6. Tâm Sở Huệ – Khiêm Cung Đến Tận Cùng – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Huệ – Panna cetasika

Khiêm Cung Đến Tận Cùng

          Huệ là sự sáng tỏ, không còn nghi ngờ đối với cảnh sau khi suy xét. Sự nhận biết và hiểu rõ bản chất của cảnh và không còn dính mắc vào cảnh nữa nhưng không ghê sợ, ruồng bỏ hay chê bai cảnh. Tâm sở Huệ làm nhiệm vụ soi sáng và phản ảnh các pháp vào trong các thức cho tâm sở Xúc tiếp nhận. Lúc này, tâm mới tiếp xúc được với cảnh trần. Các thức làm được nhiệm vụ của mình do sự trình diện của huệ và xúc tiếp nhận cảnh trước đó. Nhìn hoa cúc, huệ biết là hoa cúc và tâm tiếp xúc với hoa cúc nhờ vào xúc. Khi huệ chiếu soi và thâu cảnh, các thức tiếp xúc được với các pháp. Điều này tương tự như vậy với tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sự chiếu soi của các thức được hiển lộ và là kết quả của việc tiếp xúc với cảnh một cách rõ ràng. Nhìn vào mắt của một người, ta có thể nhìn thấy hình ảnh mà người đang nhìn. Hình ảnh đó là sự hiển lộ của cảnh trên mắt là công việc của huệ và xúc giúp tâm tiếp xúc vời hình ảnh đang nhìn. Huệ tức là vô si – amoha có nghĩa thông minh sáng suốt. Sự thông minh không như người đời thường nghĩ là khả năng học giỏi, kiếm nhiều tiền và địa vị cao trong xã hội. Con người nhìn thấu rõ sự vật, biết tính chất vô thường của nó nên không bị bất cứ thứ gì lôi kéo, đó là sự nhận biết hiểu rõ chân chánh. Chân lí bị dốt nát, si mê, lầm tưởng che lấp tháng ngày và khi màn đêm u tối được thắp sáng bởi huệ, ta không còn sầu khổ hay đau đớn nữa mà chỉ có hạnh phúc và niềm an lành. Người hút thuốc, biết tác hại của thuốc lá nhưng không đủ can đảm để vứt bỏ nên mãi làm nô lệ cho nó, có người chỉ cho nhưng không tin, rất muốn tin nhưng bị cái mê lầm cuốn trôi mất. Nhưng khi bỏ thuốc được, người cảm thấy mừng vui và khỏe hơn nhiều.        

Sự thông mình của người đời mang tính chất trá hình còn sự thông minh của người tu mang tính chất chân chính. Ta thường thích đánh giá sự thông minh bằng con mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và bị chúng che mờ đi, không làm chủ được mình. Sự thông minh Bát Nhã hay trí huệ Bát Nhã biết rõ kết quả của hiện tại là do nghiệp của các đời quá khứ và nhân của hiện tại sẽ tạo ra các quả của tương lai. Huệ nhận biết con người có sự tiếp nối, không sinh cũng không diệt, và không chủ trương đoạn diệt hay đoạn sinh. Người cho rằng chết là hết nên đời sống hiện tại mặc sức tạo nghiệp xấu, sau này phải trả nghiệp mãi không thôi và cái nghiệp đó nhiều lúc quến vào con cháu của họ. Người tin vào khoa học quá mức nhưng không hề biết thành tựu khoa học cũng là kết quả của nghiệp vì khi nghiệp tốt trổ quả, khoa học phát triển mạnh và khi nghiệp xấu trở quả, khoa học bị chùng lại và trong một số trường hợp khoa học mang tai họa cho con người. Huệ thấu rõ được sự thật, không buông lung hay dễ duôi với sự thật và sử dụng sự thật chứng minh cho sự thật. Sự thật cho thấy con người đầy dẫy những đau khổ, thích tích lũy đau khổ, thờ ơ với thực tại đau khổ và dính mắc vào đau khổ. Nhưng sự thật cũng có nghĩa là hạnh phúc, thanh tịnh, an lành, nhẹ nhàng, tinh khiết và dễ chịu. Hai sự thật này thực chất là một vì trong khổ có vui và trong vui có khổ. Hiếu biết sự thật, con người có huệ và sử dụng huệ đó để chuyển hóa khổ đau, xây dựng hạnh phúc chân chính. Trí thông minh ô  nhiễm không phải là huệ Bát Nhã mà là trí thông minh thế gian, đó là sự thật đau khổ. Trí thông minh sạch sẽ là huệ Bát Nhã, là trí thông minh xuất thế gian, đó là sự thật hạnh phúc.          

