao người quên bến đò xưa 

Chiều im tiếng gió, mà nỉ non ai khóc một mình…

Một chiều, tôi thấy mẹ ngồi ôm mặt khóc rưng rức, câu hát đứt quãng. Tôi đang tỉa nhánh mận sau vườn hối hả chạy vào, xuýt xoa hỏi: “Trời ơi, mẹ, mẹ làm sao vậy? Mẹ thấy đau chỗ nào hả? Ba ơi… ba…”. Mẹ ngăn: “Cái thằng… Mẹ có sao đâu. Chỉ tại mẹ nhớ Lung Vườn quê mình thôi mà!”. Tôi trách: “Lần nào cũng vậy, cứ hát bài hát này là mẹ khóc. Vậy mà mẹ vẫn hát. Khổ quá!”. Tôi kéo chiếc khăn phai màu lau nước mắt cho mẹ. Tôi biết mẹ buồn vì nhớ quê, nhớ những tháng năm dầm sương dãi nắng, lay lắt giữa dòng đời. Tôi không thể nào quên ngày mà cả nhà chèo chống rời Lung Vườn trong một đêm vắng sao, mờ mịt. Mùa nước cạn, con sông Lung Vườn cạn nước, chiếc ghe không trôi, ba tôi xắn ống quần lội xuống sông đẩy chiếc xuồng trên vũng bùn trơ trọi. Tôi không nhớ năm ấy mình bao nhiêu tuổi, vui hay buồn, chỉ mơ màng thấy mình nằm chèo queo trong mui ghe, mẹ kéo tấm mền rách đắp ngang ngực tôi cho đỡ muỗi. Chiếc ghe vượt qua quãng sông Lung Vườn cạn nước, đổ ra sông lớn. Trời khuya, nước chảy mạnh, gió lắc chiếc ghe chòng chành trên mặt sóng. Chiếc ghe cứ đi. Đi mãi…

2. “Chị Chín ơi, có chuyện lớn rồi, chị Chín”, chú Tư Rượu vừa chạy hổn hển trên con đường đất vào nhà, vừa kêu lớn. Mẹ tôi đang ngồi quạt mẻ un vừa bén lửa, ngọn khói lơ lửng về trời, nghe chú gọi mẹ, lại nói là “chuyện lớn”, mẹ vội vã đứng dậy: “Có chuyện gì mà la lớn dữ vậy, chú Tư?”. Chú dừng lại, dựa lưng vào gốc dừa sim, thở dốc. Hình như chú Tư ngà ngà say, hơi rượu theo gió quyện lên trong không gian: “Bà Sáu Chảnh dẫn đám côn đồ vào đây đòi nợ, tụi nó làm ầm ĩ ngoài đầu xóm kia kìa”. Chú Tư buột miệng: “Rồi chị tính sao, chị Chín?”. “…thì chờ nghe họ chửi mình chứ biết sao hả chú!”, mẹ nói điềm nhiên, nước mắt lưng tròng, mẹ đứng liêu xiêu trong gió. Nghĩ về món nợ năm trước, mẹ thoáng rùng mình. 

Hồi ba dong ghe xuống miệt này làm ăn, ba gặp mẹ. Thuở ấy mẹ còn con gái, da dẻ mặn mòi, tính nết hiền thục, giỏi giang. Ba mẹ lỡ phải lòng nhau khi lúa đồng đơm bông trĩu hạt. Ba mẹ cưới nhau trong sự chúc tụng của xóm làng. Ba tôi không còn đi ghe nữa, dọn hẳn lên bờ ở với mẹ, mảnh ruộng sau nhà hai người cày cục hy vọng cuộc sống đổi thay. Mùa vụ đến, sáng sớm mẹ thức dậy nấu cơm, nồi canh bí đao hột vịt đem ra đồng. Trời hiu hiu bấc, ngọn gió tháng chín se sắt thịt da, ba mẹ hì hụp cấy trên cánh đồng, đói bụng lại ngược đê lên bờ tre dỡ cơm ra ăn cho chắc dạ. Tháng mười một lúa trổ bông vàng, hạt lúa trĩu nặng quằn bông, ba mẹ đem giồng gặt ra đồng cắt lúa đem về sân đập hạt phơi khô rồi đong vào bồ để dành ăn đến mùa lúa mới. Một năm sau, khi tôi chập chững biết đi cũng là lúc bà ngoại lâm bệnh nặng. Trong một chiều ngoại quét sân trước nhà, bỗng dưng xây xẩm mặt mày rồi ngã lăn xuống đất. Ba hốt hoảng bế thốc ngoại xuống ghe chở ra trạm y tế, trạm y tế yêu cầu chuyển ngoại ra bệnh viện tỉnh, ở đó điều kiện đầy đủ trời thương cho ngoại sống thêm ít năm. 

