31. Tâm Sở Thụy Miên – Chuyển Hoá Những Ưu Phiền – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Thụy miên
Chuyển Hoá Nhưng Ưu Phiền
Thụy miên là tình trạng lờ đờ, uể oải, có vẻ như thiếu sinh khí, đồng thời dẫn đến tình trạng chán nản rất mau. Một số người bệnh, vi trùng xâm nhập, như bị dị ứng muỗi hay cảm sốt ở trong tình trạng như vậy nhưng ở đây người khoẻ mạnh vẫn cảm thấy mệt mỏi do không hài lòng hay thoả mãn với hiện tại. Người không có đủ nghị lực làm việc thiện, không dám khởi xướng tâm thiện và lười biếng với mọi lời gọi mời làm việc thiện. Muốn được cung phụng và đối đãi bản thân là nhu cầu cao nhất nên nghe nói đến hạnh phụng sự hay bố thí, họ không muốn nghe, không muốn làm, nếu có chỉ là một sự miễn cưỡng, nghe miễn cưỡng, làm miễn cưỡng. Một đứa trẻ được mẹ yêu cầu ra tiệm tạp hoá mua ít muối, nhưng đứa trẻ đang chơi bắn bi và say mê bắn bi, không muốn đi, hoặc đi mua một cách miễn cưỡng, tức là làm việc thiếu sinh khí. Ví dụ khác, anh A không thích làm việc ở công ty kia nữa, mà đang trông ngó công ty khác, nên đang làm ở công ty kia, anh không thấy vui, anh thấy chán.
Có hai trường hợp dẫn đến trạng thái uể oải này. Thứ nhất, người có khả năng nhưng hoàn cảnh không tạo điều kiện, bản thân không tự khuyến khích thúc đẩy và không chịu phấn đấu nên tiềm năng không phát triển, tài năng không được tận dụng. Thứ hai, người hoàn toàn không có khả năng nhưng không chịu học hỏi, có tâm an phận, không muốn ai đá động tới, sợ khổ, sợ cực, sợ bị la rầy. Cuộc sống trở nên khép kín, không dám đón nhận chân lý, sự thật, tuệ giác và các pháp môn thực tập tiếp xúc thực tại cùng tột. Bản thân lười biếng đã đành, còn xúi giục người khác lười biếng như mình. Lười biếng không có nghĩa chẳng làm gì cả, mà lười biếng trong việc hành thiện, thực tập chánh niệm và điều phục tâm, để tâm rong ruổi và thất niệm, thành ra lang thang trong thế giới ảo, trở nên siêng năng không đúng chỗ. Do lười biếng với pháp thiện, thấy người khác chuyên hành thiện, người có ác cảm, thậm chí chịu không nổi hành vi thiện của người khác. Tâm này hết sức nguy hiểm, người có thể để cho tà tư duy phát khởi, chống lại đạo đức và dính mắc nhiều tri giác sai lầm. Người đánh mất mọi nghị lực và sự tinh tấn, mặc dù chưa đi về con đường sai lạc nhưng ranh giới rất mong manh. Chỉ cần một sự cố cũng làm người đi sai hoặc đi đúng. Thứ nhất, sự cố này làm người không còn niềm tin vào giáo pháp, trở nên đau khổ và ngày càng mê muội. Thứ hai, sự cố có thể làm người tin tưởng trở lại giáo pháp, đức tin được củng cố và ngày càng vững chãi. Thuỵ miên nếu không chú ý sẽ gây tác hại lớn, vì nó đàn áp tâm bồ đề và gây phương hại đến sự tinh tiến của mình. Cư sĩ bị thụy miên làm chủ, họ để các pháp thế gian tấn công và chế ngự nên nhiều khi, không biết phải nghe ai và tin cái gì. Người biết chánh niệm nhận diện thụy miên, không đánh đuổi mà biết nó đang có mặt, lúc biết được thì nó êm dịu và nằm im, không tấn công nữa, người lấy lại nghị lực.
Thuỵ miên còn biểu hiện ở tình trạng buồn ngủ và thờ ơ. Tham ngủ là một thứ dục, tương đương với tham ăn tham uống. Ngủ đủ sẽ mang lại sức khoẻ cho mắt và tim nhưng ngủ nhiều thành ra uể oải. Người ngủ đến trưa thức dậy rất mệt mỏi, không thấy khoẻ hơn chút nào. Người tu không nên ngủ nhiều vì thì giờ cần được tận dụng tối đa để thực tập. Tận dụng tối đa không là cố gắng hết sức mà với tâm niệm sống để tu, người sử dụng thời gian của mình thực tập hạnh phúc. Bên cạnh đó, tham đắm vào điều gì như tham ngủ sẽ tạo ra tâm thờ ơ. Ngủ nhiều, thì giờ đâu quan tâm đến bản thân và người xung quanh. Tính thờ ơ cắt đứt các mối quan hệ, mọi người xa lánh nhau và không đủ khả năng chấp nhận nhau. Bản thân đang bị ho nhưng vẫn uống bia lạnh, hát karaoke và quát tháo người khác, người đang thờ ơ, không biết chăm sóc chính mình. Bản thân không được chú ý, người xung quanh làm sao có cơ hội. Người thương còn sống, đang yêu thương, đang có mặt cho mình, nhưng mình thờ ơ với họ, mình chạy tìm kiếm những hình ảnh mới. Chánh niệm về thuỵ miên để tỉnh táo trở lại, không buồn ngủ vô cớ, không thờ ơ đến vô tâm. Lúc tỉnh táo mà chạy vào thế giới ảo, người để cho thụy miên trở lại. Do không thỏa mãn với hiện tại, người thức như đang ngủ, được gọi là mộng du. Hiện tượng mộng du là hành động được làm không có ý thức, trong lúc người vẫn đang ngủ. Những người đang thức nhưng không tỉnh, nên việc làm của họ mang tính ngủ mê. Tính từ u mê, tăm tối dùng để chỉ những người như vậy. Người đời nguỵ biện cho hành vi không tỉnh của mình là bận rộn, lu bu, phải lo cho người này người kia, rồi đâm ra sợ hãi những chuyện không đâu ở hiện tại và tương lai. Bận rộn là một căn bệnh và công việc là một thứ vi khuẩn, nó ngậm nhấm người, bắt người buông bỏ mọi hạnh phúc đích thực. Tuy nhiên, tần số bận rộn càng gia tăng, phẩm chất công việc càng giảm và sức khỏe càng sa sút. Khi sức khoẻ sa sút, mọi thứ đều sa sút. Người tu không có sức khoẻ khó tu được nhưng vì biết tu, họ sống an lạc với căn bệnh và nhờ tinh thần lạc quan, họ mau lành bệnh. Còn người, người để căn bệnh và công việc dìm chết, trở thành một chi tiết hay linh kiện trong cỗ máy công việc. Người mê ngủ là người như thế.