Huệ theo Pali là Panna và theo tiếng Phạn là Prajna có nghĩa trí tuệ Bát Nhã. Con người thường chấp vào có hoặc không, trong khi người chứng huệ Bát Nhã biết không có cũng không không. Như nói về con mắt, tự tính của nó là không sinh cũng không diệt. Khi nhân duyên hội đủ, con mắt có mặt, khi nhân duyên thiếu thốn, con mắt vắng mặt. Con mắt không từ đâu tới và cũng không sinh về đâu, nên nói con mắt có cũng không đúng và nói con mắt không cũng không đúng. Vậy nói con mắt có cũng được, con mắt không cũng được, không sao, không chấp vào ngôn ngữ hay hình tướng. Con mắt chẳng qua là tên gọi của tánh không, đặt ra cho dễ giao tiếp, vậy thôi. Người đời sử dụng trí thông minh nhằm mục đích thỏa mãn dục vọng và chất chứa đau khổ nhưng không hề biết điều đó. Xây dựng một hệ thống và tập thể cuồng tín, khủng bố rồi cho là thông minh. Làm giàu đến nỗi tiền đè chết người rồi cho là thông minh. Tranh cử tổng thống hay thủ tướng để làm nguyên thủ quốc gia rồi cho là thông minh. Thông minh được đặt ra tiêu chuẩn ở hệ thống IQ, EQ hay SQ. Thậm chí có người hỏi tu sĩ IQ của họ là bao nhiêu và đánh giá trí thông minh của tu sĩ dựa trên IQ? Con người bị ảnh hưởng bởi xã hội được xây dựng trên cơ sở của trí thông minh giả tạo nhiều hơn trí thông minh chân chính. Trong khi đó, người tu có thể không thể giải nổi một bài toán đại số nhưng có thể giải nổi hằng hà sa số các bài toán khổ đau vì họ sử dụng huệ chân chính của bản thân. Huệ này không ai có thể dạy và đem vào định lý để áp dụng cho việc giải đáp mà do chính người tu sĩ tu tập, chứng ngộ và áp dụng. Trí thông minh giả dạng bị tâm sở dục bất thiện làm chủ và khống chế nên nhìn người có nhan sắc, ăn mặc đẹp cho là người đẹp hoàn hảo. Sự chân chính không nói như vậy vì người tu cũng chạy theo cái đẹp nhưng cái đẹp này là nét đẹp tâm hồn, lòng vị tha và hạnh phúc chân thật, còn cái đẹp bên ngoài biết là đẹp đấy nhưng không dính mắc vào nó.       

Người có tài chưa chắc có huệ và chánh niệm về huệ biết cái tài đó chẳng qua là sự biểu hiện của nghiệp tốt, nên càng thực tập khiêm cung, thường xuyên soi sáng bản thân. Khoe khoang về cái tài chỉ làm cho huệ mai một và đến lúc nào đấy huệ cũng thành ra giả tạo luôn. Huệ mang tính chất của khiêm cung, sử dụng huệ để tu tập và làm cho bản thân trở nên khiêm cung hơn. Bất cứ hành vi không khiêm cung đều đồng nghĩa với ái dục và dung chứa ái dục. Người có học thức cao chưa chắc có huệ và thực tập chánh niệm biết rằng bằng cấp, tri thức hay khoa học không hề minh chứng cho việc giải quyết những khổ đau của con người. Người này nếu nhận thức việc học vấn cao chẳng qua chỉ là kết quả của những nhân tốt được trong quá khứ cũng như hiện tại và bây giờ gặt hái, sự nhận thức này là biểu hiện của huệ nên lại tiếp tục tu tập để tạo nhân tốt nữa nhưng hay hơn cả là việc tạo nhân tốt ngày hôm nay nhằm mục đích giải thoát, không chỉ nhằm vào con đường học thức cao trong tương lai. Người có trí thông minh thế gian biết tu sẽ đạt huệ xuất thế gian nhanh chóng nhưng nếu không biết tu sẽ làm trí thông minh kia trở thành bản chất của phá hoại. Giống như người thông minh chế tạo các phương thức bảo vệ môi trường sẽ giúp cho Địa Cầu không biết bao nhiêu nhưng người sử dụng trí thông minh chế tạo các loại bom sẽ hủy diệt con người cũng không biết bao nhiêu mà kể. Người tu có niệm và định, huệ sẽ phát triển và dĩ nhiên huệ không phải là thứ người ta chế ra mà là thứ tìm về. Huệ đã có sẵn từ lâu, chỉ vì vô minh, thất niệm, tham, sân, si, mạn, nghi, kiến… mà làm cho nó bị che khuất. Bầu trời âm u vì mặt trời bị mây che phủ, nếu mây tan bầu trời xuất hiện, vạn vật chan hòa nắng. Cũng vậy, con người bị vô minh che lấp nên huệ không thể bừng sáng được, chỉ khi nào niệm và định vừa đủ, huệ sẽ soi sáng bản thân. Một đứa trẻ vẫn có huệ dồi dào hơn người lớn hay người già rất nhiều. Người già mà vô minh thì chẳng bằng một đứa trẻ, có khi phải nghe một đứa trẻ thuyết pháp và học hỏi từ một đứa trẻ. Người già thông thường chỉ thích đánh giá, nhận xét và bị kẹt vào mớ kiến thức hỗn độn không biết bao giờ có thể thoát ra được. (6)

