Với ba lần thỉnh cầu và phát khởi thiện nguyện hộ trì giáo pháp của Phạm Thiên, Ðức Thế Tôn quyết định gióng lên tiếng trống pháp và bắt đầu thực hiện sứ mạng của mình. Ngài tuyên bố với thế gian, với loài người, với cõi trời và với tất cả, con đường đạo cứu khổ và diệt khổ, con đường dẫn tới cõi bất sanh bất diệt, cõi Niết bàn đã được khai mở: “Cửa bất tử rộng mở, Cho những ai chịu nghe…” (Trung Bộ I). Và bánh xe pháp đã bắt đầu chuyển vận.
I- Bài pháp đầu tiên – ngôi Tam bảo được hình thành – sự khởi đầu của Giáo hội Phật giáo
Sau khi quyết định truyền bá đạo lý cứu khổ cho muôn loài, Ðức Phật dùng tuệ nhãn quan sát thế gian xem ai là người có cơ duyên để hóa độ trước, và Ngài nghĩ ngay đến hai vị thầy cũ của mình là Alara Kàlama (A-la-ra Ka-la-ma) và Uddaka Ramaputta (Uất Ðầu Lam Phất) , nhưng cả hai đã qua đời cách đó không lâu. Ðức Thế Tôn nghĩ đến năm người bạn đồng tu khổ hạnh đã rời bỏ Ngài trước kia, đang ở tại vườn Nai (Lộc Uyển) – Benares (Ba La Nại) và lên đường đi đến đó.
1)- Bài pháp đầu tiên: Tại đây, bài pháp đầu tiên, bài giảng về Tứ diệu đế (Tứ thánh đế) được Ðức Thế Tôn chỉ bày rõ ràng. Nghe xong, Tôn giả Kodanna (Kiều Trần Như) chứng quả Tu Ðà Hoàn.
Ðức Thế Tôn đã thu nhận năm Tôn giả làm các đệ tử xuất gia đầu tiên – và thế là ngôi Tam bảo đã được hình thành.
Ðể đánh dấu sự kiện đáng ghi nhớ này, về sau người ta đã biểu trưng nó với hình ảnh bánh xe với 2 con nai hai bên. Hai con nai biểu tượng cho địa điểm thuyết pháp (Lộc Uyển) và bánh xe Dhamma Cakka tức là bánh xe pháp (Pháp luân). Cả đầu đề bài kinh được giảng là: Dhamma Cakkappavattana, có nghĩa là Chuyển Pháp Luân (chuyển bánh xe pháp).
2)- Nội dung kinh Chuyển Pháp Luân: Ðức Thế Tôn mở đầu bằng lời khuyên các tu sĩ không nên mắc vào hai cực đoan: một là đam mê thú vui dục lạc thế gian, vì nó giả tạm, nhất thời, tầm thường, ngăn cản mọi tiến bộ tâm linh; cực đoan thứ hai là khổ hạnh ép xác, nó làm mỏi mệt tinh thần, mê mờ trí tuệ. Và Ngài khuyến tấn họ nên theo con đường trung đạo dẫn tới một cuộc sống thanh tịnh, trí tuệ, sáng suốt, giải thoát tối hậu. Ðó là con đường đạo tám nhánh – Bát chánh đạo: 1- Chánh tri kiến: thấy biết chân chánh. 2- Chánh tư duy: suy nghĩ chân chánh. 3- Chánh ngữ: nói năng chân chánh. 4- Chánh nghiệp: hành động chân chánh. 5- Chánh mạng: sinh sống chân chánh. 6- Chánh tinh tiến: siêng năng chân chánh. 7- Chánh niệm: nhớ nghĩ chân chánh. 8- Chánh định: tập trung tư tưởng chân chánh.
Và Bốn thánh đế được Ðức Phật giảng tiếp theo, đó là chân lý về sự Khổ (Khổ đế), chân lý về nguyên nhân của sự Khổ (Tập đế), chân lý về sự diệt Khổ (Diệt đế) và chân lý về con đường diệt Khổ (Ðạo đế).