Thực tập chánh kiến ngay trong hiện tại, vào lúc này, bây giờ và ở đây, không đợi ngày mai hay tương lai xa vời. Muốn có hạnh phúc, hãy thực tập hạnh phúc ngay bây giờ, vì ngày mai không bao giờ tới. Tôi tham dự một buổi thuyết pháp tại chùa Từ Quang, lúc đó 90% người ngồi nghe là người già, còn người trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người ta có quan niệm rằng, thực tập hạnh phúc chỉ dành cho người già, người rãnh rỗi, người đau khổ, người không may mắn, còn mình trẻ trung, khoẻ mạnh, hạnh phúc có thừa nên thực tập làm gì. Đây là suy nghĩ trẻ con, thậm chí trẻ con suy nghĩ hay hơn thế. Hạnh phúc dành cho mọi lứa tuổi và khi còn trẻ, người biết chế tác hạnh phúc đích thực cho bản thân. Người biết thực tập hạnh phúc khi còn tươi trẻ, mái tóc còn xanh, ánh mắt còn tươi mới là người khôn ngoan, trân quý hạnh phúc của mình. Ngược lại, đợi đến già mới thực tập hay xem đó là chuyện tầm phào, e rằng người ngủ mê quá lâu, để cỏ dại mọc đầy tâm, không dọn dẹp, không khai hoang, đến lúc giật mình thì đã quá muộn màng. Thuỵ miên bị các tâm bất thiện khác thôi thúc như tâm tham, tâm sân và tâm si. Đến giờ chỉ tịnh, không lo nghỉ ngơi, vị tu sĩ cứ loay hoay làm việc, gây đủ thứ tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến người khác, nhằm chứng minh mình chấp tác siêng năng. Ai ngờ đâu đó là tâm tham, tham công tiếc việc, tham được khen ngợi. Cái tham này khiến người ngủ mê, dính mắc vào công việc và khen chê. Hoặc người để cơn giận chi phối, không làm chủ bản thân, nói những lời gây tan nát con tim của người thương, cơn giận qua đi thì hối hận. Cơn giận tạo ra mê ngủ, chỉ muốn làm tổn thương, không biết cách xoa dịu. Hoặc người mê xem phim, chỉ muốn độc quyền kênh HBO thôi, đứa con muốn xem bóng đá một chút cũng không cho, bởi người đang hâm mộ nhân vật quá khả ái trên phim. Tâm si mê này làm quên mất đứa con, thờ ơ tính hy sinh hưởng thụ và đứa con trở nên xa cách. Vì vậy, muốn chuyển hoá thụy miên, phải chuyển hoá các tâm bất thiện khác. Nói cách khác, nếu thụy miên nằm im, các tâm bất thiện đang biểu hiện ở trạng thái nằm im. Có thể cho thụy miên là quả và các tâm bất thiện là nhân. Các tâm bất thiện thôi thúc thụy miên phát khởi và tính lười biếng gia tăng, lấn át mọi nổ lực tinh tiến. Kiểm soát được các tâm bất thiện đồng nghĩa với giúp các tâm thiện bung ra, tâm thụy miên kia không là cái đáng sợ, nhiều khi giúp người thực tập tiến bộ.
Kệ Tâm Sở Thụy Miên
Uể oải và lờ đờ
Thức như đang ngủ mơ
Là tâm sở thuỵ miên
Khó thấy được bến bờ.
Hay buồn ngủ, thờ ơ
Tình trạng thì lập lờ
Tham uống ăn ham chơi
Buông lơi trong hiện tại.
Người không chịu phấn đấu
Tinh thần tận đâu đâu
Bào mòn hết nghị lực
Đời sống thật buồn rầu.
Hãy thực tập chánh kiến
Chuyển hoá những ưu phiền
Điều phục tâm bất thiện
Niềm vui khắp mọi miền.
32. Tâm Sở Tầm – Bình Yên Hiện Tiền – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Tầm – Vitakkacetasika
Bình Yên Hiện Tiền
Áp đặt tâm và các tâm sở cùng phát sinh trên đối tượng là đặc tính của tâm sở tầm. Đối với một đối tượng, nhiều tâm có thể phát khởi cùng lúc nhưng chưa chắc đối tượng được chú ý theo kiểu chánh niệm. Chánh niệm là nhận diện đơn thuần, biết hay ghi nhớ đối tượng, không sử dụng nhiều loại tâm tác động. Đặt tâm trên đối tượng và nghiên cứu đối tượng theo một thói quen bình thường, tuy vậy việc quán chiếu đối tượng chưa phải là nhiệm vụ của tầm. Ví dụ như uống nước, người không cần tìm hiểu nước này từ đâu tới, bao gồm các thành phần gì hay có tác dụng ra sao, chỉ biết nước là đối tượng cần đun sôi, để nguội hay làm các công chuyện khác. Nước trở thành đối tượng bị áp đặt, được sử dụng hay tác động. Đây là sự đối diện trực tiếp của tầm và mang ý nghĩa sâu sắc trong việc can thiệp vào cảnh. Tầm chỉ sự vững chãi của người đối với cảnh vì khả năng an trú trong cảnh và cùng với niệm, tầm không bị dính mắc vào cảnh, giống như sống chung với cảnh vậy, không bị cảnh đồng hoá. Người sống trong môi trường lầy lội không bị nhiễm ô bởi môi trường đó, mà chấp nhận và sống an lành. An trú trong cảnh không có nghĩa là cảnh hay đồng hoá với cảnh dù bản chất không có gì khác biệt. Nhận diện đơn thuần đối với cảnh hiện tại không đòi hỏi tâm áp đặt lên cảnh nên tầm không cần thiết trong việc thực tập chánh niệm. Cảnh hiện tại như vậy thì biết như vậy, không cần thêm nhiều màu sắc mới biết nó rõ ràng hay không rõ ràng. Tầm có thể an trú vào một cảnh nhưng cũng theo đuổi nhiều cảnh. Sự tán loạn của tâm do bắt nhiều cảnh hay chạy theo các cảnh khiến tâm không an trụ. Tập trung vào một cảnh hay đề mục, người có khả năng yên tịnh, tuy nhiên khi nhảy cảnh phải biết cảnh được tiếp xúc, bằng không sẽ đi theo đuôi cảnh, không nhận biết được thực tại.
Chánh niệm liên tục, người theo dõi sự phóng tâm, biết đang phóng đến cảnh nào, nhưng không ghê sợ mà vẫn theo dõi liên tục. Đến lúc nào đó, đề mục đang niệm được tập trung dễ dàng hơn. Cảnh được niệm liên tục sẽ được nhận biết rõ ràng ở nhiều khía cạnh. Giống như ăn canh chua, món canh được làm nên từ nhiều thành phần như bạc hà, thơm, giá, đậu bắp… Người không cần biết chi tiết các thành phần của canh chua, chỉ biết đó là canh chua được rồi, nhưng do tập trung cao độ, thành phần được nhận ra và ngày càng chi tiết hơn. Tầm có hai loại là tà tầm và chánh tầm. Tà tầm do tà niệm gây nên như bị kẹt vào các ái dục nhưng không biết là ái dục. Chánh tầm do chánh niệm tạo nên, làm nền tảng cho chánh tư duy, suy nghĩ một cách chân chính. Cảnh có sức lôi kéo mãnh liệt, như lôi người vào tham lam, sân hận, si mê… Do các năng lượng này xung quanh quá mạnh nên chúng bị đánh đồng với điều bình thường. Trong sân vận động, mọi người reo hò, người cũng muốn reo hò theo. Ngoại cảnh có sức hút kỳ lạ nhưng người có niệm sẽ chặn đứng ngoại cảnh, chấp nhận nó và xua tan các nghi kỵ, xem đó là chuyện bình thường. Chánh tầm đưa người vững chãi ở mọi hoàn cảnh, chẳng có gì bình thường và chẳng có gì bất bình thường, vì vậy chuyện bình thường hay không bình thường xảy ra không khác nhau nữa. Những hạnh phúc người ban tặng kẻ khác chính là xây dựng hạnh phúc cho mình nên bản thân có làm phước bao giờ, chẳng qua là tự làm giàu có thêm. Chánh tầm thúc giục người mang lợi ích cho ḿnh lẫn cho người, nhưng lợi ích cho bản thân cũng là lợi ích cho người. Một đứa con hiếu thảo là bản thân biết tự chăm sóc, cha mẹ không bận tâm nữa, bằng không họ phải lo lắng thêm vì đứa con già tuổi nhưng chưa bao giờ lớn. Tà tầm không làm được công việc của chánh tầm. Người luôn nghĩ đến cảnh tà dục và mong ước sống trong cảnh tà dục, tình trạng thất niệm gia tăng, nhưng nguy hiểm hơn, tà niệm khiến cho bị u mê, lầm đường lạc lối.
Người cần nhận thức đúng cảnh nhưng không phân biệt mà biết đây là cảnh thiện và đây là cảnh không thiện, vậy thôi. Không nhất thiết phải phán xét tính chất thiện hay bất thiện của nó. Khi cảnh bất thiện phát sinh, người có thể nghĩ đến cảnh thiện để đánh bật cảnh bất thiện, nhưng cách này vẫn mang tính trốn chạy không dám đối diện trực tiếp. Đứa trẻ không muốn nghe mẹ la rầy, vào phòng mở nhạc thật to lấn át tiếng mẹ, như vậy cũng được nhưng vẫn còn sự khó chịu hay sợ hãi. Người liên tưởng hậu quả có thể phát sinh do dính mắc vào cảnh bất thiện. Nói vậy, dính mắc vào cảnh thiện cũng có thể gây đau khổ như thường. Quán chiếu sự sinh diệt của cảnh, người thấy thiện hay không thiện đều mang tính vô thường. Cảnh đẹp cách mấy cũng phải tàn, người xấu cách mấy cũng phải tan, nên không kẹt vào cảnh nào. Tầm cầu cảnh thiện cũng không phải là điều đúng đắn, cảnh không thiện có khi lại tốt, thử thách độ vững chãi của người. Chánh niệm về tầm, người biết mình đang đi đâu, làm chủ bản thân, không cho cảnh sai khiến. Với tâm hiền lành trong sáng, cảnh hung dữ, gào thét bao nhiêu cũng không sợ.
Kệ Tâm Sở Tầm
Khi đã áp đặt tâm
Ấy là tâm sở tầm
Trên đối tượng quan sát
Các tâm sở nẩy mầm.
Cảnh được niệm liên tục
Không phân biệt uốn khúc
Dù tà hay chánh tầm
Cùng xây dựng hạnh phúc.
Cảnh thiện cảnh không thiện
Không trốn chạy triền miên
Bản thân luôn trong sáng
Bình yên sẽ hiện tiền.
