Lũ lụt là chuyện thường xuyên mỗi năm giành cho quê hương xứ Quảng, người ta gọi là Thiên tai, tùy năm, có lúc lớn có lúc nhỏ, nhưng hầu như không năm nào mà không bão lũ lụt lội. Giờ đây, vài năm trở lại, thêm một Nhân tai nữa, đó là xả đê mùa lũ; ngoài thiệt hại hoa màu, mạng sống con người không thể tránh khỏi.
Những thiệt hại liên tiếp dồn dập trong năm Bính Thân nầy, người dân trong và ngoài nước đau lòng cắt ruột gom góp tiếp tế để duy trì sự sống cho những cư dân sống trong lũ.
Và cho dù không thiên tai hay nhân tai, bình thường vẫn có những đoàn từ thiện của phật tử và các chùa luôn hướng đến những vùng sâu, vùng xa, thiếu mặc đói ăn để trợ giúp đồng bào ruột thịt, không những trong nước mà còn qua tận biển Hồ Campuchea giúp dân mình vất vưỡng cuộc sống cơ cực không được bất cứ tiêu chuẩn nhỏ nhất của một người dân sống nhờ ở tạm nhiều đời trên đất khách.
Nhưng rất may, tuy xứ người, các đoàn từ thiện vẫn đưa quà đến tận tay đồng bào mà không hề gặp bất cứ một cản trở khó khăn nào của chính quyền sở tại. Đất nước Việt Nam ta lại khác, hình như trở thành thông lệ mỗi năm khi có đoàn từ thiện thông báo đến vùng cần trợ giúp, nhờ chính quyền địa phương cấp xã lấy danh sách và cấp phiếu, báo cáo số lượng người khó khăn nghèo đói thường xuyên để đoàn chuẩn bị những phần quà khiêm tốn do sự đóng góp của những tấm lòng “lá rách đùm lá nát”, tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có vài đại gia hỗ trợ; thế nhưng, một số địa phương vẫn gây khó khăn cho đoàn. Có những nơi, sau khi đoàn phát quà xong trở về, địa phương thu gom lại tiền và quà của dân như báo từng đăng. Phần lớn, khi đoàn mang quà đến, địa phương không cho đoàn tự tay phát đến người dân, mà phải cho vào kho của địa phương để nhà nước phát sau.Một số đoàn không đồng ý, quay xe chở hàng về, để phát nơi khác, nhưng cũng có địa phương không cho đoàn đem quà trở về mà bắt buộc phải chuyển vào kho.
Ở Sơn La, đoàn từ thiện TP HCM do một số chức sắc cao cấp như HT. T,T, HT N.N, HT L.T, đem theo một ngàn phần quà, không được phân phối, bị tịch thu để địa phương giải quyết sau. Điều lạ là trong những chức sắc cao cấp như thế, không hề phản ứng mà ngoan ngoãn chấp hành, trong khi đối với Tăng ni, có vị lại là hung thần nhiều ám ảnh. Có những nơi quà đem đến, chính quyền kiểm tra rất kỷ từng phẩm vật, ngoài thực phẩm, không cho đoàn biếu tặng kinh sách băng dĩa hay máy niệm phật.
Ngày 26/12/2016, Hội từ thiện Phật giáo quận 10 do TT. Nhật Thiện cùng quý ni sư Từ Nghiêm, Kiều Đàm, Vạn Thiện và phật tử đi ủy lạo cho đồng bào Việt kiều bị trục xuất từ Campuchea, (vì thế, số quà và tiền mặt trên tám trăm ngàn mỗi phần);thế nhưng, từ Sài gòn lên ngoài trăm cây số, địa phương báo cáo 200 phần, đến nơi chỉ có vài mươi người, mà không phải Việt kiều từ Campuchea như tiền trạm báo, cũng không phải người dân thuộc loại khốn khó. Hiện diện chưa tới 50 người, nhưng cứ phát hết số phiếu lại xuất hiện phiếu mới không tên tuổi lên ngoài trăm phiếu; buộc lòng đoàn ngưng phát, đem số quà còn lại về một ngôi chùa trong huyện để nơi đây hàng tháng chẩn thí cho cư dân nghèo địa phương. Khi đoàn vừa xuống hàng, nhà báo tác nghiệp đã bị một nhân viên an ninh cấm không cho chụp hình, đòi xem thẻ nhà báo, yêu cầu vào đồn công an làm việc. Dĩ nhiên đây là đòi hỏi và ngăn cấm vô lý, họ quen áp đảo với dân địa phương, thế là những người đi trong đoàn phản ứng mạnh, anh ta bèn rút lui.
Qua nhiều khó khăn cho các đoàn từ thiện đến với người dân nghèo khó, đáng ra chính quyên tạo điều kiện dễ dãi để dân được nhờ, thế nhưng, những ánh mắt ngây thơ của trẻ con và gương mặt khắc khổ của người dân khốn khó chờ đợi nhiều giờ, đã đành nhìn những thùng hàng hoặc chở về lại, hoặc bị tịch thu vào kho, mà sau đó, không rõ dân có được chút gì để bù vào sự đói khổ thường xuyên giữa màn trời chiếu đất, giữa lũ lụt ngập tràn?
Hình như đoàn từ thiện quá quen cung cách quan liêu của một số quan chức địa phương nên chả buồn lòng, chỉ tội cho người dân luôn bị quyền lực đe dọa. Hơn 5 năm trước, tại Hồng Ngự, một phật tử bi an ninh huyện trù dập khi mời nhà báo lên tiếng đền thờ tượng Quan Âm bị tước quyền quản lý. Thùng công đức do địa phương thu giữ. Càng xa mặt trời người dân càng câm lặng cúi đầu để an phận. Thế thì, thầy Không Tánh cũng đừng lấy làm lạ và mặc cảm là không thuộc GHPGVN nên bị làm khó khi đi cứu trợ. dù GHPG nào cũng gặp khó khăn như nhau. Chấp nhận đến với đồng bào đang chịu tai trời ách nước đồng nghĩa chấp nhận mọi rắc rối đến với mình bất cứ lúc nào, vì tình đồng bào nghĩa nhân loại là tình thương vô điều kiện mà người con Phật cần nằm lòng để kham nhẫn khi bước vào con đường từ thiện, xả kỷ vị tha.
Chừng nào một số quan chức địa phương biết thương dân mình đang đói khổ, đang đưa bàn tay nhận sự cứu giúp của người xa lạ mà không bị gặp rắc rối, rắc rối cho dân nghèo cũng như rắc rối cho người có tấm lòng từ thiện, mà đáng ra, đó phải là trách nhiệm của chính quyền lo cho dân chứ không thể hành dân như thế.Chả lẽ nghiệp vận của dân tộc như thế sao??? đã khổ còn chồng chất thêm cái khổ, đúng lời Phật dạy: khổ-khổ, hoại khổ, hành khổ của một kiếp người.
MINH MẪN