Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới, hãy sống với phút giây hiện tại nhiệm mầu này…
Như vậy bạn sẽ nuôi dưỡng tiết xuân lâu dài dù Tết có trôi qua, những chậu vạn thọ, mồng gà, những gốc mai vàng…
Tết xưa được tính từ những ngày đầu tháng Chạp, khi tụi con nít trong xóm kéo nhau đi lặt lá mai. Tết nào cũng vậy, mót tiền lặt lá mai dài theo xóm cũng được đôi dép, cái nón hoặc xin thêm cho đủ bộ đồ mới (đứa nào gan thì chọc ổ ong cho chích vài dấu, mặt sưng vù thì thế nào cũng gấp đôi tiền công – cái này là bí quyết nhà nghề của tụi con nít xóm tôi ngày đó). Với tôi, mùi của những chiếc lá mai lìa cành phơi mình cháy nắng là hương vị Tết đầu tiên.
Rải dọc theo đường đi học là những cánh cửa lá sách phơi mình dưới nắng sắp sửa mặc lên mình màu sơn mới, những bộ lư đồng lăn lóc bờ thềm chuẩn bị sáng bóng sau một năm ngủ quên trên tủ ám khói đen sì. Tết về rồi, len lỏi đến từng nóc nhà và cả nghĩa địa… Gần trường là nghĩa địa xưa, ngày thường đi học, đoạn đó được tụi nhỏ mặc định là đạp hết công suất (rách quần cũng vụ này mà ra!). Bởi sự u tịch dù ngày hay đêm, những ngôi mộ cũ kỹ nằm yên trong những bụi rậm um tùm, bao nhiêu câu chuyện được dệt lên từ những bóng tối ấy.
Vậy mà gió bấc mới tràn về là khu nghĩa địa ấy cũng thay mình. Gió bấc cuốn đi cái ma mị thường ngày, khoác lên mình áo mới, mộ nào cũng được vun đất trồng hoa, sơn phết lòe loẹt hình như người nằm trong đó còn chộn rộn nôn Tết hơn người sống (bởi họ đâu có bận bịu gì như người sống!).
Đưa ông Táo là Tết về thật rồi, nhà nào cũng bận túi bụi, như thể trăm công nghìn việc phải làm cho xong, cho kịp ăn Tết, để rồi mấy ngày Tết rảnh tay mà cắn hột dưa nhìn Tết chầm chậm trôi qua…
Tết nay cũng được tính từ đầu Chạp, nhưng không phải đi lặt lá mai mà là nghe ngóng lịch nghỉ Tết, lương tháng 13, thưởng Tết này có khá hơn không. Lớn rồi, Tết về cũng theo cách riêng. Điều kiện cần và đủ để có Tết là tiền, có lẽ vì vậy mà người ta hay than thở “Tết giờ nhạt rồi, không còn mùi vị của Tết xưa!”. Đúng rồi vì bạn có còn là đứa nhỏ ngày xưa đâu. Không ai có thể mặc lại bộ đồ được mua từ cái Tết xưa, mỗi ngày đều là mới mà cứ nhìn về Tết xưa tiếc nuối. Tết vẫn là món quà cho chúng ta sau 365 ngày quay cuồng hối hả. Tết của người lớn là để nhắc nhở mình dừng chân bên ngoài, về nhà, ăn Tết!
Vì đôi khi mình và người thân đã lạc rồi trong mắt nhau, Tết là để nhắc nhau sống nhìn về nguồn cội, nhớ người đã khuất, trân trọng người còn đó vì mai này họ cũng khuất và mình cũng sẽ xa vắng. Gọi là ăn Tết cũng hay, như lời nhắc nhở được ngồi bên mâm cơm gia đình trong tình yêu thương của người thân lúc đó mới thực sự là mình đang “ăn”, còn những cuộc vui ngoài kia chỉ là nụ cười bên ngoài, không làm ấm được tâm hồn bên trong đang lạnh lẽo.
Mấy năm gần đây, người ta đang đưa ra đề xuất gộp Tết ta và Tết tây làm một, ăn cái Tết tây cho linh đình rồi dẹp luôn cái Tết ta. Những người đưa ra ý kiến ấy vì mục đích hội nhập, vì phát triển… mình cũng trân trọng nhưng thương họ nhiều hơn, biết đâu những vị học giả ấy vì học nhiều quá, hay vì gì đó (muốn lưu danh thiên cổ nhờ cải cách đột phá cũng là lý do) nên họ đã không có những cái Tết dân tộc ý nghĩa, đậm đà. Để giờ họ quay lưng với cái hồn của truyền thống làm nên Tết Việt của người Việt. Có lẽ họ đã không thực sự có những mùa xuân, nếu trong lòng không có Tết thì mai có vàng rực rỡ, Tết có rộn ràng cũng không giúp họ có được mùa xuân. Thương lắm!
Tết rồi, sáng mai trên đường đi làm, bạn kéo chiếc khẩu trang đang ngăn bạn với tiết xuân, hít thật đầy một bầu không khí (đường quê thì đậm hơn) bạn sẽ thấy đất trời vào xuân. Tết này có thể không còn đậm đà như Tết xưa, nhưng không phải vì Tết mà bởi vì bạn đã lớn rồi, đang đi qua một cái Tết mới của tuổi mới. Hãy để Tết xưa là kỷ niệm, chào đón cái Tết của hôm nay, mở lòng mình đừng so đo tính toán Tết nào và Tết nào, kẻo lỡ lại đánh mất thêm một cái Tết nữa chỉ vì mãi sống trong quá khứ.
Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới, hãy sống với phút giây hiện tại nhiệm mầu này… Như vậy bạn sẽ nuôi dưỡng tiết xuân lâu dài dù Tết có trôi qua, những chậu vạn thọ, mồng gà, những gốc mai vàng… ra Giêng sẽ phai tàn, nhưng đâu đó vẫn còn những niềm vui, những cánh mai trong mùa xuân của bạn mãi vàng, mãi thơm. Xuân của đất trời có đến có đi, có rực rỡ để rồi phai tàn, nuôi dưỡng được mùa xuân trong tâm hồn thì lo gì những ngày dài tiếp theo.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai…
(Mãn Giác thiền sư)
Chơn Khánh