Thì thôi! Gió hãy cuốn đi những muộn phiền. Mưa đầu mùa xin rửa sạch những ưu tư. Ta và người gặp nhau trên cuộc đời, đó chỉ là chút duyên hờ, món nợ trần xem như trả dứt. Người ra đi, còn ta ở lại, lòng ung dung, không vướng bận trần ai,…

Có những lúc trong cuộc đời, bất đắc dĩ tôi đành phải làm “quân sư” cho người khác. Một sư anh lớn bảo rằng do tính tôi nhiều chuyện và dẻo miệng ba hoa, cái gì cũng đem ra “tán hươu tán vượn” được. Một người em thì nói là do tôi đã “già lắm rồi”, lại thường hay ngẩn ngơ suy tư một mình, nên cũng có nhiều điều thú vị khi đưa ra lời khuyên cho người khác. Còn riêng nhận định bản thân, tôi biết mình có thế mạnh là tích chứa được một kho sách, toàn là những “bí kíp võ công”, “tuyệt đỉnh truyền thừa” của lục đại tông phái, tha hồ mà đắm chìm trong đó. Một “con mọt” cả ngày chỉ biết vùi đầu vào sách, thỉnh thoảng cũng thu lượm được chút ít lời dạy của người xưa đem về làm của quý cho riêng mình, từ đó ai đủ duyên thì chia sẻ cho họ.

Chiều nay, duyên sự đẩy đưa, tôi lại một lần được nghe người chị ca cẩm:

– Chú ạ, sau bao năm sống bằng cả trái tim và tấm lòng thành, chợt đến một ngày nào đó, chú nhận ra rằng sự chân thành của mình đã bị người ta lợi dụng một cách triệt để, lúc đó chú sẽ nghĩ như thế nào?

Tôi thầm nghĩ “Khổ thân, mình may mắn hay sao mà từ trước đến nay chưa từng bị ai lừa gạt (hay bị rồi mà ngây thơ không biết cũng nên, cứ giả vờ “ngu” đôi khi cho lòng thanh thản), làm sao để hiểu được cảm giác của chị bây giờ?”. Tôi nhắm nghiền mắt lại trong ba phút, tự vấn lòng mình và đặt bản thân vào hoàn cảnh tương tự.

Một ngày nào đó, ta bỗng chợt nhận ra người mình tin cậy nhất, yêu thương nhất, đang tâm lừa dối và lợi dụng mình. Có thể trước đó, mình thi thoảng đôi lần nghi hoặc điều này, nhưng vì quá tin tưởng người ta mà tự an ủi bản thân: “Chắc không phải vậy đâu, do hiểu lầm thôi mà!”. Nhưng rồi cái gì cũng có một giới hạn nhất định, khi đã vượt quá ranh giới cho phép thì “cái tôi” sẽ phản kháng bằng nhiều cách khác nhau, tự thân ta sẽ nhận ra rằng: Người kia đã thật sự thay lòng đổi dạ, mọi nỗ lực lúc này chỉ là vô vọng mà thôi.

Sẽ đau lắm nhỉ? Nhưng một bác sĩ giỏi không bao giờ vì lo sợ cơn đau của bệnh nhân mà không dám cắt bỏ phần thịt thối làm nguy hại cho vết thương đang mưng mủ. Đối diện với đời, đôi lúc chúng ta phải giải quyết vấn đề bằng sự dứt khoát, đoạn tuyệt, cắt lìa và từ bỏ để nhẹ lòng quăng gánh ra đi. Tôi phần nào hiểu được cảm giác của chị, bằng cách tự dàn dựng một kịch bản mà nhân vật chính trong câu chuyện không ai khác là chính mình. Hiểu thì có hiểu, nhưng cả chị và tôi đều là những người con Phật, phải làm sao cho chị “thấm chút tương chao”. Khi có lối tư duy và nhận thức khác người thế gian, chị sẽ bớt đi chút cảm xúc đau buồn trước lòng người đen bạc.

– Để em xem nào… Nói ra chị đừng bảo em “mê tín” nhé. Nhưng mình là con Phật thì phải tin vào duyên nghiệp chị à! Không có cái gì là tự nhiên đâu, mọi việc trên cuộc đời không nằm ngoài định luật nhân – duyên – quả. Một người tin vào nghiệp và quả của nghiệp thì cách thức họ quan sát những gì đến với mình một cách bình thản lắm.

– Bình thản sao, em nói chị nghe xem?

