Ký túc xá Trường Cao Đẳng Sư Phạm không phải tồi. Thậm chí còn rất khang trang so với nhiều ký túc xác khác. Từ đây lội bộ ra bãi biển thơ mộng chỉ chừng trăm mét, tha hồ mà hóng gió trong lành. Ấy nhưng, cuộc sống ở ký túc xá quá phức tạp, ồn ào dường như không chịu ngơi nghỉ, lại thường xảy ra những vụ cầm nhầm lấy lộn không chịu trả… Tôi và Hương, Lý, Thanh họp bàn với nhau, quyết định chung tiền tìm nhà trọ ở ghép ở riêng.
Đến hỏi mấy “Trung tâm dịch vụ môi giới nhà đất”, thực chất là mấy ông cò nhà đất trương bảng hiệu dao to búa lớn cho oai, nơi nào cũng giới thiệu các loại phòng cho thuê ở xa trường, ở trong hóc hẻm, hoặc giá cả trời ơi có thể làm cháy hết túi của sinh viên sống xa nhà. Nửa tháng hỏi han dò tìm cả trên mạng ảo, vẫn chưa ra chỗ trọ ưng ý, may nhờ gặp thầy Bửu khoa Toán chỉ cho biết một nơi cho thuê nhà ở cách trường khoản mười phút tản bộ. Thầy báo trước:
“Chỗ này mấy tháng trước thầy thuê để dạy thêm mùa ôn thi, rất rộng rãi, chủ nhà vui vẽ hoà nhã, giá cả cũng hợp lý. Chỉ có điều . . . nhà nằm trong hẻm, trúng cái xóm dân cư ô hợp, có tiếng là dữ dằn, con nít nhiều vô kể và phá như giặc, cho nên thầy mới trả nhà trước thời hạn ghi trong hợp đồng. Các em nhắm có chịu nổi thì đến thuê mà trọ!”
“Tụi em đóng cửa ngủ một giấc tới sáng dậy, đừng đụng chạm ai thì chẳng ai đụng chạm mình. Miễn là tiện nghi, thoải mái, giá cả vừa phải là mát hết thầy ạ!” Con nhỏ Hương lung liếng thưa với thầy.
Nhóm chúng tôi thuê được căn nhà nhỏ ấy, đứa nào cũng ưng bụng. Tám trăm nghìn đồng một tháng, chia đều cho bốn đứa thật là rẻ. Bà chủ nhà mập phục phịch lúc nào cũng tươi cười vói chúng tôi, lại rất tế nhị và lịch sự. Bà rút lên ở trên gác, tụng kinh gõ mõ ngày hai buổi, đi chùa mỗi tháng có lẽ đủ ba mươi ngày. Không biết bà làm cái chuyện đệ nhất khoái hằng ngày ở đâu mà không hề bước chân xuống bếp, cũng chẳng thấy con cháu tử tôn nào đến thăm hỏi. Thỉnh thoảng mới thấy một vài người bạn già đến rủ đi hành hương, đi thọ bát quan trai giới ở các chùa xa xa. Chúng tôi đã dặn dò, nhắc nhở nhau là không tò mò tọc mạch chuyện người khác, không sờ mó đụng chạm gì đến chuyện nhà cửa bất cứ ai cho yên chuyện. Bà chủ dường như yên tâm, tin tưởng giao cho nhóm quán xuyến trông coi nhà cửa, lau chùi quét dọn bàn thờ Phật hằng ngày, chưa hề có một lời phàn nàn la mắng. Chỉ căn dặn chúng tôi một điều lúc mới đến trọ:
“Ở cái xóm này phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ điệu bộ khi giao tiếp với hàng xóm. Càng ít giao thiệp càng tốt, nhưng phải hoà nhã, nhún nhường mỗi khi tiếp xúc với bất cứ người nào. Các cháu sống lâu rồi mới hiều được, mới phân biệt được đâu là thiện là ác, là đúng là sai, là hoa sen là sình bùn. Trong ác có thiện, trong đúng có sai, trong bùn có sen, không thể trong nhất thời mà khẳng định phải trái thối thơm!”