Số tiền ki cóp cạn sạch, mẹ dứt lòng bán hẳn mảnh ruộng sau nhà cho vợ chồng người nông dân lưu lạc đến xóm tôi tìm kế sinh nhai. Tiền bán đất mẹ dùng để chạy chữa bệnh tình thuốc thang cho ngoại, tã sữa cho tôi. Có lần ba kể lại giai đoạn ấy nhà tôi chênh vênh cùng cực, sức bà ngoại yếu dần, sự sống như treo trên sợi tóc. Người già như hạt sương mai, nắng lên lại vội tan vào cành cây, ngọn cỏ. Mẹ tôi gầy đi trông thấy, bầu ngực ráo hoảnh, khuôn mặt sạm màu nắng mưa. Rồi ngoại mất trong một đêm bìm bịp sông thắt thẻo kêu sương buồn đến não lòng. Ngọn đèn dầu trước gió vụt tắt khi không đủ sức chống chọi với cuộc đời. Ngoại mất, trong nhà không còn lấy một đồng, mẹ bấm bụng vay tiền bà Sáu Chảnh đầu xóm để lo chuyện hòm rương, mai táng cho ngoại ấm cúng phút sau cùng. Nhà tôi mắc nợ bà Sáu Chảnh từ dạo đó.

Người quê tôi thường bảo: “Năm tháng trôi đi, nợ ngày một mòn, con ngày một lớn”. Câu ấy dường như không hợp với gia đình tôi. Tôi ngày một lớn lên, món nợ cũng to dần theo thời gian, năm tháng. Mảnh ruộng không còn, ba mẹ đành gửi tôi cho hàng xóm, theo ghe đi làm mướn tận xóm bên. Khi thì nhổ cỏ, khi cấy lúa, gặt lúa, lúc gặt vét ao, sên đìa… miễn kiếm được tiền mua sữa cho tôi. Bà Sáu Chảnh nổi tiếng giàu có mà keo kiệt nhất xóm, bà không có lòng khoan dung kể cả những cảnh túng cùng. Nhiều lần bà đến trước cửa nhà tôi, réo tên ba mẹ, tên bà ngoại tôi ra mà chửi. Bà gọi mẹ tôi là “Quân giật nợ”, “Đồ ăn cướp”. Xóm làng tặc lưỡi, trách bà ăn ở thất đức, tàn nhẫn, bà tức giận chửi sang, hàng xóm lặng im. Người nhà giàu mà, ai dám hó hé một lời. Mẹ tôi khóc, ba tôi dỗ dành. Ba tôi bất lực, tôi ám ảnh trong đầu tiếng chửi rủa lẫn gương mặt dữ dằn của bà Sáu Chảnh, cả trong giấc mơ.

Một chiều cuối năm, gió bấc bàng bạc từ cửa sông lớn cuốn ba mùi bùn non của con sông Lung Vườn vào xóm. Mẹ tôi đang ngồi nhổ lông con gà mái tơ nấu cháo cúng bàn thờ cho ngoại cũng là lúc bà Sáu Chảnh đến nhà tôi… đòi nợ. Bà bảo: “Đấy đấy, nợ ngập đầu mà ở đó ăn sang. Gà với chả vịt. Vợ chồng bây định giật nợ đến bao giờ?”. Mẹ tôi van nài: “Sáu ơi, thư thả cho vợ chồng con, qua Tết vợ chồng con gửi thằng cu rồi đi làm kiếm tiền về trả nợ cho Sáu, lời lãi con trả đủ…”. Bà hất tay mẹ tôi, quát: “Hứa, hứa, hứa. Bao nhiêu lần rồi. Tiền của tao là tiền làm ăn, tiền sinh lợi, không phải tiền làm phước làm ơn”. Mẹ tôi khóc ròng, mẹ tôi van xin nhưng bà chẳng đoái hoài. Bà dọa sẽ dẫn côn đồ đến phá nhà để gia đình tôi không còn chỗ dung thân. Mẹ tôi hoảng sợ, khuôn mặt mẹ hằn thêm những nếp nhăn…

