Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana.
Rồi Thế Tôn sau khi đã đi kinh hành ngoài trời đến khi đêm gần mãn, Ngài rửa chân, bước vào tinh xá nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con sư tử, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác và nghỉ đến lúc thức dậy.
Rồi ác ma đi đến, nói lên bài kệ sau đây với Thế Tôn:
Sao Ngài còn nằm ngủ/Sao Ngài vẫn nằm ngủ/Sao Ngài ngủ như vậy/Như kẻ chết nằm co/Nghĩ rằng nhà trống không/Nên Ngài ngủ như vậy/Sao Ngài ngủ như vậy/Khi mặt trời đã mọc?
Thế Tôn đáp:
Khi không còn tham ái/Với lưới triền nọc độc/Người vậy được giải thoát/Không bị dẫn nơi nào/Ác ma, Bậc Giác ngộ/Mọi sinh y diệt tận/Vị ấy nếu có ngủ/Các ông làm được gì?
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 4, phẩm 1, phần Thụy miên, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.238)
LỜI BÀN:
Các thiền sư đời sau đã học theo hạnh “đói ăn, mệt ngủ” của Thế Tôn, đúng là “vô tâm đối cảnh hỏi chi Thiền”. Khi “việc làm đã xong, gánh nặng đã đặt xuống” thì các Ngài có thể tha hồ tùy ý, tự tại vô ngại. Đối với Thế Tôn, nằm ngủ hay tọa thiền, hai việc này xem ra chẳng khác gì nhau.
Chúng ta không thể nào đem tánh phàm để lượng Thánh, tức phán xét về hành vi, lời nói hay ứng xử phi phàm của Phật, Bồ tát hay các thiền sư đã giác ngộ. Bởi tất cả mọi biểu hiện đều trở thành diệu dụng độ sinh của các Ngài. Đôi lúc, các Ngài thể hiện một số việc làm có vẻ như trái đạo (hành tung của Tế Điên Hòa thượng chẳng hạn) nhưng thực ra đó chỉ là nghịch hạnh, nhằm giáo hóa những đối tượng đặc biệt và hết thảy những việc làm ấy đều không ngoài bi nguyện độ sanh.
Như Thế Tôn, Ngài vẫn nằm dài ngủ say khi mặt trời đã mọc khiến cho ác ma thấy rằng đây là cơ hội tốt để công kích Ngài. Nhưng ác ma đâu có ngờ rằng đó cũng là cơ hội cho Thế Tôn giáo hóa. Nhờ đó, ác ma thấy rằng, đối với người đã giác ngộ giải thoát thì ra khỏi lưới ma, không một thế lực nào có thể chi phối được, họ là thầy của trời người.
Tuy nhiên, đối với hàng sơ cơ nhập đạo thì ngủ nghỉ là một trong những triền cái làm ngăn che tuệ giác, chướng ngại thiền định đồng thời còn là một trong năm món dục ưa thích nhất đối với chúng sinh. Vì thế, trong nhà thiền gọi mê ngủ là con ma, là rắn độc cần phải loại trừ. Khi việc lớn sinh tử chưa giải quyết xong thì đam mê ngủ nghỉ là đọa lạc, nhưng khi đã giác ngộ rồi thì ngủ hay thức đều là phương tiện tùy duyên hóa độ chúng sinh.
Quảng Tánh