Lúc còn nhỏ, không hiểu vì lý do gì mà đột nhiên tôi có khối u ở cổ, ăn uống chẳng được, cơ thể mệt mỏi, đau nhức lắm. Lúc đầu bác sĩ ở tỉnh tưởng là viêm tuyến giáp nên cho uống thuốc kháng sinh, uống được một tuần nhưng khối u càng lúc càng to. Bố mẹ tôi hoảng quá liền cho tôi xuống Sài Gòn khám, bác sĩ bảo phải mổ gấp, nếu để lâu thêm sợ nguy hiểm đến tính mạng. Bố mẹ tôi sững sờ giây lát, đâu ngờ bệnh nặng đến như vậy…
Trước khi lên bàn mổ, mẹ tôi bật khóc, nói nghẹn: “Con cứ yên tâm, ráng niệm Phật nhé, các Ngài sẽ gia hộ cho con”. Tôi lúc đó cũng sợ lắm, chẳng suy nghĩ được gì ngoài mấy tiếng “Nam-mô A Di Đà Phật” văng vẳng trong đầu. Lúc lên bàn giải phẫu, dù rất đau nhưng tôi vẫn cố niệm Phật, gia đình tôi là Phật tử nên tôi cũng tin rằng sẽ có sự gia hộ của chư Phật, Bồ-tát. Các bác sĩ vừa hỏi thăm vài chuyện với tôi, tôi cũng chỉ trả lời cho qua vì vẫn chú tâm vào niệm Phật. Rồi tôi liền mê man rơi vào cõi vô thức…
Tỉnh dậy, tôi thấy hơi choáng, biết mình đang nằm trong phòng hồi sức. Tôi cảm thấy cổ mình nhẹ hẳn đi. Tuy nhiên có cái gì đó vướng víu khó chịu, nhưng vì mệt quá nên tôi không để ý tới và lại thiếp đi lúc nào không hay. Sau đó tôi được cho về phòng bệnh để nghỉ ngơi. Thêm mấy ngày liên tục theo dõi, tôi và mẹ được điều dưỡng cho biết là các bác sĩ muốn tìm tận gốc của mầm bệnh nên phải nằm ở bệnh viện thêm một thời gian nữa.
Mẹ tôi an ủi: “Không sao đâu con à! Cứ thành tâm niệm Phật đi, rồi mọi chuyện sẽ qua”. Hôm sau, bố tôi gọi điện thoại hỏi thăm. Sau khi nghe mẹ kể, bố tôi cũng lựa lời an ủi, đặc biệt bố cũng nhắn nhủ tôi cứ niệm Phật đi, sẽ có những điều mầu nhiệm… Được nửa tháng, các bác sĩ thông báo rằng sẽ tiến hành ca mổ thứ hai để cắt bỏ mầm bệnh.
Ở nhà, bố tôi có nhờ bác hàng xóm buổi tối qua tụng kinh Dược Sư để hồi hướng công đức cho tôi. Tối trước ngày mổ lần hai, mẹ dẫn tôi tới một ngôi chùa gần bệnh viện để lạy Phật cầu mong sự che chở và an lành. Sau khi làm lễ xong, mẹ và tôi chuẩn bị về thì có duyên được gặp thầy trụ trì. Sau khi biết chuyện của tôi, thầy nhẹ nhàng bước tới xoa đầu và nói: “Tội nghiệp con quá! Thầy chúc con sớm lành bệnh, con và mẹ cứ niệm Phật thật nhiều nhé!”.
Sáng hôm sau, tôi vào phòng mổ, lần này tâm trạng tôi thật thoải mái, vì tôi cảm thấy có sự yểm trợ đặc biệt nào đó mà không thể đoán được. Ca mổ đã thành công ngoài sức mong đợi. Đúng một tuần sau, tôi được xuất viện. Trước khi về nhà, mẹ dẫn tôi đến chùa cúng dường Tam bảo, thầy trụ trì sau khi nghe tin cũng hoan hỷ, dặn dò: “Có thể kiếp trước con đã từng cắt cổ gà, vịt gì đó,… may phước nương nhờ Tam bảo mà con đã vượt qua dù vẫn phải trả nghiệp, vì nhân quả là điều không thể tránh! Nhân đây tôi cũng muốn dặn chị: “Khuyến khích gia đình thường xuyên ăn chay và đừng bao giờ sát sinh”.
Thầy còn tặng cho tôi một xâu chuỗi làm quà. Tôi thích lắm, trên đường về, tôi cứ lấy chuỗi hạt ra, vừa lần vừa niệm Phật như cảm ơn những vị Phật, Bồ-tát đã luôn phù hộ, che chở cho tôi.
Về tới nhà, bố đã làm cơm thịnh soạn chào đón hai mẹ con về. Bố cũng mời bác hàng xóm qua để cảm tạ bác sẵn lòng tụng kinh cầu an cho tôi. Đang ăn cơm, mẹ kể chuyện việc được gặp thầy trụ trì ngôi chùa gần bệnh viện và cũng có đưa pháp danh của tôi để cầu an.
Nghe xong bác hàng xóm chợt hỏi: “Pháp danh của cháu là Quảng Tánh đúng không?”. Tôi đáp: “Dạ, pháp danh của cháu là Quảng Minh, còn pháp danh kia là của bố cháu”. Lúc này cả nhà mới ngả ngửa vì hóa ra bấy lâu nay, bác hàng xóm hồi hướng nhầm pháp danh của bố! Vậy mà đâu có vấn đề gì, tôi vẫn hết bệnh và về nhà với gia đình. Mọi người chỉ cười ồ và tiếp tục bữa cơm chay. Tôi thấy xâu chuỗi của mình lấp lánh trong ánh nắng chiều thật đẹp.
Lê Hoàng Nhật