7. Tâm Sở Niệm – Chánh Niệm Là Phật – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Niệm – Saticetasika
Chánh Niệm Là Phật
        

Niệm còn gọi là chánh niệm, nghĩa là ghi nhớ, kiểm soát đối tượng, giúp các pháp đồng sanh không bỏ quên đối tượng. Chánh niệm giúp ta sống sâu sắc trong hiện tại, quán chiếu những mầu nhiệm của sự sống, biết được điều đang diễn ra bên trong và bên ngoài cơ thể. Niệm là một trong những chi phần của tám con đường chân chánh, theo đó nhờ có niệm mà định và huệ và phát sinh. An trú trong niệm, ta tiếp xúc được hạnh phúc hay khổ đau, nắm bắt nguyên nhân gây ra chúng và chuyển hóa cả hạnh phúc và khổ đau. Niệm không có nghĩa là tụng kinh hay đọc lầm rầm khấn vái mà niệm là ghi nhớ đến suy nghĩ, hành động, lời nói và các sự kiện đang diễn ra một cách đơn thuần. Khi tụng kinh biết mình đang tụng kinh, tâm duyên theo từng câu chữ và quán chiếu lời kinh dạy, đó là tụng kinh có chánh niệm. Niệm là thuộc tánh của tâm thanh tịnh nên nói niệm dẫn đến định hay thanh tịnh và nói người thanh tịnh luôn an trú trong niệm cũng không hề sai. Ta làm chủ mình, nhận biết đối tượng nhưng không bị các đối tượng lôi kéo và gây chìm đắm. Ngược lại, các đối tượng lôi kéo thành công, ta đã buông lung cho sự phóng dật hay phóng tâm, không còn sống trong thời khắc hiện tại nữa. Người ăn mặn quá nhiều để trái tim đập nhanh và co thắt dữ dội nhưng vì các món ăn hấp dẫn cùng sở thích ăn mặn khiến họ không đủ khả năng cưỡng lại cám dỗ. Người này không có chánh niệm trong ăn uống.          

Tâm biết về cảnh là tâm có niệm còn tâm biết cảnh một cách hời hợt là tâm thất niệm. Hời hợt không có nghĩa nhận diện đơn thuần mà lại là khả năng dính mắc, thờ ơ và buông trôi cảnh rất lớn. Giống như người ăn thức ăn mặn làm tim bị co thắt, biết vậy nhưng vẫn tiếp tục ăn, đây chính là người có niệm hời hợt vì không biết tính chất bất thiện của cảnh và thân. Chú ý đến cảnh và biết cảnh khác với việc tập trung hay an trú trong cảnh. Nhận diện đơn thuần nói nôm na biết vậy và hay vậy, không nhận xét, không phản ứng cũng không thờ ơ. Nếu có sự nhận xét và phản ứng, tâm làm cho cảnh méo mó, và nếu có sự thờ ơ, tâm không đồng thuận với cảnh, mọi thứ này đều làm cho thất niệm xảy ra và ta không thể an trú trong hiện tại. Chánh niệm kiểm soát được tâm không cho nó chạy tới chạy luôn mà chỉ chú ý với điều đang diễn ra trước mắt. Con người tự làm khổ bản thân vì chiều theo tính rong ruổi của tâm, nhưng kỳ thực khi tính rong ruổi được nhận biết, họ có chánh niệm ngay tức khắc và trở về với hiện tại. Ghi nhận cảnh hay các đối tượng liên tục làm cho tâm hết rong ruổi nhưng không quá sức ghi nhận một cách chi tiết vì niệm cũng chỉ là niệm, niệm nhiều khi cũng không thể bị kẹt vào. Niệm đến lúc thuần thục, niệm trở thành như không niệm. Tâm không chạy theo nhiều đối tượng cùng lúc mà chúng diễn ra theo một chuỗi giống như chuỗi sự kiện nhưng vì các đối tượng đan xen lẫn nhau rất nhanh nên cứ nghĩ chúng xảy ra cùng lúc. Người để cho các đối tượng đan xen trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng, tâm thần hay đãng trí vì đã bị các đối tượng chi phối. Con người có quyền làm nhiều việc cùng lúc nhưng phải chánh niệm yếu tố công việc đang làm và không bị kẹt vào khối công việc kia. Nhiều việc nhưng đụng đến tiểu tiết công việc có niệm, ta vẫn có niệm như thường và làm nhiều việc một cách thoải mái. Thực tập quán chiếu đòi hỏi thân tâm chánh niệm cao độ vì có khi quán chiếu làm người ta xa rời hiện tại, dẫn đến suy diễn và rơi vào tri giác sai lầm lúc nào không hay, lúc này niệm mang yếu tố của thất niệm. Con người thực tập niệm chưa bao giờ đủ so với tình trạng thất niệm của họ. Có người thất niệm cả đời nên hành động cũng vậy, thường xuyên sai trái và dễ gây tội ác.          

