Sống trên đời ai cũng khổ, mỗi người khổ – bất toại ý mỗi kiểu. Một số người bạn của tôi thường than thở: “đời mình sao mà khổ quá, mình không muốn sống nữa”. Vậy đời có hoàn toàn khổ như chúng ta thường nghĩ hay không?

Để trả lời câu hỏi đó, trước hết, tôi xin được nhắc lại hai trường hợp tự tử, khá nổi tiếng, vừa mới xảy ra gần đây, đó là: ông Anthony Bourdain, người đầu bếp từng theo cựu tổng thống Mỹ Obama về Việt Nam, đã thắt cổ tự vẫn trong phòng một khách sạn tại Pháp, và bà Skate Spade, nhà thiết kế túi xách có thương hiệu lớn, đã tự tử tại nhà riêng ở New York vì chồng đòi ly hôn.

Đó là hai trong số những vụ tự tử mà các nước phát triển như Mỹ, Nhật… chiếm đa số, một trong những nguyên nhân là do họ bị stress (áp lực, căng thẳng). 

Vậy stress là do đâu? 

Stress đến từ nhiều nguyên nhân: stress vì công việc, vì tình cảm, hoặc vì tiền bạc, danh vọng… khi không đạt được như ý muốn. Suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa đó là vì lòng tham: muốn mình giải quyết tốt công việc, và muốn bản thân mình nắm giữ, giải quyết hết tất cả công việc, muốn con đường mình đang đi luôn gặp thuận lợi mà không gặp bất cứ một trở ngại nào, đến khi không được như ý thì người đó sinh ra chán nản, thất vọng, từ đó khởi lên ý định quyên sinh. 

Tất cả điều đó chỉ nằm trong cái khổ mà Đức Phật dạy: cầu bất đắc khổ. Cầu không được là khổ, dù cho đôi khi, cầu với tâm niệm tốt, mà cầu không được, thì vẫn khổ.

Có một hình ảnh của thiên nhiên, nếu chúng ta biết nhìn, sẽ thấy đó là bài học lớn để cho chúng ta biết chấp nhận sự đa dạng và sống hồn nhiên với cuộc sống này:

Hình ảnh thứ nhất: vì sao dòng sông luôn không chảy thẳng mà phải chảy quanh co khúc khuỷu? Dòng sông phải lách qua những chướng ngại, gập ghềnh để về với biển cả. Đời người cũng như vậy. Đường đời có nhiều chông gai, chúng ta chỉ có thể lách qua chúng để mà tồn tại.
 
Hình ảnh thứ hai: Những con tắc kè, con cá, con rắn… đổi màu. Vì sao chúng đổi màu? Là vì để thích nghi với môi trường sống. Không đổi màu, mạng sống của chúng sẽ bị đe dọa nguy hiểm hơn. Cũng vậy, trong tất cả mọi phương diện của cuộc sống, chúng ta phải biết tự thích nghi, không ai có thể đem niềm vui đến cho chúng ta ngoài chính bản thân tự tạo lấy.

Cho nên khi đã rõ được vấn đề, thì chúng ta cứ làm việc, cứ sống, hãy xem công việc chỉ là công việc, hoặc xem nó là một trò chơi, thậm chí xem nó là một bộ môn nghệ thuật; rồi cố gắng làm nó bằng sự nỗ lực hết mức có thể, còn thành công được bao nhiêu thì mặc kệ nó, vì mình đã cố gắng hết sức rồi. Nếu không suy nghĩ như vậy, lúc nào chúng ta cũng thấy bị áp lực, rồi thấy mình khổ, mà thực ra là do mình không biết tư duy theo hướng tích cực mà thôi.
Nhiều doanh nhân Phật tử mà tôi từng được đọc, được biết, như ông Steve Jobs, đồng sáng lập công ty Apple; ông Lâm Hoàng Lộc, Chủ tịch Tập đoàn VP Bank…, những người này đã áp dụng lời Phật dạy vào đời sống. Họ kinh doanh nhưng rất tự tại, ung dung. Với họ, kinh doanh chỉ là một trò chơi, tiền bạc chỉ là những con số nhảy trên bảng điện tử.

Dĩ nhiên, có người sẽ nói: những con người đó dễ tự tại vì họ đã sở hữu được cả khối tài sản khổng lồ, muốn tự tại lúc nào chẳng được, còn chúng tôi, hằng ngày phải lo vật lộn kiếm kế sinh nhai, lấy gì để tự tại? Nhưng các bạn đừng quên rằng, giới doanh gia là những người bị stress nhiều nhất, tự vẫn nhiều nhất. Ở Âu Mỹ, họ là những người đi học thiền nhiều nhất để giải tỏa áp lực. Còn nói về công việc, những người đó chẳng nhằm nhò gì so với các vị vua Lý, Trần ngày xưa. Mỗi ngày nội việc các vua phải giải quyết chuyện tam cung lục viện cũng đủ làm họ mệt phờ râu.

Ấy nhưng phần lớn họ đều là những thiền sư, vẫn chấp chính, vẫn trước tác thi ca, để lại cho người đời sau nhiều kiệt tác. Và bạn cũng đừng quên rằng, các doanh nhân hiện nay, phần lớn họ là những người khởi nghiệp, làm nên từ hai bàn tay trắng. Cuộc sống, đừng bao giờ bao biện và đổ lỗi. Đổ lỗi thì dễ, ai cũng làm được. Biết vượt lên hoàn cảnh mới là nghị lực đáng quý. Tấm gương nghị lực trên thế giới có rất nhiều, một trong số đó là Nick Vujicic, là người bẩm sinh cụt cả hai tay lẫn hay chân, nhưng không bao giờ đầu hàng số phận. Ngược lại, anh ta luôn nỗ lực học tập, trở thành giáo sư có tài hùng biện tuyệt vời, là người đã từng đến Việt Nam diễn thuyết vào năm 2013 mà có lẽ không ai là không biết đến.

