Thật khó kiểm soát con voi to lớn có ngà Dhanapālaka, vì nó mạnh mẽ chạy nhảy, vì nó đang ở trong thời kỳ sung mãn.Tuy nhiên, vì nó bị xích chân và bị nhốt, nên nó đau buồn bỏ ăn vì nó khát khao nhớ rừng, nhớ đàn voi, và nhớ thương bố mẹ nó.
Trong khi cư trú tại Tu Viện Veluvana (Trúc Lâm), Đức Phật đã nói bài kệ nầy về một ông già Bà La Môn.

Ngày xưa, ở Sāvatthi có một ông già Bà La Môn, ông có tám trăm ngàn tiền mặt (tiền Ấn Độ). Ông có bốn người con trai; mỗi khi một trong những người con ông lấy vợ, ông cho con một trăm ngàn. Do đó, ông đã cho các con tất cả là là bốn trăm ngàn. Sau đó, vợ ông qua đời. Các con ông đến thăm ông, và họ chăm sóc ông rất là cẩn thận; các con ông thật sự rất thương yêu, và có nhiều tình cảm trìu mến với ông. Trong một thời gian sau đó, các con ông đã dỗ-dành ông cho họ bốn trăm ngàn, là tất cả số tiền ông còn lại. Vì thế, trên thực tế ông chẳng còn một đồng xu dính túi.

Đầu tiên, ông đến ở với người con trai cả của ông. Sau vài ngày, người con dâu nói với ông rằng, “Bố có cho chồng con vài trăm, hoặc vài ngàn nhiều hơn các người con khác hay không? Bố không biết đường đi đến nhà các người con khác hay sao?” Sau khi nghe xong, ông già Bà La Môn rất tức giận, rồi ông đi đến nhà của người con thứ nhì. Câu chuyện xảy ra sau đó ở nhà các người con khác, giống y hệt như nhà người con cả. Vì thế, ông già trở nên bơ vơ, không có nơi nương tựa; rồi, ông chống gậy và cầm bát đi đến gặp Đức Phật để xin ngài bảo vệ ông, và cho ông một lời hướng dẫn.

Tại tu viện, ông Bà La Môn kể với Đức Phật về chuyện các người con trai đã đối xử với ông như thế nào, và ông xin ngài giúp đỡ ông. Sau đó, Đức Phật đã đưa ông một bài thơ để ông ghi nhớ, và ngài bảo ông hãy ngâm to bài thơ nầy ở bất cứ nơi nào mà có đám đông. Ý chính của bài thơ nầy như sau: “Bốn người con trai ngu ngốc của tôi giống như là lũ quỷ. Chúng gọi tôi là ‘bố ơi, bố tôi ơi”, tuy nhiên, đấy chỉ là những lời nói giả dối phát ra từ miệng, chứ không phải là lời chân thật phát ra từ trái tim của chúng. Các con trai tôi là những người mưu mô, và giả dối. Chúng đã nghe lời vợ, và đuổi tôi ra khỏi nhà. Vì thế, bây giờ tôi phải đi ăn xin. Cây gậy chống nầy còn giúp cho tôi nhiều hơn là các con trai của tôi.” Khi ông già Bà La Môn ngâm lớn bài thơ nầy, nhiều người trong đám đông nghe ông ta nói, họ trở nên giận dữ các người con trai ông, và thậm chí một số người còn đe dọa là sẽ giết các người con trai ông.

Vào lúc nầy, các người con trai của ông già Bà La Môn trở nên sợ hãi, họ quỳ xuống dưới chân bố họ, và họ xin bố họ tha thứ. Họ cũng hứa rằng kể từ ngày hôm nay, họ sẽ chăm sóc bố cẩn thận, và họ sẽ tôn trọng, và thương yêu bố, và làm cho bố vinh dự. Sau đó, họ đưa bố về nhà họ; và họ cũng cảnh báo vợ họ rằng hãy chăm sóc bố họ cẩn thận, bằng không các bà vợ sẽ bị đánh cho đến chết. Mỗi người con trai cho bố họ vải (để may quần áo), và mỗi người cho bố họ một mâm thức ăn. Ông Bà La Môn trở nên khỏe mạnh hơn xưa, và ông bắt đầu lên cân. Ông biết rằng ông có được hạnh phúc như ngày hôm nay là nhờ Đức Phật. Vì thế, ông đến gặp Đức Phật, và ông xin ngài nhận ông cúng dường hai mâm thức ăn (trong tổng số bốn mâm thức ăn) mà ông nhận được mỗi ngày từ các người con trai ông. Rồi, ông ra lệnh cho các con ông mang hai mâm thức ăn đến cúng dường Đức Phật.

Một hôm, người con trai cả mời Đức Phật đến nhà anh, để anh ta cúng dường ngài thực phẩm. Sau bữa ăn, Đức Phật đã cho mọi người một bài giảng về lợi ích của sự chăm sóc bố mẹ. Sau đó, Đức Phật nói rằng điều nầy liên quan đến câu chuyện con voi Dhanapāla, là con voi đã chăm sóc bố mẹ của mình. Con voi Dhanapāla khi bị bắt nhốt, nó đau đớn hao mòn, vì thương nhớ bố mẹ đang ở trong rừng.

Vào cuối bài giảng của Đức Phật, ông già Bà La Môn, cũng như bốn người con trai và các bà vợ đã đạt quả Nhập Lưu.

 

Kệ 324, Kho Báu Sự Thật
(The Story Of An Old Brāhmin, Verse 324, Treasury Of Truth)
Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến – Hình Vẽ: P. Wickramanayaka