Niệm liên tục sẽ không làm các pháp bất thiện phát sinh và xem thiện hay bất thiện như nhau, tạo ra tâm bình đẳng. Ta có thói quen ham thích điều thiện và chán ghét bất thiện. Điều này nghe có vẻ tốt, nhưng nếu nói đến người tốt thì thích và người xấu thì ghét, âu là không đúng với tinh thần từ bi của đức Phật lắm. Niệm dung hoà cả thiện và bất thiện hay người tốt và người xấu. Nhìn điều bất thiện để thấy cái thiện và nhìn người xấu để thấy cái tốt. Điều bất thiện chưa thiện thôi và người xấu chưa tốt thôi chứ không phải họ không bao giờ thiện hay tốt. Niệm giúp ta không còn phân biệt giữa thiện và bất thiện, tốt hay xấu, đẹp đẽ hay ghê sợ. Niệm trong thiền chỉ giúp cho tâm nhận biết đối tượng liên tục, ghi nhớ đối tượng không quên lãng và đạt khả năng định từ đó. Trường hợp niệm Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Quan Thế Âm là đối tượng của thiền chỉ, hành giả ghi nhớ đối tượng và có định trên đối tượng, từ đó phát sinh huệ Bồ Tát Quan Thế Âm là bồ tát nhẫn nhục, bồ tát từ bi, bồ tác lắng nghe, bồ tát dễ chịu nên nguyện học hỏi và thực tập các hạnh này của Bồ Tát Quan Thế Âm, đồng thời khi tiếp xúc với bản thân hay những người biết nhẫn nhục, từ bi, lắng nghe hay dễ chịu thì họ đều là Bồ Tát Quan Thế Âm hết. Niệm trong thiền quán có tác dụng nhận diện các pháp thiện và bất thiện nhưng không dính mắc hay tham cầu bất cứ điều thiện hay bất thiện nào. Nhận diện chỉ để nhận diện và cho dù thiện hay bất thiện đều phải buông bỏ. Niệm làm buông bỏ, tan chảy hay biến mất các ý niệm phân biệt về thiện hay bất thiện. Vị tu sĩ thực tập niệm nhiều khi lại ôm ấp pháp bất thiện không phải tham đắm mà để chuyển hóa nó thành ra điều thiện, điều xả hay nguồn an lạc. Một bệnh nhân nếu biết cách niệm vẫn có thể sống chung an lạc với căn bệnh, không phải đẩy nó ra xa hay có hành vi bạo động với bản thân.    

Chánh niệm về niệm biết mình đang niệm. Nói vậy không phải ngộ nghĩnh vì cũng có người thất niệm về niệm, nên cũng có chánh niệm nhưng không đúng nên chỉ biết niệm sầu khổ và âu lo trong khi hạnh phúc và an lạc không niệm. Cuốn Hơi Thở Tinh Khôi của Minh Thạnh nói rõ niệm hoà bình sẽ có hoà bình và niệm chiến tranh sẽ có chiến tranh. Mình trở thành cái mình niệm nhưng nhận diện chiến tranh khiến ta tiếp xúc với hoà bình, kỳ lạ đến như vậy. Người có niệm trước hết đem niềm vui đến cho bản thân, sau đó những người xung quanh và hằng hà sa số chúng sinh. Năng lượng của niệm tỏa khắp cơ thể, lấp đầy không gian và thời gian và biến ta thành một vị Phật không sai khác. Chánh niệm là Phật và thất niệm là ma vương. Nói vậy tất cả các đối tượng trong đời sống hàng ngày đều trở thành những người bạn tu, cho dù đối tượng đó là hoa hay rác. Có chánh niệm về hoa và có chánh niệm về rác đều đưa con người vào thế giới của hiện tại. Ngay cả việc ghi nhớ quá khứ hay tương lai trong hiện tại cũng là cách thực tập đúng đắn về niệm. Niệm không thiện cũng không bất thiện mà là yếu tố của tâm thanh tịnh nhưng tâm thanh tịnh là bản chất con người nên bất cứ ai cũng có khả năng của niệm, định và tuệ. Niệm được thực tập suốt ngày và ta có thể thiền quán suốt ngày. Đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể niệm được và bệnh tật hay khỏe mạnh cũng đều niệm như thường. Người đời hay đổ thừa cho sự bận rộn không thể tập thiền được, nhưng khi niệm về bận rộn thì dù bận rộn cách mấy cũng không thấy bận rộn. Niệm liên tục khiến cho sự dễ chịu có mặt suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày và bản thân trở thành Niết Bàn hay Cực Lạc vì niệm làm cho không tham đắm hay dính mắc vào bất cứ cái gì gọi là Niết Bàn hay Cực Lạc. Niệm làm cho bây giờ và ở đây trở nên rõ ràng nên không chạy theo cảnh hay bất cứ đối tượng nào. (7)