33. Tâm Sở Tứ – Mọi Thứ Đều An Lành – Bảo Hiềm Tâm
Tâm Sở Tứ – Vicāracetasika
Mọi Thư! Đều An Lành
Tâm sở tứ có nghĩa là suy tư, quan sát và hướng tới đối tượng một cách rõ ràng hơn. Người biết về cảnh lâu và không trở nên hời hợt với cảnh. Kềm giữ cảnh không phải áp đặt cảnh tồn tại dài theo kiểu ráng sức hay ép buộc mà dành thời gian cho nó và hiểu nó biểu hiện như thế nào. An trú trong cảnh và làm chủ cảnh, người và cảnh là một. Người không còn hoài nghi vì thực tế đã thực sự tiếp xúc với cái trước đây còn phân vân, do dự. Đứa trẻ đi học về khoe với mẹ hôm nay đạt điểm mười môn toán nhưng người mẹ còn hoài nghi vì hồi nào tới giờ đứa con của bà chưa từng đạt điểm như vậy. Đứa con lấy trong cặp ra bài kiểm tra chứng minh lời nói của mình, bà mẹ hết hoài nghi và tiếp xúc với điểm số, bà tin đó là sự thật. Quan sát cảnh mơ màng, cảnh sẽ mơ màng; quan sát kỹ lưỡng, cảnh sẽ hiển lộ đầy đủ. Nhìn người từ xa thấy bóng dáng quen thuộc cứ ngỡ là người quen nhưng khi đi đến gần nhìn kỹ mới biết không phải. Sự kỹ lưỡng, cần mẫn và đầy đủ giúp người nhận biết cảnh, không lầm tưởng cảnh này với cảnh kia. Người có sự trông nom hay chăm sóc cảnh, niệm cảnh liên tục sẽ thấy cảnh diễn tiến như thế nào. An trú trong cảnh không có nghĩa buông trôi theo cảnh mà nắm bắt được cảnh liên tục và khắn khít với nó. Có cảnh đáng gìn giữ và có cảnh không đáng gìn giữ. Như cảnh trong sáng thì giữ và không trong sáng thì không giữ. Tuy nhiên tâm không phân biệt sẽ thấy các cảnh như nhau, không làm nhiệm vụ phân loại cảnh.
Cảnh luôn biến chuyển, không thể sử dụng tâm làm cho nó không mất đi. Chỉ có điều khi cảnh biến chuyển, tâm vẫn biết nó đang biến chuyển và nắm bắt trạng thái mới của nó, không nuối tiếc trạng thái cũ hay mong chờ trạng thái mới xuất hiện. Tâm gắn bó cảnh nhưng cảnh không phải là duy nhất, bất động không dời đổi mà cảnh di chuyển, tâm cũng di chuyển. Nói tâm di chuyển không có nghĩa là dao động mà vẫn bất động vì tâm biết cảnh đang di chuyển, vậy thôi. Nhìn chiếc xe biết đó là chiếc xe và quan sát xe có bốn bánh, màu sắc, kiểu dáng, hãng chế tạo… , tâm không đưa ra phán xét xe đẹp hay không, đồng thời lúc xe chạy, biết là xe chạy, không phán xét âm thanh có êm tai không, tay lái có thuận tiện không… Tiếp xúc liên tục với cảnh, người trở thành cảnh và đồng nhất với cảnh. Tuy nhiên người không hoà tan vào cảnh cho dù bản chất không khác gì nhau. Kết nối với cảnh không liên tục, người chạy theo các cảnh khác không thực sự có mặt và cảnh hiện tại bị phản bội. Cảnh hiện tại bao gồm cảnh bên ngoài lẫn bên trong. Cảnh bên ngoài như đang ăn cơm hay lặt rau và cảnh bên trong như đang suy nghĩ về một đối tượng nào đó. Chạy theo cảnh tức là cố gắng níu kéo hay đuổi bắt đối tượng trong khi không cần thiết như thế. Giống như người ta sợ quên đi quá khứ, các kỷ niệm đẹp nên ra sức khơi gợi liên tục các cảnh, đây gọi là cố nắm giữ. Muốn biết tâm có tĩnh lặng hay không phải đặt nó vào cảnh nên tâm và cảnh không thể tách rời. Đã có tâm thì phải có đối tượng của tâm. Buồn thì phải buồn về cái gì, không thể nói tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. Thật sự là có đối tượng của buồn, chỉ tại người không thèm hay không dám nói mình buồn cái chi. Nói cảnh là nhân cần thiết cho tứ chỉ mới một chiều vì tứ cũng có thể là nhân vì cảnh có mặt nhưng nếu tâm không chú ý, cảnh to lớn cũng trở nên mờ nhạt. Đứa trẻ ngồi chơi điện tử và bà mẹ ngồi làm việc bên cạnh. Sự chú ý vào trò chơi khiến trẻ quên mất người mẹ và cảnh màn hình đầy đủ hơn. Bà mẹ gần như bị biến mất do trẻ chỉ niệm cảnh trò chơi, quên bẵng bà ấy một thời gian.
