Ngày xưa có một người rất hiếu khách. Một hôm, hắn muốn mở tiệc chiêu đãi nên mời rất nhiều người bà con, bạn bè và những khách quý có danh tiếng ở địa phương đến dự tiệc. Bấy giờ, ở địa phương này sữa là thực phẩm cao cấp, chủ nhà đã mời rất nhiều khách, tất nhiên phải có nhiều sữa để thết đãi.

Nhưng tìm đâu ra có nhiều sữa như thế? Do đó, hắn nghĩ ra một cách là chứa nhiều sữa trong bụng bò. Nghĩ thế, người này liền bắt bò mẹ và bò nghé nhốt riêng để bò nghé không bú sữa mẹ; hắn cũng cắt cỏ non về cho bò mẹ ăn, để được có nhiều sữa.

Đến ngày đãi tiệc khách đến rất đông, hắn dắt tất cả bò mẹ ra. Hắn muốn vắt sữa ngay tại chỗ để mời khách, nhưng hắn vắt đi vắt lại vẫn không chảy ra một giọt sữa. Có rất nhiều khách nhìn thấy sự việc này, đợi mãi họ sốt ruột ùn ùn kéo nhau ra về. Có người tức giận nói:

– Anh mời khách đến đây mục đích làm gì? Có phải bỏ đói mọi người để làm trò đùa cho thiên hạ?

Kỳ thật, hắn muốn làm cho mọi người cảm tình và khoe khoang sự giàu sang của mình; nhưng trái lại làm cho mọi người oán trách, hắn mất đi thể diện quá nhiều.

Bài học đạo lý

Khi nhân loại còn sống trong hang, lúc đói bụng họ mới đi tìm thức ăn, dần dần về sau mới có chế độ gia đình, mọi người bắt đầu biết để dành thức ăn. Đó là: “Trời nắng chứa lúa gạo, để trời mưa có ăn”.

Lúc đầu, con người chỉ tích chứa lương thực cho mùa mưa. Sau đó, tâm tham nổi lên, dần dần cất chứa càng nhiều, lương thực thiên nhiên tất nhiên không đủ để phân phối, nên họ nghĩ ra cách săn bắt chim thú. Về sau, nhà vua chỉ dạy mọi người trồng trọt cho đến ngày hôm nay, nhân loại càng văn minh thì lòng tham con người càng không đáy. Việc cất chứa vốn là tri thức tiến bộ của nhân loại, nhưng cất chứa bất hợp pháp cũng trở thành kẻ ngu, hoặc dẫn đến tội ác trong thoáng chốc. Ví dụ, thời xưa cất chứa trái cây trải qua vài ngày thì nó trở thành hôi thối, thịt thú vật để lâu cũng bịsình lên, sinh dòi ô nhiễm chịu không nổi; chẳng những con người tàn sát thú vật mà còn tạo thành nguyên nhân hai bên đánh nhau giành thức ăn.

Có người thường nói: “Đợi khi có tiền, tôi sẽ bố thí làm từ thiện”. Nhưng bố thí không bắt buộc chúng ta phải có tiền mà nên đem tri thức, học vấn, sức khoẻ, năng lực của mình bất cứ lúc nào cũng có thể giúp mọi người khi cần; đâu phải cầm tiền cho người, cũng không nhất định để dành đủ tiền mới đem ra bố thí. Bố thí cần ở tấm lòng thương xót, thông cảm, sẻ chia với mọi người; thậm chí tâm cung kính đối với mọi người. Nếu người có tâm như vậy là tùy tâm, tùy lực mà bố thí thì công đức vô lượng. Nếu chúng ta không làm được như vậy thì không gọi tùy duyên bố thí.

Muôn sự ở thế gian đặc biệt là của cải, cần phải sử dụng hợp lúc, hợp nơi, hợp người thì mới có thể thông suốt mọi việc. Nếu chúng ta sử dụng không thích hợp thì ở đâu cũng tạo nghiệp, đánh nhau, kết oán, bị mọi người chán ghét; lại còn chuốc lấy nguyên nhân tai họa và khổ não.