8. Tâm Sở Tác Ý – Định Hướng Cho Tâm – Bảo Hiểm Tâm

Tâm sở Tác ý – Manasikāra Cetasika
Định Hướng Cho Tâm

Tác ý là hướng tâm chú ý đến đối tượng và sự chú ý này dẫn con người đến nơi an toàn hoặc không an toàn. Anh A có một chiếc xe đạp, chiếc xe đạp này có thể dẫn anh đến chùa và cũng có thể dẫn anh đến nơi giải trí. Nếu anh muốn dùng chiếc xe đến chùa, học giáo lý, tập thiền và vấn đạo, chiếc xe là phương tiện đưa anh về chốn thanh bình. Tuy vậy, chiếc xe cũng chở anh vào nơi giải trí không lành mạnh như chỗ rượu chè, cờ bạc, trai gái… Chiếc xe là phương tiện đưa anh về chốn xa rời sự thanh bình. Tác ý cũng thế, tác ý có định hướng sai lầm và định hướng đúng đắn trong trường hợp ý chiều theo đối tượng và khiến cho việc làm của ý sai lầm hay đúng đắn. Khi đối tượng được chú ý và việc chú ý này được xem là đúng đắn, đây gọi là như lý tác ý. Trồng một cái cây để tạo bóng mát và không khí trong lành, con người chú tâm vào việc này và hành động hết sức để đạt mục tiêu. Mục tiêu hướng tới có khả năng đem lại sự lành mạnh và giúp ích cho bản thân nên việc trồng cây được xem là định hướng đúng đắn. Ngược lại khi đối tượng được chú ý và xem là sai lầm, đó là phi như lý tác ý. Những việc làm chiều theo đối tượng làm con người đau khổ, xa rời thực tại và cuộc đời không còn bến đỗ. Chặt phá cây rừng làm gỗ hay giấy nhưng không có ý thức việc tái tạo rừng và tìm cách sát hại rừng nhiều hơn nữa vì mục đích kinh tế hay lợi nhuận nhất thời, điều này không bao giờ được cho là đúng đắn. Khi tâm bị đặt sai hướng, con đường mình đi sẽ sai, nhưng vì vô minh nên không biết đó là sai, và cứ mãi hô hào cái sai là đúng. Người cho rằng cuộc sống này là thường, chấp vào hình tướng, nên một cái gì mất đi cứ nghĩ nó đoạn diệt nên đau khổ và tự hành hạ mình. Đã vậy họ còn ra sức vun xới cho hình tướng đến khi không được như ý muốn vẫn không thể tỉnh ngộ.         

