Thời gian là một trong những tài sản quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho mọi loài, trong đó có chúng ta. Thời gian không thể quay lại khi đã qua đi, do đó chúng ta cần hiểu rõ giá trị thời gian để sử dụng cho phù hợp.
Phải thừa nhận những hoài niệm xoay quanh vị thần “Thời gian” là nguồn cảm hứng sáng tác cho người văn nghệ sỹ phôi thai những tác phẩm nghệ thuật để đời. Đồng thời việc mổ xẻ, khám phá về thời gian cũng tiêu tốn không ít tâm sức của các nhà khoa học từ cổ chí kim.
Yếu tố vô hình này cũng đã tiêu tốn giấy mực của nhiều nền triết học khác nhau trên thế giới. Cho dù vậy, nó vẫn cứ hiện hữu một cách bí ẩn, âm thầm chi phối cuộc sống của chúng ta dù muốn dù không.
Theo đó, thời gian có thể trở thành người bạn giúp ta gặt hái thành công, hạnh phúc nhưng ngược lại cũng có thể trở thành thứ “vũ khí” đầy nguy hiểm nhấn chìm tương lại của bạn. Với mong muốn mỗi chúng ta có được cái nhìn đúng đắn, ích lợi về việc sử dụng thời gian quý báu của bản thân mình, nhất là trong cuộc sống hiện đại tất bật ngày nay, chúng tôi giới thiệu bài viết phân tích về giá trị của thời gian từ 5 góc nhìn đời thường mà gần gũi và thực tế dưới đây:
1. Thời gian của người “ăn không ngồi rồi”
Trong khi những người siêng năng lao động ước ao một ngày có hơn 24 giờ để họ có thêm thời giờ hoàn thành những dự định của mình thì những người rảnh rỗi, “ăn không ngồi rồi” thường để thời gian trôi qua một cách vô ích. Mới đây, báo điện tử Dân trí có đăng bài viết về tình hình “chơi nhiều hơn làm” của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Dưới con mắt của một người Việt đã và đang công tác ở nước ngoài, tác giả bài viết phản ánh chân thực và thẳng thắn về hiện tượng một số “nam thanh”, “nữ tú” quần áo lượt là tụm năm tụm bảy ngồi cà phê, lướt điện thoại, Ipad… trong giờ làm việc hành chính; đến khoảng 4 đến 5 giờ chiều thì các quán nhậu từ bình dân đến sang trọng lại đông nghẹt trong khi các công viên được trang bị dụng cụ thể dục thể thao đầy đủ thì lại chỉ thấy những cụ già…
Nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng tiêu cực trong cuộc sống hiện đại. Thực tế còn không ít kẻ “chơi đêm ngủ ngày” bằng việc ném tiền hưởng thụ thâu đêm vào các quán bar, vũ trường hoặc bị cuốn vào vòng xoáy điên cuồng của ma túy, thuốc lắc…
Lối sống đó đã giết chết thời gian quý báu mà mỗi thân mạng chúng ta khi may mắn sinh ra trên đời chỉ có được một lần duy nhất. Các cụ xưa có câu: “Đời người có một gang tay/Ai hay ngủ ngày còn được nửa gang”. Lãng phí thời gian cũng giống như rút từng hạt ngọc ra khỏi một chuỗi ngọc mà vứt đi vậy. Nhưng khi sử dụng thời gian một cách tốt đẹp thì mỗi giây phút là một viên ngọc điểm tô thêm vẻ đẹp cho cuộc đời ta.
2. Thời gian của người đau khổ
Nếu như thời gian đối với một người đang cảm thấy hạnh phúc có thể trôi nhanh như tên bắn thì thời gian đối với người đang đau khổ lại qua đi một cách chậm chạp và lê thê. Bởi thế mà người nhạc sỹ mới viết nên những ca từ đi vào lòng người: “Ngày buồn dài lê thê, có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về, làm rét mướt qua song len vào hồn…” (Nửa đêm ngoài phố).
Đặc biệt, tính vô thường của thời gian với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt với dấu ấn mỗi mùa khác nhau như đông thì lạnh lẽo, xuân thì ấm áp… luôn gắn với những kỷ niệm đáng nhớ trong mỗi thời đoạn cuộc đời con người. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong nỗi buồn tình yêu đôi lứa như Nguyễn Du từng viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Nhưng trên cuộc đời có thứ gì là còn mãi với thời gian?
Cho nên mới nói thời gian là phương thuốc nhiệm màu chữa lành mọi vết thương. Từ ý nghĩa thời gian trong cái nhìn của người đau khổ, chúng ta mới ngẫm thấy cái hay, cái ý nghĩa và màu nhiệm của nó để biết mỗi phút giây qua đi trong cuộc đời đều có giá trị của nó. Có điều khi rơi vào đau khổ chúng ta có đủ tỉnh táo và khôn ngoan để nhận ra và trân trọng hay buông bỏ tất thảy khiến thời gian trở thành vô nghĩa.
