Không biết bao nhiêu lần tôi rưng rưng khi đọc tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ của nữ nhà văn người Hàn Quốc, Shin Kyung-sook. Đó là một người mẹ ở xứ sở Kim chi, mà không hiểu sao, đọc xong tôi lại thấy bà hiện lên đầy thân quen như thể đó là mẹ mình.

Phải chăng đức hy sinh, lòng yêu thương chồng con đến quên cả bản thân mình luôn luôn tiềm tàng trong mỗi người mẹ, dù người mẹ đó ở đâu, làm gì, giàu hay nghèo…
 
Mỗi khi nhớ về mẹ, hiện lên ngay lập tức trong đầu tôi là hình ảnh mẹ bì bõm dưới sông kiếm từng con cá con tôm. Mẹ vốn được mệnh danh là sát cá nhất làng nên mỗi lần hợp tác xã tháo cống, mẹ lại cùng mấy o xách giỏ đi mò. Kiểu gì hôm ấy mẹ cũng được một giỏ cá đầy ắp.

Mang cá về, mẹ lại cặm cụi làm sạch cá rồi kho lên. Đôi khi tôi nghĩ mẹ mình giống như một chú kiến, cần mẫn, chăm chỉ. Mẹ làm đầy lên những bữa ăn của gia đình bằng những thức rau kiếm được trong vườn, ngoài đồng; bằng những con tôm con cá dưới sông. Mùa đông, chăn không đủ ấm, mẹ lấy rơm lót xuống dưới chiếu để những giấc ngủ của mọi người ấm áp. Hay mỗi lần đi đâu, có thứ gì ngon mẹ đều cất vào túi rồi mang về cho anh em tôi…

Cha tôi không may khi bị máy dập mất ba ngón ở bàn tay trái hồi đi làm ngói cho hợp tác xã; sau này lại bị lúa vương vào mắt khiến con mắt trái vĩnh viễn không còn nữa; rồi khi anh tôi bị lừa mang ra Bắc đãi vàng, mẹ chính là người đứng ra chạy vạy khắp nơi để có tiền cho cha đi viện cũng như chuộc anh về…

Khoảng thời gian đó tôi còn nhỏ, chưa thực sự hiểu hết những chuyện diễn ra quanh mình cũng như hiểu hết sự vất vả của mẹ. Cho đến sau này lớn lên, điều đó trở thành một thắc mắc của tôi, rằng: không hiểu sao mẹ có thể vững vàng vượt qua những biến cố trong cuộc sống như vậy? Bởi vì so với những người phụ nữ khác, mẹ hoàn toàn không có gì đặc biệt hơn họ. Ấy vậy mà mẹ đã vượt qua tất cả. Tôi thử đưa ra nhiều lý do nhưng chỉ có một lý do mà tôi thấy thuyết phục hơn cả, đó chính là tình yêu. Phải chăng một khi có tình yêu, người ta sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua những thử thách, những khó khăn mà cuộc sống mang lại? Và cũng chính nhờ tình yêu, mẹ đã cố gắng cho ba anh em tôi dáng vóc hình hài rồi dựng vợ gả chồng cho hai anh chị, sau này lại dồn tình yêu vào cho các cháu. Vì tình yêu, mẹ đã nỗ lực gấp năm gấp mười cho tôi trở thành cử nhân…

Lần về thăm nhà gần đây, tôi bắt gặp tấm ảnh khá lạ được mẹ đặt ở đầu giường. Nhìn kỹ, tôi hốt hoảng nhận ra người trong ảnh là mẹ! Mẹ ra tiệm chụp ảnh, rồi được người ta dùng kỹ thuật photoshop “chà” hết những vết nhăn, “chà” cả nước da nâu rám nắng để có gương mặt trắng trẻo. Người thợ ảnh còn rất chu đáo khi “treo” lên tai mẹ đôi hoa tai bằng vàng sáng lóa. Trên cổ cũng có sợi dây chuyền bằng vàng.

Phải mất khá lâu tôi mới nhận ra mẹ đi chụp bức ảnh đó để chuẩn bị mai mốt làm ảnh thờ! Tôi sững sờ nhìn bức ảnh, cả đêm hôm đó không tài nào chợp mắt vì ý nghĩ rồi một ngày nào đó mẹ sẽ đi xa, không còn bên cạnh ba anh em tôi nữa. Cứ nghĩ đến đó, nước mắt tôi ri rỉ bò ra, không cách gì ngăn được dù biết người già thường hay lo xa, đến cái chết của mình cũng phải chuẩn bị chu đáo.

Cả đêm tôi không tài nào chợp mắt vì một ý nghĩ mơ hồ mãi lởn vởn trong đầu. Ngày mai của mẹ, hoàn toàn không biết gần hay xa, sẽ là một giấc ngủ ngàn thu giữa cánh đồng làng ngút ngát cỏ; khi đó, ngày mai của con sẽ là kiếp mồ côi.

Thương làm sao và cũng bất hạnh làm sao cho những ai không còn mẹ!

Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa biết mình sẽ như thế nào nếu một sáng mai thức dậy, mẹ không còn bên mình? Lúc đó, ai sẽ vỗ về khi mình gặp phải những vấp váp, những nỗi buồn như mẹ đã từng làm cho mình?

 

Bài viết: “Vu lan trong tim con: Ngày mai của mẹ và con”
Hồ Huy Sơn/ Vườn hoa Phật giáo.