Người thường hay tìm kiếm cảnh và xem xét cảnh nên người khổ. Cảnh dục lạc được chú trọng quá mức hay tâm phán xét lấn át mọi tính bình đẳng vốn có của các cảnh, người đắm chìm trong cảnh. Đắm chìm khác với an trú. Đắm chìm là bị cảnh sai khiến, còn an trú là biết cảnh với tâm an tịnh. Khi tâm còn phân biệt đây là cảnh thiện, đây là cảnh không thiện, người khó đạt sự tĩnh lặng của Niết Bàn. Đơn giản Niết Bàn là sự tắt ngấm với mọi yếu tố của thiện hay không thiện. Cảnh thiện không dính mắc và cảnh không thiện cũng không phản kháng. Đức Phật khuyên dạy chúng sinh không làm chuyện ác nhưng không vì thế mà lên án hay từ bỏ người ác. Người ác là người chưa kịp tốt thôi, chứ không phải họ ác mãi mãi. Cung cấp đầy đủ điều kiện thực tập, họ sẽ trở thành người tốt rất nhanh, có khi giỏi hơn cả người chuyên rao giảng về điều tốt. Ngày xưa đức Phật từng giáo hóa tên giết người hàng loạt, người này sau đó trở thành tu sĩ và đạt được sự tĩnh lặng tuyệt đối. Vậy chẳng có ai là người ác hay người tốt, chẳng qua họ tìm về an tịnh mau hay chậm. Tứ xem xét cảnh ở trạng thái vô thường, vô ngã và Niết Bàn. Nói cảnh là khổ chỉ đúng một phần do tính chất vô thường hay vô ngã mang lại. Nhận biết hai tính chất này, người đạt trạng thái bình thản, tự tại vì không mong cầu hay dính mắc, lúc này Niết Bàn có cơ hội hiện tiền. Không ai có thể chế tác ra Niết Bàn theo kiểu nhà máy sản xuất ra sản phẩm. Niết Bàn là biểu hiện tự nhiên và chỉ có thực tập mới tiếp xúc được. Chánh niệm về tứ, người quán chiếu tính vô thường, vô ngã và Niết Bàn của vạn vật. Mọi thứ đều cùng bản thể nên không cần mất thì giờ ngồi tạo ra sự khác biệt vì khác biệt cách mấy cũng chỉ là một.
Kệ Tâm Sở Tứ
Khi suy tư quan sát
Đối tượng thật rõ ràng
Là nhiệm vụ của tứ
Cảnh biểu hiện đường hoàng.
Tâm gắn bó với cảnh
Tiếp xúc thật đành rành
Dù di chuyển bất động
Người đồng nhất với cảnh.
Không cần tìm kiếm cảnh
Hay xem xét về cảnh
Với tâm không phân biệt
Mọi thứ đều an lành.
34. Tâm Sở Xan Tham – Cho Đi Đến Tận Cùng – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Xan tham – Macchariya cetasika
Cho Đi Đến Tận Cùng
Xan tham là tính keo kiệt hay hà tiện, có tiền thì không dám chi tiêu và khi chi tiêu thì tính toán kỹ lưỡng hoặc không đúng chỗ. Sự keo kiệt này không chỉ nằm ở chỗ tiền bạc mà còn nằm ở tinh thần, như có người không dám cười hay ích kỷ trong việc ban phát hạnh phúc cho người khác. Người với tâm xan tham có ác cảm với người không tham hay bực tức với hạnh phúc của người khác. Một chàng trai chuyên làm việc thiện dĩ nhiên không thích những người làm việc không thiện. Cũng vậy, người ích kỷ chê cười kẻ có tâm rộng rãi. Nói nhiều hơn, người không có đạo đức ghê sợ việc nghe nói hay bàn luận về đạo đức, thậm chí họ chỉ trích và căm ghét người thực tập đạo đức. Tâm tham thích ôm đồm của cải về vật chất lẫn tinh thần về phía mình. Về vật chất, do lòng tham không đáy nên càng có nhiều họ chẳng bao giờ thỏa mãn. Về tinh thần, họ thích người khác khen ngợi, chú ý hay coi trọng và ngất ngư trong những thứ gọi là ảo tưởng như vậy. Họ không dám buông bỏ hai thứ tài sản này mà cất giữ khư khư, mất mát nếu xảy ra là đau khổ tột cùng đối với họ. Chính vì sự ôm đồm đó, họ chất chứa đau khổ mà không biết, cho nên họ cũng không biết hạnh phúc chính là buông bỏ những thứ đó đi.
Người bị tù túng trong rừng vật chất và tinh thần, không chịu đựng được việc chia sẻ. Chia sẻ bị xem là hành động điên rồ, chỉ biết đến bản thân, không thèm đếm xỉa với ai. Tâm tham khiến người nổi sân hay buồn bực rất nhanh, vì điều muốn không đạt được, rồi thất vọng hay tuyệt vọng. Đó là nguyên nhân của sự đòi hỏi và mọi hoạt động hàng ngày đều phục vụ cho danh sách đòi hỏi của mình. Nhằm đạt được danh sách tự đặt ra, người đánh mất lòng quảng đại của mình, sẵn sàng tham gia các chiến dịch cạnh tranh, sát phạt lẫn nhau, hơn thua lời ăn tiếng nói… và ngày càng biến chất. Đứa trẻ khi mới sinh ra với tâm thật trong sáng, dễ thương nhưng bị hoàn cảnh đưa đẩy, không biết làm chủ bản thân nên lớn lên, không còn dễ thương nữa mà lại cộc cằn thô lỗ, ai động tới một chút là sẵn sàng ăn thua đủ. Khả năng tha thứ hay sẻ chia không còn nữa hoặc nhiều lúc muốn lắm chứ nhưng không dám vì không đủ can đảm buông bỏ. Họ cho hạnh phúc là những cái chất đầy, chất càng đầy càng có hạnh phúc, đây là hạnh phúc của lòng tham, trong khi bỏ bớt một sự dính mắc, hạnh phúc chân thật hiện tiền ngay lập tức. Bản thân không chịu buông bỏ đã đành, họ lại ngăn cản người khác không được buông bỏ, tức là lại đi dạy người khác tham lam, chất chứa kiến thức giống như mình. Và hằng hà sa số thế hệ tham lam ra đời, ăn sâu vào tiềm thức, trở thành văn hóa tham, mở miệng ra hay suy nghĩ đến là cống hiến cho sự nghiệp tham của mình. Nhìn thấy một người ăn xin, bạn đến mượn tiền hay người cầu xin sự giúp đỡ, tâm họ co rúm lại, sợ hãi, bực bội, khó chịu và mong người kia đi khuất mắt cho rồi. Họ hoạch định những lời từ chối khéo và lên danh sách những người sẽ giới thiệu đến để được nhờ cậy. Điều ngạc nhiên là họ rất khoái được người khác giúp đỡ, khoái được cung phụng và khoái được tiêu xài bằng tiền bạc không phải của mình, mặc dù bản thân đang đầy dẫy của cải. Người suy nghĩ chỉ có một chiều, đó là bản thân được tôn thờ tới mức trên đời sống này chắc không còn ai khác nữa. Tâm tham dẫn đến suy nghĩ, hành động, lời nói mang tính độc tài rất nhanh vì chẳng bao giờ nghe ai, nếu có nghe là để tìm cách chống đối.
