Khi Phật còn tại thế, có ông Bà La Môn ưa bố thí cúng dường. Nhà ông tổ chức lễ cúng trai tăng, nhưng ông chỉ thỉnh các vị tỳ kheo già, càng già càng tốt. Vì già là tu hành nhiều năm, đạo cao đức trọng, cúng dường mới được nhiều phước. Còn những thầy tỳ kheo nhỏ tuổi, mới xuất gia, đạo đức chưa có là bao, nếu cúng dường thì được ít phước. Nhất là các chú sa di tuổi nhỏ, lắc xắc, không có oai nghi, ưa chơi giỡn cười thì có phước đâu bồi đắp cho thí chủ.

Một hôm, nhà ông Bà La Môn thiết trai. Để phá quan niệm sai lầm của ông, các vị sa di đã chứng quả A La Hán, hóa làm các vị tỳ kheo già, chân đi không vững, phải chống gậy, râu tóc bạc phơ. Ông Bà La Môn thấy, ra tận ngõ mời vào, lễ bái trông rất cung kính. Chặp sau, các tỳ kheo già đó bỗng biến ra trẻ, ông Bà La Môn giựt mình đến hỏi, “Vì sao quý Ngài trước thấy già mà bây giờ lại trẻ?”

Các vị sa di nói, “Trưởng lão không phải tóc bạc, mặt nhăn là trưởng lão. Trưởng lão là những người đã chứng thánh quả mới gọi là trưởng lão.” Ông Bà La Môn xin sám hối. Và khi dọn thức ăn lên thì chư vị sa di không ăn vì đã thuyết pháp trước khi ăn, cho nên thức ăn trở nên bất tịnh. Ông Bà La Môn thưa, “Bây giờ thức ăn này nên xử trí làm sao?”

Chư vị sa di nói, “Nên đổ chỗ nào không có côn trùng. Không có ai ăn mà tiêu được, vì thức ăn này của các bậc Thánh.”

Ông Bà La Môn làm theo. Khi đổ cơm, ông thấy bốc lửa phực cháy. Từ đó, ông bỏ quan niệm cúng dường mà còn phân biệt.

Cúng dường cầu phước đức
Không nên có phân biệt.
Bình đẳng mà bố thí
Công đức thật vô biên.

Trích trong “Góp nhặt lá Bồ Đề” / Thích Tịnh Nghiêm