Mỗi năm khi tiết thu mát dịu, từng đám mây trắng dày đặc trên bầu trời che đi những hạt nắng yếu ớt và từng cơn mưa rơi… là báo hiệu mùa Vu lan lại về.

“Trung nguyên ngày hội vọng Vu lan
Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn
Những ai là kẻ mang ơn nặng
Đều vận lòng thành đón Vu lan”
 
Vâng, mỗi người sống trên đời không thể chưa từng mang ơn, gần gũi hơn hết và lớn nhất đó là ơn cha mẹ. Thân thể hình hài vóc dáng này có được là nhờ tinh cha huyết mẹ tạo thành, cho dù muốn hay không, khi nghiệp lực đưa đẩy và được làm con của cha mẹ thì đó là một nhân duyên rất lớn.

1. Mùa hiếu hạnh đã lại đến. Đối với mỗi người con Phật, ngày lễ Vu lan là một ngày để trầm lắng suy tư về nghĩa sâu tình thẳm của cha mẹ, về một tình thương bao la không biên giới.

Từ ngàn xưa đến nay không ai có thể phủ nhận được tình thương của cha mẹ dành cho con, sự hy sinh, sự chở che đùm bọc, sự chịu đựng biết bao cay đắng ngọt bùi, biết bao tủi nhục trong cuộc sống để nuôi con khôn lớn :

“Đêm khuya trăng rụng xuống cầu
Cảm thương cha mẹ dãi dầu ruột đau
Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình”

Ôi! Chúng ta không thể nào lấy bút mực trần gian mà diễn tả cho hết được :

“Ngôn ngữ trần gian là túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng mẹ ơi!”

Tuổi thơ tôi thật may mắn, được êm đềm lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha và tình thương bao la của mẹ. Nhớ ngày còn bé, mặc dù gia đình tôi không khá giả lại đông anh em nhưng cha mẹ cũng chăm chút cho các con hết mực. Tôi không có váy đầm hoa hay búp bê biết khóc đắt tiền như chúng bạn, nhưng mỗi dịp Rằm tháng bảy đều được mẹ may hai bộ đồ mới và mua đôi giày sandal để chuẩn bị tựu trường, cặp sách thì dùng lại của năm trước hoặc của anh chị để lại.

Mẹ lúc nào cũng dành dụm, chắt chiu lo cho lũ con bảy đứa đang độ tuổi ăn tuổi lớn. Từng miếng ăn, giấc ngủ, quần áo, giày dép… đều do mẹ chu tất.

“Vì con sống, Mẹ gánh hết lam lũ
Vì con vui, Mẹ gánh hết buồn đau
Đời đắng cay riêng Mẹ dấn thân vào
Nuôi con lớn, Mẹ héo mòn thân xác”

Không lao động vất vả như cha nhưng mẹ chưa một ngày được thảnh thơi. Mỗi lần con ốm là mẹ đứng ngồi không yên. Còn nhớ năm lên tám, có lần tôi đi chơi đạp phải mảnh chai, nhưng lại giấu mẹ, lúc đó vết thương đau nhức và bị sốt cao, mẹ lo lắng thức trắng đêm chăm sóc cho con. Mẹ có biết không, con luôn cảm thấy yên tâm và tự tin mỗi khi có mẹ kề bên. Nhất là khi nhổ răng, nếu được ngồi vào lòng mẹ thì dù mũi kim chích thuốc tê của nha sĩ có đau cách mấy, con vẫn không thấy sợ và không hề khóc.

2. Nếu công ơn của người mẹ là vô lượng, thì công ơn của người cha là vô biên. Cha là trụ cột gia đình tảo tần kiếm kế sinh nhai, đem tiền về để nuôi vợ nuôi con, nên tục ngữ có câu: “Còn cha gót đỏ như son”. Tình thương của cha luôn giấu kín trong lòng và tình thương ấy luôn tiềm ẩn trong từng nghĩa cử nuôi dạy con.

Ngày trước, tuy rất bận rộn nhưng thỉnh thoảng chị em tôi cũng được cha chở đi chơi thảo cầm viên, đi ăn kem, xem hát bóng… Bước vào lớp một, người thầy đầu tiên cầm tay dạy tôi nắn nót từng nét chữ lại chính là cha. Cha là thầy giáo rất nghiêm nghị với học trò, nhưng với con lại rất gần gũi, yêu thương. Cha làm con ngựa cho con cưỡi, làm nhạc sĩ đánh đàn và dạy con hát, làm tài xế đưa rước con đi học dù ngày mưa hay nắng.