– Chị thử nghĩ xem. Tại sao mình không lụy ai mà lại vướng vào người ấy? Tại sao họ không lừa dối hay lợi dụng ai mà lại lừa dối và lợi dụng mình? Tại sao trên quả địa cầu này có hơn bảy tỉ người, những chuyện vui buồn được mất này không đổ vào thiên hạ lại trút hết lên mình? Thật ra, đó chỉ là quả của nghiệp trong dòng luân hồi sinh tử. Trong một đời kiếp xa xôi nào đó, ta đã từng làm khổ cho ai, ta đã gây ra muộn phiền cho người nào, ta đã lừa gạt hay dối gian thiên hạ, thì nay chỉ đơn giản là mình trả vừa xong một món nợ trần gian. Một người mắc nợ mà trả được nợ thì nên vui hay nên buồn hả chị? Còn giả dụ như, chị chưa từng gieo oan trái với họ, thì hãy xem như người ta vừa thiếu mình một ân tình. Trước sau gì người ta cũng phải trả thôi. Mình muốn thì hãy cứ dính mắc vào đó rồi lang thang trong vòng luôn hồi để vay trả – trả vay, vui, buồn, khóc, cười cùng họ; còn không thích thì đừng bận tâm nhiều, để cho nhân quả tự vận hành theo quy luật riêng của nó.

– Chú nói có lý đó, nhưng chị còn “yếu bóng vía” lắm chú ơi! Nên vẫn hơi buồn phiền một chút!

– Thật ra, khi chị nhận ra người ta lừa dối mình, đó là điều tốt mà, không có gì phải bận tâm đâu. Chị “buông” được một chút thì lòng nhẹ đi một chút. Mình suy nghĩ về nó, nghĩa là mình còn nặng lòng, còn để ý thì còn thương, còn thích, yêu, ghét, sợ, giận, hờn, oán, trách,… Khi yếu tố muộn phiền xuất hiện trong tâm trước một sự việc gì đó, nghĩa là chúng ta đang gieo hạt giống bất thiện và đầu tư cho dòng sinh tử, chị có biết điều đó không?

– Không phải chị sân hận gì chú à. Chỉ là cảm giác hơi đau một tí. Việc đầu tiên chị làm là vào nhà tắm, dội nước từ đầu xuống chân cho đến khi nào tỉnh mới thôi.

– Cách đó làm chị thấy hiệu quả thì cũng tốt, chị cứ làm. Nhưng sao em thấy giống ngoại đạo thời đức Phật còn tại thế quá! (Cười) Ngày xưa, có những vị Bà-la-môn muốn sám hối tội lỗi thì xuống sông Hằng tắm, vì họ cho là dòng nước thiêng bắt nguồn từ đỉnh Hy-mã-lạp-sơn có thể cuốn trôi đi tất cả bụi trần phiền não và tục lụy của nhân gian. Chị nay làm cách này cũng na ná như vậy. Em đùa thôi! Thật ra, tắm mát làm thân mình dễ chịu, từ đó tâm cũng thư thái hơn. Mỗi lần làm mệt hay học bài căng thẳng, em cũng hay đi tắm cho dễ chịu. Nhưng có chuyện này em nói nhỏ chị nghe, hai chị em mình biết thôi nhé. Đừng nghĩ là mình buồn hay lo là tâm lý bình thường, không phải do tâm sân chi phối. Tâm tham và tâm sân biến đổi rất khó lường, có muôn hình vạn trạng biểu hiện ra ngoài mà mình không biết về bản chất của nó thì khó có thể nào nhìn ra lắm. Giận, hờn, buồn, rầu, tật đố, ganh ghét, bỏn xẻn, hối hận, ăn năn, bực bội, tức tối, lo lắng,… là những tâm lý có nguồn gốc từ căn sân. Mình hiểu về nó một chút thì mới nhận diện được, chúng ta chịu khó quan sát tâm mình, thì lòng sẽ nhẹ hơn nhiều lắm. Thay vì ngồi suy nghĩ: “Tại sao người ta lại đối xử với mình như vậy, mình quá tốt với họ, vậy mà nỡ lòng nào lừa dối mình như thế. Sao cuộc đời tôi khổ quá, tôi có làm tội lỗi gì cho ai đâu,…”. Đó là mình đang chất chứa lòng thù hận, tự trói buộc tâm vào mối oan khiên. Tỉnh một chút thì chúng ta sẽ nhìn ra những gì đang có mặt: tham hay sân, ngã mạn hay tự cao, vị kỷ hay vị tha, vui hay buồn,… đó chỉ là những trạng thái tâm lý đắp đổi luân phiên. Thật ra em nhắc chị cũng là em đang nhắc bản thân luôn. Chúng ta cần nhắc nhở nhau thực tập những điều này thì đời sống của mình sẽ thay đổi rất nhiều.

