Kinh Di Ðà có nói tới 16 vị đại đệ tử của đức Phật, trong số ấy có tôn giả Bạc Câu La. Ngài cao lớn tráng kiện, nghi dung trang nghiêm đẹp đẽ, đó là vì trong những đời quá khứ ngài không hề sát hại một sinh linh nào. Nhờ thiện nghiệp ấy nên trong 91 đời ngài không bệnh hoạn, từ nhỏ tới già không ngã bệnh một lần nào. Không những thế, ngài còn có cái phúc đức là không bao giờ chết vì năm loại tai họa, cũng gọi là “năm loại bất tử”. Thế nào là năm loại bất tử ?
1. Không vì thiên nhiên chuyển hóa như núi lở hay đất nẻ mà chết.
2. Không bị lửa dữ thiêu cháy, không bị nước lớn nhận chìm.
3. Không gặp đạo tặc hãm hại.
4. không bị ngăn cấm bởi lệnh vua.
5. Không bị đao binh, chiến tranh làm thiệt mạng.
Tôn giả Bạc Câu La có thiện nghiệp và phúc báo ấy, ai được thấy ngài hay nghe nói đến ngài cũng phải cung kính và tán thán. Ngài tu hành tinh tiến, thường thường ngồi kiết già, đoan nghiêm bất động. Khi ngài tọa thiền dưới gốc cây, không bao giờ do vì cảm thấy mệt mỏi mà tựa vào thân cây. Cũng thế trong các phòng thất, ngài cũng không bao giờ ngồi tựa vào các tường, vách. Trên phương diện chuyên cần tu tập cũng không ai bằng ngài, và khó hơn nữa, ngài có đầy đủ biện tài vô ngại, có thể thuyết giảng cặn kẽ tất cả các diệu pháp. Thế nhưng ngài không thường thuyết pháp cho đại chúng, luôn luôn giữ thái độ tĩnh mặc, vô ngôn. Ðiều ấy khiến cho nhiều người lấy làm kỳ dị, đã có tài thuyết pháp thì tại sao lại không thuyết ?
Vì thế một hôm tôn giả A Nan mới hỏi ngài rằng :
– Tôn giả Bạc Câu La ! Tại sao ngài lại không tuyên thuyết diệu pháp cho đại chúng nghe ?
Tôn giả Bạc Câu La bèn trang trọng trả lời rằng :
– Nói nhiều chưa chắc đã được người ta tin nghe. Dẫu cho lời nói của mình câu nào cũng đáng giá ngàn vàng, thế nào cũng có người lại thấy rằng lời mình nói ra làm nhiễu động tâm họ. Tôi thường thường đắc được pháp lạc trong cảnh tịnh tĩnh, cho nên tôi muốn mọi người cũng được như thôi, hưởng pháp lạc trong sự tĩnh lặng.
Tôn giả Bạc Câu La không những rất chuyên tâm trong việc an tọa tham thiền, mà trong việc tu trì công đức nhẫn nhục thì lại càng cao quý hơn : bị người đánh đau, ngài không những không trả đũa mà còn không khởi tâm sân hận. Bị người hãm hại, đã không phục thù, ngài cũng không hề oán trách người. Cũng như bị người chửi mắng, ngài cũng có thể nhẫn nhục chịu đựng. Ðược lợi, bị suy thoái, bị hủy báng, được danh dự, được khen ngợi, bị chế nhạo, được sung sướng hay khổ đau, tám loại “gió” (bát phong) ấy không thể làm cho ngài động tâm hay phiền não. Công phu tu dưỡng của ngài thật xứng đáng cho chúng ta muôn đời kính phục và tôn trọng.
Trích “Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn” / Việt dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh