Khemā (theo tiếng Bali nghĩa là điềm tĩnh) sinh ra trong hoàng tộc nước Magadha, là một cô gái rất xinh đẹp và thông minh.
Khi tới tuổi kết hôn, cô đã nhanh chóng trở thành phi tần của vua Bimbisara. Ông là một đại thí chủ (người cung dưỡng đồ ăn cho tăng đoàn) của đức Phật Thích Ca. Ông đã đem tặng cho tăng đoàn cả khu vườn trúc rộng lớn của mình để xây tăng xá, đồng thời rất quan tâm tới các tỳ kheo.
Từ khi về nhà chồng, Khemā đã được vua kể rất nhiều cây chuyện về đức Phật. Tuy nhiên, trước sau cô vẫn nhất định không chịu đi gặp đức Phật Thích Ca. Cô nói rằng, cô sợ Đức Phật sẽ phê phán vẻ đẹp của mình nên không muốn đi. Cô rất cố chấp nên dù quốc vương có khuyên thế nào, thuyết phục thế nào cũng không nghe.
Cuối cùng, quốc vương đã nghĩ ra một cách, ông thuê các ca sĩ vào cung hát những bài ca ngợi vẻ đẹp và sự hòa nhã của khu tịnh xá trúc lâm. Do Khemā là người rất thích vẻ đẹp của tự nhiên nên khi nghe những bài hát đó đã không cưỡng lại được, quyết định tới trúc lâm thăm thú.
Hôm đó, Khemā mặc áo lụa, xức nước thơm, trang điểm xinh đẹp bước tới giảng đường nơi đức Phật đang thuyết pháp. Đức Phật có thể đọc được suy nghĩ của cô, vì vậy đã biến ra một thiếu nữ xinh đẹp, đứng cạnh bên người của Khemā và quạt cho cô. Cô bị sắc đẹp của cô gái cầm quạt lôi cuốn, trong lòng nghĩ: “Ta chưa từng gặp một cô gái nào xinh đẹp như vậy. Có lẽ ta còn kém xa cô ấy nữa. Người ta nói các sa môn thường coi khinh những người xinh đẹp, nhất định là hiểu sai họ rồi”.
Lúc đó, đức Phật bèn hóa phép cho cô gái xinh đẹp kia dần dần già đi, qua tuổi trung niên, rồi tới tuổi già, tới lúc không còn chiếc răng nào, tóc bạc trắng, da nhăn nheo, cuối cùng ngã xuống đất hấp hối. Tới lúc này, Khemā mới hiểu rõ sự vô thường của cuộc sống và cái hư ảo của vẻ đẹp bề ngoài. Trong lòng cô nghĩ: “Cô gái đẹp như vậy mà còn bị hủy hoại thế kia thì ta sớm muộn cũng không thoát khỏi kết cục đó”.
Đúng vào giây phút đó, cô đã giác ngộ một cách triệt để. Mặc dù trên người vẫn mặc những trang phục xa hoa của hoàng cung, Khemā đã chứng quả A La Hán. Sau đó ít lâu, do được quốc vương Bimbisara đồng ý, cô đã gia nhập vào tăng đoàn, trở thành một tỳ kheo ni.
Đối đáp về Như Lai
Đức Phật Thích Ca khen ngợi Khemā là người có “trí tuệ số 1” trong số các tỳ kheo ni của tăng đoàn. Điều này hoàn toàn không chỉ là truyền thuyết, một đoạn đối thoại trong kinh “Tương ứng bộ” đã chứng tỏ rất rõ điều này. Đoạn đối thoại đó cho thấy, trí tuệ của bà có ảnh hưởng tới mức nào đối với quốc vương Pasenadi.
Chuyện kể rằng, vị quốc vương này lúc đó đang du ngoạn tới nước Kosala. Khi màn đêm tới, quốc vương tới một thị trấn nhỏ. Tại đây quốc vương Pasenadi muốn tìm kiếm một người để nói chuyện với mình. Vì vậy, ông đã sai tùy tùng đi tìm các sa môn hoặc các thầy tu Bà la môn thông thái tới.
Người hầu đi hỏi thăm khắp nơi nhưng không tìm được vị sa môn hay Bà la môn nào đúng như yêu cầu của chủ nhân. Tuy nhiên, sau đó họ biết được rằng, một đệ tử của Phật Đà là tỳ kheo ni đang ở trong thị trấn. Người này nhờ vào tài trí thông minh, nghe rộng, biết nhiều lại rất giỏi hùng biện mà nổi tiếng khắp vùng. Người đó không ai khác chính là nữ đệ tử nổi tiếng của Phật đà – Khemā.
Sau khi Pasenadi nhận được tin báo đã được quyết định đi gặp Khemā, cung kính hỏi bà về chuyện Như Lai sau khi chết:
– Như Lai sau khi chết có tồn tại không?
– Đức Thế Tôn không nói Như Lai sau khi chết tồn tại.
– Vậy Như Lai sau khi chết không tồn tại hay sao?
– Đức Thế Tôn không nói như vậy.
– Vậy Như Lai sau khi chết vừa tồn tại, vừa không tồn tại hay sao?
– Đức Thế Tôn không nói như vậy.
– Vậy Như Lai sau khi chết đi vừa không tồn tại, vừa không thể không tồn tại hay sao?
– Đức Thế Tôn không nói như vậy.
Nhận thấy quốc vương Pasenadi có vẻ không thỏa mãn với câu trả lời của mình, bà quyết định lấy một ví dụ để minh chứng cho những lý lẽ của mình. Bà hỏi quốc vương Pasenadi rằng: “Liệu quốc vương có thể có được các nhà số học hoặc các nhà thống kế học giỏi tính toán tới mức có thể tính toán được có bao nhiêu hạt cát dưới sông Hằng hay không?”. Quốc vương trả lời rằng điều đó là không thể, bởi lẽ, cát trong sông Hằng là không thể tính toán được, không thể đếm được.
Bà lại hỏi quốc vương rằng: “Liệu ngài có biết ai là người tính toán được bao nhiêu nước dưới biển không?”. Quốc vương lại trả lời rằng, điều đó là không thể, bởi lẽ nước biển sâu tới mức không thể đo được thì làm sao mà đong đếm được.
Tới lúc này, bà mới điềm tĩnh nói rằng, Như Lai cũng như vậy. Bất cứ người nào muốn định nghĩa được Phật đà chỉ có cách là vượt qua ngũ uẩn. Tuy nhiên, những người đã kinh qua, đã giác ngộ thì không còn câu nệ ở thân phận cá nhân của họ nữa: “Như Lai không thể dùng sắc, thị, tưởng, hành, thức (ngũ uẩn) mà đo đếm được. Ngài giống như biển sâu không thể dò được đáy”. Vì thế, không thể nói tới tồn tại hay không tồn tại của Như Lai sau khi chết. Tất cả những mệnh đề nói trên không thể định nghĩa được Như Lai, vốn là khái niệm không thể định nghĩa.
Quốc vương Pasenadi nghe những lời giải thích của Khemā, cảm thấy rất vui. Sau đó, khi ông gặp đức Phật, cũng hỏi lại đúng 4 câu hỏi nói trên. Câu trả lời của Đức Phật cũng giống hệt với câu trả lời của Khemā, thậm chí cách dùng từ, đặt câu cũng giống y như vậy. Quốc vương Pasenadi nghe xong, cảm thấy rất kinh ngạc. Lúc này, ông mới cảm thấy khâm phục trí tuệ của Khemā, nữ đệ tử có trí tuệ số 1 của Đức Phật.
Theo ĐPNN.