3. Thời gian của người đang yêu
Có gì đẹp hơn màu hồng cuộc sống trong tâm trạng của người đang yêu. Thi sĩ Xuân Diệu đã thể hiện tình yêu rất cháy bỏng, nồng nàn và gấp gáp đối với cuộc sống: “Ta muốn ôm/ Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn/Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/Ta muốn say cánh bướm với tình yêu…” hay tình yêu nồng nàn không so đo toan tính: “Với những kẻ mới vờ duyên hứa hẹn/ Tôi cũng cho trọn vẹn cả tâm hồn”.
Thời gian không chỉ đẹp trong tình yêu rộng lớn của người nghệ sỹ với tất thảy mà còn vô cùng ngọt ngào đối với những ai đang yêu. Cũng vì choáng ngợp trong hơi men quyến rũ của tình yêu mà nhiều bạn trẻ đưa ra quyết định hôn nhân quá vội vàng, hấp tấp và chỉ thực sự “tỉnh ngộ” sau khi cưới bằng cái kết chia tay hoặc nếu có tiếp tục sống với nhau cũng mất niềm tin vào sự tồn tại của tình yêu.
Trong tình yêu đôi lứa, thời gian là gia vị không thể thiếu cho tình cảm thêm sâu đậm, gắn bó đồng thời cũng đem đến thử thách giúp người trong cuộc thể hiện bản lĩnh, lòng kiên trì, bền bỉ và thủy chung.
4. Thời gian của người làm việc
Những người say mê công việc thường than thở không có đủ thời gian để mình hoàn thành các kế hoạch. Người ta thường nói thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% nhờ sự khổ luyện. Sự khổ luyện đó là làm việc miệt mài không ngừng nghỉ với niềm đam mê thực thụ. Cũng vì thế mà các nhà khoa học thường hay đãng trí và tâm lý học thường gọi là “đãng trí bác học”.
Người ta kể lại câu chuyện về Newton như sau: một lần mời khách, khi bữa ăn đã được dọn ra, ý nghĩ chợt loé lên trong đầu ông, ông vội chạy vào phòng làm việc và cứ thế mải miết với suy nghĩ của mình. Vì không muốn làm đứt luồng suy nghĩ của bạn, ông khách ăn cơm một mình rồi lẳng lặng ra về.
Mãi sau khi thấy bụng đã đói mềm, Newton mới rời phòng làm việc. Ngồi vào bàn ăn, ông thấy thức ăn đã ăn dở. Như sực tỉnh ông vỗ vào bụng và gật gù “Ờ, té ra mình đã ăn rồi, suýt nữa thì nhầm” rồi tiếp tục vào phòng làm việc.
Hoặc một câu chuyện khác của nhà bác học Newton là có lần phải đi đâu đó, đáng lẽ phải dắt ngựa về nhà nhưng vì mải với suy nghĩ của mình, ông đã dắt ngựa ngược về phía sau nhà đến 5 dặm. Nhiều khi dắt ngựa đi, ngựa đã tuột khỏi dây cương chạy về nhà lúc nào, còn Newton vẫn cầm chắc dây cương và tiếp tục đi mà không hề hay biết.
Dẫn dụ như thế để thấy thành công của những nhà khoa học kiệt xuất được đánh đổi bằng quãng đời làm việc không mệt mỏi với tinh thần say mê lao động, sáng tạo phi thường. Đối với họ, thậm chí còn không đủ thời gian cho việc ghi nhớ các công việc nhỏ khác thường làm nên mới có hiện tượng tâm lý đã nói ở trên.
Về phương diện là những con người bình thường, chúng ta cần học tập tinh thần lao động say mê ấy và cách sử dụng thời gian triệt để ấy của các bậc danh nhân để tự vạch cho mình kế hoạch sử dụng thời gian hữu ích, hiệu quả và khoa học; vừa đảm bảo công việc, lại có thời gian cho việc giải trí, thư giãn và giành cho gia đình thân yêu.
5. Thời gian của người tu hành
Chúng ta thường thấy các thầy sống đời với kinh kệ, niệm Phật, hoằng pháp… nên cảm nhận võ đoán cho rằng thời gian đối với họ quả thật là lâu. Nhưng đối với người chuyên tâm tu hành, thời gian càng vụt trôi nhanh hơn, như các vị thường chia sẻ tâm tư: “Thời gian bóng vó câu/ Trần thế lớp mây rầu/Thương thân mau tu tỉnh/Sớm thoát ngục tham cầu”. Các vị tổ tu hành tinh tấn mỗi buổi chiều về thường rơi nước mắt khi đã hết một ngày mà mình chưa giác ngộ được điều gì. Như thể người cư sỹ Phật tử nuối tiếc khi tuổi đã về chiều mà sự nghiệp còn chưa toại.
Thời gian không bao giờ có bản sao thứ hai trong cuộc đời. Vì thời gian chính là mạng sống của ta nên nó rất quý báu và là quà tặng mà ta phải biết trân quý và sử dụng một cách tốt đẹp.
Diệu Trang