Giọng vui vui, trong trẻo và rõ ràng từng tiếng của bà chủ đã đi nhanh, thấm nhanh, và loang nhanh vào trong bộ nhớ của nhóm sinh viên chúng tôi, cứ y như một chúng sanh đón nhận những lời thuyết pháp một cách hoan hỷ. Chúng tôi nhắc nhau, dặn nhau hãy nhớ lấy lời của thầy Bửu, của bà chủ nhà, để sống được nơi trọ này cho lâu dài . . .
Nhà sát vách bên phải nơi chúng tôi trọ là căn hộ đầy đủ tiện nghi của hai vợ chồng anh Thứ, cùng làm nhân viên bưu cục, ít thấy ở nhà, cửa đóng im ỉm suốt ngày, chỉ nghe động đậy về chiều đến tối. Nghe nói vợ chồng anh Thứ xưa nay sống khép nép, ít giao tiếp với hàng xóm. Hai đứa con còn nhỏ được gởi bán trú ở trường, chiều về nhà ăn cơm xong là rút vào trong phòng học hành, chẳng thấy ra ngoài vui chơi với bọn nhóc trong xóm. Chúng tôi chỉ trò chuyện được vài lần với chị Thứ, rất ngắn ngủi, mỗi lần chị ấy bước qua xin nước về dùng vì bên nhà chị nước máy bị cúp, còn bên chúng tôi thì nước giếng thả gàu múc quanh năm.
Nhà sát vách bên trái là nhà của vợ chồng anh Long làm ở điện lực, chị vợ nội trợ chăn con mới vừa tuổi thôi nôi nên thấy chị rất rảnh rang tha hồ mà ngồi hẻm trên xóm dưới để tán gẫu xoi mói chuyện thiên hạ. Chúng tôi đều rất e dè ái ngại khi chị ta qua nhà bắt chuyện thăm hỏi. Có lẽ vì nhận biết lũ con gái sinh viên nói chuyện phán phèo, không một chút hào hứng, nên chị ta không hứng thú qua nhà gợi chuyện nữa. Vậy mà khi thấy chị Vân nhà ở trong cuối hẻm đến ngồi chơi, trò chuyện hình sự trinh thám, chị vợ anh Long liền chặn chúng tôi lại vào lúc sáng sớm, hạ giọng:
“Tụi mày có đui, có điếc hay không mà giao du với con mẹ Vân Ròm hả? Con mẹ đó làm “hẻo” đó. Mấy chị em gái trong nhà đều làm nghề bán trôn nuôi miệng. Chơi với hạng người đó mang tiếng lắm, có ngày bị rủ rê lôi kéo thì coi như tiêu đời sinh viên với sinh tật luôn!”
Có vài người khác cũng đã đến gặp chúng tôi đã cảnh báo chuyện chị Vân làm nghề hư thân mất nết, không nên giao du thân mật, càng không nên cho “con hẻo” ấy vào trong nhà để khỏi bị mất đồ đạc. Nghe người ta lên án chị Vân, cả nhóm chúng tôi thoạt tiên có kinh sợ, nhưng rồi đứa nào cũng bình thản trở lại sau vài lần cùng ngồi tâm sự với người phụ nữ hồng nhan bạc phận ấy. Khi ngồi chụm lại thủ thỉ với nhau về chuyện chị Vân, con nhỏ Hương ít nói nhất mà phải nói:
“Tụi mình là vàng thiệt thì đâu có sợ lửa. Mỗi người có một hoàn cảnh, phải gánh chịu một số phận, chắn chắn chị Vân đã không hề muốn phải hành nghề xấu xa nhơ nhớp để sinh sống. Hãy gạt bỏ nghề ngỗng qua một bên, mình chỉ đối xử giữa con người và con người với nhau thôi, thì có gì phải sợ phải lo chứ?”