Nếu tâm được đặt đúng hướng, nhiều lợi ích sẽ phát sinh. Lợi ích đây không mang ý nghĩa về tài sản, tình cảm hay những thứ dính mắc mà lại là sự giải thoát, biết sống hạnh phúc trong hiện tại và khả năng buông bỏ mọi thứ. Buông bỏ không có nghĩa là không gì cả theo cách như sở hữu một chiếc xe hơi rồi bố thí nó đi, không nắm giữ nó nữa. Buông bỏ hàm chứa ý nghĩa sở hữu một chiếc xe nhưng không lo lắng và sầu khổ nếu nó bị hỏng, mất mát hay già cỗi đi. Người đặt tâm đúng hướng có thể gọi là người trí tuệ, thấu hiểu mọi sự việc hay hiện tượng phát sinh đều do nhân duyên mà thành và cũng do nhân duyên mà diệt, nhưng chẳng có gì thành và cũng chẳng có gì diệt. Đi học, đi làm, để dành, tiết kiệm và nhu cầu đi lại khiến anh A quyết định mua xe hơi, nhưng nếu không ai bán xe hơi thì làm sao anh mua được. Khi anh mua rồi, phải có xăng, dầu diesel hay điện mới chạy được. Đến lúc xe chạy riết cũng phải hư và thay thế phụ tùng. Nếu xe cũ quá anh cũng phải bỏ nó đi. Rất nhiều yếu tố tạo nên chiếc xe và các yếu tố đầy đủ, chiếc xe có mặt. Lúc chiếc xe bị vứt bỏ, nó tan rã và chuyển sang các dạng vật chất khác nhau. Chiếc xe không biến mất hoàn toàn mà chỉ thay hình đổi dạng thôi. Sử dụng tâm tìm hiểu các nguyên nhân sinh ra hiện tượng hay các pháp, con người biết thực tính của các hiện tượng hay thực tính của các pháp đều như nhau, hợp rồi tan, thành rồi hoại. Điều chú ý là trước khi hợp hay sau khi tan, các hiện tượng không khác nhau nên không có sự phân biệt và trong lúc đang hợp hay đang thành, chúng chỉ là sự biểu hiện của các pháp, hay còn gọi là giả danh. Như lý tác ý làm nhiệm vụ thấy rõ ràng sự hợp tan của các hiện tượng và cứ thế làm hoài không có gì bắt nó ngưng được nếu mọi điều kiện cần thiết cho một hiện tượng có mặt đầy đủ. Thiện pháp tăng trưởng vì các nguyên nhân được hiểu rõ, con người sẽ hướng tâm đến các đối tượng an lạc, tầm cầu sự bình yên và tha thiết trong việc chế tác hạnh phúc.         

Do định hướng được thiện pháp, con người đi vào con đường tu tập, không phải đặt niềm tin vào một ông Phật, một quyển kinh hay một người nói pháp, mà đặt niềm tin vào bản thể chân thật của các pháp, sự thật của giải thoát và khả năng giác ngộ của bất cứ chúng sinh nào. Như lý tác ý là sự hướng tâm đến niềm tin chân thật, tin vào cái đẹp của cuộc sống. Tu tập, chuyển hóa khổ đau và an trú trong hiện tại là các pháp môn đẹp, hành động đẹp và niềm tin đẹp. Phi như lý tác ý thì ngược lại, không biết rõ về thiện pháp, nếu biết thì chỉ mơ hồ hoặc sai lệch, đồng thời không tin vào luật nhân quả hay bất cứ nhân duyên nào kết hợp tạo nên hiện tượng. Khoa học muốn phát triển phải ứng dụng nhân duyên hay các phương pháp quán chiếu nhân duyên nhằm nắm bắt các cơ hội làm hiện tượng phát sinh nhanh chóng. Các khoa học gia đang nói về nhân quả mà không biết. Người không biết hay không chịu khám phá các tiến trình nhân duyên sẽ rơi vào tà kiến, phạm nhiều sai lầm và sẵn sàng gây nghiệp ác vì mọi hành động của họ đều hướng vào ác pháp. Phi như lý tác ý là sự hướng tâm đến niềm tin mù quáng, hướng đến sự đoạn diệt và làm tha hóa mọi cái đẹp của cuộc sống. Ăn chơi trác táng, gây đau khổ và thất niệm là việc hành tà đạo, giết chết sự sống và đi vào con đường của ác đạo. Tâm nhận biết cảnh và phải có cảnh mới có tâm nhưng nói cảnh chịu tác động của tâm cũng không sai. Một người nhìn thấy sắc đẹp có thể khởi tâm tà dâm nhưng người khác nhìn thấy sắc đẹp nhưng không khởi tâm tà dâm. Sắc đẹp không phải là sự xấu xa, chỉ có tâm người làm cho nó trở nên xấu xa mà thôi. Tu không có nghĩa là xa lánh sắc đẹp mà nhìn thấy sắc đẹp nhưng không vọng đọng và tham đắm. Như lý tác ý là việc tâm nhìn nhận cảnh một cách có trí tuệ, không trốn chạy mà đối diện với cảnh. Sắc đẹp đang hiện ra, người tu không nhắm mắt, bịt tai, bóp mũi làm cho nghẹt thở mà biết được các nhân duyên tạo nên cái gọi là đẹp kia và theo đó mà hoại diệt và tan rã, nên không chấp vào sắc đẹp cũng như sắc xấu. Đẹp và xấu đều cùng tự tánh, chỉ có tâm vẽ ra cái đẹp hay xấu mà thôi. Giống như mạng lưới Internet cho phép con người trình diễn đủ thứ ý kiến trên diễn đàn, như ý kiến dù có khác nhau cũng đồng một cách là không đúng cũng không sai.          

