Lời dẫn: Lòng tham là thiên tính của con người, nhưng tham cũng có tham thiện, tham ác, tham chính, tham tà. Phần đông mọi người đều vì tự tư tự lợi mà tham. Con người vì tham của cải, sắc đẹp, danh lợi mong được càng nhiều càng tốt nên dẫn đến hành vi tạo tội ác. Vì thế, Đức Phật dạy tham, sân, si là ba độc.

Ngày xưa có một tiên nhân ở chốn rừng sâu tu học đạo khổ hạnh, cuối cùng ngài chứng đắc ngũ thông. Ngũ thông là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông và túc mạng thông. Thiên nhãn thông là có thể nhìn thấu sự vật ở rất xa, dù ở trên trời hay dưới nhân gian. Thiên nhĩ thông là có thể nghe tất cả mọi âm thanh. Thần túc thông là bay đi tự tại khắp thiên hạ năm châu bốn biển. Tha tâm thông là biết được trong tâm người khác đang suy nghĩ điều gì. Túc mạng thông là biết được sự việc mình và người khác ở quá khứ đời trước.

Vị tiên nhân này, vì chứng thiên nhãn thông thấy được châu báu nằm ẩn dưới lòng đất nên chuốc lấy tai họa vào thân. Bởi vì, dân chúng nghe tiên nhân nhìn thấu rõ châu báu ở dưới lòng đất nên một đồn mười, mười đồn trăm truyền khắp cả nước. Nhà vua nghe được tin này, liền hỏi các cận thần:

  • Này các khanh! Các ngươi có nghe dân chúng đồn trong núi kia, có vị tiên nhân tu chứng ngũ thông thấy được châu báu nằm ẩn dưới lòng đất không? Các đại thần thưa:
  • Tâu bệ hạ! Chúng thần có nghe nói, nhưng chưa thấy vị tiên nhân này.
  • Chúng ta hãy mời tiên nhân này về ở luôn trong nước của chúng ta, để ông ta chỉ chúng ta khai thác tài nguyên ở dưới lòng đất. Khanh nào mời được ông ta để chỉ kho tàng châu báu?

Có một đại thần thưa:

  • Tâu bệ hạ! Thần xin đi vào trong núi thỉnh vị tiên nhân này.

Vị đại thần này đi vào núi mời tiên nhân. Nhưng bất luận đại thần dùng mọi cách khuyên mời, cưỡng bách, dụ dỗ mà tiên nhân vẫn không chịu nói kho tàng châu báu. Cuối cùng đại thần móc mắt của tiên nhân đem về dâng lên nhà vua. Vua hỏi:

  • Tại sao khanh lại móc mắt của tiên nhân? Đại thần thưa:

 

  • Tâu bệ hạ! Cho dù thần dùng đủ mọi cách nhưng tiên nhân cũng không chịu hợp tác, ông ta có thể thấy châu báu trong lòng đất chính là đôi mắt này; cho nên thần móc mắt của ông ta thì thấy được châu báu trong lòng đất. Chúng ta cần gì hợp tác với ông ta?


Bài học đạo lý

 Nhà vua vì muốn khai thác kho tàng châu báu trong lòng đất mà cầu tiên nhân chỉ dạy. Tên đại thần vì không sai khiến được tiên nhân nên móc mắt của ông. Một người là tham, một người là ngu si, cấu kết với nhau hại tiên nhân. Hại người lại không lợi mình thành bất chính là do tâm tham thôi thúc phải không?

Lòng tham như là thiên tính của nhân loại. Thật ra là thói quen từ vô thỉ đến nay, chúng ta gọi thiên tính cũng được, thói quen cũng chẳng sai. Làm người không thể không có lòng tham, có tham người ta mới cạnh tranh lẫn nhau, thúc đẩy xã hội, quốc gia tiến bộ nhanh chóng. Nếu như con người không có lòng tham thì ai nấy đều sinh ra lười biếng, ngay cả chuyện ăn uống cũng trở thành vấn đề bàn cãi thì tiến bộ cái gì?

Mỗi việc ở thế gian đều có hai mặt đúng sai. Chúng ta theo phương pháp chính đáng để cạnh tranh cầu tiến bộ, tất nhiên là đúng. Nhưng thường ở thế gian là tham không biết đủ, đưa đến tranh giành, tính toán so đo, tạo nghiệp. Vậy mọi người có thể ngăn chặn được lòng tham phạm pháp không? Có người hiểu sai nói: “Phật pháp tiêu cực dạy người không được tham”. Kì thật, tham hợp tình hợp lý và không trái với Phật pháp. Bởi vì: “Phật pháp ở thế gian không lìa thế gian mà giác ngộ”. Phật pháp ở thế gian làm lợi ích cho thế gian, giác ngộ ngay thế gian, bằng không thì Phật pháp chẳng có ai đến. Có hạng người tham là tham không đáy, đều là tham hại người lợi mình, tham bóc lột người khác là tham tạo nghiệp làm ác. Vì thế, Phật pháp nói tham, sân, si là ba độc. Chúng ta muốn tránh khỏi tham ác này thì phải có trí huệ.

—o0o—

Biên soạn: Pháp sư Thánh Pháp
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
Hiệu đính: Thiện Thuận