– Cảm ơn chú nhiều, để chị thực tập dần. Mà ngồi nghĩ lại, chưa biết việc này là phước hay họa chú nhỉ. Mình thương và giúp người ta thật lòng, đó cũng là một nhân thiện. Khi “biết rõ rành rành” rồi thì mình buông cũng nhẹ, không còn gì để níu kéo, sẽ đỡ khổ hơn. Chị ổn hơn nhiều rồi đấy.

– Chị có tiến bộ rồi đó nha. Mai nhất định phải mua bánh Pizza vào đây ăn mừng sự kiện này. Nói cho chị nghe về một trong những phương châm sống của em này: “Chừng nào mình nhận ra cái ngu của mình thì sẽ bớt ngu được 50%”. Bây giờ, em nghĩ là chị nên đi dạo một vòng và tự thưởng cho mình thứ gì đó, vì vừa trả xong được một món nợ mà. Còn một món quà cuối tặng chị này: “Con đường phát triển tâm linh là con đường thay đổi nhận thức. Mỗi ngày học đạo, tu đạo, hành đạo và tiếp xử ở đời là một ngày ta phát triển khả năng nhận thức của bản thân. Cùng là một sự việc xảy ra, mình nhìn theo hướng tiêu cực nó sẽ là tiêu cực, tạo duyên sinh khởi đau buồn, khổ não, lo lắng, bất an,… Nhưng cũng là sự việc đó, ta nhìn theo hướng tích cực nó sẽ tích cực, trở nên thanh thản, nhẹ nhàng, không còn phiền muộn. Chỉ là một cảnh, nhưng người trí khéo dùng tâm thiện để đón nhận cảnh, còn người không có trí thì mặc tình chạy theo cảnh rồi buồn, vui, thương, giận, ghét, sợ bao trùm. Mình muốn làm người trí thì duy trì nhận thức này liên tục và thường xuyên chị nhé! Em đảm bảo với chị là 70% sự khổ ở đời sẽ được giảm đi đó.

– Chà! Hôm nay chú em nhà mình nói chuyện văn chương triết học quá, không có bay bổng, tình cảm, lãng mạn như những lúc trước.

– Ừ! Khi nào nên lãng mạn thì lãng mạn, khi nào cần văn chương lại văn chương, lúc muốn chia chẻ vấn đề để phân tích thì phải logic và khoa học một chút chứ chị. Chị muốn lãng mạn phải không? Em cho chị cái kết lãng mạn đây: “Chiều hôm ấy, người con gái tuổi đôi mươi một mình đạp xe lang thang qua những con đường nhỏ, góc phố thân quen. Nơi mà ngày xưa, chị và anh hay cùng nhau đi qua trong những buổi chiều mưa rơi tí tách. Hôm nay, trời không có một giọt mưa nào, nhưng lòng người con gái ấy thấy sao se lạnh. Phải chăng, vì trên ghế ngồi của chiếc xe kia đang thiếu đi hơi ấm của một người dưng. Dòng xe tấp nập lướt ngang qua vô tình, chiếc lá vàng khẽ rơi nhẹ theo cơn gió chiều cũng vô tình như thế. Người con gái ấy chợt nhận ra một điều: Đời có tan có hợp, vạn vật biến chuyển đổi thay, lòng người cũng không nằm ngoài quy luật bất di bất dịch này. Thì thôi! Gió hãy cuốn đi những muộn phiền. Mưa đầu mùa hãy rửa sạch những ưu tư. Ta và người gặp nhau trên cuộc đời chỉ là chút duyên hờ, món nợ trần xem như ta trả dứt. Người ra đi còn ta ở lại, lòng ung dung không vướng bận trần ai…”
– Thôi được rồi chú ơi! Chú chọc chị hoài. Sến quá, ai mà chịu nổi! Chị bắt đầu cảm thấy sợ chú rồi đó. Một ngày vui nha. Lời cuối không có gì hơn, “thay mặt đồng bào các dân tộc ít người trong cả nước”, chị cảm ơn chú rất nhiều.

– Nghe chị đùa kiểu này thì biết là ổn rồi. Vậy chào chị nhé.

Ghi chú: Bài viết này được thực hiện từ 0h00 cho đến 2h30 sáng, vì sau một tuần trà tối, tác giả đã không ngủ được. Thôi thì người viết đành ôm con Laptop ra và ngồi ghi lại cuộc nói chuyện ban chiều giữa một “ông già” 30 tuổi và “người con gái” mấp mé 40 cái xuân xanh. Để những ai rơi vào hoàn cảnh tương tự cùng suy nghiệm.


 
Kính Đức