“Phật thì như thể mẹ cha
Con mà nhớ mẹ, mẹ nào bỏ con”
Từ xưa đến nay có hai quan điểm khác nhau về thế giới Tây phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Một quan điểm cho rằng có một cõi Cực lạc thật cách cõi Ta bà của chúng ta về hướng Tây chừng mười muôn ức Phật độ như được ghi trong kinh A Di Đà. Quan điểm thứ hai cho rằng Cực lạc là thế giới của tự tâm “Duy tâm Tịnh độ”. Cõi lòng mình thanh tịnh thì đó là Cực lạc chứ làm gì có một Phật quốc như thế bên ngoài. Những người theo quan điểm này đã giải thích thế giới Cực lạc thuần về mặt lý. Họ giải thích hiện tượng “hoa khai kiến Phật” có nghĩa là mọi chúng sanh đều là hoa sen cả (kinh Pháp Hoa), từ hạ hạ phẩm cho đến thượng thượng phẩm tất cả có chín phẩm là biểu thị mức độ “nở hoa” của hành giả. Nở hoa ít là giác ngộ ít, nở hoa nhiều là giác ngộ nhiều, cho đến nở toàn phần là thành Phật. Hoặc 1 trong 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà là “Nếu có chúng sanh nào niệm danh hiệu Ta từ một tới mười niệm mà không được vãng sanh thì Ta quyết không thành Chánh giác” có nghĩa rằng: Phật là giác, cho nên niệm Phật là niệm giác, trái với niệm chúng sanh là niệm mê. Từ mê sang giác tức là vãng sanh đó.
Còn đối với những người tin có một cõi Tịnh độ thật thì không cần phải lý luận nhiều, vì đã có sẵn “giấy trắng mực đen” là các kinh luận về pháp môn Tịnh độ như kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ… cộng thêm các “kỳ tích” như niệm Phật biết trước ngày giờ vãng sanh… nhiều không kể xiết. Sự tranh luận giữa hai quan điểm đó chẳng khác gì sự tranh luận giữa Duy tâm và Duy vật trong triết học, có thể nói là bất phân thắng bại.
Có hay không một cõi Cực Lạc ở phương Tây? Đối với vấn đề này bản thân người viết cũng có những suy tư. Nay xin được sẻ chia, để gọi là sách tấn nhau trên đường tu tập vậy.
Giáo lý Phật giáo cho ta biết rằng thế gian này có mười pháp giới là Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ và thấp nhất là cảnh giới Địa ngục. Mười pháp giới này được xét theo hai phương diện. Một là chỉ cho những trạng thái tâm lý của chúng sanh. Khi tâm ta thanh tịnh thì đó là Phật, tâm từ bi là Bồ tát, tâm hay quán nhân duyên các pháp là Duyên giác, tâm thích an trú vào sự tịch tịnh một cách yểm ly đối với cuộc đời là Thanh văn, tâm thánh thiện là chư Thiên, tâm nhân ái với người thì là Người, tâm nóng giận, hiếu chiến là A tu la, tâm tham ăn là Súc sanh, tâm bỏn xẻn là Ngạ quỷ, tâm độc ác là Địa ngục. Ở phương diện thứ hai, xu hướng tâm đó sẽ quy định con đường dẫn đến tái sanh vào cảnh giới tương ứng sau khi chết. Ví dụ người giữ ngũ giới, sống tròn bổn phận làm người thì trở lại làm người, người tham lam bỏn sẻn thì chết sanh làm ngạ quỷ… Qua đó chúng ta thấy rằng có cảnh giới “Lý” ở trong tâm con người mà cũng có cảnh giới “Sự” ở ngoài tâm con người. Có trạng thái Sơ thiền: “Ly dục, ly bất thiện pháp, có tầm, có tứ, chứng và trú thiền thứ nhất” thì cũng có cõi trời thuộc Sắc giới tương ứng để cho người đạt được loại thiền định đó sanh vào sau khi bỏ báo thân người. Nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, cho đến phi tưởng phi phi tưởng xứ định… đều có những cảnh trời tương ứng ở Sắc giới và Vô sắc giới. Trên cơ sở đó cho phép ta suy luận về vấn đề Tịnh độ và Uế độ cũng không khác. Nghĩa là có “Lý” Tịnh độ ở trong tâm mà cũng có “Sự” Tịnh độ ở bên ngoài. Ngoài ra có một điều mà hầu như những người chủ trương “Lý Tịnh độ” đều quên, đó là họ nói “Duy tâm Tịnh độ” nên không có Tịnh độ bên ngoài, vậy thử hỏi tâm uế trược của chúng sanh ở cõi Ta bà há lại không có cõi Ta bà thật sự sao? Tôi đã trăn trở về điều này trong một thời gian dài, cho đến khi đọc Ngữ lục của Đại sư Ấn Thuận, tôi lại càng xác tín thêm suy nghĩ của mình trước đó. Đại sư nói: “… Từ trên đã biết Tịnh độ không những có mà còn rất vui, lại có sự thù thắng riêng biệt. Giới Phật giáo lại nói “Duy tâm Tịnh độ”, cho rằng Tịnh độ chỉ ở trong lòng người, ngoài tâm thật không có Tịnh độ. Nói pháp như thế rất trái với ý của Phật. Phải biết thế giới chỉ do tâm hiện, nói thế cố nhiên là đúng, nhưng đã nói như vậy thì phải biết uế độ cũng chỉ do tâm niệm. Nay thừa nhận uế độ chỉ do tâm hiện là thực hữu hiện tiền, tại sao không thừa nhận Tịnh độ chỉ do tâm hiện là có thật. Cố nhiên đã tin Tịnh độ thì phải tin sự có thật của nó, không được chấp lý bỏ sự” (Nhựt Chiếu dịch, Ngữ lục của Đại sư Ấn Thuận. NXB Phương Đông, 2009, tr.120). Thật là một nhận định vô cùng xác đáng!