Tình thương của cha luôn được thể hiện qua sự giáo dục nghiêm cẩn, khắt khe, nhờ đó con có thể trau dồi cho mình một nhân cách vững vàng, hầu có thể đối diện và vượt qua bao sóng gió của cuộc đời.

Cha giống như một thân cây vững chắc, bám rễ thật sâu dưới lòng đất để hút nhựa nuôi dưỡng cành, lá, hoa, quả. Cuộc sống buộc cha hướng mắt ra ngoài đời, lăn lộn với đời.

“Bên đời cha đứng nghiêm trang
Như cây tùng bách giữa ngàn phong ba
Tình cha sâu kín âm thầm
Cho con lẽ sống giữa miền trần gian”

Còn nhớ lúc bấy giờ đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh, đời sống kinh tế rất khó khăn, cha tôi phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Vì các con, cha không nề các công việc gian khó cực nhọc, ngoài giờ đi dạy học, để có thêm thu nhập cho gia đình, cha nhận thêm việc trực đêm ở khách sạn, chiều thì làm tài xế taxi, thậm chí là tài xế lái xe lam chở khách theo tuyến và cả chở hàng thuê…

“Thương cha lam lũ một đời
Tìm trong xa vắng những lời xa xưa
Bồng bềnh gió đẩy mây đưa
Bơ vơ con đứng bóng mưa ngập lòng”.

3. Dòng đời cứ lặng lẽ trôi qua, tóc cha mẹ càng thêm sợi bạc thì các con cũng dần khôn lớn. Các con học hành rất chăm chỉ, những tưởng lúc thành tài sẽ có dịp phụng dưỡng song đường, nhưng “chim đủ lông cánh thì lại bay xa”. Khi vào tuổi trung niên cứ mải mê chạy theo cuộc sống quyền lực, danh vọng bên ngoài nên việc báo hiếu cha mẹ thường chểnh mảng.

“Tình thương xuôi chảy một miền
Nhưng con nào biết giữ niềm kính yêu
Con nay hầu mẹ tuổi chiều
Nuôi cha dưỡng mẹ ít nhiều kể công”.

Nếu như chưa thực hiện hiếu đạo ngay trong đời sống gia đình với cha và mẹ thì người con chưa xứng đáng là một con người. Cuộc đời phút chốc cứ thoáng qua, cha mẹ đâu thể sống mãi, lúc tỉnh ngộ muốn báo hiếu thì đã quá muộn màng.

Đến khi có gia đình, bằng tình thương vô bờ bến của mình đối với con cái thì tôi mới thấu hiểu tấm lòng của cha mẹ bao la đến dường nào! “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Tôi nhớ lời dạy của Đức Phật: “… Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm như vậy suốt cả trăm năm cũng chưa đủ để đáp đền công ơn cha mẹ”. Nhờ biết đến Phật pháp, tôi mới thấu hiểu tình thương của cha mẹ và cảm thấy thương cha mẹ mình biết bao nhiêu. Suốt cuộc đời của cha mẹ là sự hy sinh cho con, cho cháu.

Mẹ luôn dõi theo con trên từng bước đi, từng chặng đường của cuộc đời, lắm khi gặp trắc trở, sóng gió là tôi lại về bên mẹ thổn thức kể lể để được người khuyên dạy, mẹ sẵn sàng là vị Bồ-tát lắng nghe, hiểu và thương, là chỗ dựa vững chắc cho con nương tựa.

Mẹ tôi không nước hoa, không son phấn
Luôn tảo tần vén khéo, áo sờn vai
Mẹ tôi suốt cuộc đời vì con trẻ
Một ngày thôi, cũng chẳng sống cho mình

4. Năm nay mùa Vu lan lại đến. Tưởng nhớ về cha và thể hiện tình thương vô vàn đối với mẹ, con niệm ân Đức Mục Kiền Liên, tụng kinh Vu lan và làm những việc thiện lành hồi hướng công đức cho hai đấng sinh thành, nguyện Tam bảo gia hộ cho người thác được siêu sanh, người sống được tăng long phúc thọ, để con mãi được sống trong vòng tay yêu thương vô tận.

Thành tâm dâng lên cha mẹ những đóa hoa lòng rực rỡ, ngạt ngào hương thơm của tình thương và lòng tri ân. Được cài lên ngực một bông hồng, lòng con trào dâng niềm hỷ lạc vô biên:

“Mẹ ơi, trên vạn nẻo đường
Con đi mới hiểu tình thương mẹ hiền
Đời con xuôi ngược bao miền
Nhưng tình của mẹ là nguồn yêu thương
Vu lan, kinh gọi ngàn phương
Hiếu ân con trẻ vấn vương trong lòng
Áo con cài đóa hoa hồng
Thắm tươi tình mẹ như đồng lúa xanh”.
 


Như Trần