Do đó, trước nghịch cảnh, dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải biết tìm cách khắc phục, vượt qua, không nên chỉ biết than thân và đầu hàng số phận. Cây tùng trưởng thành trên vùng sỏi đá cằn cỗi bao giờ cũng cứng chắc hơn cây mọc ở vùng đất màu mỡ. Không dám đương đầu khó khăn để tìm giải pháp, mà lại tìm đến cái chết, thì chỉ làm cho mọi việc càng rối thêm lên mà không giải quyết được gì. Đầu hàng là tự đưa tay mình vào gông, là thể hiện sự nhu nhược, bất lực; không đầu hàng số phận, chúng ta mới có thể tìm ra ánh sáng để mở toang cánh cửa cuối đường hầm.

Ai cũng khổ, có thân thì có khổ, nhưng có khổ mới nên thân. Cuộc sống, ở đâu cũng có những vấn đề của nó, tùy theo nghiệp lực và hoàn cảnh mà có những nỗi vui, khổ khác nhau. Chẳng có nơi nào là thiên đường, cũng chẳng chỉ riêng nơi ta đang sống là địa ngục. Thiên đường hay địa ngục do từ nơi ta. Muốn thành công ta phải biết nếm mùi khổ đau. Tôi tạm gọi khổ đau và hạnh phúc có những nấc thang của nó. Muốn hạnh phúc ở bậc hai thì phải đi qua khổ đau bậc một. Muốn thành công bậc ba thì phải trải qua khổ đau bậc hai. Thuyền to thì sóng lớn. Càng cao danh vọng càng nhiều gian nan, đó là quy luật tất yếu. Để trở thành thiên tài phải hi sinh và thậm chí đánh đổi rất nhiều. Hạnh phúc hay thành công không phải tự nhiên mà có. Vậy chính khổ đau cũng là những liều thuốc bổ, giúp cho ta tôi luyện thân tâm vững chãi, thành tựu những giá trị và có nhiều kinh nghiệm sống, nếu chúng ta biết thưởng thức. 
Vậy thì khổ đau có thật đáng sợ không, nhất là phần lớn thiên hạ này phải đối diện với cái khổ lớn nhất là khổ vì tình?

Nói không thì nói dóc. Nhưng nó đáng sợ mà cũng không, bởi vì có bao nhiêu kẻ “Nhớ ai bồi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa, như ngồi đống than” – nhưng họ vẫn khoái cái thú đau thương ấy! Yêu không được, bị đối phương đá cho toe tua, thế mà vẫn khoái, vẫn mong cho bị đá. Đời kể cũng lạ. Tưởng đau thương chỉ là thống khổ, hóa ra, đau thương cũng là một cái thú! 

Cho nên, chúng ta sống buồn chán tiêu cực thì đời vẫn thế. Cũng chừng đó công việc, mà suy nghĩ tích cực thì tốt, suy nghĩ tiêu cực là sai, suy nghĩ tiêu cực thì khổ, suy nghĩ tích cực thì vui. Hạnh phúc hay khổ đau do chính mình tạo ra, không ai đem đến cho mình ngoài bản thân mình. Nên cứ vui mà sống. Việc đến thì làm, làm xong thì buông hết mà ngủ, đừng suy nghĩ.

Tóm lại, công việc thì ai cũng có, người tu ở chùa cũng nhiều việc. Cứ lên kế hoạch, làm việc một cách có phương pháp và khoa học. Việc nào cần làm thì làm trước, chia thời gian ra mà làm, có những việc cần cộng sự hoặc bạn bè giúp thì nhờ họ làm. Có nợ nần ân oán hiềm khích đố kỵ gì, cố giải được thì giải, không giải được cũng chẳng sao, vì bạn đừng mong và đừng bao giờ ảo tưởng rằng, tất cả mọi người sẽ hiểu mình. Cũng đừng thấy người khác khổ, vì thương người quá, khi không giúp gì được cho họ, tự mình lại sinh ra buồn khổ, vì chẳng ai có thể cứu được ai ngoài chính bản thân tự mỗi người. Làm được gì thì làm, làm hết sức mình, miễn là chúng ta không thấy thẹn với lòng và thấy lòng an yên. Đến giờ ăn thì ăn, thân mệt thì cho nó nghỉ, đừng quá cố sức. Lúc cần buông thì buông. Phải biết buông khi cần thiết. Đó là người biết sống.

Cứ cho cuộc sống này khổ đau và hạnh phúc có tỉ lệ ngang nhau đi. Nhưng vì sao ai cũng luôn than khổ mà lại ít ai thấy mình vui? Đó là vì do ta quá tham lam. Do tham nên ta luôn tìm cách che đậy sự yếu kém, không chịu nỗ lực của bản thân, rồi bao biện và đổ lỗi. Do tham, nên ít ai dám chấp nhận sự đa dạng và đón nhận sự khác biệt của cuộc sống này. Khi tham, cái gì thuận thì mình vui, không thuận thì mình giận mình hờn, rồi sinh ra chán nản, thất vọng, chứ đời thì nó vẫn thế thôi. Vậy thì, tại sao ta không biết biến nghịch cảnh thành niềm vui, mà lại để nó trở thành cái vòng kim cô siết chặt đầu mình? Tại sao ta không biết thưởng thức cuộc sống này?


Pháp Trí