Thuở xưa có một người ngu. Một hôm, hắn đi thăm người bà con ở rất xa. Đến nơi, chủ nhà đón tiếp hắn rất ân cần niềm nở, lại còn nấu những món ăn ngon để tiếp đãi;nhưng khi nấu thức ăn, chủ nhà quên nêm muối nên các món ăn đều bị lạt. Hắn vừa nếm liền nói với chủ nhà:
– Hôm nay, anh nấu thức ăn đều là những món đắt tiền, tiếc là hơi lạt nên mất ngon.
Chủ nhà vội vã đáp:
– Ồ, xin lỗi! Tôi quên nêm muối.
Chủ nhà liền xuống bếp đem muối lên nêm vào các món ăn rồi trộn đều; sau đó mời khách nếm thử, mỗi món ăn đều rất vừa miệng, ngon tuyệt vời. Hắn hỏi chủ nhà:
– Anh nêm thứ gì mà làm cho thức ăn ngon tuyệt vời thế?
Chủ nhà đáp:
– Tôi nêm muối.
Muối là gia vị chính trong các loại gia vị, cho nên nó làm cho thức ăn ngon. Hắn nghĩ: “Muối là món ăn ngon. Khi trở về ta mua muối ăn ngon hơn, khỏi phải nấu nhiều món ăn”. Vì thế, trên đường về hắn mua một bao muối, vừa về đến nhà hắn vội vàng mở ra, bốc một nắm bỏ vào miệng. Chao ôi! Mặn chát không chịu nổi. Hắn cho rằng mình bị người bà con chơi xỏ.
Bài học đạo lý
Kính thưa các vị! Mỗi người ở thế gian đều có trí thức của riêng mình, trí thức cũng có sâu cạn chẳng đồng; nó là vũ khí cải tạo mình và làm lợi ích cho người khác. Nếu như chúng ta dùng trí thức không thích hợp thì có thể tự hại mình và nguy hiểm cho xã hội, còn như biết dung hòa thì mới có thể phát huy hiệu lực và tác dụng; giống như thuốc hay mà uống khôngđúng bệnh thì biến thành thuốc độc.
Thí dụ này muốn nói đến người luôn thích ăn ngon và người keo kiệt không dám ăn, cả hai đều ăn uống không điều độ; chủ nghĩa hưởng thụ quá mức và khổ hạnh đều không cân bằng cuộc sống. Muôn sự ở thế gian cần phải ở mức độ vừa phải; nếu quá mức hoặc quá thấp thì có thể làm hỏng sự việc. Ví dụ, những người làm việc thiếu trách nhiệm có thể đời này họ không làm nên được gì; nhưng nếu có người chạy theo danh lợi không biết chán thì
cũng gây nên sự tranh chấp, tính toán mà tạo thành ác nghiệp; hoặc có người cả đời bôn ba xuôi ngược luôn bị phiền não trói buộc, cho đến nhiều đời nhiều kiếp trôi lăn trong luân hồi không dứt.
Trong thế gian, làm việc phải thích hợp thì lập nghiệp mới thành công. Dùng vật thích hợp mọi việc đều tốt đẹp, dùng người đúng việc thì họ đem hết tài năng ra phục vụ. Có thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì mọi việc đều thông suốt; nếu không thì việc gì cũng gặp chướng ngại. Sự vật ở thế gian đều phải dựa vào trí huệ của chính mình để vận dụng. Vì thế, Phật giáo là tôn giáo trí huệ, từ văn, tư, tu để chứng đắc. Nếu người biết tu hành thì nhiều đời kiếp hưởng phước báo chẳng hết.
Thưở xưa, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong thời kỳ tu nhân, Ngài nghe người khác đọc nửa bài kệ: “Các hành vô thường là pháp sinh diệt…” như được của báu, Ngài liền xả thân để đi cầu pháp, nhờ đó mà thành Phật.
Ngày nay, mọi người lại đem ba tạng kinh điển làm học vấn nghiên cứu, đọc nhiều mà không chịu thực hành, không nương theo pháp để tu; do đó, nói hưởng nhiều châu báu mà không được lợi ích của Phật pháp.
Các vị tổ sư trong Thiền tông thường dùng một lời hay nửa câu để khai ngộ trí huệ cho người tham học. Có người suốt đời ở trong thiền đường, vùi đầu trong kinh điển tham cứu. Vì sao họ không khai ngộ được? Cơ duyên, thiện căn, trí huệ, đối cơ, đối pháp, gặp duyên thì ứng; nếu không thì uổng phí công phu tu tập biết bao mà chẳng được gì. Cho nên, người thật tu dù hiểu một chút Phật pháp vẫn có thể được lợi ích, nhưng người không có căn lành, không duyên phận thì dù hiểu nhiều cũng chẳng được gì.
Có những người phạm pháp nói: “Một cân đức hạnh đáng giá bao nhiêu tiền?”. Họ cho rằng đạo đức, lương thiện không đáng một đồng xu. Nhưng đối với người tu hành mà nói thì đức hạnh là của báu vô thượng; giống như một đồ vật, có người xem như bảo bối, có người coi như cỏ rác; đây chính là cách nhìn của mỗi người có tác dụng hay không. Giống như những người tín ngưỡng Phật giáo nói: “Hiện nay, tôi không rảnh niệm Phật, cũng không có thời gian để tu hành; đợi con cái trưởng thành, tôi sẽ nỗ lực tu cũng không muộn”.
Một ngày hai mươi bốn giờ, thật sự chúng ta không rảnh một chút hay sao? Có phải chúng ta luôn nghĩ đến danh lợi đầy ắp trong đầu thì làm sao rảnh rang được!Người có tín tâm lấy Phật pháp làm của báu, người không có tín tâm xem Phật pháp làm trò tiêu khiển khi nhàn rỗi. Chúng ta có tu hành Phật pháp được hay không chính là chỗ này. Người có khả năng tu hành dù một chút cũng làm của quý, người không biết tu hành thì nghe nhiều lại trở thành sở tri chướng. Vì thế, chúng ta học Phật phải chuyển pháp luân, đừng bị pháp chuyển. Căn bản ý nghĩa câu chuyện là ở đây.
Biên soạn: Pháp sư Thánh Pháp
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
Hiệu đính: Thiện Thuận