Con nhỏ Lý đồng tình, ôm nhỏ Hương thân tình:
“Đúng với ý tao. Tao thấy chị Vân qua đây nói chuyện với tụi mình đàng hoàng, không phải văng tục chửi thề, cũng không hề nói chuyện yêu đương trai gái, trăng gió mây mưa, mà chỉ tán gẫu về cách làm đẹp, thời trang của phải yểu điệu thục nữ. Nghỉ chẳng có gì phải xa lánh chị ấy!”
Nhỏ Thanh tiếp lời:
“Còn chuyện sợ ăn cắp… cũng khéo lo. Không lẽ tụi mình bốn đứa có mười sáu con mắt to mà lại để cho chị ấy vào đây cuỗm đồ đạc không biết sao?”
Đứa nào cũng có tình có lý, có ý bênh vực cho chị Vân, nên cả nhóm nhất trí cứ thân mật giao tiếp với người phụ nữ mà cả xóm cho là mất nết hư thân kia. Miễn là chị ấy chơi một cách đàng hoàng, và quan trọng là đừng có . . . mượn tiền. Mượn vay tiền của sinh viên sống xa nhà, ở trọ thì khổ lắm.
Vậy mà chị ấy qua nhà mở miệng mượn tiền mới chết!Hôm ấy đầu tháng, chị Vân than rằng không chạy được ra tiền để mua bút, vở tập cho hai thằng con trai, lại phải đóng tiền cơm nước chung với gia đình. Nhỏ Lý nháy mắt ra hiệu với tôi, tôi háy nhỏ Thanh, nhỏ Thanh ngắt mông nhỏ Hương, nhắc nhau cảnh giác. Nhưng rồi nhìn bộ mặt sầu thảm, nghe tiếng thở dài thậm thượt của chị Vân, cả nhóm bèn hùn tiền lại cho đủ hai trăm nghìn đồng, nhắm mắt cho chị ấy mượn đại. Nhỏ Lý còn sốt sắng lục lọi rương gỗ đem ra tặng cho chị ấy mấy tập vở chưa dùng đến. Chị Vân rưng rưng nước mắt, khó khăn lắm mới nói lời cảm ơn chúng tôi.
Một tuần lễ sau, đúng hẹn, chị Vân đem tiền qua trả đủ. May tôi dặn trước nên không có đứa nào dại dột mở miệng hỏi chị ấy kiếm ở đâu ra tiển mà trả. Chúng tôi sợ bị nghe phải câu trả lời phũ phàng nhưng rất thật: “Đi khách!”. Chị Vân còn mua cho bốn bị chè đậu trắng nước dừa để cả nhóm “bồi dưỡng”. Chị trầm ngâm nói:
“Chỉ có mấy em mới dám cho chị vay tiền. Ở xóm này ai cũng chạy mặt chị rồi. Cho nên chị phải giữ chữ Tín, giữ cái hậu để lỡ ngày mai con cái có bệnh hoạn thì còn có cửa mà cầu cứu!”
Sau đó, thấy thương hoàn cảnh của chị đơn thân nuôi con nhỏ dại, nhóm chúng tôi đã hớn hở nhận dạy kèm Toán cho thằng con trai lớn đang học lớp 4 vì nó mất căn bản do chuyển trường hai lần, kèm cho thằng nhỏ em học lớp 2 chữ xấu như cua bò gà bới. Chị nghe vậy mừng lắm, cảm động lắm, liền hứa sẽ trả thù lao đàng hoàng. Nhưng nhỏ Hương đã xung phong nhận kèm không lấy một xu nào của chị ấy.