Chúng ta kết oán nhiều đời nhiều kiếp, luân hồi không dứt cũng bắt đầu do đây. Cất chứa là bước khởi đầu văn minh và tri thức tiến hóa của nhân loại. Cá nhân mỗi người dành dụm là để phòng thân khi ốm đau hay lụt lội, thiên tai, khốn khổ đem ra sử dụng. Gia đình dành dụm của cải là để “nuôi con để dưỡng già; chứa gạo phòng khi đói”. Nhưng “con người sống không quá một trăm năm, thường lo lắng đến nghìn năm”. Chúng ta muốn dành dụm tiền của để lại cho con cháu nhiều đời, vô tình lại tiếp tay hại con cháu, bọn chúng quen ăn sung mặc sướng, lười lao động; hoặc có sẵn tiền đi cờ bạc, nhậu nhẹt trở thành hư đốn. Quốc gia cất chứa lương thực là để nuôi binh lính, mua vũ khí, chuẩn bị dùng khi chiến tranh xảy ra; hoặc cứu trợ cho nhân dân khi gặp thiên tai bão lụt, hỏa hoạn v.v… nhưng càng tích lũy nhiều càng đưa đến việc không hay là: “Con người khi no ấm thì nghĩ tới chuyện sinh hoạt tình dục”. Tích góp nhiều sinh ra cờ bạc, rượu chè, ăn chơi ắt có một phần của nó. Hay cuộc sống con người khi quá đầy đủ vật chất sẽ đưa đến lười biếng, kiêu ngạo, ỷ thế giàu sang gạt gẫm mọi người. Có tiền kết nhiều bạn bè nhậu nhẹt, lại khích động lòng tham bất chính của con người. Có người muốn kiếm chác. Có người muốn ăn cắp. Có người muốn lừa gạt. Có người muốn chiếm lấy. Có người muốn chia chác. Tất cả mọi người đều muốn cái lợi về mình, tất nhiên chuyện phải trái đều xảy ra. Việc này họa hay phúc? Đều có nhân duyên của nó.

Cổ đức nói: “Dành dụm của cải để lại cho con cháu, chưa chắc gì chúng nó được hưởng, làm thiện được ghi công vào sử sách để lại con cháu, chưa chắc gì chúng nó đọc; chi bằng tích đức để cho con cháu, làm cho chúng được giàu sang”. Hoặc nói: “Cho con nhiều của cải, không bằng dạy con một nghề”. Có người nói: “Con cháu tự có phúc của nó, đừng thay nó làm trâu ngựa”. Vì thế, chúng ta dành dụm của cải để lại cho con cháu là việc làm vô cùng ngu ngốc. Nếu như chúng ta tích đức, làm thiện mới là tài sản vô hình để lại cho mình và con cháu; còn như chúng ta ra sức tu hành, vun bồi trí huệ, nuôi dưỡng công đức, tu thiền định; như thế là gần thành Phật và giải thoát sinh tử. Qua câu chuyện này, bất luận là nhà khoa học, triết học, tôn giáo học, y học, hay nhà chính trị, quân sự v.v…đều giúp bổ ích bài học tích lũy tri thức và kinh nghiệm của rất nhiều người. Nếu chúng ta biết vận dụng thích hợp, dù tốn rất ít thời gian, nhưng được rất nhiều kinh nghiệm và tri thức, đem sự lợi ích cho nhân loại rất nhiều; còn như chúng ta ứng dụng không thích hợp thì tri thức càng cao hại người càng nhiều. Cho nên, mỗi việc ở thế gian đều có hai mặt lợi và hại, chỉ cần chúng ta khéo vận dụng thì lợi và hại khác nhau một trời một vực.

Biên soạn: Pháp sư Thánh Pháp
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
Hiệu đính: Thiện Thuận