Đại thi nhân Bạch Cư Dị có lần hỏi thiền sư Duy Khoan:
– Thân khẩu ý làm sao tu hành mỗi cái?

Duy Khoan đáp:

– Vô thượng Bồ-đề mặc nơi thân là luật, nói nơi miệng là pháp, hành nơi tâm là thiền. Ứng dụng thì có ba, nhưng chỉ là một thể. Như sông Hoài sông Hán, tuy tên khác nhau mà tánh nước chỉ là một. 

Luật tức là pháp, pháp không lìa thiền, hợp thân khẩu ý thành một mà tu, thân khẩu ý đều do tâm đặt tên, cớ sao ở trong đó khởi tâm phân biệt?

– Nếu không phân biệt, làm sao tu tâm?

– Tâm vốn không thương tổn, vì sao phải tu? Nên biết rằng không luận là dơ hay sạch, tất cả đều không được khởi niệm.

– Dơ, có thể lau chùi, không được khởi niệm; sạch, không khởi niệm được chăng?

– Như tròng mắt không thể dính vật, mạt vàng tuy quý, rơi vào mắt cũng xốn như thường; mây đen che bầu trời, mây trắng cũng như thế.

– Không tu, không nghĩ thì đâu khác phàm phu.

– Phàm phu ở mãi trong vô minh, Nhị thừa thường chấp trước, lìa hai bệnh vô minh và chấp trước này, đó là chân tu. Người chân tu không được tinh tấn cũng không quên lãng. Tinh tấn kẹt vào chấp trước, quên lãng rơi vào vô minh. Đó là tâm yếu vậy.

Bạch Cư Dị nghe xong tỉnh ngộ, sau trở thành hành giả thực tiễn trong Phật giáo.

ST