Cho đến bây giờ sau nhiều năm đón Tết đầy đủ sung túc chẳng thiếu thứ gì, nhưng tôi vẫn nhớ mãi bữa cơm tất niên trưa ba mươi Tết ngày ấy. Cả nhà con, cháu, dâu, rể ngồi quây quần bên nhau trên nền chiếu cũ. Thức ăn bữa cơm tất niên thiếu thốn nhiều, vậy mà đầm ấm. Mỗi lần nhìn vào tấm ảnh bữa cơm tất niên mẹ làm 18 năm về trước, tôi xúc động, nước mắt nhòa đi.

Quê tôi xã Nga Tân – xã trồng cói nghèo nhất trong 26 xã của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sống chết nhờ cậy vào cây cói”. Thời bao cấp, Tết đến, chuyện thiếu hụt là bình thường. Song bước sang thời đổi mới, cuộc sống người dân vẫn còn nghèo khổ lắm. Chẳng thế mà nhiều người dân cứ gọi “lái”  Nga Tân là “nga bêu” (hàm chỉ người dân đói khổ, quanh năm chân lấm tay bùn).

Cũng như bao gia đình nghèo khổ khác, mỗi lần Tết đến xuân về, gia đình tôi cũng cố gắng “chạy vạy” sắm cái Tết tương đối để có không khí ngày xuân. Vốn nhà nghèo có bảy chị em nên mẹ tôi phải chuẩn bị trước Tết từ cả hai tháng. Tiền bán rau mồng tơi, rau muống, mẹ góp lại. Từ giữa tháng 12 âm lịch, mẹ đã mua miến dong, mộc nhĩ và vài cân gạo nếp để dành trước trong cái vò nhỏ. Tuy không còn thời bao cấp, song nói chuyện gói bánh chưng bằng gạo nếp ròng (nếp nguyên) ở quê tôi những năm 2000-2003 không phải nhà nào cũng có.

Sáng 30 Tết năm 2000, trời rét căm căm, mẹ dậy từ sớm đi chợ mua hành tươi về làm cuốn. Các chị tôi dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ. Mâm cơm cúng trưa ba mươi Tết giản đơn.

Trước bàn thờ tổ tiên, tay mẹ run run khấn khứa cầu nguyện con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát tài phát lộc. Qua làn khói mỏng hương thơm, mắt mẹ rưng rưng nhìn lên ảnh bố – người chồng đã đồng hành trong cuộc đời cùng mẹ suốt 65 năm nuôi bảy chị em tôi trưởng thành lớn khôn.

Sau khi nhang tàn trên bàn thờ tổ tiên, mâm cơm tất niên trưa ba mươi Tết dọn trên chiếu cói dưới nền nhà. Cả gia đình tôi quây quần bên nhau quanh 3 chiếc chiếu cói trải dài, trước khi ăn đã chúc nhau sức khỏe, cả nhà bình an. Lúc đó, tất cả chúng tôi lúc đó nhìn mẹ – cảm giác hạnh phúc vô bờ.

Sau ăn uống, cả nhà ngồi quanh chiếu ăn trầu và kể chuyện Tết. Mẹ  bảo “Nói là no ba ngày Tết, đói ba tháng hè nhưng ngày xưa khổ lắm”.

Rồi mẹ kể cuộc đời của mẹ lấy bố lúc 16 tuổi, nhà nghèo khổ, phải bện thừng, làm thuê cho địa chủ nuôi con; những ngày cực khổ cùng bố đi chẻ cói thuê rét mướt, và không quên giá rét thấu xương lặn lội ra đồng cói bắt cáy đem về đổi gạo về nấu nồi cháo loãng cho con. Rồi chuyện mùa giáp hạt mẹ đi mót lúa tận đồng chiêm trũng rạ quá đầu ngưới. Cả cuộc đời mẹ là quang gánh, gánh trên đó là những bó rau muống, mồng tơi, xời cáy. Chúng tôi lớn lên, trưởng thành từ đôi quang gánh đẫm mồ hôi và nước mắt của mẹ.

18 năm – một khoảng khá dài so với dòng chảy của thời gian, nhưng bữa cơm tất niên trưa ba mươi Tết ngày ấy không bao giờ quên được. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành “di sản hữu hình” về ký ức đã qua.

Tết Mậu Tuất này – thêm một năm nữa tôi xa quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. Mâm cơm tất niên trưa ba mươi Tết có nhiều món ngon, lạ, song tôi vẫn thấy thiếu dư vị bữa cơm tất niên trưa ba mươi mẹ nấu ngày ấy. Đó là bữa cơm bằng tình mẫu tử thiêng liêng và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho tôi –  người con của mẹ giờ đã trưởng thành từ gánh gồng của mẹ.

Viết dòng cảm xúc này mắt tôi cay cay. Hình ảnh bữa cơm trưa ba mươi Tết của mẹ ùa về ký ức.


Mai Thắng