Trong các kinh Đức Phật đều dạy rằng vũ trụ này có vô số vô lượng cõi nước (khoa học ngày nay cũng xác nhận có hàng tỷ dải Ngân hà, mỗi dải lại có hàng tỷ hành tinh), như cõi nước của Đức Phật Dược Sư, cõi nước của các hàng chư Thiên… Chúng ta chấp nhận các cõi nước đó, chấp nhận tất cả (kể cả hành tinh của chúng ta) mà hoài nghi cõi nước Tây phương. Như vậy liệu có khắt khe, bất công đối với Đức Phật A Di Đà lắm không? Tôi cho rằng vũ trụ đã có vô lượng vô số thế giới, có hàng tỷ tỷ hành tinh như thế thì việc có thêm một cõi nước Cực lạc nữa cũng không ngại gì. Cho nên đối với tôi, sự hiện hữu của cõi Tây phương Cực lạc là hoàn toàn có thể.
Riêng bản thân, tôi có một sự hâm mộ rất sâu xa đối với Tỳ kheo Pháp Tạng cũng như đối với cõi nước của Phật A Di Đà. Kinh điển Phật giáo cho biết rằng, thế giới được hình thành do hai sức mạnh, nguyện lực của chư Phật, Bồ tát và nghiệp lực của chúng sanh. Đối với một người xuất gia bình thường như tôi mà còn có ước muốn một hoàn cảnh tu học bình yên, thì một bậc đại nguyện như Tỳ kheo Pháp Tạng có tâm nguyện trang nghiêm Tịnh độ, được chứ? Và cõi Cực lạc chính là kết quả của nguyện lực đó.
Trong Phật giáo có rất nhiều tông phái, thực chất đó là những pháp môn tu khác nhau. Tôi thấy trong các kinh A hàm hay Nikàya, Đức Phật cũng tùy theo đối tượng mà đưa ra phương pháp tu học khác nhau, có khi gần như đối lập nhau nữa. Ví dụ như khi có ngoại đạo trình bày sở tu của họ là mắt không cho thấy sắc, tai không cho nghe tiếng… thì Đức Phật bảo rằng như vậy người đui người điếc là những người tu giỏi nhất. Và Ngài cho biết rằng, mắt không phải là kiết sử của sắc, mà sắc cũng không phải là kiết sử của mắt… mà chính là “dục tham” trói buộc chúng sinh. Ví như con trâu này không trói buộc con trâu kia mà chính là cái ách giữa chúng ràng buộc chúng lại với nhau. Nhưng ở trường hợp khác, Đức Phật lại dạy chúng ta phải phòng hộ các căn của mình như con rùa giấu tứ chi và đầu của nó vào trong mai. Có một bài thơ rất hay nói về hạnh viễn ly như sau:
“Tăng ở thành thị Phật tổ la
Tiên hiền chư vị ẩn non mà
Nguồn trong trên núi nhân gian chảy
Thanh thủy trở thành sóng đục ra”.
Có người nói rằng tâm mình tịnh thì ở đâu cũng tịnh, hà tất phải Đông phương hay Tây phương, điều này đúng. Nhưng nếu như tâm mình chưa tịnh thì cần một hoàn cảnh tịnh để tịnh tâm mình, thì có gì là sai? Và thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà là một môi trường tu học hoàn hảo, cả vật chất lẫn tinh thần, cả sinh hoạt lẫn tu học, cho những ai muốn có một hoàn cảnh thuận lợi để tịnh hóa tâm mình đó vậy.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, tâm và cảnh càng phù hợp bao nhiêu thì càng dễ vãng sanh bấy nhiêu. Cho nên tôi cũng thường tâm niệm rằng, trước khi vãng sanh qua Tây phương thì ở tại nơi đây, mỗi ngôi chùa (đối với người tại gia thì đó là ngôi nhà) cần được xem như là một cõi Cực lạc, để hết thảy mọi người đều được an vui tu hành và bất thối chuyển đạo tâm.
Hữu Huệ