Một bác sĩ trẻ ở Tokyo tên Kusuda gặp một người bạn học chung ở đại học đang học thiền. Chàng bác sĩ trẻ hỏi thiền là gì.
“Tôi không thể nói với anh nó là gì,” người bạn trả lời, “nhưng tôi chắc một điều là, nếu anh hiểu thiền, anh sẽ không sợ chết.”
“Được,” Kusuda nói. “Thôi sẽ thử. Làm sao tôi tìm được một vị thầy?”
“Đến gặp thiền sư Nan-in,” người bạn nói.
Kusuda đến thăm Nan-in. Anh ta mang theo một con dao 2 tấc rưỡi để thử xem thiền sư có sợ chết không.
Khi Nan-in thấy Kusuda ông nói to: “Chào, bạn quý. Khỏe không? Lâu quá không gặp.”
Kusuda lấy làm lạ, mới trả lời: “Chúng ta chưa gặp nhau bao giờ!”
“Phải rồi,” Nan-in trả lời. “Tôi nhầm anh với một người bác sĩ khác đang học thiền ở đây.”
Với phút đầu tiên như vậy, Kusuda mất cơ hội thử thiền sư, vì vậy bất đắc dĩ anh mới hỏi thiền sư cho học thiền.
Nan-in nói: “Thiền không phải là việc khó. Nếu anh là bác sĩ, hãy chữa bệnh với lòng nhân ái.”
Kusuda thăm Nan-in ba lần. Mỗi lần Nan-in đều bảo một điều duy nhất. “Bác sĩ không nên tốn thời giờ ở đây. Đi về và chăm sóc bệnh nhân.”
Kusuda vẫn không rõ là tại sao các lời dạy như thế có thể làm người ta hết sợ chết. Vì vậy trong lần thăm thứ tư, anh phàn nàn: “Bạn tôi nói khi người ta học thiền người ta hết sợ chết. Mỗi lần tôi đến đây thầy chỉ bảo tôi lo cho bệnh nhân của tôi. Chuyện đó tôi biết rồi. Nếu thiền của thầy chỉ có vậy, tôi sẽ không đến đây học thầy nữa.”
Nan-in mỉm cười và vỗ vai chàng bác sĩ. “Tôi đã quá khắt khe với anh. Để tôi chỉ cho anh một công án.” Thiền sư nói cho Kusuda nghe công án Không của Thiền sư Joshu, là công án đầu tiên để làm sáng tỏ trí óc trong sách Vô Môn Quan.
Kusuda suy nghĩ về công án Không trong hai năm. Cuối cùng chàng cảm thấy tâm mình đã vững chải. Nhưng thiền sư bình phẩm: “Anh vẫn chưa vào bên trong.”
Kusuda tiếp tục tập trung tư tưởng thêm một năm rưỡi nữa. Tâm của chàng trở nên tĩnh lặng. Các vấn đề tan biến. “Không” trở thành chân lý. Anh chăm sóc cho bệnh nhân rất tử tế và, dù là không biết chuyện đó, anh đã thoát khỏi lo âu về sống hay chết.
Và khi anh đến thăm Nan-in, vị thầy chỉ mỉm cười.
Bình:
• Chỉ nhờ hỏi thăm vui vẻ lần gặp nhau đầu tiên mà Thiền sư vô tình làm tiêu đi ý định dữ dằn.
• Tinh yếu của thiền là “Hãy chăm sóc cho bệnh nhân tử tế.” Tức là: (1) Hãy làm những việc hàng ngày (2) với từ tâm (3) đối với người khác.
Vì là tinh yếu cho nên lần nào Thiền sư cũng lập đi lập lại bao nhiêu đó.
• Nhưng vì chưa đủ trí tuệ để hiểu Thiền là sống như thế, cho nên trò phàn nàn, và Thiền sư mới nói “thầy quá khắt khe”, rồi cho trò xuống cấp thấp hơn một tí, học công án vậy.
• Công án Joshu’s Mu là “Cái không của Triệu Châu.” Joshu là tên tiếng Nhật của thiền sư Trung quốc Triệu Châu. Công án này còn được gọi là “Con chó của Triệu Châu” và như thế này:
Một vị sư hỏi Triệu Châu.
“Con chó có Phật tánh không?”
Triệu Châu trả lời: “Không”
Mu trong tiếng Nhật là Vô trong tiếng Trung, và Không trong tiếng Việt. Mu còn có âm như tiếng sủa của chó.
Mọi sinh linh, kể cả chó, đều có thể thành Phật một lúc nào đó, tức là đều có Phật tánh.
Nhưng Phật tánh là gì? Là “Không”. Đây không phải là “không có” mà là “Không” của Bát Nhã Tâm Kinh: “Khi Bồ tát Quán-tự-tại thực hành trí tuệ Bát Nhã thâm sâu, thấy rõ năm uẩn là Không, ngài liền vượt qua mọi khổ nạn.”
Suy tư về “Vô” cũng là suy tư về “Không”, và dù là đi đường vòng, cũng sẽ đưa ta đến đích—tâm tĩnh lặng, các vấn đề tan biến, “Không” trở thành chân lý.
• Tóm lại: Suy tư về “Không” là đi đường vòng của Thiền.
Đường trực tiếp của Thiền là “Sống bằng từ tâm với mọi người, hàng ngày.”
(Trần Đình Hoành)