Tham không muốn cho người khác những gì thuộc về mình và chỉ muốn thâu về những gì thuộc về người khác. Người trở nên nhỏ bé và nhiều khi biến mất mặc dù thân hình đẫy đà, mập mạp ra đó. Khi nói, họ nói, đây là nhà của tôi, đây là chiếc xe của tôi, đây là tác phẩm của tôi, người muốn khẳng định những tài sản thuộc về mình, thậm chí ích kỷ với cả anh em, dòng họ, bà con, bạn bè, người thương. Có người mua chiếc xe về không dám chạy mà để trùm mền và khi có ai tới thì mở ra khoe nhưng nếu có người chạm vào thì hãy coi chừng. Người như vậy có phải đáng thương không? Tiền kiếm được không dám xài, người cần giúp đỡ lại không dám giúp, tại sao thế? Nhiều người biết chia sẻ nhưng chia sẻ không đúng chỗ, như người thiếu thốn không chia sẻ mà chỉ chia sẻ với người dư dả để xây dựng mối quan hệ hay chứng minh sự dư dả của mình. Bây giờ có người làm từ thiện hay đi tu để lấy tiếng tăm, à tôi đã cống hiến tài sản thế này, à tôi đã mở khoá tu hay viết cuốn sách thế này rồi tự tung hô mình lên. Họ chưa bao giờ thực sự buông bỏ mà đang chất chứa sự nổi tiếng hay muốn được kính trọng. Ở Việt Nam có trường hợp giành cúng dường xây chùa. Một ông giám đốc muốn xây chùa và yêu cầu chỉ mình được phép xây thôi, không ai được quyền hùn phước vào. Dĩ nhiên vị trụ trì không đồng ý vì chùa dành cho bá tánh đến tu học nên tất cả mọi người đều có quyền hùn phước vào đó. Vị giám đốc kia chỉ muốn xây chùa để lấy tiếng nên không chịu yêu cầu này chẳng qua vì lòng tham, muốn chứng tỏ mình là người xây chùa, muốn chỉ một tên mình khắc trên tượng đá của ngôi chùa thôi. Lòng tham của người khủng khiếp đến như vậy, làm biến chất những tâm hành thiện và đến khi giật mình tỉnh giấc, mình không nhận ra mình nữa. Khi tôi đến một tu viện để học hỏi pháp môn, người nào cũng muốn làm giáo thọ, người nào cũng muốn thuyết pháp, người nào cũng muốn được khen là ăn nói giỏi. Thật là nguy hiểm, tại sao không nghĩ, ai muốn làm giáo thọ thì cứ làm, ai muốn thuyết pháp thì cứ làm, ai muốn được khen thì cứ muốn, nhiệm vụ của người tu là tu, chỉ có tu mà thôi và dĩ nhiên muốn tu được thì phải buông bỏ những ham muốn kia, đồng thời đập tan bản ngã.
Chánh niệm về tham để biết người đang tham, đang có sự đòi hỏi và cần thiết ngưng sự đòi hỏi đó lại để không bị kẹt vào cái tham. Người tham không biết là đang tham, có người nói, sao anh tham quá vậy, thì người giãy nãy lên, lắc đầu lia lịa, tôi nào có tham gì đâu, tôi tham hồi nào. Sự phản đối thường hay xảy ra vì bản thân chỉ muốn được khen thôi. Nếu có chê thì chê người khác đi, đừng có chê mình, ai mà đụng tới mình là có chuyện. Người trở thành quả bom nổ chậm, đụng tới người là người sẽ nổ lum tùm cho coi. Không ai trong chúng ta là trung tâm của vũ trụ, cho dù đó là một vị vua, một vị tổng thống hay thủ tướng. Nếu xem bản thân là trung tâm vũ trụ, người chỉ chuốc họa vào thân, tâm của người không bao giờ an tịnh, luôn tìm cách để được chú ý tới và đến khi không tìm được cách nữa, người đau khổ vô cùng và luôn tự hỏi, tại sao không ai để ý đến mình, tại sao họ thờ ơ lãnh đạm với mình. Hãy dừng lại những tham lam này có phải người rảnh rang, có đủ thì giờ sống hạnh phúc với người thương và bạn bè hay không. Hãy buông bỏ liên tục, đừng bao giờ dừng lại vì những gì người cho đi chưa bao giờ đủ so với những cống hiến của muôn loài dành cho mình. Nếu cứ mãi ích kỷ, cuộc sống sẽ ích kỷ với mình. Nếu bao dung quảng đại, mọi người sẽ bao dung quảng đại với mình. Nhưng thật ra đâu cần ai làm thế, bản thân làm thế với mọi người cũng đủ lắm. Muốn chia sẻ, hãy chia sẻ ngay bây giờ vì ngay mai có thể người đã không còn nữa, ngay một lời yêu thương cũng không kịp nói. Khi có hạnh phúc hay biết cách thực tập hạnh phúc, hãy chia sẻ bí quyết đó ngay, đừng chần chờ, đừng do dự, ngay cả với Phật Pháp. Có lần tôi đọc một bài viết của tu sĩ trên mạng Internet tố cáo tu sĩ khác ăn cắp bản quyền sách. Thật đáng tiếc. Cuốn sách viết ra là sự đóng góp của hằng hà sa số yếu tố, tác giả chỉ là người có duyên tổng hợp yếu tố đó thôi, chẳng ai ăn cắp tác quyền của ai cả. Dừng lại đi cho hiện tại rõ ràng, dừng lại đi cho lòng quảng đại trào dâng, dừng lại đi cho tha thứ tất cả mà trước hết hãy tha thứ chính người.
