Tại nước A Bàn Ðề (Avanti), trên đường đi du hóa, Ca Chiên Diên gặp một người đàn bà ôm một vò nước ngồi khóc nỉ non, bên bờ sông. Cảm thấy cảnh đáng thương, Ca Chiên Diên dừng bước hỏi:

“Tại sao lại khóc lóc thê thảm như thế? Hãy cho biết lý do, thử xem tôi có giúp được gì cho bà chăng?”

“Chắc ông không giúp được gì đâu?” Bà ta nói.

“Nếu không giúp vật chất, tôi có thể chỉ cho bà phương pháp giải quyết” Ca Chiên Diên từ tốn đáp.

“Ðời thật là bất công!” Bà nói: người giàu thì càng giàu thêm, dư ăn dư xài, kho lẫm tràn đầy. Ngược lại, người nghèo ngày càng xơ xác, đổ mồ hôi mà vẫn không đủ ăn. Cái khó lại bó cái khôn! Không có cách xoay xở. Tôi sinh ra trong gia đình nô lệ khốn cùng, từ khi chào đời đến nay, không lúc nào mà cái khổ không đeo đẳng. Vì thế, đến nay, tôi không còn sức chịu đựng, chỉ muốn đi tìm cái chết may ra mới hết khổ.

Ca Chiên Diên đáp:

Không cần khóc lóc, trong cuộc đời nầy đâu phải chỉ có bà nghèo. Thiên hạ, đa phần là người nghèo. Bà thử xem tại nước này có bao nhiêu nhà giàu. Với những thứ tiền của tràn đầy kho lẫm, chắc gì những người giàu đã là không khổ? Vì lòng tham ô không đáy, có một họ lại muốn 10. Lòng tham dục hành hạ con người ghê gớm lắm! Bởi thế, tuy nghèo, nhưng lòng không dơ bợn, biết vừa đủ, là thấy thoải mái hơn. Ðức Phật đã nói – “Người giàu tuy ở thiên đường cũng không vừa ý, người nghèo lại biết vừa đủ tuy nằm trên đất vẫn thấy an lạc”.

Ðó là lý thuyết thôi ông ơi! Bà ta nói, thực tế khác hẳn. Người giàu khác với kẻ nghèo. Vì muốn ăn là có ăn, muốn mặc là có mặc. Họ bỏ tiền ra là muốn chi cũng được. Còn nghèo như tôi suốt đời làm nô lệ, làm việc quần quật cả ngày mà đôi lúc còn bị roi vọt chửi rủa, thức từ 4, 5 giờ đến quá 12 giờ đêm mà cơm không đặng no, áo rách tả tơi, đúng là nghèo truyền kiếp! Vì thế tôi muốn chết, may ra mới hết thống khổ. Nhưng chết đâu có được. Do đó, có thể nào không khóc được ông ơi!

Vậy bà hãy bán cái nghèo đi, Ca Chiên Diên nói.

Cái nghèo đâu có bán được, Bà nói, ai lại dại dột mà đi mua cái nghèo?

Nếu bà chịu bán tôi sẵn sàng mua.

Thôi đừng đùa, tội quá ông ơi!

Tôi tu hành, đùa với bà có lợi ích gì? Tôi mua thật đấy. Cái nghèo có thể bán lắm chứ? Có điều là người ta không biết cách bán. Phương pháp bán nghèo là bố thí. Mọi sự kiện trên đời đều có nguyên nhân. Giàu là kết quả của sự tu phước bố thí. Còn nghèo là vì đã quá keo kiệt. Vì thế, thực hành hạnh bố thí là phương pháp bán nghèo độc đáo nhất.

Nhưng tôi nghèo rớt mùng tơi, có gì mà để bố thí cho ông. Cái vò trong tay tôi là của chủ Bà La Môn tôi đâu có đem bố thí được. Lỡ tay làm bể là đã bị ăn đòn, huống gì là đem bố thí cho người khác.

Tôi đang khát nước. Vậy bà hãy đem vò nước xuống sông múc nước bố thí cho tôi. Ðó là cách tôi mua nghèo cho bà.

Nghe xong, bà liền đi múc nước bố thí và tỉnh ngộ. Nhờ Ca Chiên Diên chỉ dẫn, bà ta thường làm việc bố thí, ít ham muốn, biết vừa đủ, lòng được thoải mái, và cuộc đời trở nên an lạc hơn trước.

Nhờ tài luận nghị, suốt đời đi giáo hóa Ca Chiên Diên đã cảm hóa được nhiều người, dẫn dắt người nghèo về với Ðức Phật, ai cũng thấy an lạc ngay trên cõi đời này.

Theo Truyện Cổ Phật Giáo