Ba bảo: “Hay mình đi thôi, em ạ!”. “Đi đâu?”, mẹ tôi ráo hoảnh. “Đi đâu cũng được, miễn là xa xóm, đến khi nào đủ tiền trả nợ cho bà Sáu, vợ chồng mình lại trở về”. Mẹ tôi nghẹn ngào. Một thoáng lặng im, mẹ châng hẩng hỏi ba mà lòng dạ như trăm ngàn mũi kim đâm vào: “Còn mộ mẹ?”. Ba tôi thở dài, rít thuốc. Ba vỗ nhẹ lên bờ vai của mẹ, trấn an: “Mộ mẹ mình nhờ hàng xóm chăm sóc ít năm, ở lại đây sao mà sống nổi, còn thằng cu, còn tương lai…”. Nhiều đêm mẹ tôi thổn thức, mẹ sợ đời gieo cho mẹ tiếng “giật nợ, bỏ xứ mà đi”. Mẹ sợ. Bị chửi, bị sỉ vả mẹ cũng cam lòng miễn sao lòng mẹ sạch trong như nước sông tháng Sáu. Đường cùng, mẹ đành nghe theo quyết định của ba. Đêm ấy, cả nhà bồng chống xuống ghe rời xa miền quê chỉ còn trong ký ức, xa mộ ngoại. Trước khi đi, mẹ quỳ sụp xuống trước mộ ngoại: “Má ở lại, tụi con đi. Chừng nào trả đủ số nợ cho bà Sáu, tụi con lại về với má”. Mẹ ôm khư khư cái lư hương của ngoại, bước xuống ghe. Đêm ấy, nước ròng. Ba phải lội xuống sông đẩy cho chiếc ghe kịp con nước ngoài sông lớn. Chiếc ghe phiêu bồng. Chiếc ghe lang bạt. Chiếc ghe trôi qua bao miền quê, xóm làng, đi mãi, cuối cùng dừng lại ở một xóm nhỏ vắng tanh dựng chòi ở tạm. Đến tận bây giờ…

3. Mẹ vẫn thường thổn thức lòng mình khi nghĩ về món nợ năm nào. Dẫu sao thì mẹ vẫn thấy mình có lỗi, lam lũ hơn nửa đời người mẹ cũng dành dụm đủ số tiền trả lại cho bà Sáu Chảnh để lòng bình an. Tiếc thay, khi mẹ trở về thì bà Sáu đã qua đời. Người ta kể lại, bà Sáu Chảnh chết trong một lần đi đò qua xóm bên… đòi nợ. Trời mưa bão, dòng sông cái sóng lớn gió to. Chiếc đò bà Sáu bị nhấn chìm giữa lòng sông sâu hoắm. 

Mẹ trở về, lặng lẽ đốt nhang khấn vái, giọt nước mắt âm ấm lăn dài trên đôi gò má teo tóp của mẹ. Mẹ chột dạ: “Sáu ơi, tụi con làm đủ tiền trả nợ cho Sáu rồi nè! Sáu về chứng giám, tụi con không có ăn giật Sáu đâu. Yên nghỉ nghen Sáu…”. Mẹ đốt thêm giấy tiền vàng mã trước mộ bà rồi lặng lẽ ra đi.

Mảnh đất cũ không còn, ba mẹ quyết định đem bà ngoại về nằm lại trên mảnh đất mới, cạnh góc ao sau vườn, sống trọn những tháng ngày ấm cúng bên con cháu.

4. Bây giờ, mỗi lần nghĩ về ngôi nhà cũ, mảnh đất cũ, xóm làng cũ, mẹ tôi lại khóc. Gió đầu non thổi vào vách lá, tiếng nhạn gọi bầy trong bóng hoàng hôn chín rụng. Nghe tiếng cơm sôi ùng ục trên bếp, mẹ tôi quạt khói, bưng nồi chắt nước cơm. Vừa chắt, mẹ vừa nói: “Chắc mai mốt thong thả tui rủ ổng về thăm xóm một chuyến. Ngày xưa tui với bà là chòm xóm với nhau, tui đi, bà cũng đi luôn. Không biết xóm mình còn lại những ai…”. 

“Ừ, chừng nào về rủ tui đi cùng. Tự dưng tui nhớ mảnh đất cũ quá, bà ạ!”

Mẹ tôi gật đầu. Ngoài sông, những chiếc lá theo dòng trôi về muôn hướng. Ai biết đâu có chiếc lá rẽ hướng trôi ngược về Lung Vườn trong quá vãng.

Lá rụng trôi về… 

Hoàng Khánh Duy