Kệ Tâm Sở Xan Tham
Keo kiệt và hà tiện
Khư khư giữ bạc tiền
Ghê sợ sự rộng rãi
Tham vật chất, tinh thần.
Không bao giờ chia sẻ
Thân tâm không mát mẻ
Hạnh phúc là chất đầy
Ít chấp nhận lắng nghe.
Người chỉ muốn thâu về
Những gì thuộc kẻ khác
Tình thương đã tan nát
Hành xử như ngủ mê.
Hãy chấm dứt đòi hỏi
Tập nếp sống khiêm cung
Cho đi đến tận cùng
Bố thí không mệt mỏi.
35. Tâm Sở Sân – Tuy Giận Mà Lại Thương – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Sân – Dosa cetasika
Tuy Giận Mà Lại Thương
Sân là tâm không thích một đối tượng nào đó, rồi trở nên bực tức, đàn áp, khó chịu, ác cảm và sinh ra đau khổ. Nhìn gương mặt, cách nói chuyện hay hành xử, biết tâm sân người như thế nào. Sân luôn mang lại sự đau khổ, ăn không ngon, ngủ không yên và nhuốm bệnh rất nhanh. Cơ thể tiết ra chất độc, tích tụ lâu ngày và bệnh tật phải mang.
Thông thường, người bị các yếu tố bên ngoài chi phối và bản thân không vững vàng, nên dễ nổi sân, hơn nữa tự đặt ra các tiêu chuẩn bắt buộc bên ngoài theo ý của mình. Vì hay sân nên ít lắng nghe, ngã mạn quá lớn, chỉ cho mình là đúng, làm người khác khổ đã đành, bản thân cũng khổ nữa. Tình trạng thất niệm khiến sân xảy ra rất mau, bất cứ mọi chuyện đều làm mình sân và nghĩ chuyện này người kia đem cái sân đến mình. Khả năng chấp nhận rất yếu kém, và chấp nhận không được nên buông bỏ cũng không được. Mình thích nằm trong vùng khổ đau, không hiểu rõ nguyên nhân của nó mà còn tiếp tay cho việc nhân rộng vùng khổ đau. Các yếu tố làm mình sân nhiều lắm, bên ngoài có đầy, bên trong cũng vậy. Bên ngoài có cảnh sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, lời nói, xúc chạm, bên trong có suy nghĩ, đòi hỏi, tham vọng, mong cầu… Bất cứ điều gì bên ngoài lẫn bên trong không vừa ý, không thoả mãn, mình nổi sân, sân ở đây không chỉ là sự giận dữ, mà còn là sự bực tức, bất mãn, so đo, phân bì, không hài lòng, thất vọng… Nếu có sự tu tập, người sẽ điềm tĩnh và từ tốn trước cái gọi là sự kích thích từ bên ngoài và trấn an dục vọng bên trong. Sử dụng bình an bên trong để làm cho bên ngoài bình an, nhưng vì thực sự bình an, người không còn tác động gì đến bên ngoài, bên ngoài mặc nhiên bình an rồi. Do có nhiều tưởng, chất chứa tri giác sai lầm, việc truyền thông yếu kém, người đi từ cái sân này đến cái sân khác, nên tự làm khổ mình, thậm chí sân cái vô cớ, sân cái không đáng sân. Thế giới ngày nay đầy dẫy những phương tiện gây sân và nó ăn sâu vào tiềm thức con người, hở một chút là sân. Có người tự hào về cái sân của mình, cho rằng sân là một yếu tố khẳng định vị trí hay cá tính. Lối suy nghĩ dại dột như vậy đem tác hại đến bản thân mà không biết, lúc nào đó nó quật ngã mình bằng những trận cuồng phong.
Người hay nổi sân là do tham, cái tham không được đáp ứng nên nổi sân là chuyện đương nhiên. Vì chạy theo lối sống sành điệu, chàng trai không được công nhận nên sinh tâm tức giận, do chàng tham, tham được khen, tham được chú ý. Sân như lửa cháy, đổ dầu vào lửa, lửa càng cháy thêm, như đuôi con thằn lằn, bị đứt lìa, nó càng vẫy vùng cựa quậy lung tung, như con thiêu thân, bay vào nước chết mà cứ tưởng là ánh sáng, và tận cùng của cơn thịnh nộ, cáu kỉnh, bực dọc liên miên là cái chết, đoạ lạc và nghiệp xấu hoành hành. Có người tự cho là mình nổi tiếng về sự nóng tính, đó là tự hào ảo, vì tự làm khổ mình mà không biết. Người mê muội hay như vậy, tự hào những cái không thật. Người đang giận nhưng không biết mình giận, bị cơn giận chi phối, cái giận đó to ra, phá nát tất cả như trận hồng thủy. Nhìn cơn sóng thần xem, nó đi tới đâu càng quét tới đó, xe cộ bị bốc lên cao rồi đổ ụp xuống nát bét. Cơn giận giống như vậy, bao nhiêu yêu thương tan biến, người thân kể chi, lời nói có xá gì. Cái miệng hại cái thân, cơn sân hại thân tâm. Sân có tính hung hãn, muốn chứng minh, muốn đập phá, không còn là mình nữa. Biết rằng ăn nói dữ dẵn sẽ làm tan nát tất cả, vậy mà vẫn làm, biết rằng ăn nói không có chánh niệm sẽ làm xa cách người thương, vậy mà vẫn nói, biết rằng hành động sai trái sẽ làm đổ vỡ tất cả, vậy mà vẫn làm. Đơn giản vì không làm chủ được cơn giận, mình biến thành cơn giận, cục than hồng nóng thế nào, thân tâm mình nóng y chang, rất ghê gớm. Người đang sân trong tình trạng rất đau đớn, không muốn làm gì hết ngoài việc muốn đập phá, muốn gây oan trái, muốn trả thù. Muốn tu giỏi, phải diệt trừ cái sân của mình, không phải là lấy nó ra khỏi mình mà biết cách làm cho nó nằm im, nếu không không còn là người tu nữa, mà là người gì đó, rất lạ lẫm. Sân là ngọn lửa thiêu rụi cả căn nhà, làng xóm, cánh rừng, thành phố, quốc gia. Nguyên thủ quốc gia nổi sân, cả đất nước gánh chịu hậu quả chiến tranh, đốt cháy cả dân tộc.