Bên Làng Mai, mỗi khi nghe tiếng chuông thì phải đứng lại theo dõi hơi thở. Vậy nếu không có tiếng chuông thì không cần theo dõi hơi thở? Đâu nhất thiết phải như vậy. Sử dụng tiếng chuông để nhắc bản thân thực tập chánh niệm và đó là phương tiện, còn chấp vào tiếng chuông sẽ trở thành cái máy tu hơn là người tu. Nhưng thà đứng lại lúc nghe tiếng chuông để có cơ hội nhắc nhở chánh niệm, còn hơn cứ mãi đi mà không bao giờ biết niệm. Chánh niệm về cảnh để tâm có định trên cảnh và biết sự dao động của tâm trên cảnh mang tính vô thường. Biết được điều này là tâm có định và làm chủ được tâm, giúp tâm tạo tác hành động thiện và từ chối hành động bất thiện. Giận là biểu hiện của tâm bất thiện và chánh niệm về giận khiến cơn giận được chuyển hoá. Cảnh thiện giúp cho tâm thiện phát sanh và như lý tác ý biểu hiện nhanh hơn. Mục đích của người tu là tiếp xúc với cảnh bất thiện nhưng không làm cho phi như lý tác ý biểu hiện. Giống như bị đánh thì không đánh trở lại, nếu không chịu trận được thì bỏ chạy và tìm cách chuyển hóa. Có người chịu cảnh không nổi hay không thể chấp nhận được cảnh, nên đau khổ và làm mồi cho phi như lý tác ý. Chánh niệm khiến việc phân biệt thiện ác không còn và dĩ nhiên không cần phân loại như lý tác ý hay phi như lý tác ý. Sự phân biệt này cũng do tâm mà ra và khi các pháp đều đồng nhất thì đâu cần phân biệt chi nữa.

9. Tâm Sở Thắng Giải – Đừng Mê Mải – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Thắng Giải – Adhimokkha cetasika
Đừng Mê Mải 
        

Thắng giải là thoát ra nghi hoặc, lưỡng lự, phân vân hay áp chế. Sự hoài nghi là nguyên nhân của những suy nghĩ mang tính tà kiến và phát khởi những tri giác sai lầm. Thắng giải có khả năng áp chế hoài nghi, không bị kẹt vào tính chất đúng sai cũng không nằm trong phạm trù của thắng giải. Tâm không phân biệt cảnh mà chỉ biết về cảnh thôi nên tâm không bị dính mắc bởi các ý niệm nào. Tâm biết và có thể gọi tên cảnh nhưng không phân biệt cảnh tốt hay xấu. Giống như nhìn thấy lá vàng rơi thì biết lá vàng rơi, không liên quan gì đến việc rơi đẹp hay không đẹp, phong cảnh hữu tình hay buồn bã. Thắng giải đưa đến các quyết định phán xét hay hành động. Hành động có nghĩa hành động hay không hành động và không hành động là một loại hành động. Khi tâm có sự phân biệt, sự phân biệt này có thể đúng hoặc sai. Quyết định đúng đối với cảnh, con người sẽ có hành động thiện và quyết định sai đối với cảnh, con người sẽ có hành động bất thiện. Một người đang thất nghiệp tìm mãi không ra việc đang rất buồn khổ, người khác nhận ra cảnh này nên tìm cách an ủi và động viên giúp họ bớt khổ, nhưng nếu không biết lại nói lời chê bai hay so sánh, họ càng buồn khổ hơn. Bởi vậy nói có hiểu mới có thương, nói thương mà không hiểu chỉ mới thương bề ngoài, khi hiểu được rồi, tình thương chân thật hơn. Tâm vững trong cảnh và trở thành cảnh như Tứ Niệm Xứ nhắc tới quán thân trong thân. Quán niệm về thân trong thân theo đó hành giả hoàn toàn đặt vị trí của mình vào cảnh để quán chiếu, không đứng bên ngoài dòm ngó và phán xét. Quyết định của thắng giải là an trú vào cảnh nhưng không phụ thuộc vào cảnh. Nói an trú ở hiện tại nhưng không dính mắc vào hiện tại bởi vì hiện tại cũng phải buông bỏ. 