Sau khi nghe Ðức Thế Tôn giảng bài pháp thứ hai có đầu đề Anttalakkhana Sutta bàn về thuyết Vô ngã (không có cái ta), rằng năm uẩn là vô thường, nếu ai thoát khỏi tham ái thì ra khỏi tái sanh, được giải thoát; năm Tôn giả Kodanna (Kiều Trần Như), Bhadhya (Bạt Ðề) , Vappa (Ðề Bà) , Mahanama (Ma Ha Nam) và Asaji (Ác Bệ) lần lượt chứng quả A La Hán.
Bấy giờ là tháng Vesàkha (giữa tháng 4 và 5 dương lịch), đầu mùa kiết hạ, Giáo hội của Ðức Thế Tôn an cư mùa mưa đầu tiên tại đây.
3)- Giáo hóa Yasa (Da Xá): Gần Benarès, có con trai của một người triệu phú tên là Yasa. Chán cuộc đời xa hoa phú quý tầm thường vô vị của thế gian, chàng tìm đến Ðức Phật; sau khi nghe pháp đã xin xuất gia và chẳng bao lâu chứng quả vị A La Hán. Cha của Yasa trên đường đi tìm con cũng đến vườn Nai thính pháp và xin quy y. Ông trở thành đệ tử tại gia đầu tiên của Ðức Phật. Tại nhà của Yasa, mẹ và vợ của chàng cũng quy y Tam bảo. Bốn người bạn thân của Yasa là Vimàla (Tỳ Ma La), Subhàhu (Tu Bà Hầu), Punnaji (Phú Lan Ca Na) và Gavàmpati (Già Bà Bạt Ðế) cũng như hơn 50 bạn khác từ các gia đình và địa phương gần xa nghe tin Yasa xuất gia, cũng lạy cha mẹ, từ giã gia đình xin theo chân Ðức Phật, và sau một thời gian đều đắc Thánh quả.
4)- Ðoàn Tăng sĩ thuyết pháp đầu tiên: Lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn đã có 60 người đệ tử đều là A La Hán. Ngài quyết định đưa họ đi khắp nơi để truyền bá chánh pháp. Trước khi họ lên đường, Ngài đã động viên, kêu gọi các đệ tử rằng: “Hỡi các Tỳ kheo! Như Lai đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian và xuất thế gian, các ông cũng vậy… Này các Tỳ kheo, hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp. Này các Tỳ kheo, chánh pháp toàn thiện ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn. Hãy tuyên bố về cuộc sống toàn thiện và thanh tịnh… Chính Như Lai cũng đi, Như lai sẽ đi về hướng Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) ở Sanànigàma để hoằng dương giáo pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ” (Mahavagga – Ðại Phẩm 19, 20).
Ðức Phật không khuyên tất cả mọi người nên rời bỏ đời sống gia đình để xuất gia, trở thành người sống không nhà cửa, không tài sản, sự nghiệp. Một người cư sĩ cũng có thể sống đời cao đẹp thích ứng với giáo pháp và đắc quả Thánh. Cha mẹ và vợ của Yasa là những người tu tại gia đầu tiên bước theo dấu chân của Ðức Phật, tất cả đều tiến triển đầy đủ về tinh thần và thành tựu đạo quả Tu Ðà Hoàn.
Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, Ðức Phật và 60 người học trò chứng quả A La Hán tổ chức thành một Tăng đoàn những tu sĩ khất thực, không có trụ xứ nhất định, không có của cải vật chất nào khác ngoài tấm áo vàng che thân và một bình bát để khất thực nuôi thân. Trong mưa nắng, trong sương gió, làng mạc hay phố thị, rừng núi hay đồng hoang đều có dấu chân của những con người thuyết giảng về đạo lý cứu khổ và đời sống thánh hạnh, và tự mình nêu gương sáng về cuộc sống thanh tịnh và giải thoát. Ðó là sự nghiệp, là nội dung chủ yếu của Tăng đoàn đầu tiên do Ðức Thế Tôn đích thân thành lập và chỉ đạo.
Có thể nói, đây là sự khởi đầu của Giáo hội Phật giáo.
Trích: Lịch sử Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni
(từ Thành đạo đến nhập Niết bàn)
Gia Tuệ