Chánh niệm về sân để biết người đang sân, quay trở về theo dõi hơi thở, đi ra khỏi vùng sân hận, khi thân tâm êm dịu trở lại, quán chiếu nguyên nhân cái sân, thấy rõ do mình thôi, người kia cũng có nhiều đau khổ, mình nên thương người đang đau khổ và rải tâm từ đến người đó. Giọt từ bi trong tim ứa ra, ôm lấy mình, ôm lấy người làm mình giận, cơn giận sẽ được chuyển hóa. Mình đã làm gì, đã nói gì, đã suy nghĩ gì khiến người đó giận mình và phản kháng khiến mình giận. Tìm hiểu nguyên nhân rất có lợi cho mình bởi vì có thể mình mang tri giác sai lầm, người sai chính là mình và nếu người kia sai, mình cũng góp phần vì cách hành xử của mình như thế nào khiến người kia hiểu lầm nên đã ứng xử như thế. Hiểu rõ nguyên nhân, mình giải tỏa được cái tưởng, không mang cái tưởng đó nữa. Một số án được phán quyết sai vì người thẩm phán không đủ các chứng cớ hay chứng cứ thu thập không thực nên hàm oan đeo đuổi người tù. Muốn giải oan, chứng cớ có đủ và nếu biết chứng cứ không thực, không nên đưa ra lời phán quyết. Cũng vậy, chưa biết thực hư, đã lên cơn sân, có phải dại dột hay không, mang cái oan vào trong mình. Và nếu như nguyên nhân được tìm hiểu, sử dụng chất liệu của tình thương để ôm ấp chuyển hóa cơn giận. Bài kệ về giận như sau, Tuy giận mà lại thương – Thương người còn đau khổ – Cái giận không còn chỗ – Khi vị tha bao dung. Tha thứ sẽ không còn giận và giận chỉ qua là sự thăng trầm của tâm, còn đòi hỏi, còn mong cầu. Thực tập tha thứ, người không lỗ lã mà còn cao thượng quảng đại, giữ gìn hoà khí và mang bình yên quay về. Không tha thứ nổi nên giận triền miên, làm người giận mình hả hê, trong khi bản thân đau khổ. Người kia không biết cách làm mình vui, chỉ biết làm mình giận, còn mình biết cách, tại sao lại giống họ. Hơn nữa, có ai làm mình giận đâu, chẳng qua chưa thực tập đủ tha thứ và bình an nên tự mình quấy rối mình.
Cơn giận có nhiều mức độ. Tuy vậy, dù mức độ nào cũng không nên sân và nếu có thì biết cách làm êm dịu nó. Vấn đề không phải là giải quyết sân như thế nào mà là thực tập ra sao để sân không có mặt. Thường xuyên chánh niệm, điều phục tâm ý, chia sẻ các phương thức thay đổi, tập bốn tâm vô lượng…, người dần dà quen thuộc với tâm tĩnh lặng và tĩnh lặng mọi lúc đồng nghĩa với việc an nhiên với sân, chuyện gì xảy ra vẫn bình thản, vô tư, mỉm cười như thường. Người lớn không nên truyền đạt sân cho người trẻ như truyền đạt lòng căm thù chẳng hạn, theo kiểu Romeo và Juliette. Hai dòng họ căm thù nhau, không cho hai trẻ yêu thương đến nỗi chàng và nàng phải quyên sinh. Sự căm thù của người lớn ăn sâu vào người trẻ, bắt người trẻ phải đi theo. Điều này nguy hiểm vô cùng, vì nó tạo tiền lệ căm thù dai dẳng, đi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người trẻ biết thực tập sẽ chuyển hóa được hận thù từ tổ tiên hay cha ông, chấm dứt hận thù từ thế hệ hiện tại. Phim ảnh, báo chí và truyền thông góp phần vào việc gây hận thù không nhỏ và vì có tính phổ thông, chúng cần được sử dụng để quảng bá yêu thương và bao dung nhiều hơn. Sinh mạng bị đe dọa cũng vì đánh mất sự tự chủ. Cái khổ chưa được giải quyết đã vội vã tước đi sinh mạng của người hay chính mình. Nói sân là tên đao phủ giết người từ từ hay giết người không gớm tay thật không sai. Nghiệp bất thiện xảy ra và người mãi chìm đắm trong sân hận, trong đau thương, tội nghiệp lắm. Cơn giận qua đi, người bắt đầu hối hận và than thân trách phận sao lúc đó quá nông nỗi, không biết tự chủ, không biết kiềm chế bản thân. Thực tập từ bi, yêu thương, tha thứ ngay bây giờ để không có giây phút hối tiếc như thế.
Kệ Tâm Sở Sân
Không thích một đối tượng
Bực tức và đàn áp
Khó chịu và ác cảm
Chính là tâm sở sân.
Người ít khi lắng nghe
Ngã mạn lại quá lớn
Khả năng chấp nhận kém
Người tìm về khổ đau.
Nổi sân là do tham
Tự hào những cái ảo
Bị cơn giận chi phối
Đập vỡ tan nát cả.
Tuy giận mà lại thương
Thương người còn đau khổ
Cái giận không còn chỗ
Khi vị tha bao dung.
Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
TG.Minh Thạnh
http://sachminhthanh.wordpress.com
Theo Phật Pháp Ứng Dụng