Nhờ an trú trong cảnh việc thiện hay không thiện được nhận biết và sức mạnh của thắng giải là quyết định làm thiện và cũng quyết định không làm điều không thiện. Cảnh nghèo có thể thiếu ăn thiếu mặc nhưng an trú trong cái nghèo cũng đồng nghĩa giảm thiểu nhiều nỗi lo. Có người sống cảnh nghèo chịu không nổi tìm cách mua gian bán lận hay sa vào tệ nạn xã hội. An trú trong cảnh nhưng lại dính mắc vào cảnh cũng chỉ làm nô lệ cho cảnh mà thôi. Việc thiện là phải làm ngay không chần chờ, do dự và nhất là không thể hoài nghi. Hoài nghi cả việc làm thiện là thế lực của vô minh, chưa đủ sức về phe của giải thoát. Thắng giải thúc đẩy làm việc thiện và không làm việc ác, đồng thời dù cho bị hiểu lầm hay chê bai, việc thiện vẫn tiếp tục được làm. Quán niệm về cảnh để thương cảnh hơn vì cảnh thiện thì tốt rồi còn cảnh ác thì rất tội nghiệp. Chuyển hoá cảnh ác để thành ra thiện, nếu không hành động ác sẽ tràn ngập và ngày càng lan rộng. Cho nên quyết đoán để không chối bỏ người có hành động ác mà cưu mang và giúp họ chuyển hoá.

Kệ Tâm Sở Thắng Giải

          Thoát ra mọi hoài nghi
Đúng sai có mấy khi
Quyết định đúng với cảnh
Việc thiện nhớ hành trì. 

          Với tâm sở thắng giải
Điều ác không mê mải
Thúc đẩy làm điều lành
Tâm không còn sợ hãi.

10. Tâm Sở Định – Vững Vàng Từng Giây Phút – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Định – Ekaggata cetasika
Vững Vàng Từng Giây Phút

Định là tình trạnh bình thản không xao động của tâm thức. Nếu có sự thực tập, bất cứ ai cũng có thể đạt được định và từ phát khởi trí tuệ. Khi tập trung tâm ý vào một đối tượng và nếu có sự tạp nhiễm nào khác không nhằm phục vụ cho đối tượng đó mà không được nhận biết đều không đạt được định. Đối tượng có thể hạnh phúc hay khổ đau nhưng sự bình thản của tâm thức khiến con người không dao động và không bị kẹt vào đó. Nhờ có định, ta an trụ lâu hoặc dài trên một đối tượng. Theo dõi hơi thở và hơi thở là đối tượng của niệm nhưng khí chú tâm lâu vào hơi thở, ta đạt được định nhờ vào sự an trú trên hơi thở. Nhìn một cái cây với những tán lá đứng yên không một chút xôn xao vì không có gió, định cũng như vậy, đứng yên một chỗ. Tuy nhiên, cây đứng yên không phải là cây chết và bình thản không có nghĩa là vô cảm.         

Năng lượng định trở nên mạnh mẽ nếu chú tâm vào một đối tượng dài lâu. Nói vậy có thể hiểu khi bắt đầu niệm đối tượng, ta đã bắt đầu có định, điều quan trọng là định đó yếu hay mạnh mà thôi. Vì vậy, định được chia ra làm nhiều cấp. Định càng cao khả năng vững chãi và sự an tịnh càng lớn. Tính vững chãi thể hiện rõ ở suy nghĩ, lời nói và hành động. Bản thân có nhiều niềm vui mà những người xung quanh cũng thừa hưởng được sự an lạc đó. Người này hành xử thẳng thắn, gìn giữ khiêm cung và không muốn khoe khoang với bất cứ ai. Hạnh phúc, thích thú và dễ chịu biểu hiện rõ khi định có mặt, đồng thời mọi nhu cầu được xả bỏ. Nhu cầu không quan trọng nữa, có cũng được và không có cũng được. Trước đây muốn may một bộ đồ nhưng bây giờ mong muốn đó không còn quan trọng nữa.     

Đối tượng an trú có thể thiện hay bất thiện nên định cũng có tà định và định chân chính. Tà định mang tính chất mê muội và là kết quả của thất niệm. Định chân chính hay chánh định mang tính chất hiểu rõ và là kết quả của chánh niệm. Một người niệm hạnh phúc sẽ có hạnh phúc, còn người niệm đau khổ sẽ có đau khổ là vậy. Trong những cấp đầu của định, có những tà định len lỏi vì quá trình chánh niệm có những thất niệm len lỏi. Sự vững vàng, không tán loạn, không chao đảo và an nhiên là các tính chất của định, điều cần thiết trong ba điều học gồm giới định và tuệ.

           Kệ Tâm Sở Định

          Khi tâm thức bình thản
Không xao động vội vàng
Hành giả đạt được định
Tiếp xúc những bình an. 

          Năng lượng định mạnh mẽ
Hành vi được giữ kẽ
Hết dính mắc mải mê
Người tìm được đường về. 

          Chánh định có hạnh phúc
An nhiên ở mọi lúc
Thân tâm không tán loạn
Vững vàng từng giây phút

Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

TG.Minh Thạnh

http://sachminhthanh.wordpress.com

Theo Phật Pháp Ứng Dụng