Đầu năm 2015, tôi cùng người bà con đến ăn giỗ phụ thân của một thiền sư, nhà nghiên cứu Phật học danh tiếng. Nhờ nhân duyên đó, tôi được gặp thầy tôi bây giờ.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tôi gọi ông là thầy vì ông dạy giáo pháp cho tôi, kỳ thực ông chỉ là một cư sĩ bình thường như bao Phật tử khác. Sự học hành bằng cấp của ông cũng không bao nhiêu nhưng trí tuệ của ông thì rất uyên thâm. Mấy chục năm học Phật, tôi may mắn gặp được nhiều bậc cao tăng người Việt Nam cũng như người nước ngoài, trong đó có những vị rất nổi tiếng, nhưng không phải người nào cũng uyên bác như ông. Sự uyên bác ấy không phải ở kiến thức mà ở sự thấy biết, thân chứng.
Hôm đầu tiên gặp gỡ, ông tặng tôi bài pháp “Tiếng đàn”. Ông hỏi tôi:
– Ông đã nghe ai đàn bao giờ chưa?
– Dạ, đã – Tôi đáp.
– Vậy theo ông, tiếng đàn xuất phát từ đâu?
– Thưa, từ cây đàn, đương nhiên.
– Không đúng. Ông bảo: Từ cây đàn nhưng từ nơi đâu của cây đàn. Từ thùng đàn, từ dây đàn, từ phím đàn, từ người đánh đàn? Nếu không có người đánh đàn, không có không khí, không có lỗ tai, không có duyên gặp gỡ người đánh đàn, vân vân và vân vân, nếu kể ra thì không cùng kiếp. Vậy tiếng đàn không từ đâu đến và cũng không đi về đâu. Vì thế mà Phật dạy: “Vạn pháp Như Lai”.
Sau này trong các bài pháp, thỉnh thoảng tôi nghe những câu nói lạ lùng, như: Trái xoài không phải được sinh ra từ cây xoài. Có ý thức, nhưng ý thức không phải của con người, ý thức không phải của anh, không phải của tôi. Lúc đầu, tôi nghe như vậy và cảm thấy rất kỳ quái. Nhưng ông không đùa. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Những câu nói của ông ám ảnh tôi nhiều ngày đêm. Rồi một đêm, tôi bỗng “ồ” lên, quả là đúng như vậy. Giáo pháp, đọc từ kinh sách, đọc từ các bài giảng của các vị thầy, rất khó hiểu, có thể hiểu không đúng điều tác giả muốn nói, mười người đọc, mười lý giải khác nhau, nhưng qua ngôn ngữ của ông sao quá dễ hiểu, quá rõ ràng. Chúng tôi nhiều lúc cứ ngồi nghe ngẩn ngơ, giáo pháp sao quá hấp dẫn, sao quá hay. Những khi như vậy chúng tôi thường tự ví mình được ăn tiệc vua.
Ông thường khuyên chúng tôi, học Phật chớ quá câu chấp văn tự. Phật nói, Tổ nói cũng vì con người mà nói, khi nói, phải có tầng bậc lớp lang, tùy căn cơ từng người, tùy bối cảnh, tùy thời điểm mà có cách nói khác nhau. Nếu cái gì cũng thâu vô hết thì không khác gì vào tiệm thuốc bắc, vị thuốc nào cũng lấy uống thì không tránh khỏi mang bệnh vào người. Đạo Phật là đạo trí tuệ, học Phật phải tư duy, suy nghĩ, phải trả lời được các câu hỏi có sinh tử hay không, ngã có hay không có, trừ ngã bằng cách nào, có tái sinh luân hồi hay không, cái gì diễn ra sự vận động của thế giới và nhân sinh? Phải “Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật” (Chứng đạo ca). Tu Phật mà giơ chân biết giơ chân, giơ tay biết giơ tay, nâng ly chỉ biết nâng ly, tu như vậy, càng tu sẽ càng xa Phật.
Ông cũng khuyên chúng tôi đừng bắt chước – Phật là Phật, Tổ là Tổ, chân lý là chân lý, mình là mình, đừng đặt chân mình lên dấu chân Phật. Mình lĩnh hội cái tinh túy, mình sống và hành động theo nhận thức của mình, mình có thể làm ngược, mình có thể làm xuôi, mình có thể “ung dung trong ràng buộc” (Thiền sư Viên Minh), mình sống thuận theo cuộc sống chứ không theo đúng sai. Mình phải luôn luôn là chính mình.
Ông là người miền Tây, sống ở miền Tây, cứ một hoặc hai tháng ông lại lên Sài Gòn, giải đáp cho chúng tôi những thắc mắc, đàm đạo với chúng tôi về chuyện tu hành. Mấy tháng trước, tại một ngôi chùa ở Vũng Tàu, ông cùng chúng tôi di chuyển tượng Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma. Tôi thấy ông thở rất gấp, có thể do tuổi già (năm nay ông gần 70 tuổi), cũng có thể do thọ mạng sắp mãn. Chúng tôi rất lo lắng, ông là một tài sản quý mà không ai biết, lỡ ông ra đi, đường tu hành của chúng tôi hẳn sẽ bơ vơ, không người dẫn dắt. Cũng may, tôi có ghi âm được vài buổi nói chuyện của ông, bạn nào muốn nghe, tôi sẽ gửi tặng.
Bùi Thành