… Nhóm chúng tôi giao du với chị Vân đã lâu, vậy mà chớ hề nghe bà chủ nói tiếng nhỏ tiếng to, làm tôi ngạc nhiên, và lựa lúc thuận tiện dò hỏi, bà cười phúc hậu nói:
“Dì đã nói rồi, có giao tiếp nhiều lần mới nhận ra cả hai mặt phải trái, tốt xấu. Mấy cháu nếu xa lánh chị Vân cũng tốt thôi, chẳng ai dám chê trách. Mà các cháu thân mật tiếp xúc cũng tốt thôi, không ai được quyền cấm cản. Con nhỏ Vân coi vậy mà được. Cũng vì nhà nghèo quá, hoàn cảnh ép buộc nên phải đem thân trao vào cửa ô uế. Nhưng hãy nhìn hai đứa con trai của nó xem. Cả hai thằng nhỏ đều ăn học đàng hoàng, nói năng có phép có lễ, không nghịch phá ai, và rất thương mẹ, rất có hiếu với mẹ. Thử hỏi có mấy ai bị chồng bỏ rơi, một mình chân yếu tay mềm phải cưu mang hai con nhỏ, lại vượt qua được, lại lo toan đầy đủ cho con cái được đến trường chứ nhất định không chịu để chúng lêu lỏng, trở thành những đứa du côn mất dạy đá cá lăn dưa, hoặc phải suốt ngày lang thang với xấp vé số trên tay khắo các nẻo đường? Mấy ai làm được như nó?”
Nghe biết thêm hoàn cảnh của chị Vân, cả nhóm chúng xót xa cảm động. Dường như khoảng cách giữa chúng tôi và chị Vân không còn nữa. Chính nhờ nhóm chúng tôi chủ động xít lại mà chị Vân mới cởi mở, mạnh dạn hơn khi tâm sự chuyện trò. Chị ấy đã khóc, những giọt lệ làm bỏng những trái tim bé nhỏ, khuyên chúng tôi:
“Các em có đủ cha đủ mẹ, có gia đình chu cấp lo toan, thì hãy dốc hết tâm sức ra mà học cho tới nơi tới chốn. Nhất là phải biết giữ lấy mình, con gái sống xa nhà, tuổi mới lớn còn lắm bồng bột tò mò, rất dễ sa vào cạm bẫy cuộc đời. Đời chị xem như đã bỏ đi, cố vớt vát được chút gì thì cứ vớtt vát, chỉ còn cách dồn hết mọi thứ mà lo cho hai thằng nhóc học hành, tuyệt đối và nhất quyết không để tụi nó hoá ra thứ ngu dốt, thứ lưu mạnh để thiên hạ khinh khi chê bai đàm tiếu của người đời, để cho con cái chị được hưởng những lời khen tụng chúc mừng trong tương lai. Ôi, tương lai … dù còn xa xăm mơ hồ nhưng chị vẫn giữ vững niềm tin. Sống mà không còn niềm tin thì chẳng làm trò trống gì được đâu mấy em ơi…
Tiếng “ơi” sau cùng của chị Vân kéo dài ra nghe nẫu ruột xé lòng. Nó chưa phải là dấu chấm hết của một bài học, nhưng nó đã đọng lại trong tim tôi, trong trí nhớ của tôi, và của các bạn cùng nhóm, để lâu lâu lại vang lên, dội lên suốt quãng đường mà chúng tôi bước đi.
Hợp rồi tan. Thời gian thấm thoăt trôi qua ba năm, đã đến lúc nhóm sinh viên chúng tôi rời khỏi nhà trọ để về lại quê nhà , tìm việc sau khi tốt nghiệp. Chưa biết đến bao giờ tôi mới có đủ duyên lành để quay lại thăm cái xóm dữ dằn ấy, nghe lại tiếng chuông mõ kinh kệ của bà chủ nhà trọ, và gặp lại để nghe tiếng “ơi” của người phụ nữ hư thân mất nết có tên là một đám mây lãng đãng phiêu bồng…
Nguyện cầu cho chị Vân cùng hai đứa con có được một cuộc sống ấm êm và tươi sáng hơn.
Cư sĩ Vĩnh Hữu