Tu-bồ-đề là đệ tử của Phật Thích Ca. Sư có thể hiểu được uy lực của Không, quan điểm rằng không có gì hiện hữu ngoại trừ trong liên hệ chủ quan và khách quan của nó.
Ngày nọ Tu-bồ-đề đang ngồi dưới gốc cây, trong trạng thái hoàn toàn của Không, hoa bắt đầu rơi quanh ông.
“Chúng tôi ca ngợi ngài về đàm luận của ngài về Không,” các vị Phạm thiên thì thầm với ông.
“Nhưng tôi đâu có đàm luận gì về Không,” Tu-bồ-đề nói.
“Ngài đã chẳng đàm luận gì về Không, chúng tôi đã chẳng nghe gì về Không,” các Phạm thiên trả lời. “Đó chính là Không.” Và hoa rơi trên Tu-bồ-đề như mưa.
Bình:
• Cảnh “mãn thiên hoa vũ” (mưa hoa đầy trời) nầy thường xảy ra trong kinh Phật, thông thường là khi Phật Thích Ca hay một vị Bồ Tát nào đó dạy một “pháp” lớn.
• Phạm thiên, lấy từ chữ Brahman trong Ấn giáo, là vua của một cõi trời.
• “Quan điểm rằng không có gì hiện hữu ngoại trừ trong liên hệ giữa chủ quan và khách quan của nó” tức là:
– Chẳng có điều gì hiện hữu một cách cố định.
– Mọi điều ta thấy đều phù du như những lọn sóng nổi lên và mất trên mặt biển. Đó là cái nhìn chủ quan và tương đối của ta.
– Nhưng mọi thứ đều có một bản thể chung, thường hằng, tuyệt đối gọi là Không, như là biển nước thì thường hằng nhưng sóng thì phù du.
“Không” là bản thể khách quan, tuyệt đối của vạn vật.
Bản thể Không này không thể diễn tả bằng ngôn từ được, vì ngôn ngữ là tương đối và chủ quan, không thể dùng để diễn tả tuyệt đối và khách quan.
• “Ngày nọ Tu-bồ-đề đang ngồi dưới gốc cây, trong một trạng thái hoàn toàn của Không”: Không cũng là trạng thái của Tâm tĩnh lặng hoàn toàn, không hề có một gợn sóng.
Khi tâm ở “trong một trạng thái hoàn toàn của Không” thì tâm biết Không, nhưng chẳng thể nói về Không, vì Không là tuyệt đối, mà nói là rơi vào ngôn ngữ tương đối.
Cho nên: “Ngài đã chẳng đàm luận gì về Không, chúng tôi đã chẳng nghe gì về Không.”
Và “Đó chính là Không.”
(Trần Đình Hoành)